Văn mẫu 7 KNTT bài 2: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn hoặc năm chữ

Đề bài: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn hoặc năm chữ. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn những bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài văn mẫu 1: Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) nêu cảm nghĩ của em về hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng dao mùa xuân - Nguyễn Khoa Điềm

Bài làm

Hình tượng người lính Việt Nam ta đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tác thi ca nhạc họa. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng không ngoại lệ khi đưa hình tượng ấy vào trong thơ của mình một cách tự nhiên và đầy cảm xúc với bài thơ “Đồng dao mùa xuân”. Bài thơ chủ yếu viết về người lính dưới góc nhìn đầy chiêm nghiệm của một con người thời bình. Đó chính là những người lính hồn nhiên, tinh nghịch, họ chưa một lần yêu, còn mê thả diều, nhưng họ đã phải hi sinh tuổi xuân và máu xương của mình cho Đất nước. Họ đã nằm lại nơi chiến trường để đất nước được vẹn tròn, để nhân dân được độc lập. Trong cảm nhận của nhà thơ nói riêng, người đọc nói chung, dù họ đã mãi gửi thân xác nơi núi rừng Trường Sơn xa xôi, nhưng anh linh của họ thì vẫn còn mãi. Bởi chính họ - những người lính quật cường đã làm nên mùa xuân vĩnh hằng của đất nước ngày hôm nay.

Bài văn mẫu 2: Cảm nhận của em về hình ảnh người con trong bài thơ Gặp lá cơm nếp

Bài làm

Hình ảnh người con trong bài thơ “Gặp lá cơm nếp” của Thanh Thảo không trực tiếp xuất hiện, mà chỉ xuất hiện gián tiếp qua những cảm xúc thể hiện trong bài. Đó là một người lính xa nhà nhiều năm và có tình cảm sâu sắc dành cho mẹ cũng như quê hương, đất nước. Điều đó đã được thể hiện rất rõ qua từng câu thơ trong bài. Anh là một con người giàu tình cảm, dù đã đi xa chiến đấu bảo vệ cho Tổ quốc, nhưng trái tim anh vẫn hướng về quê nhà, về những điều bình dị nhất và hướng về mẹ. Đặc biệt là khi anh ngửi thấy mùi lá nếp quen thuộc là liền nhớ về hương vị quê hương và người mẹ kính yêu của mình. Người lính đó đồng thời còn là một người rất yêu nước, khi trong lòng anh luôn dạt dào tình cảm với làng quê và dân tộc. Từ những điều đó cho chúng ta những hình dung cụ thể về nhân vật người con.

Bài văn mẫu 3: Viết đoạn văn từ 200 - 300 chữ ghi lại cảm xúc của em khi đọc bài thơ Gặp lá cơm nếp

Bài làm

Sau khi đọc xong bài thơ “Gặp lá cơm nếp” của tác giả Thanh Thảo, em đã có rất nhiều cảm xúc về tình cảm yêu thương của người con dành cho mẹ và quê hương. Tình cảm đó khởi nguồn từ hương vị lá nếp thơm lừng làm cho người con nhớ về hình ảnh mẹ ngày xưa thổi cơm bếp nấu xôi cho anh ăn. Đó là một chi tiết hết sức cảm động. Bởi lẽ trên hành trình chiến đấu gian khổ, chỉ cần nhớ về những điều bình dị nhất luôn ở bên cạnh ta, cũng có thể khiến cho con người nghẹn ngào, nhung nhớ. Người con ở đây cũng vậy, chính nhớ hương thơm lá cơm nếp đó đã chữa lành cho tâm hồn yếu đuối của người con. Để cho người con dù ở phương trời xa cũng không thể quên được đi mùi vị của quê hương đất nước, của người mẹ già kính yêu. Cả hai thứ đó như hòa quyện vào làm một, tạo nên điểm nhấn cho cảm xúc mà Thanh Thảo muốn gửi gắm tới người đó. Đó chính là hãy trân trọng, yêu thương những điều giản đơn, bình dị nhất luôn hiện hữu xung quanh chúng ta.

Bài văn mẫu 4: Viết đoạn văn ngắn phân tích tâm trạng của nhân vật “tôi” khi đón gió chướng về

Bài làm

Nhân vật “tôi” trong “Trở gió” của Nguyễn Ngọc Tư đã có tâm trạng và cảm xúc đặc biệt khi đón gió chướng về. Đó là một tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang, mừng rồi lại bực. Bực là bởi lẽ khi đứng trong gió đầm đìa khiến nhân vật tôi cũng buồn vì sắp hết một năm, sắp già mà chưa kịp sống, tay vẫn trắng. Khi gió về “tôi” luôn có cảm giác như sắp mất đi cái gì đó không rõ ràng và giải thích được. Còn vui bởi vì “tôi” vẫn luôn mong gió chướng về, nó dường như trở thành thói quen. Gió về là Tết sắp đến khiến cho con người rạo rực, háo hức và mong chờ. Nhưng những sợi gió đó cứ lại xốn xang vào nỗi nghèo túng và lo sợ không lo nổi một cái Tết tử tế. Không chỉ vậy, gió chướng còn gợi về nỗi nhớ quê nhà và những hình ảnh quen thuộc của nhân vật tôi. Có thể thấy, “tôi” đã đón gió chướng trong sự chờ mong nhưng cũng man mác buồn, lo sợ và nhung nhớ.

