Văn mẫu 7 KNTT bài 4: Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc

Đề bài: Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn những bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài văn mẫu 1: Dựa vào bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” và kiến thức về xã hội, hãy trình bày suy nghĩ khoảng nửa trang giấy về tình cảm và trách nhiệm của mỗi người dân đối với đất nước trong hoàn cảnh hiện nay.

Bài làm

Sau khi đọc xong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải, em đã có rất nhiều suy nghĩ về tình cảm và trách nhiệm của mỗi người dân đối với đất nước trong hoàn cảnh hiện nay. Đối với mỗi quốc gia, dân tộc thì thế hệ trẻ có một vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội hiện đại. Đầu tiên, thế hệ trẻ có vai trò trong việc bảo vệ quê hương, đất nước khỏi các thế lực thù địch và xâm lăng. Ngay trong thời bình thì quê hương, đất nước vẫn bị đe dọa bởi những mối hiểm họa. Vì vậy, người trẻ là những người hiểu biết, cần có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, nâng cao dân trí cho những người kém hiểu biết cũng như học tập và trau dồi bản thân mình để thể hiện được tình yêu đất nước một cách không mù quáng. Thứ hai, thế hệ trẻ có trách nhiệm học tập và rèn luyện để xây dựng và phát triển các lĩnh vực khác nhau của quê hương, đất nước. Chỉ có bằng tri thức, con người mới có thể từng bước thành công và tạo nên được những thành tựu cho quê hương mình, từ đó mang tiếng nói của quê hương đất nước ra ngoài thế giới. Thứ ba, người trẻ cần có sự kế thừa và tiếp thu đối với những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh kế thừa, bảo vệ khỏi sự xâm hại thì ta còn cần phát triển những giá trị ấy sao cho bạn bè quốc tế cũng có thể biết đến những giá trị đó của nước nhà. Tóm lại, thế hệ trẻ đóng vai trò to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, quê hương.

Bài văn mẫu 2: Cảm nhận và suy ngẫm của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Bài làm

Sau khi đọc xong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” em đã cảm nhận được sâu sắc tiếng lòng đầy tha thiết yêu mến và gắn bó với quê hương đất nước, đồng thời là ước nguyện cống hiến chân thành từ tận đáy lòng của nhà thơ Thanh Hải.

Mở đầu nhà thơ đã vẽ nên bức tranh mùa xuân của thiên nhiên với những nét chấm phá rất đỗi bình dị:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc, 

Ơi con chim chiền chiện

 Hót chi mà vang trời”

 Chỉ với vài nét vẽ đơn giản cùng những hình ảnh thân quen, bức tranh mùa xuân đang về hiện lên thật thơ mộng và mang đậm phong vị xứ Huế. Đó là bức tranh có sự kết hợp của không gian thoáng đãng tràn ngập sắc màu tươi tắn, cùng với âm thanh thanh rộn rã tươi vui của tiếng chim chiền chiện. Nhà thơ thật tinh tế khi lựa chọn hình ảnh “dòng sông xanh” và “bông hoa tím” kết hợp với các từ ngữ “ơi”, “chi” đi sau động từ “hót”. Điều đó khiến người đọc liên tưởng đến quê hương xứ Huế với tâm trạng say đắm hân hoan của tác giả. Thấp thoáng ở đâu đó là màu xanh của dòng sông Hương Giang mềm mại, uyển chuyển với những tà áo dài tím biếc của những cô gái Huế mộng mơ. Cảm xúc đó còn được miêu tả ở những chi tiết hết sức tạo hình ở hai dòng thơ sau: 

“Từng giọt long lanh rơi

 Tôi đưa tay tôi hứng”

 Hình ảnh ấn dụ “giọt long lanh” chính là giọt âm thanh của tiếng chim ngân vang giữa không gian, đọng lại thành từng giọt hữu hình long lanh như hạt ngọc. Nhà thơ ngắm nhìn và đưa tay hứng với tất cả sự trân trọng. Sự chuyển đổi cảm giác đó đã khiến hình ảnh thơ trở nên lung linh, diễn tả trọn vẹn niềm say sưa, ngây ngất của tác giả trước vẻ đẹp thiên nhiên và đất trời khi vào xuân.

