Văn mẫu 7 chân trời bài 3: Viết văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học

Đề bài: Viết văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn những bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài văn mẫu 1: Viết một đoạn văn ngắn để rút ra bài học từ câu chuyện Thầy bói xem voi

Bài làm

Thầy bói xem voi là một truyện ngụ ngôn có nội dung giáo dục rất thâm thúy ẩn chứa dưới hình thức nghệ thuật hài hước thú vị. Truyện ngụ ngôn là truyện không chỉ có nghĩa đen mả còn hàm chứa nghĩa bóng. Nghĩa bóng là ý nghĩa sâu kín gửi gắm trong truyện, thường là những bài học nhân sinh bổ ích cho con người trong cuộc sống. Thầy bói xem voi kể về cuộc xem voi của năm thầy bói mù và nhận xét của từng người về con voi. Sự khác biệt trong nhận thức về hình dáng con voi giữa các thầy bói dẫn đến cuộc tranh luận bất phân thắng bại, thậm chí dẫn tới ẩu đả. Từ việc chế giễu cách xem voi và nhận xét về voi rất phiến diện của năm ông thầy bói mù, người xưa khuyên chúng ta rằng khi tìm hiểu, xem xét, đánh giá các sự vật, sự việc, hiện tượng xung quanh thì phải thận trọng, kĩ càng và toàn diện để tránh những đánh giá lệch lạc, sai lầm.

Bài văn mẫu 2: Viết bài văn kể lại sự việc có liên quan đế nhân vật hoặc sự kiện lịch sử

Bài làm

Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 của quân và dân ta.

Toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong năm mươi sáu ngày đêm. Diễn biến được chia làm ba đợt tiến công. Từ ngày 13 đến 17 tháng 3 năm 1954, ta tiêu diệt hai cứ điểm được tổ chức phòng ngự tốt nhất là Him Lam và Độc Lập, mở toang cánh cửa phía Bắc và Đông Bắc cho quân ta chiếm xuống lòng chảo và khu trung tâm. Đợt 2 từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4 năm 1954, ta kiểm soát các điểm cao, khu trung tâm Điện Biên Phủ nằm trong tầm bắn các loại súng của ta. Quân địch rơi vào thế bị động, mất tinh thần cao độ. Đợi 3 từ ngày 1 đến 7 tháng 5 năm 1954, quân ta tổng công kích tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vào ngày 7 tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi. Quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm “mạnh nhất Đông Dương” - “pháo đài bất khả xâm phạm” của thực dân Pháp.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Trước hết, thắng lợi này đã chấm dứt chín năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ nhưng cũng đầy anh dũng của quân và dân ta. Đồng thời, chiến thắng lịch này đã đánh dấu một mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh thời đại. Với thất bại này, thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại các nước Đông Dương. Đồng thời chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia. Từ đó khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam. Đồng thời đã mở ra giai đoạn cách mạng mới để tiếp tục công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và cổ vũ toàn Đảng, toàn dân một lòng chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Như vậy, chiến dịch Điện Biên Phủ là một sự kiện có ý nghĩa trọng đại của của dân tộc Việt Nam.

Bài văn mẫu 3: Viết bài văn phân tích nhân vật chú bé thông minh trong truyện Em bé thông minh

Bài làm

“Em bé thông minh” là một trong những truyện cổ tích nổi tiếng trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Nổi bật trong tác phẩm là nhân vật chính - em bé thông minh.

Câu chuyện được mở đầu với tình huống một ông vua nọ vì muốn tìm người tài giúp nước nên sai một viên quan đi dò la khắp nơi. Viên quan đi đến đâu cũng ra những câu đố oái oăm nhưng không có ai trả lời được.