Bài văn mẫu 5: Trình bày suy nghĩ về một vấn đề đời sống (được gợi ra từ những tác phẩm văn học đã học. VD: gặp lá cơm nếp, đồng dao mùa xuân,....)

Bài làm

Tình cảm giữa con người với con người, con người với sự vật, con người với quốc gia luôn là những tình cảm thiêng liêng, đáng quý. Nhà thơ Thanh Thảo cũng đã lấy cảm hứng từ tình cảm đó mà viết nên bài thơ “Gặp lá cơm nếp” gợi lên trong em rất nhiều suy nghĩ về tình cảm con người.

Bài thơ “Gặp lá cơm nếp” nói về dòng cảm xúc của nhân vật người con dành cho người mẹ già và đất nước. Thanh Thảo đã gửi gắm nhiều tâm tư, nỗi nhớ và tình cảm của mình thông qua nhân vật người con. Trên đường hành quân tại chiến trường Trường Sơn khốc liệt, người con vô tình ngửi thấy hương vị của lá xôi nếp lạ lùng nhưng lại rất thân quen. Mùi hương ấy dẫn anh nhớ về hình ảnh người mẹ tần tảo, chịu khó đang đứng trong bếp nấu cơm cho anh khiến anh xúc động nghẹn ngào. Mùi hướng ấy còn đưa anh nhớ đến hương vị thân thuộc của quê hương đất nước, để rồi nỗi nhớ ấy được chia đôi cho mẹ già và đất nước. Tình cảm thương nhớ, thủy chung ấy đã bừng lên ngọn lửa hồng thắp sáng tâm hồn nhạy cảm và bùng lên ý chỉ quyết tâm hoàn thành trách nghiệm bảo vệ Tổ quốc của mình.

Thông qua tình cảm gắn bó thiêng liêng ấy của người con với người mẹ, đất nước chúng ta cũng có thể soi xét vào bản thân mình. Trong cuộc sống, chúng ta bị quy định bởi rất nhiều mối quan hệ. Từ khi sinh ra, chúng ta đã gắn bó với cha mẹ, anh chị em ruột thịt. Tình cảm đó chắc chắn luôn là thiêng liêng, quan trọng nhất với cuộc đời mỗi người. Cho dù mai này có trưởng thành và đi thật xa, nhưng khi cuộc sống có quá nhiều áp lực, khó khăn, thì gia đình là nơi bình yên và hạnh phúc nhất để quay trở về. Người ta nói, giữa cha mẹ và con cái luôn có một sợi dây liên kết vô hình. Điều này quả thật rất đúng đắn. Hình ảnh cha mẹ luôn gắn liến với công lao sinh thành, dưỡng dục lớn lao, nên bổn phận làm con, chúng ta phải biết yêu thương, kính trọng và báo hiếu với cha mẹ khi còn có thể. Bởi lẽ tình cảm gắn kết ấy là duy nhất, không có gì có thể thay thế được bằng tình yêu bao la của cha mẹ dành cho con cái và sự biết ơn, dựa dẫm vào cha mẹ của người con.

Đi ra xa hơn là tình cảm của con người dành cho quê hương, đất nước. Sinh ra trong một cộng đồng nhỏ là gia đình, đến khi trưởng thành và lớn lên, con người phải chung sống, đóng góp sức mình vào cộng đồng lớn hơn. Đó chính là xã hội, quê hương và đất nước. Trong xã hội hòa bình bây giờ, chúng ta không cần phải hi sinh bản thân mình vào công cuộc kháng chiến cách mạng như thời xưa. Nhưng khi Tổ quốc cần đến mình, là một người trẻ tuổi, chúng ta phải sẵn sàng và tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ cho đất nước. Không được thờ ơ, trốn tránh mà phải dũng cảm, tự tin làm chủ non sông, đất nước, đưa quê hương mình ngày một phát triển và sánh ngang với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ căn dặn.

Tóm lại, tình cảm của con người trong cuộc sống là rất da dạng, bởi con người là một cá thể nhỏ bé trong một cộng đồng rộng lớn. Chúng ta hãy luôn dành những tình cảm yêu thương, gắn bó với những điều giản dị nhất quanh ta.

