Soạn SBT Ngữ văn 8 cánh diều Bài 7 Cảnh khuya

Hướng dẫn giải Bài 7 Cảnh khuya, sách bài tập Ngữ văn 8 Cánh diều tập 2. Đây là sách bài tập nằm trong bộ sách "Cánh diều" được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết học sinh sẽ nắm bài học tốt hơn.

Câu 1: (Câu hỏi 1, SGK) Xác định thể loại và các câu mang vần của bài Cảnh khuya. Nêu chủ đề của tác phẩm.

Hướng dẫn trả lời:

- Bài thơ viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, được viết bằng chữ Quốc ngữ, mang đậm bản sắc dân tộc với hình ảnh, ngôn từ hiện đại.

- Các câu mang vần của bài thơ là các câu 1, 2, 4.

- Qua việc miêu tả cảnh đẹp đêm khuya ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh đã bộc lộ nỗi lòng lo lắng cho vận nước, cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc.

Câu 2: (Câu hỏi 2, SGK) Qua hai câu thơ đầu, cảnh khuya của núi rừng Việt Bắc hiện lên như thế nào? Cảnh khuya ấy thể hiện được điều gì trong tâm hồn nhà thơ?

Hướng dẫn trả lời:

Cảnh khuya của núi rừng Việt Bắc và tâm hồn nhà thơ:

- Hai câu thơ đầu miêu tả cảnh đẹp của núi rừng Việt Bắc. Về khuya, mọi vật như càng đẹp thêm. Có tiếng suối chảy nghe như tiếng hát xa. Bóng trăng lồng trong vòm cây cổ thụ, chiếu ánh sáng khiến cho lá và hoa rừng đẹp lung linh như có vạn đoá hoa. Cảnh vật như ở chốn bồng lai tiên cảnh.

- Vẻ đẹp của cảnh khuya cho thấy tác giả là một người có tâm hồn lãng mạn, hết sức gần gũi và yêu mến vẻ đẹp của thiên nhiên. Cảnh đẹp đó làm xao xuyến lòng người, khiến con người dường như quên hết sự đời và có thể chìm vào giấc ngủ. Nhưng các câu thơ tiếp theo cho thấy tác giả bài thơ không phải là một người say mê vẻ đẹp của tạo hoá mà quên lãng sự đời.

Câu 3: (Câu hỏi 3, SGK) Phân tích hai câu thơ cuối bài. Qua đó, em hiểu thêm được gì về con người tác giả? 

Hướng dẫn trả lời:

Con người Hồ Chí Minh qua hai câu thơ cuối:

- Câu thứ ba của bài thơ cung cấp hai thông tin; 1) Cảnh khuya đẹp như về, 2) Người ngắm cảnh chưa ngủ.

- Câu thơ cuối đã tạo nên sự bất ngờ khi một lần nữa nhắc lại hai từ “chưa ngủ của câu trên: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”. Đọc đến câu thứ ba có thể nghĩ tác giả chưa ngủ vì say mê cảnh đẹp nhưng câu thơ cuối đã cho thấy rõ lí do của việc nhà thơ chưa ngủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa ngủ vì đang trăn trở, lo lắng cho vận mệnh dân tộc, cho cuộc kháng chiến đang trong giai đoạn khó khăn, kẻ thù đang tiến quân lên Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và lực lượng chủ lực của cuộc kháng chiến; nhà thơ lo cho những người chiến sĩ đang vất vả ngày đêm ngoài chiến trường, thương đồng bào trong vùng tạm chiếm đang rên xiết dưới ách đô hộ của giặc Pháp,...

- Qua bài thơ, có thể thấy được tấm lòng yêu nước, thương dân của Bác Hồ, người đã hi sinh cả cuộc đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc. Người trong bất kì hoàn cảnh nào cũng luôn một lòng, một dạ nghĩ tới đất nước, đồng bào. Vẻ đẹp vĩ đại mà gần gũi ấy được toát lên từ những từ ngữ, hình ảnh hết sức bình thường, giản dị.

