Đề bài: Một người thân trong gia đình em hoặc người em quen biết làm nghề thủ công rất giỏi (làm nghề may, thêu, đan mây tre hoặc thợ mộc, thợ rèn, thợ nề). Em hãy tả lại người đó đang lao động.

Đề bài: Một người thân trong gia đình em hoặc người em quen biết làm nghề thủ công rất giỏi (làm nghề may, thêu, đan mây tre hoặc thợ mộc, thợ rèn, thợ nề). Em hãy tả lại người đó đang lao động. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Một người thân trong gia đình em hoặc người em quen biết làm nghề thủ công rất  giỏi (làm nghề may, thêu, đan mây tre hoặc thợ mộc, thợ rèn, thợ nề). Em hãy tả lại người đó đang lao động (thợ may).

Đề bài: Một người thân trong gia đình em hoặc người em quen biết làm nghề thủ công rất  giỏi (làm nghề may, thêu, đan mây tre hoặc thợ mộc, thợ rèn, thợ nề). Em hãy tả lại người đó đang lao động.

Dàn bài

1. Mở bài: Giới thiệu nhân vật miêu tả và nghề của họ.

2. Thân bài:

  • Hình dáng:
    • Năm nay chị tròn hai mươi tuổi
    • Nước da chị trắng muốt.
    • Mái tóc cắt ngắn, màu nâu, ôm lấy khuôn mặt thon thả, đầy đặn.
    • Đôi mắt to sáng long lanh dưới đôi lông mày cong cong với sông mũi cao, trông chị vừa thông minh nhanh nhẹn, vừa thanh tú nhẹ nhàng.
  • Khi làm việc:
    • Dáng chị ngồi lặng lẽ, chiếc đầu nghiêng nghiêng cúi xuống cặm cụi đan. 
    • Đôi bàn tay thon nhỏ lướt qua lướt lại nhịp nhàng thoăn thoắt tựa thoi đưa.
    • Thỉnh thoảng chị lại dừng tay để ngắm đường đan của mình.
    • Có lúc chị gật gù ra vẻ hài lòng, rồi cũng có lúc chị nhíu mày bởi một mũi đan bị lỗi. 

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật ấy và nghề của họ.

Bài văn

Chị Hoa của em thường được bà con trong xóm khen ngợi vừa dẹp người, đẹp nết lại đảm đang. Chị lại giỏi đan, may, thêu thùa. Chính vì vậy mà sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, chị sớm trở thành xã viên của hợp tác xã thêu đan.

Năm nay chị tròn hai mươi tuổi. Vốn từ bé đến lớn chị không phải làm việc nặng giữa nắng, mưa, nay lại suốt ngày ngồi trong râm mát để đan nên nước da chị trắng muốt. Mái tóc cắt ngắn, màu nâu, ôm lấy khuôn mặt thon thả, đầy đặn. Đôi mắt to sáng long lanh dưới đôi lông mày cong cong với sông mũi cao, trông chị vừa thông minh nhanh nhẹn, vừa thanh tú nhẹ nhàng. Chị Hoa rất chăm chỉ với nghề của mình. Ngoài giờ đan tại hợp tác xã, chị còn mang hàng về nhà. Vào buổi chiều, mỗi tối dưới ngọn đèn nêon sáng trưng, dáng chị ngồi lặng lẽ, chiếc đầu nghiêng nghiêng cúi xuống cặm cụi đan. Đôi bàn tay thon nhỏ lướt qua lướt lại nhịp nhàng thoăn thoắt tựa thoi đưa. Thỉnh thoảng chị lại dừng tay để ngắm đường đan của mình. Có lúc chị gật gù ra vẻ hài lòng, rồi cũng có lúc chị nhíu mày bởi một mũi đan bị lỗi. Cứ đứng mà ngắm nhìn chị, tự nhiên thấy chị đẹp và dịu dàng làm sao.

Chị bận luôn tay với hai que đan như vậy nhưng hễ thấy chúng em tới, chị niềm nở chuyện trò, nhiều khi bọn nhỏ tò mò nghịch cuộn len của chị, chị cũng không la rầy mắng mỏ gì. Đối với cô bác xóm giềng, hễ ai có việc gì nhờ mượn, chị sẵn sàng giúp đỡ không quản gì. Vì vậy, chẳng những chúng em mến chị mà cô bác trong vùng đều mến chị.

Còn ở phân xưởng, chị luôn đạt chiến sĩ thi đua vì sản phẩm của chị năm nào cũng cao và đẹp. Hình ảnh chị Hoa ngồi làm việc đã đi vào trong ước mơ của em sau này.

