Đề bài: Tả cảnh một phiên chợ ở quê hương em.

Đề bài: Tả cảnh một phiên chợ ở quê hương em. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Tả cảnh một phiên chợ ở quê hương em.

Đề bài: Tả cảnh một phiên chợ ở quê hương em.

Dàn bài

1. Mở bài: Vào những ngày phiên chợ, làng em ồn ào, sôi động hẳn lên.

2. Thân bài:

  • Tờ mờ sáng, chợ đã khá đông.
    • Từng tốp, từng tốp người quang gánh nặng tíu tít đổ về chợ.
    • Con đường làng em tấp nập người qua lại, đông vui như hội.
  • Chợ họp trên bãi đất rộng cuối làng. 
  • Người bán cũng tự động ngồi thành từng dãy tuỳ theo mặt hàng.
    • Chính giữa chợ là hàng chục sạp tạp hoá.
    • Phía cuối chợ là khu bán lúa gạo, ngô, đậu, lạc, sắn, khoai... 
    • Góc chợ là nơi bán gia súc.
    • Xế sang góc bên này là hàng rau quả. 
  • Chợ quê em có nhiều hàng bán tranh Tết. 

3. Kết bài: cảm nghĩ về phiên chợ quê em.

Bài văn

Quê em là một làng nhỏ ven sông Cầu, khung cảnh yên ả, thanh bình. Náo nhiệt nhất có lẽ là vào những ngày phiên chợ, làng em ồn ào, sôi động hẳn lên.

Chợ làng em là chợ chung cho cả xã, một tháng có sáu phiên vào các ngày mùng bốn, mùng chín, mười bốn, mười chín, hăm bốn, hăm chín Âm lịch.

Tờ mờ sáng, chợ đã khá đông. Từng tốp, từng tốp người quang gánh nặng, từ trên đê xuống, từ bên kia sông đi đò sang, từ làng dưới lên, tíu tít đổ về chợ, tiếng trò chuyện râm ran. Con đường làng em tấp nập người qua lại, đông vui như hội.

Chợ họp trên bãi đất rộng cuối làng. Tuy không quy định nhưng những người bán cũng tự động ngồi thành từng dãy tuỳ theo mặt hàng. Chính giữa chợ là hàng chục sạp tạp hoá. Nào kim chỉ, gương lược, giấy vở, bút chì, phấn bảng, cho đến cả bóng đèn, ấm chén, phích nước... thứ gì cũng có. Quần áo may sẵn bày la liệt cho người mua dễ nhìn, dễ chọn.

Phía cuối chợ là khu bán lúa gạo, ngô, đậu, lạc, sắn, khoai... Mấy bà buôn chuyến mua gom rồi chở ra thị xã. Góc chợ là nơi bán gia súc. Những chú lợn con bị nhốt trong rọ, nghếch mõm ngó người mua. Đàn gà nhép liếp chiếp trong lồng, nhớn nhác nhìn cảnh lạ. Lũ vịt bị trói chân thành từng cặp, lâu lâu lại đập cánh phành phạch rồi kêu cạc cạc ầm ĩ.

Xế sang góc bên này là hàng rau quả. Thôi thì đủ loại cây nhà lá vườn. Những củ su hào xanh non còn nguyên phấn trắng, cải bẹ mỡ màng. Cà chua đỏ ối từng rổ lớn xếp cạnh những bó hành dọc xanh củ trắng nõn nà. Cam, quýt, hồng xiêm, ổi... tươi rói, thơm lừng.

Bây giờ chưa phải là tháng Chạp nhưng chợ quê em đã có nhiều hàng bán tranh Tết. Làng Đông Hồ nổi tiếng cách làng em không xa. Người ta mua tranh gà, tranh lợn, tranh cá chép trông trăng về treo trong dịp Tết cho nhà cửa thêm đẹp đẽ và cầu mong một năm mới thịnh vượng, ấm no. Có lẽ đây là sở thích riêng của người dân vùng Kinh Bắc quê em từ xa xưa truyền lại.

Suốt buổi sáng, cảnh mua bán tấp nập diễn ra. Tiếng mời mọc, tiếng mặc cả, khen chê ồn ã, náo nhiệt, thật là vui! Mặt trời đứng bóng, chợ đã vãn, dòng người gồng gánh nối theo nhau toả về các ngả. Làng em trở lại yên tĩnh như khung cảnh thường ngày của nó.

Bài mẫu 2: Tả cảnh một phiên chợ ở quê hương em.

Đề bài: Tả cảnh một phiên chợ ở quê hương em.