Câu 4: Đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Cảnh khuya (Hồ Chí Minh) là 

A. Sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật có giá trị biểu cảm cao

B. Cảnh vật được miêu tả có màu sắc vừa cổ điển vừa hiện đại

C. Tâm hồn thi sĩ kết hợp với phẩm chất người chiến sĩ trước vận mệnh đất nước 

D. Cả ba yếu tố trên

Hướng dẫn trả lời:

D. Cả ba yếu tố trên

Câu 5: Qua nội dung bài thơ, hãy trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ Hồ Chí Minh

Hướng dẫn trả lời:

Qua bài thơ Cảnh khuya, có thể thấy được vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ Hồ Chí Minh:

- Bác là một người rất yêu mến và gần gũi thiên nhiên, sống hòa đồng với thế giới tự nhiên, luôn nhìn ra vẻ đẹp của cảnh vật.

- Là một người đặt vận mệnh dân tộc lên trên hết; một lòng, một dạ với công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc; luôn khao khát đem lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc; quên đi lợi ích, niềm vui cá nhân của mình để cống hiến cả cuộc đời cho đất nước, dân tộc.

- Bác là một lãnh tụ có tâm hồn thi sĩ, hết sức gần gũi và trong sáng. Bác sáng tác thơ không nhằm mục đích làm nghệ thuật như các nhà thơ khác nhưng thơ Bác góp phần tạo ra bước tiến mới cho văn học dân tộc, kết nối truyền thống và hiện đại, vừa mang phong thái trầm tư của một nhà hiền triết phương Đông vừa rất trẻ trung, hiện đại.

Câu 6: Hãy tìm một bài thơ khác của Hồ Chí Minh cũng có hình ảnh trăng. So sánh việc thể hiện hình ảnh trăng trong bài Cảnh khuya và bài thơ vừa tìm được.

Hướng dẫn trả lời:

- Một bài thơ khác của Hồ Chí Minh cũng có hình ảnh trăng: 

RẰM THÁNG GIÊNG 

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

- So sánh hình ảnh ánh trăng trong hai bài thơ:

Giống nhau:

  • Đều được sáng tác ở Việt Bắc những năm đầu chống Pháp.

  • Đều làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt.

  • Đều miêu tả cảnh trăng ở chiến khu Việt Bắc.

  • Đều bộc lộ tâm hồn yêu thiên nhiên, lòng yêu nước, phong thái ung dung, tự tại, sự kết hợp giữa tâm hồn nghệ sĩ và chiến sĩ của Bác.

Khác nhau:

  • Bài Cảnh khuya viết bằng tiếng Việt, Là ảnh trăng rừng lồng vào vòm cây hoa lá nhiều tầng, nhiều đường nét. Nhà thơ một mình ngắm trăng và cảm nhận vẻ đẹp của trăng trong đêm khuya

  • Bài Rằm tháng giêng viết bằng tiếng Hán. Bài Rằm tháng giêng là trăng trên sông nước, không gian bát ngát, tràn đầy sắc xuân. Nhà thơ cùng đồng chí của mình bàn việc quân.

Câu 7: Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

LAI TÂN

Phiên âm:

Giam phòng ban trưởng thiên thiên đổ,

Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền.

Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự,

Lai Tân y cựu thái bình thiên.

Dịch nghĩa:

Ban trưởng nhà giam ngày ngày đánh bạc, 

Cảnh trưởng tham lam ăn tiền phạm nhân bị áp giải.

Huyện trưởng chong đèn làm việc công, 

Lai Tân vẫn thái bình như xưa.

Dịch thơ:

Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc, 

Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh. 

Chong đèn, huyện trưởng làm công việc,

Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.

(Hồ Chí Minh, in trong Suy nghĩ mới về “Nhật kí trong tù”, Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), Nam Trân dịch, NXB Giáo dục, 1995)

a) Trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ Lai Tân của Hồ Chí Minh và cho biết bài thơ viết về vấn đề gì.

b) Bài Lai Tân thuộc thể thơ nào? Nêu những dấu hiệu giúp em nhận biết được điều đó.

c) Phân tích hai câu đầu để thấy việc làm của các quan chức được tác giả diễn tả

trong bài thơ.

d) Từ hai câu đầu, hãy cho biết ở câu 3, huyện trưởng đang chong đèn để làm công việc gì?

e) Giọng điệu trào phúng trong câu 3 và đặc biệt ở câu 4 có gì khác biệt so với hai câu đầu? Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì để tạo nên tiếng cười ở hai câu thơ cuối?