Một hôm nọ, viên quan đi qua cánh đồng ở một làng kia, thấy bên vệ đường có hai cha con đang làm ruộng, viên quan liền lại gần và hỏi người cha rằng trâu của ông một ngày cày được bao nhiêu đường. Người cha chưa biết trả lời thế nào thì đứa con đã hỏi lại viên quan rằng ngựa của ông ta một ngày đi được mấy bước. Quan nghe đến đấy thì nghĩ bụng đã tìm ra nhân tài, liền về bẩm báo với nhà vua. Khi đối mặt với một câu hỏi oái oăm của viên quan thì câu trả lời của cậu bé cũng là một câu hỏi cũng oái oăm không kém, đẩy người hỏi vào thế bị động. Sau khi nghe xong, viên quan vui mừng trở về kinh báo tin cho vua biết. Vua nghe chuyện thấy mừng nhưng vẫn muốn thử tài cậu bé một lần nữa. Vua sai ban cho làng ấy ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực ra lệnh phải nuôi cho ba con trâu đẻ thành chín con, năm sau đem nộp bằng không cả làng phải chịu tội. Cậu bé thấy vậy bảo làng giết thịt trâu và đồ hai thúng gạo nếp ăn còn mình cùng cha lên kinh đô gặp vua. Đến hoàng cung, cậu bé lẻn vào sân rồng khóc lóc um tùm khiến vua phải sai lính điệu vào hỏi cho rõ. Cậu bé kể rõ sự tình: mẹ mất sớm, muốn bố để em bé cho có bạn chơi cùng. Vua bật cười nói với cậu bé: "...muốn có em bé phải bảo cha lấy vợ khác chứ cha là giống đực sao đẻ được". Cậu bé nhân cớ đó hỏi lại vua: "vậy cớ sao vua lại lệnh cho làng con nuôi ba con trâu đực thành chín con để nộp". Điều đó khiến cho nhà vua và triều thần phải bật cười. Nhà vua thừa nhận chỉ muốn thử thách. Khi đối mặt với mệnh lệnh vua ban, cậu bé trong truyện đã không hề sợ hãi, mà vẫn bình tĩnh tìm ra được cách giải quyết khéo léo, hợp lí. Không dừng lại ở đó, nhà vua lại muốn thử thách cậu bé một lần nữa. Khi hai cha con đang ngồi ăn cơm ở quán, vua sai người đem đến một con chim sẻ bắt làm thành ba mâm cỗ. Cậu bé nhờ cha lấy một chiếc kim may rồi đưa cho sứ giả bảo cầm về rèn thành một con dao để xẻ thịt chim. Cách xử lí lần này khiến cho nhà vua và triều thần càng thêm thán phục tài trí của cậu bé.

Lúc bấy giờ, nước láng giềng muốn xâm lược nước ta, để dò xét họ liền sai sứ giả mang một cái vỏ ốc vặn dài hai đầu với lời thách đố xuyên được sợi chỉ qua. Vua sai viên quan đến hỏi cậu bé và câu đố được giải khiến sứ giả nước láng giềng kinh ngạc. Về sau, cậu bé được phong làm trạng nguyên. Có thể thấy rằng thử thách càng khó thì câu trả lời càng thuyết phục, điều đó chứng tỏ trí thông minh hơn người của em bé. Và tuy còn nhỏ tuổi nhưng cậu bé vẫn bình tĩnh, nhanh trí tìm ra cách giải quyết những thử thách mà chưa chắc người lớn nào đã làm được như cậu. Điều đó chứng tỏ cậu không chỉ thông minh mà cũng rất bản lĩnh. Hơn nữa, cách giải quyết của cậu bé đầy thú vị: dùng cách “gậy ông đập lưng ông”, để người đưa ra câu đố tự cảm thấy phi lý. Cách giải quyết thể hiện kinh nghiệm đời sống phong phú. 

Tóm lại, truyện đã đề cao mưu trí tài năng của em bé. Nhờ có sự thông minh của mình mà em bé được ban thưởng, phong làm trạng nguyên và sống ở một dinh thự cạnh hoàng cung để tiện hỏi han.

Bài văn mẫu 4: Phân tích hình ảnh chú lính chì qua “Bức thư gửi chú lính chì dũng cảm” của cậu bé

Bài làm

Nhà văn Andersen được mệnh danh là "Ông vua truyện cổ tích" với hàng loạt tác phẩm truyện dành cho thiếu nhi đến hiện nay được cả thế giới tiếp nhận như: “ Nàng tiên cá”, “ Nàng công chùa và hạt đậu”,… đặc biệt trong đó không thể bỏ qua là truyện “ Chú lính chì dũng cảm”. Để cảm ơn Andersen, Lysbeth Daumont đã có “ Bức thư gửi chú lính chì dũng cảm”.

Đó là bức thư của Lysbeth Daumont mười bốn tuổi viết để dự thi cuộc thi viết thư quốc tế năm 2005. Nhân vật chú lính chì dũng cảm đã gợi ra cho tác giả bức thư bài học: cái nhìn thực tế về hiện thực trong cuộc sống đầy rẫy khó khăn mà không phải lúc nào cũng có cái kết như ta mong muốn. Đứng trước những thử thách của cuộc sống, hãy chấp nhận và đối mặt với nó, bởi khi đó bạn sẽ có thể được có những thành quả của thành công, vượt ra khỏi mảnh đất chật hẹp vốn thuộc về mình.