  Từ mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, nhà thơ đã chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước. Ông hướng tình cảm của mình tới những con người đang ngày ngày cống hiến làm đẹp mùa xuân:

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc dắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ”.

Hình ảnh “lộc” theo bước chân người cầm súng ra trận, theo bàn tay người lao động ra đồng và gieo mùa xuân tới khắp mọi miền đất nước trong không khí lao động đầy rộn ràng, say mê:

“Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao”.

Điệp từ “tất cả” cùng từ láy “hối hả”, “xôn xao” đã tạo nên nhịp điệu mùa xuân hối hả, hào hùng mở ra những cảm nhận chan chứa niềm tự hào về đất nước:

“Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước”.

Hình ảnh “Đất nước bốn nghìn năm” đã gợi nên lịch sử lâu đời của dân tộc. Trong suốt bốn nghìn năm đó, đất nước đã phải trải qua rất nhiều “vất vả” và “gian lao” để dựng nước và giữ nước. Cũng nhờ có bốn nghìn năm vất vả đó mà ngày hôm nay đất nước giống như “vì sao” tỏa sáng giữa bầu trời rộng lớn. Từ “cứ” thể hiện sự quyết tâm vươn lên phía trước và không chịu khuất phục trước mọi khó khăn.

Trước mùa xuân của thiên nhiên và đất nước, nhà thơ đã bộc lộ niềm khát vọng được hiến dâng của mình:

“Ta làm con chim hót 

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến”.

Nhà thơ xin làm một tiếng chim hót hòa trong môn tiếng chim cất cao tiếng hót chào mừng xuân mới. Xin làm một cành hoa trong muôn vạn cánh hoa âm thầm khoe sắc tỏa hương thơm cho cuộc đời chung. Xin làm một nốt nhạc trầm trong bản đồng ca của dân tộc đẩ ca ngợi non sông đất nước đang dần đổi mới. Ước nguyện đó thật gần gũi đến kì lạ. Đó chính là sự chiếu ứng của hình ảnh “bông hoa tím biếc” và âm thanh của tiếng chim chiền chiện ở khổ thơ thứ nhất. Ta cảm nhận được qua từng câu thơ với nhịp hối hả, gấp rút như nhịp sống quê hương, như ước mong cháy bỏng nhưng khiêm tốn của nhà thơ được dâng hiến cho cuộc đời.

Khổ thơ tiếp theo đã làm chậm lại nhịp cảm xúc lắng đọng của bài thơ:

“Một mùa xuân nho nhỏ 

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”.

Bao trùm lên tất cả, nhà thơ ước nguyện hóa thành “một mùa xuân nho nhỏ” lặng lẽ, âm thầm dâng hiến tâm hồn, trí tuệ, sức lực và sự sống của mình góp cùng mọi người. Đó tuy là khát vọng khiêm nhường qua hình ảnh nho nhỏ, lặng lẽ, nhưng lại thể hiện một tiếng lòng cao cả, nhân sinh quan cao đẹp: phải cống hiến cho đất nước, dù là nhỏ bé và phải không ngừng cống hiến cho cuộc đời. Mỗi người chúng ta hãy là một mùa xuân nho nhỏ để làm nên mùa xuân bất diện của đất nước. Đây cũng chính là tâm niệm và khát vọng của nhà thơ trước khi đi xa vĩnh biệt cuộc đời.

Ở khổ thơ cuối cùng, trong cái ngây ngất trước mùa xuân của đất trời quê hương, dân tộc, nhà thơ đã cất lên tiếng hát:

“Mùa xuân, ta xin hát 

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế”.

Đến với làn điệu xứ Huế, với câu hát truyền thống khúc Nam ai, Nam bình, đất nước quê hương sẽ mãi rạng rỡ và ấm áp trong tâm hồn nhà thơ, mãi là tình yêu cuộc sống. Điệp ngữ “Nước non ngàn dặm” được láy lại như lời chân thành ngợi ca đất nước, ngợi ca mùa xuân của dân tộc Việt nam.