Bài văn mẫu 6: Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) về một “món quà” em đặc biệt yêu thích

Bài làm

“Món quà” mà em yêu thích thì rất nhiều, nhưng đặc biệt yêu thích nhất thì chính là nụ cười của mẹ. Khi em cất tiếng khóc chào đời, mẹ đã nở nụ cười hạnh phúc, nó đã giúp xua tan đi mọi đau đớn. Khi em chập chững biết đi từng bước, mẹ vui sướng khôn nguôi và đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc. Khi em biết giúp đỡ mẹ làm việc nhà, nụ cười xinh đẹp ấy lại rạng rỡ trên môi và khen ngợi em đã trưởng thành. Khi em được điểm tốt, mẹ đã nở nụ cười hiền hậu và không ngừng động viên em cố gắng học hành. Mỗi khi em vui là mẹ em lại nở nụ cười tươi tắn, nhân hậu cùng em, vì thế nên được nhìn thấy nụ cười của mẹ là niềm hạnh phúc của em.

Bài văn mẫu 7:Viết đoạn văn ngắn phân tích cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi” khi nghe bố giảng về những món quà trong đoạn trích Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ trích Nguyễn Ngọc Thuần

 

Bài làm

Đoạn trích “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần đã gợi nên những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi” khi nghe bố giảng về những món quà. Những món quà của người bố nói đến là một nụ hôn, một giấc ngủ và cả con người của nhân vật “tôi”. Tất cả đều là những món quà rất đẹp, khi ta nhận hay cho thì cũng đẹp lây. Sau khi nghe xong lời bố giảng giải, nhân vật tôi dường như nhận ra món quà bất tận của mình chính là khu vườn. Trong đó, mỗi bông hoa là món quà nhỏ, một vườn hoa là món quà lớn. Nhân vật tôi vui sướng reo lên với bố khi đã tìm ra được một món quà đích thực. Món quà ấy chính là nơi mà cậu bé dành hết tình cảm yêu thương, gắn bó và trân trọng nhất. Cậu bé đã tìm ra được một chân lí cuộc sống mới, đó là những thứ bình dị, nhỏ bé nhất cũng chính là những món quà quý giá và chúng ta cần phải trân trọng nó.

Bài văn mẫu 7:Trình bày ý kiến của em về tình yêu thiên nhiên được gợi ra từ nhân vật “tôi” và người bố trong văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần

 

Bài làm

Thiên nhiên luôn là người bạn đồng hành kì diệu và xinh đẹp của con người. Sau khi đọc xong văn bản “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần, tình yêu thiên nhiên của nhân vật “tôi” và người bố đã khiến cho em cảm động.

Bài thơ đã đưa ra một cách cảm nhận về thiên nhiên vô cùng phong phú, đó là cảm nhận qua các giác quan. Người bố trong truyện đã cùng con của mình chơi những trò chơi. Đầu tiên là trò chơi về xúc giác ở trong một vườn hoa, người bố đã đưa ra những câu đố cho con giải đoán. Ban đầu, cậu bé luôn nói sai, rồi dần dần cậu bé đã đoán được hết cả vườn hoa, thậm chí có thể vừa nhắm mắt vừa đi mà không chạm vào vật gì. Trò chơi thứ hai là về thính giác, trước hết là giúp cậu bé xác định vị trí rồi đến khoảng cách. Hầu như lần đầu tiên cậu bé đều đoán sai, nhưng lần thứ hai lại đều đoán đúng. Cho tới cuối cùng cậu bé cùng làm được, bây giờ cậu chỉ cần nghe tiếng bước chân cũng biết bố cách xa bao nhiêu.

Có thể thấy, cậu bé đã giải đố rất thành công, câu đố chỉ được lặp đi lặp lại, cho tới khi cậu nhận diện được tất cả mùi hương của các loài hoa. Thậm chí cậu còn cảm nhận được hoa hồng nở kể cả khi không nhìn thấy. Cậu còn biết hoa gì từng mùa, hoa gì nở sớm, hoa gì nở muộn và còn biết phân biệt một lúc những hoa đang nở. Điều đó khiến cho mọi người hết sức kinh ngạc và cậu được công nhận sự cố gắng của mình nhờ “có cái mũi tuyệt nhất thế giới”. Với sự nỗ lực của bản thân và lời động viên của bố, người con đã có thể cảm nhận mọi thứ bằng mọi giác quan. Để làm được điều đó, người con phải có tình yêu và thấu hiểu thiên nhiên xung quanh. Thượng đế đã ban tặng cho cậu khu vườn xinh đẹp làm món quà như là một sự đền đáp xứng đáng tình yêu và sự cố gắng của chính cậu.

Hình ảnh ở cuối văn bản “Những bông hoa chính là người đua đường” đã cho ta hiểu hơn về “thế giới” chính là những điều thân thuộc và gần gũi với chính mình. Giống như nhân vật tôi đã làm, ta rút ra được rằng khi ta nhắm mắt lại và cảm nhận bằng mọi giác quan, ta sẽ thấy được con đường đi của riêng bản thân mình.

Thông qua tình yêu thiên nhiên của hai bố con trong văn bản, chúng ta cũng thấy được tác giả đã thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca và yêu thương thế giới thiên nhiên – thế giới của muôn loài.

 

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com