Hình ảnh chú lính chì đã khắc ghi trong trí nhớ của tác giả. Đó tuy là chú lính chì cuối cùng bị thiếu một chân nhưng chú lại can đảm vượt qua bao nhiêu khó khăn. Trái tim của chú đã chiến thắng nỗi sợ hãi về tên phù thủy trong lọ thủy tinh gớm giếc. Không chỉ vậy chú còn vượt qua tất cả nguy hiểm cậu phải đối mặt mà khôn ghề lùi bước. Trong lòng cống tối om với chiếc thuyền giấy mỏng manh chú đã vượt qua bao thử thách, vượt qua cả lũ chuột cống hôi hám và con cá đã nuốt chú vào trong bụng. Sau một vòng gian nan chú lính chì đã trở lại nhà, chú đã có những giây phút hạnh phúc và chú lưu giữ giây phú ấy trong tim mình. Tuy kết truyện không phải là một cái kết viên mãn như các chuyện cổ tích khác, tất cả đều bị thiêu rụi bởi ngọn lửa nhưng tác giả lại cảm thấy biết ơn Andersen về cái kết ấy.

Hình ảnh chú lính chì như một chiến sĩ dụng mãnh sống mãi trong kí ức của tác giả. Đó là hình ảnh chú lính chì dù cho không có đầy đủ hai chân nhưng vẫn luôn dũng cảm và có một trái tim đầy yêu thương. Không chỉ dũng cảm mà hình ảnh chú lính chì còn đầy nghị lực, vượt qua khó khăn thử thách. Chú không bị sự thiếu thôn cơ thể đánh gục ý chí của mình, là một người có niềm tin, sự dũng cảm chú là một tấm gương tuyệt vời trong mắt tác giả. Đặc biệt hình ảnh chú lính chì làm cho tác giả tin vào quan điểm của của nhà văn Hê-minh-uây : “ con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại”.

Hình ảnh chú lính chì trong “ Bức thư gửi chú lính chì dũng cảm” là hình ảnh của một con người đầy sức sống, dũng cảm, một trái tim đầy yyeeu thương. Hình ảnh của chú lính trì chính là sự hiện thân cho câu nói “Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại”.

Bài văn mẫu 5: Hãy giới thiệu một nhân vật văn học đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc

Bài làm

Thế giới thần tiên trong trí tưởng tượng của trẻ em Việt Nam là một thế giới đầy màu sắc. Ở nơi thiên đường đó có cô Tấm dịu hiền, có anh Khoai chăm chỉ, cần cù và chàng Thạch Sanh khỏe mạnh, dũng cảm. Tuy nhiên, người mà những đứa trẻ chúng tôi thích nhất lại là ông Tiên – cụ già tốt bụng, luôn mang đến những điều ước màu nhiệm.

Trong trí tưởng tượng của tôi, ông tiên chắc cũng chẳng khác gì ông nội là mấy. Ông cũng có mái tóc trắng, búi củ tôi như các cụ ngày xưa. Ông có đôi mắt to, tròn nhìn hết cả thế gian xem ai khó khăn, đau khổ thì giúp đỡ. Đôi mắt ấy rất hiền hậu, nhân từ như chính con người ông.

Ông tôi ngày xưa có bộ râu dài đến rốn, bạc trắng nên tôi nghĩ bụt cũng vậy thôi. Da dẻ ông hồng hào, trắng trẻo vì ăn nhiều đào tiên trên thiên đình. Ông Tiên hay đi giúp đỡ người khác. Mỗi lần ông xuất hiện là lại có những đám khói trắng xóa ở đâu hiện ra mà chúng tôi thường gọi là "cân đẩu vân" của ông. Xung quanh ông Tiên, những luồng ánh sáng có thể soi sáng cả thế gian.

Ông thường mặc bộ quần áo màu vàng, đôi guốc mộc trông giản dị và gần gũi như ông mình. Giọng nói của ông ấm áp và ôn tồn xoa dịu hết mọi nỗi đau. Nhưng điều làm tôi yêu ông nhất chính là tấm lòng của ông. "Ông Tiên tốt bụng", "cụ già mang đến nhiều điều ước" là những cái tên mà tôi đặt cho ông. Ông Tiên giúp đỡ chị Tấm gặp được nhà vua. Khi chị Tấm không có quần áo đi dự hội, ông đã hóa phép biến đống xương cá ở bốn chân giường thành bộ quần áo đẹp, thành đôi hài đỏ dễ thương và thành con ngựa hồng để chị Tấm đi dự hội.

Ông Tiên đã dạy cho anh Khoai hai câu thần chú để trị tội tên địa chủ và cưới được con gái hắn. Trong câu chuyện cổ tích “Bông cúc trắng” ông tiên đã chỉ đường cho cô bé hái được hoa cúc mang về chữa bệnh cho mẹ. Ông còn đến tận nhà khám bệnh, chữa trị cho mẹ cô bé hiếu thảo kia.