Tóm lại, đến với “Mùa xuân nho nhỏ” chúng ta nhận ra được một tâm hồn thơ đầy yêu đời của Thanh Hải. Bài thơ đã khép lại nhưng vẫn để lại trong lòng người đọc những ấn tượng không phai về “một mùa xuân nho nhỏ”.

Bài văn mẫu 3: Phân tích ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh mùa xuân trong bài thơ : Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Bài làm

Mùa xuân là một trong những mùa gợi cho con người những tình cảm đặc biệt. Có rất nhiều nhà thơ đã lấy mùa xuân làm nguồn cảm hứng để bày tỏ những khao khát mãnh liệt. Trong đó không thể không kể đến “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải với hình ảnh mùa xuân của thiên nhiên và đất nước hòa hợp.

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được Thanh Hải sáng tác năm 1980 vào những ngày cuối đời của mình. Bao trung cả bài thơ không chỉ là sự ca ngợi về cảnh sắc thiên nhiên trời xuân, mà còn chứa chan tình cảm của nhà thơ muốn dâng hiến cho cuộc đời. Từng khổ thơ đã vẽ nên bức tranh xứ Huế vào xuân thật đẹp và lãng mạn.

Ở khổ thơ đầu tiên, Thanh Hải đã đưa người đọc đến khung cảnh thiên nhiên đất trời độ vào xuân:

“Mọc giữa dòng sông xanh 

Một bông hoa tím biếc

Ôi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng”.

Khung cảnh thiên nhiên vào xuân qua những nét chấm phá hiện lên cụ thể và độc đáo. Đó chính là bức tranh với rực rỡ sắc màu và âm thanh. Chúng ta có thể cảm nhận được cảm xúc reo vui hân hoan của nhà thơ khi chào đón mùa xuân tới. Mọc giữa dòng sông xanh là một bông hoa tím biếc, với động từ “mọc” như diễn tả cảm xúc bất ngờ của nhà thơ trước cảnh vật. Tuy bông hoa đó có là hoa súng hay hoa lục bình hay hoa gì đi nữa, thì ta cũng không phủ nhận sắc xanh của dòng nước quyện với màu tím biếc của bông hoa đã vẽ nên bức tranh xuân đằm thắm.

Trong khoảnh khắc đất trời giao thoa ấy, nhà thơ không những cảm nhận được sự chuyển mình của đất trời bằng màu sắc, mà còn bởi cả những âm thanh vui nhộn:

“Ôi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời”.

Chim chiền chiện là một trong những loài chim vô cùng quen thuộc, nó còn có tên gọi khác là chim sơn ca được coi là biểu tượng cho mùa xuân. Tiếng chim hót vang khắp cả đất trời như đang báo hiệu cho một mùa xuân mới về. Lúc này, trong lòng tác giả cũng trở nên hân hoan, bồi hồi và sung sướng:

“Từng giọt long lanh rơi 

Tôi đưa tay tôi hứng”.

Động tác “đưa tay tôi hứng” thể hiện sự xúc động mãnh liệt, đồng thời đó là sự trân trọng của nhà thơ. Những giọt long lanh kia là tiếng chim hay giọt sương mai? Nhờ sự dịch chuyển từ thính giác sang thị giác đã tạo nên một nét độc đáo và cảm nhận trọn vẹn trong lòng nhà thơ.

Sang đến khổ thơ tiếp theo, hình ảnh mùa xuân của đất nước được miêu tả khá trọn vẹn và cụ thể:

“Mùa xuân người cầm súng 

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ”.

Từ mùa xuân của thiên nhiên, nhà thơ đã chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước. Vào những năm 1980, cả nước đang hăng say hòa mình trong công cuộc xây dựng tổ quốc. Hòa trong mùa xuân của thiên nhiên thì khắp nơi con người cũng đang sục sôi ý chí chiến đấu. Những người lính nơi chiến trường mang theo sức sống của mùa xuân vững tay súng bảo vệ tổ quốc. Còn những người nông dân mang sức lao động, giọt mồ hôi của mình để tưới xanh cho đồng ruộng. Chính máu và mồ hôi của đồng bào cả nước đã tô điểm cho mùa xuân thiên nhiên xanh tươi:

“Tất cả như hối hả 

Tất cả như xôn xao”.