Bài mẫu 2: Một người thân trong gia đình em hoặc người em quen biết làm nghề thủ công rất  giỏi (làm nghề may, thêu, đan mây tre hoặc thợ mộc, thợ rèn, thợ nề). Em hãy tả lại người đó đang lao động (thợ mộc).

Dàn bài

1. Mở bài: Giới thiệu nhân vật miêu tả và nghề của họ.

2. Thân bài:

  • Người thợ:
    • Bác mang thân hình của một người đàn ông lao động điển hình, vóc dáng cao và thân hình chắc khỏe. 
    • Bác có nước da ngăm bánh mật và chiếc mũi cao, vầng trán rộng.
    • Bác sống rất thoải mái và tốt bụng bởi vậy nên nhận được rất nhiều sự yêu mến của mọi người.
  • Phong thái làm việc của bác khiến em liên tưởng đến những người thợ mộc chuyên nghiệp. 
    • Bác làm mọi thứ rất nhanh nhẹn và dứt khoát. 
    • Tay bác cầm chiếc cưa gỗ xẻ từng miếng gỗ lớn ra.
    • Ánh mắt bác hướng theo phía cánh tay đang đỡ mảnh gỗ.
    • Bác ngắm nghía rồi bắt đầu đặt bút vạch những chỗ cần cắt để tạo thành sản phẩm. 
    • Trong xưởng ai nấy đều im lặng làm phần việc của mình đầy tỉ mỉ và tâm huyết.

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật ấy và nghề của họ.

Bài văn

Mỗi người có lựa chọn của riêng mình và nghề nào cũng cao quý bất kể đó là lao động chân tay hay lao động trí óc. Đã là lao động thì không phân chia thứ bậc vì tất cả đều mang giá trị riêng của mình. Và đó là thông điệp ý nghĩa nhất mà em học được từ bác thợ mộc bên cạnh nhà mình.

Bác thợ mộc mà em nói đến tên là Trường, năm nay đã ngoài 40. Bác mang thân hình của một người đàn ông lao động điển hình, vóc dáng cao và thân hình chắc khỏe. Bác có nước da ngăm bánh mật và chiếc mũi cao, vầng trán rộng. Vì là thợ mộc nên cả ngày bác đều dành thời gian ở trong xưởng gỗ để làm việc, bác luôn cố gắng hết sức để có thể tạo ra những sản phẩm tuyệt vời nhất cho mọi người. Đôi lúc có nhiều đơn đặt hàng khiến bác khá bận bịu thế nhưng bác không bao giờ nổi nóng với những người xung quanh, bác sống rất thoải mái và tốt bụng bởi vậy nên nhận được rất nhiều sự yêu mến của mọi người.

Một lần em sang nhà bác chơi và được dịp quan sát bác làm việc. Phong thái làm việc của bác khiến em liên tưởng đến những người thợ mộc chuyên nghiệp. Bác làm mọi thứ rất nhanh nhẹn và dứt khoát. Tay bác cầm chiếc cưa gỗ xẻ từng miếng gỗ lớn ra để tạo thành hình thù, ánh mắt bác hướng theo phía cánh tay đang đỡ mảnh gỗ, bác ngắm nghía rồi bắt đầu đặt bút vạch những chỗ cần cắt để tạo thành sản phẩm. Rồi bác cầm chiếc bào trên tay kéo qua kéo lại để đánh bóng sản phẩm, từng phôi gỗ rơi xuống đất và sau đó là lớp vỏ bóng mịn của sản phẩm đã được bác làm ra.

Trong xưởng có mười mấy công nhân đều là thợ của bác, ai nấy đều im lặng làm phần việc của mình đầy tỉ mỉ và tâm huyết. Dường như trong ánh mắt mỗi người lúc ấy đều cháy lên ngọn lửa của nhiệt huyết và đam mê, sẵn sàng cống hiến hết sức mình để tạo ra những sản phẩm tinh tế và điêu luyện.

Bác Trường là một người thợ mộc chuyên cần và khéo léo. Tâm huyết và trách nhiệm với công việc của bác khiến em rất ngưỡng mộ và trân trọng.

Bài mẫu 3: Một người thân trong gia đình em hoặc người em quen biết làm nghề thủ công rất  giỏi (làm nghề may, thêu, đan mây tre hoặc thợ mộc, thợ rèn, thợ nề). Em hãy tả lại người đó đang lao động (thợ mộc).