Vậy đấy! Với cây phất trần trong tay ông đã đi khắp mọi nơi, gặp đủ hạng người, tốt có, xấu có. Nhưng chỉ những người tốt, những đứa bé ngoan ngoãn, học giỏi và hiếu thảo mới gặp được ông tiên, được ông giúp đỡ và cho điều ước. Còn những đứa trẻ hư, những người xấu sẽ phải chịu hình phạt thích đáng.

Tôi yêu ông Tiên lắm. Tôi coi ông như ông ruột của mình ấy. Từ hồi còn nằm nôi, tôi đã được các bà các mẹ kể về ông Tiên. Đến trong mơ, tôi cũng nhìn thấy những việc mà ông đã làm để giúp đỡ bà con nghèo, người gặp hoạn nạn. Tôi không phải là một đứa trẻ ngoan. Đôi lúc tôi còn lười biếng và cãi lại mẹ nhưng tôi sẽ sửa chữa, tôi sẽ cố gắng chăm học hơn, ngoan ngoãn hơn để một lần được nhìn thấy ông tiên– cụ già tốt bụng và nhân hậu của tôi.

Bài văn mẫu 6: Viết đoạn văn tóm tắt ngắn ngọn văn bản Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

Bài làm

Truyện kể về sự so bì giữa các bộ phận trong cơ thể con người. Mắt, Chân, Tay, Tai thấy mình quanh năm “làm việc mệt nhọc còn lão Miệng thì chẳng làm gì cả, chỉ ngồi ăn không”. Vì vậy, họ đồng lòng phản đối bằng cách bảo nhau không làm gì nữa để lão Miệng không có gì ăn. Nhưng Miệng không được ăn thì Mắt, Chân, Tay, Tai cũng mệt mỏi, rã rời. Cuối cùng họ cũng nhận ra công việc quan trọng của Miệng là nhai thức ăn để nuôi sống cơ thể. Thế là họ đến nhà Miệng, vực Miệng dậy, kiếm thức ăn để giúp Miệng dần tình lại. Từ đó, các bộ phận cơ thể người sống hòa thuận với nhau, mỗi người một việc, không ai tị ai cả.

Bài văn mẫu 7: Văn bản trên đã giúp em hiểu thêm điều gì về bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen? ( Hãy viết đoạn văn (khoảng 150-200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình)

Bài làm

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Đó là một bài ca dao quen thuộc với tất cả chúng ta. Thông qua văn bản phân tích về vẻ đẹp và giá trị của hoa sen của tác giả Hoàng Tiến Tựu, em càng hiểu rõ hơn về những ý nghĩa triết lí sâu xa hơn về cuộc sống của con người. Hình ảnh đóa hoa sen xinh đẹp khó gì sánh bằng trong đầm nước đã đi vào biết bao trang thi ca nhạc họa. Thủ pháp điệp vòng được vận dụng tinh tế ở câu thơ thứ hai và thứ ba, đã tạo nên nhạc điệu thú vị cho cả bài ca dao. Dù mọc lên từ trong bùn lầy, nhưng đóa hoa sen vẫn vươn thẳng về phía trước, đón lấy ánh mặt trời, tỏa hương thơm ngào ngạt.  Đó cũng chính là hình ảnh biểu trưng cho con người Việt Nam. Dù chân lấm tay bùn, dù hoàn cảnh khó khăn, người dân ta vẫn giữ vẹn nguyên những phẩm chất quý giá. Vẫn không ngừng cố gắng tiến về tương lai tươi đẹp phía trước. Niềm tự hào về những người con đất Việt ấy, đã được tác giả dân gian tinh tế gói lại trong bài ca dao qua biểu tượng đóa sen. Bài ca dao gợi lên sự rất gần gũi, thân quen giữa hoa sen với bản chất tốt đẹp của người lao động. Với bức tranh tuyệt mĩ được vẽ bằng ngôn ngữ, hoa sen sẽ lưu lại mãi mãi vẻ đẹp và hương thơm cao quý trong văn chương và trong lòng người dân đất Việt.

 

Bài văn mẫu 8: Em hãy viết bài văn ( khoảng 400-500 chữ) phân tích đặc điểm của một nhân vật văn học mà em có ấn tượng

Bài làm

Ở trước nhà em có trồng rất nhiều tre. Khi rảnh rỗi, em thường ngồi đếm các đốt của từng cây tre. Mỗi lần như vậy em lại nhớ về truyện cổ tích Cây tre trăm đốt mà mẹ từng kể.