Nhà thơ dùng từ láy “hối hả” và “xôn xao” kết hợp với cụm từ “tất cả như” lặp lại hai lần làm cho câu thơ sáng bừng khí thế mạnh mẽ đầy bất ngờ. Và từ đó nhà thơ có những suy ngẫm về mùa xuân của đất nước:

“Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Những giá trị mà chúng ta nhận được của ngày hôm nay là sự chắt chiu, giữ gìn trong suốt bốn ngàn năm lịch sử hào hùng toàn dân tộc. Nhà thơ so sánh đất nước như vì sao vì đó là một hình ảnh đẹp và ý nghĩa, thể hiện niềm tin mãnh liệt của nhà thơ về tương lai của dân tộc sẽ mãi vững mạnh và tiến về phía trước.

Từ sự yêu thương tự hào mãnh liệt đó, nhà thơ nghĩ về mùa xuân của con người:

“Ta làm con chim hót 

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến”.

 Có thể thấy, chỉ khi chúng ta sống cống hiến trọn vẹn thì mới thấy được trái ngọt cuộc đời. Đối với nhà thơ Thanh Hải, tình yêu thương đất nước, cuộc đời đã biến thành đông lực để ông có thể khao khát tận hiến cho cuộc đời.

Cuộc đời mỗi người là nhỏ bé giữa xã hội, nhưng vẫn muốn cống hiến những mùa xuân tươi đẹp nhất vào mùa xuân của đất nước:

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”.

Lời thơ thiết tha hòa cùng nhịp thơ của cả bài đã nhấn mạnh khao khát muốn đem cuộc đời của mình để phục vụ cho sự nghiệp chung đất nước của nhà thơ. Từ lúc tuổi đôi mươi cho tới lúc về già, ông nói nên những lời sâu thẳm đáy lòng mình. Điều đó khiến người đọc xúc động khi những lời tha thiết đó được viết trước một tháng khi ông qua đời.

Hình ảnh mùa xuân của cả bài thơ được lặp đi lặp lại và trở thành tâm điểm chính. Nhưng nó không đơn thuần là mùa xuân thiên nhiên, mà nó còn là mùa xuân của đất nước và cả cuộc đời. Ẩn chứa đằng sau đó là tình cảm yêu quê hương đất nước mãnh liệt của nhà thơ.

Tóm lại, “Mùa xuân nho nhỏ” là một bài thơ sâu sắc và đáng nhớ nhất của Thanh Hải. Qua bài thơ, ông đã truyền tải thông điệp vô cùng ý nghĩa đến độc giả là “Mỗi cuộc đời chính là một mùa xuân và hãy góp phần làm cho mùa xuân của đất nước mãi mãi tươi đẹp”.

Bài văn mẫu 3: Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) nêu cảm nhận của em về đoạn thơ từ Ôi, thuở ấu thơ đến Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ

Bài làm

Đoạn thơ từ “Ôi, thuở ấu thơ” đến “Lá xanh dải lụa mềm lửng lơ” trong bài “Gò Me” của Hoàng Tố Nguyên đã vẽ nên khung cảnh hạnh phúc, bình yên của tuổi thơ. Trong tâm trí tác giả, tuổi thơ hiện lên qua những buổi chăn bò, cắt cỏ là những lúc thảnh thơi nằm dưới hàng me, nghe tre thổi sáo. Qua lăng kính tưởng tượng phong phú của mình, tác giả hình dung, liên tưởng đến những quả me non trông giống như lưỡi liềm. Còn những lá me xanh thì giống như dải lụa mềm lửng lơ. Đây là cách liên tưởng hết sức thú vị và đầy tinh tế.

