Câu 34.1. Theo em, những kiến thức nào ở bậc học phổ thông có ích nhất nếu sau này em muốn làm việc trong lĩnh vực phát triển phần mềm?
Trả lời:
Để theo học nghề phát triển phần mềm trước hết em cần nắm chắc kiến thức môn Tin học, Toán và Tiếng Anh.
Tin học cung cấp các kiến thức cơ bản về máy tính, công nghệ thông tin và truyền thông, hiểu biết cơ bản về lập trình, thuật toán và cấu trúc dữ liệu. Đây là các kiến thức sẽ giúp chúng ta có một nền tảng ban đầu cho việc theo học về lập trình và phát triển phần mềm ở những bước cao hơn.
Bên cạnh kiến thức về môn Tin học, em cần có kiến thức về môn Toán, hiểu rõ và áp dụng toán để giải quyết các vấn đề, bên cạnh đó việc học toán hiệu quả sẽ giúp em rèn luyện tư duy tốt hơn.
Tiếp theo, một môn rất quan trọng là môn Tiếng Anh, đặc biệt là khả năng đọc hiểu, bởi hầu hết các tài liệu quan trọng của nghề phát triển phần mềm đều được viết bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, không vì thế mà coi nhẹ các môn học khác. Người phân tích hệ thống sẽ phải tìm hiểu bất cứ lĩnh vực ứng dụng nào của cuộc sống để xây dựng phần mềm. Do đó hiểu biết rộng sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc phát triển phần mềm.
Câu 34.2. Em hãy tìm hiểu thông tin về các khối thi để theo học ngành phát triển phần mềm (ở bậc đại học thường được gọi là ngành công nghệ phần mềm - Software engineering).
Trả lời:
Các khối thi tuyển sinh vào ngành Công nghệ thông tin nói chung và Công nghệ phần mềm nói riêng có thể thay đổi theo thời gian. Chuyên ngành Phát triển phần mềm đòi hỏi kiến thức Toán tốt và tiếng Anh cũng được chú trọng.
Nhiều trường đã tuyển sinh theo các khối thi như các khối A00 (Toán, Lí, Hoá), A01 (Toán, Lí, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) hay D07 (Toán, Hoá, Anh).
Câu 34.3. (*) Em hãy tìm hiểu danh sách 10 công ty phần mềm lớn nhất ở Việt Nam.
Trả lời:
Câu 34.4. (*) Em hãy tìm hiểu về một số trường đại học tiêu biểu có đào tạo nghề phát triển phần mềm.
Trả lời:
Hầu hết các trường đại học có ngành Công nghệ thông tin đều đào tạo phát triển phần mềm. Một số trường có truyền thống đào tạo là các trường thành viên của các Đại học Quốc gia (như trường Đại học Công nghệ thuộc ĐHQG Hà Nội, trường đại học Công nghệ Thông tin thuộc ĐHQG TP.HCM, trường Đại học Bách khoa TP. HCM thuộc ĐHQG TP.HCM), các trường Đại học Bách khoa (như trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), Đại học Cần Thơ, Học viện Kĩ thuật quân sự, Học viện Bưu chính viễn thông, Đại học FPT, Đại học Công nghệ Thông tin thuộc Đại học Thái Nguyên, Đại học Công nghiệp Hà Nội và nhiều trường đại học khác.