Chuyện kể về một anh chàng đầy tớ nghèo khó nhưng chịu khó làm lụng. Anh làm việc cho lão phú ông trong làng, và được ông ta hứa là nếu chịu khó làm thì lão sẽ gả cô con gái xinh đẹp của mình cho. Nghe vậy, anh vui lắm, nên ra sức làm những việc phú ông yêu cầu, không quản mệt nhọc, vất vả.

Tuy nhiên, đời nào mà lão phú ông lại gả con gái của mình cho một kẻ nghèo khổ, đi làm thuê cơ chứ. Đến khi cô con gái đủ tuổi kén rể thì ông ta đã vội vàng đồng ý, gả cô cho tên nhà giàu ở làng bên.

Vì để dấu diếm chàng đầy tớ nhà mình, phú ông nói với chàng trai rằng, hãy tìm cho được một cây tre trăm đốt về làm sính lễ thì mới gả con gái cho. Thế là chàng trai vội vàng lên rừng tìm kiếm cây tre trăm đốt. Thế nhưng chàng tìm mãi, tìm mãi vẫn không tìm được cây tre trăm đốt nào cả. Quá mệt mỏi và tuyệt vọng, chàng ngồi xuống bật khóc tức tưởi. Đúng lúc đó bụt hiện lên, bảo anh hãy chặt một trăm đốt tre và dạy cho anh hai câu thần chú. Câu thần chú “Khắc nhập, khắc nhập” để một trăm đốt tre tự gắn lại với nhau tạo thành cây tre trăm đốt. Câu thần chú “Khắc xuất, khắc xuất” để các đốt tre tự rời nhau ra.

Thế là chàng trai mừng rỡ mang tre về nhà. Về đến nơi, chàng thấy trên sân là đám cỗ linh đình thì nhận ra là mình bị lừa. Thế nhưng chàng vẫn gọi phú ông ra xem cây tre trăm đốt. Khi lão ta vừa lại gần, chàng đọc ngay thầ chú “Khắc nhập, khắc nhập” khiến lão bị dính luôn vào cây tre. Cả nhà hỗn loạn, đầy tờ tìm mọi cách vẫn không gỡ lão ra được. Mãi sau, lão đồng ý gả con gái cho chàng đúng như đã hứa. Chàng không tin ngay, mà bắt lão thề thốt nhiều lần mới thả cho lão xuống.

Từ đó, mọi người ai càng nể phục chàng. Chàng cưới được cô vợ xinh đẹp, chung sống bên nhau hạnh phúc.

Bài văn mẫu 9: Phân tích nhân vật Gion-xi trong chiếc lá cuối cùng

Bài làm

O Henry (1862-1910) là một nhà văn nổi tiếng của Mỹ, với gia tài các tác phẩm đồ sộ. Ông không được học hành nhiều, thế nhưng chính cuộc sống cơ cực, vất vả phải buôn ba nhiều đã trở thành tư liệu, trải nghiệm giúp ông sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị. Đề tài chính của O Henry là những người Mỹ có cuộc sống chật vật, bất hạnh và khổ sở, với cách viết truyện đảo ngược tình huống đầy bất ngờ, hấp dẫn khiến độc giả ấn tượng và có cái nhìn khác biệt về giá trị của tác phẩm. Chiếc lá cuối cùng là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của O Henry, viết về giới họa sĩ nghèo khổ ở nước Mỹ lúc bấy giờ, với 3 nhân vật chính là cụ Bơ-men, hai nữ họa sĩ trẻ là Giôn- xi và Xiu. Dù sống trong cuộc sống bần hàn khó khăn, nhưng ở họ đều hiện lên những nét đẹp đáng quý, đáng trọng, bên cạnh sự nhân hậu, hy sinh của cụ Bơ-men hay tấm lòng, yêu thương bạn sâu sắc của Xiu. Thì nhân vật Giôn-xi hiện lên với những nét tâm trạng rất đời của một bệnh nhân đang tuyệt vọng và bước dần đến cái chết, cùng với sự hồi sinh và nghị lực sống thần kỳ của cô.

Câu chuyện được mở ra trong bối cảnh một khu nhà 3 tầng, cũ nát tồi tàn, tại thủ đô Oa-sinh-tơn, nước Mỹ, nơi đó có sự trú ngụ của một họa sĩ già là cụ Bơ-men, người vẫn luôn day dứt vì chưa vẽ được một tác phẩm nào để đời. Sống bên trên cụ là hai nữ họa sĩ Xiu và Giôn-xi họ đều là những cô gái, lương thiện, hiền lành và sống bình lặng. Nhưng thật không may rằng, Giôn-xi bất hạnh đã bị bệnh sưng phổi, phần vì bệnh nặng, phần vì túng thiếu không có tiền thuốc men, thế nên bệnh trạng của cô mãi không có tiến triển tốt. Sự đau đớn của bệnh tật, cộng với bế tắc trong cuộc sống, khiến Giôn-xi mất hết niềm tin vào sự sống, mặc cho có sự chăm sóc của người chị em tốt là Xiu bên cạnh. Cô phó thác số mạng của mình vào cái dây thường xuân đang rụng lá, ngày ngày đếm từng chiếc lá, và nghĩ rằng đến khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì cũng là lúc cô lìa đời. Thực tế rằng tâm hồn nghệ sĩ không phải là xấu, nhưng đối với bệnh tình của Giôn-xi lại là một chuyện xấu vô cùng.