Bài văn mẫu 4: Cảm nhận của em về tình cảm của tác giả đối với quê hương, đất nước trong bài thơ Gò Me

Bài làm

Sau khi đọc xong bài thơ “Gò Me”, em thấy tác giả Hoàng Tố Nguyên là một người luôn yêu quý và trân trọng quê hương, đất nước của mình. Điều đó được thể hiện bằng việc nhà thơ đã nhớ rất rõ vị trí địa lý quê mình, nhớ từng chi tiết như nhạc ngựa leng keng, nhớ vườn mía, bờ tre, cây tre… Đây đều là những hình ảnh quen thuộc, có thể bắt gặp gặp ở nhiều nơi. Nhưng chính nó lại làm hiện lên quê hương trong tâm trí của tác giả. Tác giả đặc biệt yêu quý và trân trọng quê hương của mình, bởi vì ở đó là tuổi thơ gắn liền với những người thân thiết nhất của ông là mẹ và chị.

Bài văn mẫu 5: Trình bày ý kiến của em về những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng

Bài làm

Dân tộc Việt Nam ta từ xa xưa có truyền thống đoàn kết tương thân tương ái sâu sắc và tốt đẹp, biết yêu thương đồng bào, giúp đỡ nhau khi cần thiết, chung sống hòa thuận và sống vì nhau. Chính vì vậy mà các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng cũng trở nên phổ biến giúp cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa thiết thực hơn.

Thiện nguyện hay từ thiện là làm những điều tốt, giúp đỡ người khác xuất phát từ tình yêu thương của bản thân mình. Đó là những hành động quyên góp, hiến tặng vật phẩm, hay giúp đỡ về nhiều mặt trong cuộc sống với những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ thiện có thể do một cá nhân hoặc một tổ chức đứng ra thực hiện.

Nhưng vì sao cần phải làm việc thiện nguyện? Bởi vì trong cuộc sống luôn có những người có hoàn cảnh khó khăn và bất hạnh hơn chúng ta rất nhiều. Họ chính là những người từ khi sinh ra không được may mắn phải mang tật nguyệt, thiếu hụt đi bộ phận cơ thể. Đất nước ta vỗn phải chịu nỗi đau thương của chiến tranh, chất độc màu da cam đã làm ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều đồng bào. Điều đó khiến bao đứa trẻ sinh ra đời mất đi khả năng sinh hoạt như người bình thường, mà phải nằm liệt giường một chỗ cho tới hết đời. Cũng có những người bị ảnh hưởng thần kinh, dẫn đến mất khả năng kiểm soát, hay bị tật nguyền trong quá trình lao động, gặp tai nạn mà mất đi khả năng lao động, sống dựa vào người khác.

Không những vậy, nước ta còn chịu ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt, gây hậu quả nghiêm trọng về người và của. Nhiều gia đình mất mát tất cả chỉ sau một cơn bão. Còn rất nhiều đứa trẻ từ khi sinh ra đã bị bỏ rơi, hay mồ côi từ bé, sống cuộc sống khó khăn vất vả. Có những đứa trẻ bị HIV, người già thì không nơi nương tựa. Cho dù có nhiều chính sách bảo trợ người bất hạnh đến đâu thì cũng không bao giờ là đủ. Những cơ quan nhà nước cũng chẳng đủ sức giảm thiểu, giúp đỡ hết những người bất hạnh. Việc chăm lo tất cả những số phận bất hạnh là điều khó khăn.

Chính vì vậy, những hành động từ thiện đã trở thành một nét đẹp trong cuộc sống của chúng ta. Những người có cuộc sống đầy đủ, hoàn cảnh tốt hơn sẽ góp phần nhỏ của mình giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Chẳng cần những thứ cao sang, chỉ đơn giản là những chiếc quần, áo cũ, cho đến một chút tiền để trang trải cuộc sống. Hoặc đến những thứ to lớn hơn như chiếc xe đạp, vật dụng trong nhà, hay một căn nhà mới. Tất cả những việc làm từ thiện ấy đã giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, giảm bớt đi gánh nặng của nhà nước.

Vậy làm thiện nguyện thì được điều gì? Điều đầu tiên là để thấy ấm áp trong trái tim mình, khiến tâm mình trở nên thanh thản và cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Làm từ thiện cũng chính là làm cho chính bản thân mình. Vì biết đâu giúp người lúc này, sau này chúng ta sẽ nhận lại được sự giúp đỡ ngược lại. Một xã hội giàu lòng yêu thương, sẵn sàng sẻ chia sẻ là xã hội phát triển, văn minh.