Dàn bài

1. Mở bài: Giới thiệu nhân vật miêu tả và nghề của họ.

2. Thân bài:

  • Ngoại hình:
    • Cậu em người dong dỏng cao, nước da ngăm ngăm rám nắng.
    • Khuôn mặt cậu đầy đặn phúc hậu.
    • Đôi lông mày to bản như con tằm nằm, đôi mắt cậu to, lông mi dài và cong.
    • Sống mũi cậu cao, hơi bè bè,đường nhân trung rộng làm khuôn mặt cậu có nét hiền lành, dễ mến.
    • Bàn tay cậu Tám to, ngón tay thon dài, lúc nào cũng cắt ngắn sạch sẽ.
    • Cậu có dáng đi hơi khập khiễng.
  • Khi làm việc:
    • Bao giờ cũng vậy, để đóng một cái tủ, cậu đo rất cẩn thận và bắt đầu cắt gỗ.
    • Bào gỗ bằng hai cách: bào thô bằng máy bào và bào tinh bằng bào tay, dụng cụ bào cổ điển của thợ mộc.
    • Cậu ngắm nghía, ướm thử.
    • Mắt cậu nheo lại, tay nâng cao thanh gỗ ngang tầm mắt rồi lắp thử một cách nhẹ nhàng.
    • Các thanh gỗ của sườn tủ được lắp xong, cậu đóng ván mặt hậu, ván ngăn đâu vào đấy là cậu bắt tay bào chỉ viền của tủ. 

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật ấy và nghề của họ.

Bài văn

Cậu Tám của em là một thợ mộc giỏi, lành nghề. Em đã có lần được xem cậu bào chuốt gỗ và đóng tủ.

Cậu Tám vừa đúng bốn mươi tuổi, cậu đã có hơn mười lăm năm làm nghề mộc. Cậu em người dong dỏng cao, nước da ngăm ngăm rám nắng. Mới bốn mươi tuổi nhưng tóc cậu đã có sợi bạc. Khuôn mặt cậu đầy đặn phúc hậu. Dưới đôi lông mày to bản như con tằm nằm, đôi mắt cậu to, lông mi dài và cong. Sống mũi cậu cao, hơi bè bè,đường nhân trung rộng làm khuôn mặt cậu có nét hiền lành, dễ mến. Bàn tay cậu Tám to, ngón tay thon dài, lúc nào cũng cắt ngắn sạch sẽ. Cậu có dáng đi hơi khập khiễng, kết quả của một lần bị ngã nặng. Cái lần ngã đó làm sức khoẻ cậu giảm sút. Dù vậy, tay nghề của cậu ngày một nâng cao.

Dưới bàn tay cậu Tám, tủ, bàn, ghế các kiểu ra đời mời gọi khách hàng. Bao giờ cũng vậy, để đóng một cái tủ, cậu đo rất cẩn thận và bắt đầu cắt gỗ. Các thanh gỗ mộc được bào chuốt láng mướt và được đục mộng ghép rất sắc sảo. Cậu Tám bào gỗ bằng hai cách: bào thô bằng máy bào và bào tinh bằng bào tay, dụng cụ bào cổ điển của thợ mộc. Trên ghế dài có nẹp chân, cậu Tám bào đi bào lại thanh gỗ. Cậu ngắm nghía, ướm thử. Mắt cậu nheo lại, tay nâng cao thanh gỗ ngang tầm mắt rồi lắp thử một cách nhẹ nhàng. Thanh gỗ nào cần bào lại, cậu đặt lên ghế dài, rồi khom người đẩy cái bào đi tới. Từng phôi gỗ đùn lên sau cái bào, thanh gỗ láng mặt, phổ vân gỗ màu hồng tuyệt đẹp. Xem cậu lắp tủ mới thật thích. Các thanh gỗ của sườn tủ được lắp xong, cậu đóng ván mặt hậu, ván ngăn đâu vào đấy là cậu bắt tay bào chỉ viền của tủ. Nẹp chỉ viền thanh mảnh rất khó bào được cậu chuốt kĩ lưỡng, chính xác từng ly một. Trong một ngày cái tủ được lắp xong. Cái tủ duyên dáng đứng chờ thợ đánh véc-ni. Chú thợ phụ việc pha véc-ni rồi bắt đầu giai đoạn đánh bóng. Để đóng một cái tủ như thế, cậu Tám phải mất năm, bảy ngày mới làm xong. Sản phẩm của cậu làm theo đơn đặt hàng nên xuất xưởng là đến tay ngay khách hàng. Tủ của cậu làm vừa xinh, vừa chắc bền, không chỉ làm vui lòng khách mà còn đem lại uy tín cho xưởng mộc của cậu.

Em rất thích xem cậu Tám làm việc. Ngoài sự khéo léo của người thợ, cậu Tám còn đặt vào sản phẩm mộc sự say mê nghề nghiệp và kĩ thuật tinh xảo của mình. Nghề mộc không chỉ đòi hỏi tài hoa của người thợ mà còn bắt buộc người thợ phải có tính chịu khó, nhẫn nại mới có thể thành công. Cậu Tám của em là một người như thế.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 5


Copyright @2024 - Designed by baivan.net