Giôn-xi thực là một cô gái tội nghiệp, bệnh nặng và nghèo khó đã bào mòn hết sự kiên trì níu giữ cuộc sống bên trong tâm hồn cô, người con gái trẻ tuổi ấy hoàn toàn tuyệt vọng và nghĩ rằng chỉ có cái chết mới có thể giải thoát tất cả. Sự suy sụp của cô đến một cách mạnh mẽ và nhanh chóng mà những con người như Xiu không tài nào cứu rỗi được bằng những lời quan tâm, hay sự chăm sóc ân cần. Bởi lẽ Giôn-xi đã đặt hết niềm tin cũng như sự sống của mình vào cái dây thường xuân đang rụng lá trước cửa sổ rồi. Buổi tối hôm trước trước khi kéo màn đi ngủ, Giôn-xi đã hướng đôi mắt ra ngoài và đếm thấy còn lại 4 chiếc lá, lá càng ít đi thì ý muốn sống sót của Giôn-xi càng tụt xuống không thể cứu vãn, và cô đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để thần chết tới mang mình đến bên kia thế giới mà không màng tới sự đau khổ, buồn rầu của người bạn, cũng như sự tức giận của cụ Bơ-men về cái suy nghĩ ngớ ngẩn của mình (thực tế là cô không biết điều này và cũng không đủ tỉnh táo để nhận ra nó là một suy nghĩ xuẩn ngốc).

Trong lần đầu tiên, Giôn-xi giục Xiu kéo mành lên, rõ ràng cô đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc từ bỏ thế gian, giọng nói lạnh lùng lùng, cương quyết, mặc cho sự chần chừ sợ hãi của người bạn. Giôn-xi chỉ mong xem có còn lá không, chỉ mong tạo hóa sớm chấm dứt cuộc sống khốn khổ của mình bằng cách cho gió thổi bay hết 4 chiếc lá còn sót lại, nhưng thật may mắn vẫn còn một chiếc lá bám trụ trên dây thường xuân, kiên cường, trơ trọi. Không hiểu cô gái ấy đã có tâm trạng gì khi nhìn thấy chiếc lá cuối cùng ấy, một chút thất vọng, một chút vui mừng hoặc là một cái gì khác nữa. Nhưng chuyện còn sót lại một chiếc lá sau đêm mưa cũng chẳng khiến Giôn-xi thay đổi ý niệm về cuộc đời mình, cô vẫn lạnh lùng quả quyết rằng "hôm nay nó sẽ rụng thôi và lúc đó thì em sẽ chết". Lại một đêm mưa bão dồn dập, cứ ngỡ rằng lá sẽ rụng, Giôn-xi vẫn tàn nhẫn quyết tâm bắt Xiu kéo tấm mành chắn lên, và chỉ trong một khoảnh khắc đó, có cái gì đã vỡ ra trong tâm trí của cô gái trẻ. Cô đã tỉnh ngộ, đã nhận thức được rằng chiếc lá yếu đuối kia, vàng vọt kia trải qua bao bão tố, bao nhiêu đêm mưa thế mà vẫn cứ kiên cường bám trụ lấy sự sống, quyết không chịu để gió bẻ gãy. Còn bản thân cô thì sao quyết lìa đời, từ bỏ sự sống, tàn nhẫn với bản thân và mặc kệ sự đau đớn của người bên cạnh, thực ích kỷ biết bao nhiêu. Giôn-xi nhận thức được cái suy nghĩ tệ hại của bản thân "muốn chết là một tội", cô lập tức phấn chấn, niềm khao khát sống lại đầy ắp trong cô gái trẻ tuổi, cô muốn ăn cháo, uống sữa pha rượu vang đỏ sau bao ngày không thiết tha gì. Tâm hồn thiếu nữ sống dậy với khao khát làm đẹp dung nhan khi nhờ Xiu đưa cho chiếc gương, và lòng quan tâm đến cuộc sống khi nhờ Xiu xếp gối xung quanh để xem chị nấu nướng. Không chỉ hồi sinh ham muốn sống sót mà ở cô còn tạo dựng lại cho mình tình yêu đối với nghệ thuật, thứ mà cô bỏ ngỏ kể từ khi bệnh tật, Giôn-xi mong muốn một ngày nào đó sẽ được vẽ vịnh Na-plơ. Đây có thể xem là một điểm nhấn đắt giá mà OHenri đã tạo ra trong quá trình hồi sinh nhân vật này, "một ngày nào đó" tức là một mốc ước định của tương lai, còn vịnh Na-plơ lại là một vịnh nổi tiếng nằm ở nước Ý xa xôi. Như vậy nhân vật Giôn-xi muốn vẽ nó tức là trong lòng cô đã có những khao khát sống còn mãnh liệt, cô muốn khỏi bệnh, muốn được sống đến khi có điều kiện đi đến đất nước xinh đẹp kia bằng đôi chân của mình để thực hiện ước mơ nghệ thuật của mình. Còn có sự hồi sinh nào tuyệt vời đối với người nghệ sĩ hơn là sự hồi sinh của tình yêu nghệ thuật nữa? Cuối cùng hai cô gái đã cùng nhau chiến thắng bệnh tật, Giôn-xi hồi phục và hí hoáy đan một chiếc khăn màu xanh vô dụng. Cùng lúc đó cô gái cũng nhận được tin tức về cái chết nhanh chóng của cụ Bơ-men, mà qua lời kể của Xiu thì hẳn cô cũng đã nhận ra lý do của sự ra đi đột ngột này là vì bản thân cô. Như vậy có thể nói rằng mạng sống của Giôn-xi đã được kéo lại nhờ tấm lòng nhân ái của cụ Bơ-men, sự chăm sóc của Xiu, sự kiên cường kỳ lạ của chiếc lá và cuối cùng chính là ý chí sống còn mạnh mẽ của chính bản thân cô. Hẳn rằng sau khi biết chuyện cụ Bơ-men, Giôn-xi sẽ càng trân quý mạng sống của mình hơn và không bao giờ còn cái suy nghĩ phó thác ngu ngốc như trước đó nữa.