Tuy nhiên, có nhiều người làm từ thiện chỉ để kiếm lợi cho bản thân hay đánh bóng tên tuổi của mình. Nó không xuất phát từ tấm lòng của bản thân mỗi người mà trở thành công cụ kiếm lợi bất chính. Những quỹ từ thiện mọc ra khắp nơi, lợi dụng lòng tốt mọi người để chiếm đoạt làm của riêng. Cuộc sống vẫn đang tiếp tục diễn ra, và những hành động như vậy diễn ra ngày càng nhiều, đó đều là những hành động đáng lên án và phê phán.

Tóm lại, từ thiện là hành động đẹp, nó thể hiện tình yêu thương, sẻ chia với mọi người, nó phải xuất phát từ chính tâm của chúng ta. Là những người trẻ tuổi, chủ nhân tương lai đất nước, chúng ta hãy cùng góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, xã hội văn minh và đời sống con người ấm no, hạnh phúc.

Bài văn mẫu 6: Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) nêu cảm nhận của em về cảnh sắc và không khí mùa xuân

Bài làm

Một năm có bốn mùa, mỗi mùa đều có một nét đặc trưng riêng, trong đó em thích nhất là ngắm cảnh sắc và không khí của mùa xuân. Khi mùa xuân về, đất trời chuyển mình, khoác lên bộ áo mới ấm áp đến kì diệu. Bầu trời trong xanh hơn, làn gió dịu nhẹ cũng những tia nắng mặt trời ấm áp xuyên xuống từng khe lá. Mùa xuân dường như đang phất phủ lên những ngọn cỏ xanh mướt, đọng lại những giọt nước long lanh trong suốt trên lộc non xanh biếc. Xuân tới muôn hoa nở rộ khoe sắc, vạn vật nảy nở sinh sôi. Khắp nơi rộn ràng không khí xuân sang, tràn ngập nhựa sống như đang tô điểm cho hương thơm cuộc đời. Ngắm nhìn khung cảnh mùa xuân ấy khiến cho lòng người thật thư thái và dễ chịu.

Bài văn mẫu 7: Trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại

Bài làm

Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi giới trẻ được làm quen và tiếp cận nhiều với nền văn minh mới hiện đại và tiên tiến hơn, thì vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trở nên cần thiết hơn bất cứ khi nào hết.

Thực trạng đang diễn ra mà ai cũng cảm nhận thấy đó là xã hội đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Con người chúng ta ngày càng được hòa nhập, cởi mở hơn với những nền văn hóa mới của nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta lại quên đi nét đẹp, truyền thống văn hóa của chính đất nước mà chúng ta sinh ra và lớn lên. Nhiều bản sắc đã bị mai một, giới trẻ lại ngày càng ít quan tâm và tìm hiểu về những truyền thống, bản sắc đó. Thay vào đó, giới trẻ có xu hướng theo đuổi và ưa chuộng những văn hóa các nước khác.

Hậu quả của việc chạy theo những nền văn hóa khác nhau là những giá trị truyền thống tốt đẹp sẽ ngày càng bị mai một và mất dần đi. Những lễ hội, cuộc thi dân gian không còn được nhận nhiều sự quan tâm của con người hoặc chỉ mang dáng dấp hình thức. Nhiều đứa trẻ hiện nay không hiểu nền văn hóa truyền thống của đất nước mình bằng sự tân tiến của các nước trên thế giới. Chính những điều này đã làm con người đánh mất đi giá trị cốt lõi của đất nước mình.