Dàn bài

1. Mở bài:giới thiệu về phiên chợ tết quê em.

2. Thân bài:

  • Phiên chợ quê là dịp mọi người từ khắp nơi đổ về giao lưu, buôn bán gặp gỡ.
  • Những mặt hàng đa dạng, phong phú được bày bán trên từng gian hàng rất gọn gàng.
  • Mọi người nói chuyện, cười đùa rôm rả.
  • Tiếng cười nói, rò chuyện vui vẻ, dường như có sự quen thân trên những gương mặt tưởng như chưa từng gặp gỡ.
  • Mọi người đều chung nhau ở tấm lòng quê chân thật, gần gũi, mộc mạc chứ không chút toan tính, xô bồ.
  • Những người bán hàng ra sức quảng cáo, mời gọi người mua. 
  • Các mặt hàng rất sặc sỡ, phong phú và bắt mắt, hấp dẫn người mua.
  • Nó nhắc tôi một thuở từng hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng thật tuyệt vời.

3. Kết bài: cảm nghĩ về phiên chợ quê em.

Bài văn

Quê hương là chùm khế ngọt”, phải chăng cách định nghĩa như vậy của nhà thơ Đỗ Trung Quân là bởi quê hương luôn là những gì rất gần gũi đơn sơ mà thân thuộc trong tâm tưởng của chúng ta. Đi về trong những gì mộc mạc êm đềm ấy của dáng quê, cảnh quê, hồn quê có lẽ có cả những phiên chợ quê thân thương, đẹp đẽ nữa.
Quê hương là nơi ta chôn rau cắt rốn, nơi ửng hồng gò má ta, là nơi ta cất tiếng khóc oa oa đầu tiên. Nơi đây, luôn gắn với những gì thân thuộc, hồn nhiên của ấu thơ. Trong số những kỉ niệm về miền quê thân thương hẳn không thể thiếu hình ảnh chúng ta lon ton chạy theo mẹ những ngày thơ bé khi đi chợ quê. Phiên chợ quê là dịp mọi người từ khắp nơi đổ về giao lưu, buôn bán gặp gỡ nhau. Những mặt hàng đa dạng, phong phú được bày bán trên từng gian hàng rất gọn gàng, theo một hệ thống sắp đặt chứ không hề lộn xộn. Nào rau, nào hoa, nào quả rồi các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua, tép hay những lồng ngan, gà, vịt cũng được hội tụ đầy đủ nơi đây. Mọi người nói chuyện, cười đùa rôm rả, tiếng mời bán, gọi mua, tiếng giao hàng, tiếng mặc cả tạo nên nhịp sôi động, huyên náo. Một thứ âm thanh rộn ràng của sự sống chứ không hề là vẻ êm đềm, yên ả như mọi khi. Những sạp hàng bán bánh rán, bánh cuốn, hay các gói xôi, cốc chè, bánh kẹo có lẽ luôn được mọi người kéo đến nhiều. Nhìn mọi người ngồi ăn trông mới vui vẻ, hạnh phúc. Tiếng cười nói, rò chuyện vui vẻ, dường như có sự quen thân trên những gương mặt tưởng như chưa từng gặp gỡ. Mọi người đều chung nhau ở tấm lòng quê chân thật, gần gũi, mộc mạc chứ không chút toan tính, xô bồ.

Những người bán hàng ra sức quảng cáo, mời gọi người mua. Người tiêu dùng, có lẽ đông đảo nhất là các bà, các mẹ, các chị, bởi họ là những người lo cho bữa ăn cả gia đình thì xúng xính vui vẻ cầm trên tay những chiếc làn nhỏ để đựng đồ. Các mặt hàng rất sặc sỡ, phong phú và bắt mắt, hấp dẫn người mua, trên mỗi gương mặt đều ánh lên nét tươi vui, thân mật. Tôi lại nhớ lại hình ảnh mình đâu đó, có một thời đã từng léo nhéo, nhí nhố chạy quanh chân mẹ đòi mua bánh rán, đòi mua những thức quà ngon lạ. Nó nhắc tôi một thuở từng hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng thật tuyệt vời. Quê hương gắn với phiên chợ quê luôn là một nét văn hóa truyền thống rất đẹp, một lối đẹp xưa cũ, êm đềm, một nét đẹp rất riêng của những gì chân quê, mộc mạc mà đằm thắm.
Phiên chợ quê thân thương, đông vui, tấp nập chính là một nét đẹp trong những sinh hoạt văn hóa truyền thống của làng quê. Nơi có những con người bình dị, mộc mạc, có sự tươi vui của cuộc sống mới đầy náo nức, rộn ràng

Bài mẫu 3: Tả cảnh một phiên chợ ở quê hương em.