Với nhân vật Giôn-xi, ban đầu hẳn nhiều độc giả cũng vừa thương vừa bực tức với cái suy nghĩ xuẩn ngốc của cô gái trẻ như cụ Bơ-men, nhưng sau đó người ta lại càng khâm phục hơn cái nghị lực sống còn, tấm lòng yêu cuộc sống, yêu nghệ thuật được hồi sinh của cô gái trẻ. Câu chuyện của Giôn-xi chính là bài học đáng quý cho tất cả mọi người, đặc biệt là những ai đang chịu cảnh bế tắc, sinh tử mong manh rằng chỉ cần có nghị lực, có ý chí quyết tâm sống còn thì tạo hóa sẽ chẳng nỡ để chúng ta rời khỏi thế gian trong nuối tiếc, và hơn thế nữa xung quanh ta còn biết bao nhiêu con người nhân hậu, dũng cảm, sẵn lòng yêu thương chúng ta vô điều kiện chẳng hạn như cụ Bơ-men, chị Xiu.

Bài văn mẫu 10: Phân tích ý nghĩa hình ảnh chiếc lá cuối cùng trong truyện Chiếc lá cuối cùng

Bài làm

Ô Henri là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn xuất sắc của nền văn học Mỹ. Ông có nhiều tác phẩm truyện ngắn nổi tiếng với giá trị nội dung sâu sắc như: Tên cảnh sát và gã lang thang, Quà tặng của các đạo sĩ, ... Và truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng là một trong những tác phẩm như thế. Câu chuyện chứa đựng nhiều hình tượng giàu ý nghĩa, đặc biệt là hình ảnh chiếc lá cuối cùng. Đó là một hình ảnh giàu ý nghĩa không chỉ về mặt nghệ thuật mà còn cả về tinh thần nhân đạo cao cả nữa.

Truyện ngắn "Chiếc lá cuối cùng" kể về tình bạn của những người họa sĩ nghèo sống tại một khu nhà chung. Họ là những con người có cùng niềm đam mê nghệ thuật hội họa, mong muốn cống hiến cho đời những kiệt tác đẹp nhất của mình. Trong đó, nổi bật lên là tình bạn của hai người nghệ sĩ trẻ Xiu và Giôn-xi cùng với người nghệ sĩ già Bơ-men. Xiu và Giôn-xi sống cùng nhau trong một căn hộ nhỏ, cùng nhau trải qua những khó khăn về "cơm áo gạo tiền". Cùng sống trong khu nhà đó, có cụ Bơ-men, cụ cũng là một người họa sĩ. Nhưng những chật vật về cuộc sống không cho phép cụ theo đuổi mơ ước của mình, để cụ chỉ có thể ngồi làm mẫu vẽ cho những họa sĩ trẻ. Cả cuộc đời cụ mơ ước mình sẽ vẽ được một kiệt tác để đời mà vẫn chưa thực hiện được cho đến khi Giôn-xi mắc căn bệnh viêm phổi nặng rồi mất hết hi vọng khiến cụ và Xiu vô cùng lo lắng.