Đứng trước thực trạng đáng báo động trên, là những người trẻ chúng ta cần làm gì để khắc phục? Trước hết, mỗi cá nhân đặc biệt là học sinh cần phải tìm hiểu, trau dồi những bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc, có trách nhiệm giữ gìn và phát huy thật tốt những giá trị đó với bạn bè năm châu. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải tổ chức nhiều hơn những hoạt động tuyên truyền, mang đến cho học sinh nguồn tri thức đúng đắn về giữ gìn bản sắc dân tộc. Gia đình, cộng đồng cũng phải cùng chung sức, đồng lòng để tô đậm thêm nữa những giá trị văn hóa đó để không bị phai nhạt trong các luồng văn hóa khác.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm chung của tất cả những con người Việt Nam chúng ta. Vì thế, chúng ta cần có ý thức giữ gìn và phát huy những truyền thống đó để nó ngày càng đẹp đẽ và phát triển rộng rãi hơn.

Bài văn mẫu 8: Viết đoạn văn (khoảng 10-15 câu) phân tích đặc điểm nhân vật người cha - tía nuôi của cậu bé An

(xem phiếu học tập 1 văn 7 kết nối tập 1 trang 133)

Bài làm

Sau khi đọc xong văn bản “Rừng cháy”, em vô cùng ấn tượng với nhân vật người cha hay tía nuôi của cậu bé An. Người cha được xuất hiện qua những lần tất tả, vội vã lôi đứa con trai nuôi tháo chạy khỏi bom mìn và lửa đạn. Tuy An không phải là con ruột của tía nuôi, nhưng ở bên cạnh tía, An cũng phần nào cảm thấy bơi bớt đi những tủi hờn, khốn khổ của đứa trẻ mồ côi giữa những ngày chiến tranh lửa đạn. Người đọc hẳn ám ảnh với những chi tiết miêu tả tiếng gọi rừng rợn, đầy khủng khiếp đến kinh hoàng của người cha trong những lần có bom giật. Qua đó, chúng ta cảm nhận được tình cảm yêu thương của người cha nghèo dành cho con, cho dân tộc. Người cha trong văn bản thực sự đã khiến người đọc ấm lòng bởi tính cách khẳng khái cùng trái tim yêu thương, giàu lòng đôn hậu.

Bài văn mẫu 9: Viết đoạn văn (khoảng 10-15 câu) nêu cảm nhận của em về tình cảm của nhà thơ với đất nước, con người được bộc lộ trong đoạn trích:

tôi yêu đất nước này áo rách

căn nhà đột phên không ngăn nổi gió

vẫn yêu nhau trong từng hơi thở

lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài

thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai

tôi yêu đất nước này như thế

như yêu cây cỏ ở trong vườn

như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương

nuôi tôi thành người hôm nay

yêu một giọng hát hay Bài tham

có bài mái đẩy thơm hoa dại

có sáu câu vọng cổ chưa chan

có ba ông táo thờ trong bếp

Bài làm

Yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Tình yêu quyê hương, đất nước ấy đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho những sáng tác thi ca. “Bài thơ của một người yêu nước mình” của tác giả Trần Vàng Sao cũng nằm trong nguồn cảm hứng ấy:

“tôi yêu đất nước này áo rách

có ba ông táo thờ trong bếp”

 

Ngay từ nhan đề bài thơ đã thông báo và truyền tải đến người đọc một tình yêu thiêng liêng, sâu đậm về tình yêu nước. Một điều đặc biệt nữa là bài thơ viết nên bởi những câu thơ bình dị, không viết hoa đầu dòng, không có dấu chấm và dấu phẩy nào. Đây là hình thức thơ vô cùng độc đáo như một sự khẳng định về mạch nguồn chảy mãi, không ngắt quãng và dừng lại. Tình yêu đất nước trong thơ Vàng Sao gắn liền với tình thân gia đình, những rung động với từng cảnh vật, con người trên quê hương được trở đi trở lại với điệp từ “tôi yêu”. Ý thơ dường như hòa quyện giữa khung cảnh thanh bình và hiện thực tàn khốc của thời cuộc. Làng quê đất nước đã hiện lên thơ mộng hơn hết, nhưng nó cũng mang đậm dấu ấn hiện thực của “đất nước áo rách”, “căn nhà dột phèn”. Ở nơi đó, cuộc sống của con người nơi chiến tranh lửa đạn đi qua đầy những cơ cực, song cũng gửi gắm muôn vàn thương yêu. Những chi tiết bình dị đến thân thuộc ấy đi vào trong thơ ông hết sức tự nhiên “cây cỏ trong vườn”, “bãi mái đẩy”, “câu vọng cổ”… Tất cả đã đi vào trong thơ của Trần Vàng Sao một cách tự nhiên và tràn ngập yêu thương