Đề bài: Tả cảnh một phiên chợ ở quê hương em.

Dàn bài

1. Mở bài: Giới thiệu về phiên chợ quê em.

2. Thân bài:

  • Khi ông mặt trời vừa mới ló rạng sau lũy tre làng
    • Cảnh đi chợ lúc nào cũng đông vui, làm nhộn nhịp con đường buổi sáng.
    • Chợ cũng là nơi giao lưu, trao đổi, buôn bán chính của người dân trong làng.
  • Chợ quê tôi tuy không lớn lắm nhưng lúc nào cũng thật đa dạng và phong phú .
    • Ở đầu chợ là những gian hàng bán thực phẩm.
    • Ở một gian khác là nơi bán thịt và cá.
    • Bên cạnh gian bán thực phẩm là gian đồ dùng sinh hoạt gia đình.
    • Tôi thích nhất là được mẹ dẫn qua gian bán quần áo.
    • Ở cuối chợ là một gian chuyên bán đồ ăn. 
  • Chợ lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp bởi tiếng nói cười của mọi người.
    • Người bán thì ra sức mời chào
    • Đâu đó vang lên tiếng mặc cả.
    • Đó là thứ âm thanh gợi sự yên bình của một cuộc sống ấm no, trù phú.

3. Kết bài: cảm nghĩ về phiên chợ quê em.

Bài văn

Hồi còn ấu thơ, ai mà chẳng một lần nhõng nhẽo được theo mẹ cùng đi chợ quê. Chợ là một phần quê hương, một phần kỉ niệm trong tâm tưởng của chúng ta. Chợ quê còn gắn liền với những thức quà giản dị mang hương vị của hương đồng gió nội.
Những người dân quê tôi đi chợ từ khi ông mặt trời vừa mới ló rạng sau lũy tre làng, tỏa những ánh mắt ấm áp đầu tiên xuống mặt đất. Cảnh đi chợ lúc nào cũng đông vui, làm nhộn nhịp con đường buổi sáng. Chợ cũng là nơi giao lưu, trao đổi, buôn bán chính của người dân trong làng. Chợ quê tôi tuy không lớn lắm nhưng lúc nào cũng thật đa dạng và phong phú với nhiều mặt hàng được bày bán. Ở đầu chợ là những gian hàng bán thực phẩm. Nào là những gian với rau củ quả xanh tốt, được người nông dân trồng tại chính vườn nhà mình: những bó rau ngót, rau muống, mùng tơi tươi tốt, những quả bầu, quả bí, cái bắp, súp lơ.. cùng với nhiều trái ăn quả khác được bày bán la liệt. Ở một gian khác là nơi bán thịt và cá. Những con cá béo mập nằm trong chậu quẫy đuôi làm nước bắn lên tung tóe. Những con gà, con vịt ở trong lồng giương mắt nhìn người mua. Bên cạnh gian bán thực phẩm là gian đồ dùng sinh hoạt gia đình. Ở đây có thể tìm thấy mọi đồ dùng, dụng cụ thường dùng trong cuộc sống hàng ngày. Tôi thích nhất là được mẹ dẫn qua gian bán quần áo, mua cho một bộ quần áo mới. Người ta có đủ những loại quần áo dành cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Ở cuối chợ là một gian chuyên bán đồ ăn. Có những bát phở, bát bún nóng hổi, những cốc chè ngon mát dành cho ngày hè nóng lực, những chiếc bánh rán, bánh mì vừa mới ra lò thơm ngon và béo ngậy.
Chợ lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp bởi tiếng nói cười của mọi người. Người bán thì ra sức mời chào, đâu đó vang lên tiếng mặc cả. Đó là thứ âm thanh gợi sự yên bình của một cuộc sống ấm no, trù phú. Ở chợ, tôi cũng bắt gặp những gương mặt thân thương, bình dị, hiền lành, chất phác của quê hương mình. Người đi chợ nhiều nhất vẫn là các bà, các chị. Họ là những người chăm lo chủ yếu cho sinh hoạt của gia đình. Ai cũng mong muốn mua được những thực phẩm thật tươi ngon để bữa ăn gia đình được phong phú mà vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng. Những em bé nắm tay mẹ đi chợ thì thích nhất là được mua cho một thứ đồ chơi hay quà bánh. Nhìn cảnh tượng ấy, tôi lại thấy trong đó có bóng dáng của mình năm nào.
Chợ quê là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam, là nơi lưu giữ những yên bình, mộc mạc của làng quê. Nhớ chợ quê, tôi nhớ một quê hương bình dị mà xiết bao thương mến.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 5


Copyright @2024 - Designed by baivan.net