Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có những giá trị lịch sử và văn hóa như thế nào?

III. Sử học với phát triển du lịch 

1. Vai trò của lịch sử và văn hóa đối với sự phát triển du lịch

Câu 1. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có những giá trị lịch sử và văn hóa như thế nào? 

Câu 2. Lễ hội Nghinh Ông là nét văn hóa của cư dân vùng nào ở Việt Nam? Lễ hội này có ý nghĩa như thế nào về mặt lịch sử? 

Câu trả lời:

Câu 1. Giá trị lịch sử và văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại:

  • Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn. 
  • Đây là cội nguồn của tinh thần yêu nước của dân tộc Việt. Ý thức về các vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ. Dân tộc ta trải qua thăng trầm của bao cuộc chiến tranh nhưng lòng yêu nước, ý thức độc lập tự chủ được các thế hệ người Việt tiếp nối nhau chưa bao giờ tắt, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong hệ thống giá trị đạo đức của người Việt. 
  • Ý thức đầu tiên về sự cố kết cộng đồng của người Việt Nam đã được dân gian huyền thoại hóa bằng thiên truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ” với hình ảnh “Bọc trăm trứng” chứa đựng triết lý nhân văn sâu sắc để lý giải nguồn cội con cháu Rồng Tiên. 
  • Luôn hướng con người tới cái chân - thiện - mỹ, cái cao cả mà con người luôn ước vọng tôn thờ.
  • Thể hiện lòng tự hào về cội nguồn quốc gia dân tộc, ý thức của người dân về lịch sử - một ý thức hệ sâu sắc như một minh triết được ông cha truyền lại cho đến ngày hôm nay. Truyền thống tôn thờ Hùng Vương là một hình thức biểu hiện mạnh mẽ nhận thức về lịch sử và sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam, truyền cảm mãnh liệt sự tôn kính của người dân với quá khứ của tổ tiên và di sản văn hóa đặc sắc.

Câu 2.

  • Lễ hội Nghinh Ông là nét văn hóa của cư dân các tỉnh miền ven biển Việt Nam từ Quảng Bình trở vào Nam (gồm cả Phú Quốc).
  • Ý nghĩa về mặt lịch sử của lễ hội Nghinh Ông: 
    • Là lễ hội truyền thống gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (cá Voi) nhằm cầu nguyện sự bình an khi ra biển và ước mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội tổng kết một mùa đánh bắt trên biển của ngư dân và chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới với những ước vọng một mùa bội thu. Đây là lễ hội thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn, tạ ơn Thần Nam Hải (cá Ông) và Thần Biển của ngư dân .
    • Có vị trí quan trọng trong đời sống của người dân, là sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu của cộng đồng. Lễ hội góp phần cố kết cộng đồng, là sợi dây liên kết mọi người, cùng thờ cúng chung một vị thần linh và cùng vui chung trong những trò diễn. Lễ hội Nghinh Ông đáp ứng nhu cầu tâm linh và thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng; bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hướng về nguồn cội, tưởng nhớ những người có công khai khẩn vùng đất (tiền hiền, hậu hiền), các diễn xướng dân gian. Lễ hội Nghinh Ông góp phần phát triển kinh tế thông qua thu hút khách du lịch qua các hoạt động như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng.

Xem thêm các môn học

Giải lịch sử 10 chân trời sáng tạo


Copyright @2024 - Designed by baivan.net