Bài văn mẫu 10: Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) có sử dụng thành ngữ đẽo cày giữa đường

Bài làm

Đẽo cày giữa đường là một thành ngữ có hàm ý chỉ và phê phán những người không có chủ kiến, luôn bị động, hay thay đổi theo quan điểm của người khác. Thành ngữ này cũng khuyên con người ta cần phải biết phân biệt phải trái, đúng sai, có được chính kiến của mình. Không chỉ thời xưa, mà đến ngày nay thành ngữ này vẫn vẹn nguyên giá trị. Đối với các bạn học sinh, để nhìn nhận rõ ràng vấn đề và có quan điểm riêng, không dễ bị lung lay bởi những ý kiến trái chiều của người khác là một thách thức. Muốn trở thành người có chủ kiến, không đẽo cày giữa đường, chúng ta cần phải nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức. Chỉ có như thế, ta mới có một nền tảng vững vàng, đúng đắn cho những suy nghĩ, quyết định của mình, cũng từ đó mà sẽ không lung lay trước vô vàn ý kiến của người khác.  

Bài văn mẫu 11 :  Ghi lại một cuộc đối thoại (giả định) giữa hai người (khoảng 5-7 câu), trong đó, một người có dùng câu tục ngữ: Muốn lành nghề chớ nề học hỏi

Bài làm

Đầu xuân, em được bố mẹ dẫn đi chơi ở làng gốm Bát Tràng. Em đã được đi xem những sản phẩm làm từ gốm và được trải nghiệm việc làm gốm, từ công đoạn nặn đất sét, sử dụng bàn xoay để tạo hình đồ vật cho đến khi mang đi nung đốt để khô và tráng bóng. Em đã nặn một lọ hoa cho mẹ có thể cắm hoa hằng ngày.Bố hỏi em:  
     - Con định nặn đồ vật gì?
      - Con định nặn một lọ hoa, bố ạ. Con muốn làm lọ hoa để tặng mẹ.
      - Nghe có vẻ thú vị đấy nhỉ?!
      - Vâng, nhưng con sợ là con sẽ làm không được đẹp.
      - Không sao, muốn lành nghề, chớ nề học hỏi. Con chỉ cần cố gắng học hỏi, luyện tập từ từ là sẽ có được một lọ hoa đẹp thôi.
Nghe bố nói vậy, em cảm thấy tự tin hơn nhiều. Cuối cùng, em đã làm được một lọ hoa màu trắng để tặng mẹ.  

Bài văn mẫu 12: Viết đoạn văn ( khoảng 5-7 câu) về một nét sinh hoạt thể hiện vẻ đẹp của con người và truyền thống văn hóa nơi em đang sống

Bài làm

Hằng năm, cứ đến ngày 6/2 âm lịch là nam nữ thanh niên và những người con xã xứ lại cùng tề tựu về làng để dự hội làng. Ngày hội làng quê em được tổ chức rất thường xuyên, long trọng và rộn rã. Để chuẩn bị cho ngày hội, các cụ bô lão trong làng đã ra quét dọn đình làng, khấn xin thành hoàng cho được tổ chức lễ hội từ chiều ngày hôm trước. Đối với em, đêm trước lễ hội là đêm vui vẻ nhất bởi các trò chơi văn nghệ, đố vui được làng tổ chức cùng sự góp vui, tranh tài của các thôn trong làng. Thôn nào cũng đều muốn được thể hiện tài năng của mình để giành giải nhất, cầu mong cho năm mới bình an, thuận lợi. Cho tới ngày 6/2, nghi thức quan trọng nhất là tế thần hoàng làng được đông đảo người dân tham gia. Nhà nào cũng muốn dâng lên Ngài một mâm ngũ quả do chính mình làm ra để tưởng nhớ công ơn lập làng, truyền nghề của đức thành hoàng làng.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com