[toc:ul]
* Lý thuyết về văn bản thuyết minh:
- Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản được sử dụng rộng rãi, đáp ứng nhu cầu hiểu biết trong mọi lĩnh vực đời sống. Kiểu văn bản này gắn liền với tư duy khoa học, với mục đích giúp người đọc hiểu rõ về đối tượng cần thuyết minh.
- Viết kiểu bài thuyết minh, cần rèn luyện những thao tác, kĩ năng tìm hiểu thông tin, nghiên cứu và trình bày các tri thức một cách chính xác, khách quan. Để văn bản thuyết minh có nội dung phong phú và hấp dẫn, cũng cần lồng ghép một cách hợp lí một số yếu tố khác như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.
- Trọng tâm của kiểu bài thuyết minh là cung cấp thông tin; khác với trọng tâm của kiều bài nghị luận là nêu quan điểm, bàn luận, thuyết phục.
- Với kiểu bài thuyết minh về một tác phẩm văn học, thông tin cần giới thiệu là: tác giả, nhan đề, thể loại, đặc điểm nội dung, đặc sắc nghệ thuật, vị trí của tác phẩm.... Khi thuyết minh về đặc điểm nội dung và nghệ thuật, có thể lồng ghép một số yếu tố khác, nhưng cần đảm bảo giữ được đặc trưng về thể loại của một văn bản thuyết minh, nhất là không để lẫn với văn bản nghị luận.
* Yêu cầu của văn bản thuyết minh giới thiệu một tác phẩm văn học:
- Giới thiệu được tác phẩm cần thuyết minh (nhan đề, tên tác giả, đánh giá chung).
- Giới thiệu khái quát về tác giả. Nêu được hoàn cảnh sáng tác, đặc điểm thể loại; tóm tắt được nội dung tác phẩm.
- Nếu thông tin cơ bản về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Khẳng định vị trí, đóng góp của tác phẩm đối với đời sống văn học. Có lồng ghép các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.
1. Nội dung của bài thuyết minh Truyện Kiều – kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du
Bài thuyết minh Truyện Kiều - kiệt tác của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du gồm những nội dung:
Giới thiệu tác phẩm
Giới thiệu khái quát về tác giả
Hoàn cảnh sáng tác, đặc điểm thể loại, tóm tắt tác phẩm
Giá trị nội dung của tác phẩm
Giá trị nghệ thuật của tác phẩm
Vị trí, đóng góp của tác phẩm đối với đời sống văn học
=> Trọng tâm là giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
2. Sự kết hợp của một số yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm hoặc nghị luận được sử dụng trong bài thuyết minh
- Yếu tố tự sự: kể về cuộc đời của Nguyễn Du và thuật lại cốt truyện của Truyện Kiều.
- Yếu tố nghị luận: phân tích giá trị tư tưởng và nghệ thuật của Truyện Kiều, khẳng định vị trí của Truyện Kiều trong nền văn học dân tộc.
- Yếu tố miêu tả: miêu tả các nhân vật trong Truyện Kiều (Kim Trọng – Nho sinh hòa hoa, phong nhã, Thúy Kiều – người con gái tài sắc, đức hạnh vẹn toàn,…).
- Đề tài thuyết minh rất phong phú song cần ưu tiên những tác phẩm có giá trị.
- Gợi ý: Bạn có thể chọn thuyết minh về một số tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 như: Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử), Bình Ngô đại cáo (Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi), Một chuyện đùa nho nhỏ (An-tôn Sê-khốp – Anton Chekhov), Dưới bóng hoàng lan (Thạch Lam), Con đường không chọn (Rô-bớt Phờ-rót – Robert Frost),... hoặc một tác phẩm tự chọn khác.
- Trả lời được những câu hỏi sau:
+ Vì sao chọn thuyết minh về tác phẩm này?
+ Tác giả và tác phẩm được thuyết minh có vị trí như thế nào?
+ Tác phẩm được sáng tác trong hoàn cảnh nào, bằng thể loại gì?
+ Nội dung cơ bản và đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm là gì?
+ Tác phẩm đã được đánh giá như thế nào trên các phương diện giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật?
+ Tác phẩm có đóng góp gì cho đời sống văn học?