Hướng dẫn trả lời:

a) Lai Tân là tên bài thơ thứ 96 trong tập thơ Nhật kí trong tù (Ngục trung nhật kí) của Hồ Chí Minh, được sáng tác từ ngày 29-8-1942 đến ngày 10-9-1943, thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), trong đó có nhà tù Lai Tân,

Bằng nghệ thuật châm biếm sâu sắc, nhà thơ đã vạch trần bản chất xấu xa của những kẻ đứng đầu xã hội ở Lai Tân, qua đó phê phán sự mục nát của chế độ nhà tù và xã hội Trung Quốc thời kì Tưởng Giới Thạch.

b) Đây là bài thơ Đường luật chữ Hán thất ngôn tứ tuyệt. Các dấu hiệu nhận biết: 

- Bài thơ có bốn câu, mỗi câu bảy chữ.

- Âm tiết thứ hai của câu 1 và 4 (phòng - Tân), của câu 2 và 3 (trưởng - trưởng) niệm với nhau.

- Bài thơ có luật bằng (phòng), vần gieo ở cuối câu 2 và 4 (tiền - thiên), nhịp của các câu thơ ở phần phiên âm chữ Hán là 4/3.

c) Đối tượng là các quan chức chính quyền của huyện Lai Tân: ban trưởng nhà lao và cảnh trưởng.

- Ban trưởng: đánh bạc ngày ngày và tiền để đánh bạc tất nhiên là từ việc bóc lột, cướp bóc của phạm nhân mà ra.

- Cảnh trưởng kiếm ăn từ việc giải phạm nhân từ nhà tù này đến nhà tù khác và ăn của đút lót hoặc bóc lột sức lao động của họ. Bác Hồ trong thời gian bị giam cầm tại đây đã bị áp giải qua 18 nhà lao thuộc 13 huyện của tỉnh Quảng Tây. Bác đã bị giam cầm, trải bao khổ cực, bị lao động khổ sai, chứng kiến bao sự thối nát của chế độ Tưởng Giới Thạch đương thời.

d) Ở hai câu đầu của bài thơ, tác giả kể lại các hành động bất thường đáng cười của ban trưởng nhà lao và cảnh trưởng Lai Tân; đến câu 3, giọng điệu của bài thơ bỗng chững lại. Dường như nhà thơ đang ca ngợi viên huyện trưởng – người đứng đầu chính quyền nhà nước ở huyện Lai Tân. Huyện trưởng chong đèn làm việc cả ban đêm một cách hết sức tận tuỵ. Ông ta đang làm gì vậy? Câu trả lời dường như đã có sẵn ở hai câu thơ trên. Một xã hội bát nháo, nhố nhăng, ăn cướp của cả những người tù khốn khổ như ở Lai Tân khi ấy, thì viên huyện trưởng - kẻ điều hành và phải chịu trách nhiệm chính về mọi việc đang xảy ra, chắc chắn không thể là người chân chính. Y chong đèn suốt đêm có lẽ cũng là để làm những việc bất lương trên những đồng tiền nhơ bẩn từ cấp dưới dâng lên. Tác giả không nói rõ nhưng người đọc có thể suy luận ra “công việc” của viên huyện trưởng là gì.

e) Ngược lại với giọng điệu tố cáo ở hai câu đầu, trong câu 3 và đặc biệt ở câu 4, dường như tác giả lại chuyển sang “ca ngợi”: ca ngợi sự tận tụy của huyện trưởng và nền “thái bình” của cái xã hội thực ra là bát nháo, phi nhân ở Lai Tân.

Ở đây, tác giả đã dùng biện pháp nghệ thuật đối lập, tự để cho độc giả tìm ra sự thật, tự đi đến kết luận. Tiếng cười hài hước, châm biếm của bài thơ bật ra từ sự đối lập, ngược đời đó. Do vậy, hai câu cuối của bài thơ không hề mâu thuẫn với nội dung, của hai câu trên, mà cả bài thơ tạo thành một thể thống nhất: hai câu đầu làm rõ hai câu sau; hai câu sau, đặc biệt là câu kết, đã làm rõ thêm những hành động công khai, trắng trợn ở hai câu trước.

Tìm kiếm google: Soạn sách bài tập Ngữ văn 8 Cánh diều , Giải SBT Ngữ văn 8 Cánh diều tập 2, Soạn sách bài tập Ngữ văn 8 CD Bài 7 Cảnh khuya

Xem thêm các môn học

Giải SBT ngữ văn 8 tập 2 cánh diều

BÀI 8: TRUYỆN LỊCH SỦ VÀ TIỂU THUYẾT


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com