Ô. Henri đã làm nổi bật lên trong câu chuyện của mình tình bạn giữa những con người nghèo khổ. Một Xiu hết lòng lo lắng cho người bạn của mình, chăm sóc, kiếm tiền chữa bệnh, thuốc thang, động viên Giôn-xi; một cụ Bơ-men với tình yêu thương vô bờ bến dành cho cô gái nghèo Giôn-xi. Và chính tình yêu đó đã giúp cụ vẽ lên một kiệt tác để đời: Một chiếc lá thường xuân cuối cùng. Chính chiếc lá ấy đã vực dậy, làm hồi sinh một con người đã mơ tưởng đến "những nơi xa xôi" - Giôn-xi.

Hình ảnh chiếc lá cuối cùng mà Ô. Henri tạo ra vô cùng giàu ý nghĩa, không chỉ về mặt nghệ thuật mà còn chứa đựng trong đó cả những giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc nữa.

Về mặt nghệ thuật, chiếc lá cuối cùng trên tường ấy là một kiệt tác để đời của cụ Bơ-men - một người nghệ sĩ. Kiệt tác tức là một tác phẩm nghệ thuật hết sức độc đáo, hết sức tuyệt vời, giàu ý nghĩa. Người ta thường nhắc tới các kiệt tác nổi tiếng thế giới như bức tranh nàng Mona Lisa của De Vinci, Sáng tạo của Adam - Michelangelo... Nhưng kiệt tác được tạo nên trong tác phẩm "Chiếc lá cuối cùng" của Ô Henri lại chỉ là một tác phẩm nghệ thuật vô cùng bình thường trên một bức tường. Thế nhưng ẩn sâu trong nó lại chứa đựng một tấm lòng cao cả, lớn lao, một sự hy sinh thầm lặng, không cầu báo đáp.

Về giá trị nhân đạo, Chiếc lá cuối cùng là niềm hy vọng sống cuối cùng gieo vào lòng Giôn-xi - một cô gái đã mất hết niềm tin vào cuộc sống. Chiếc lá ấy đã thực hiện ý nghĩa cuối cùng nhưng vô cùng to lớn của mình là gieo lại niềm hi vọng sống cho một con người, cứu con người ấy thoát khỏi vòng tay của tử thần. Không chỉ thế, nó còn mang trong mình tình yêu thương bao la, vô bờ bến của người họa sĩ nghèo, già cả - Bơ-men đối với Giôn-xi. Tình cảm đó là tình yêu giữa con người với con người với nhau, là sự đồng cảm, yêu thương sâu sắc giữa những người có cùng cảnh ngộ với nhau. Và hơn thế nữa, chiếc là đó được vẽ lên bởi tâm huyết cũng như sự hy sinh cao cả của một con người. Tất cả những giá trị đó đã tạo nên ý nghĩa nhân đạo sâu sắc của chiếc lá thường xuân cuối cùng trên tường - kiệt tác để đời của cụ Bơ men.

Cuối cùng, cụ Bơ-men - người vẽ lên kiệt tác chiếc lá ấy đã không qua khỏi được căn bệnh viêm phổi nặng. Vậy nhưng chiếc lá mà cụ đã vẽ ấy đã giúp hồi sinh một con người. Sự hi sinh thầm lặng mà cao cả của cụ thật đáng trân trọng biết nhường nào. Qua hình ảnh chiếc lá và sự hi sinh của người nghệ sĩ già, tác giả Ô Henri muốn nhấn mạnh với chúng ta mục đích cao cả của nghệ thuật.

Khép lại tác phẩm, nhưng hình ảnh chiếc lá cuối cùng cùng với ý nghĩa của nó ghim lại thật lâu trong lòng người đọc chúng ta. Đó là một hình ảnh thật đơn giản nhưng chứa đựng thật nhiều ý nghĩa lớn lao. Một chiếc lá vừa là một kiệt tác nghệ thuật để đời của một người nghệ sĩ vừa là vật gieo hy vọng, giúp Giôn-xi vượt qua bệnh tật cũng là chiếc lá ghi lại tấm lòng yêu thương cao cả cùng sự hy sinh thầm lặng đáng trân trọng của người nghệ sĩ già - cụ Bơ-men.

 

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Copyright @2024 - Designed by baivan.net