Câu hỏi ôn tập Địa lí 9 KNTT mới

Tải bộ câu hỏi ôn tập Địa lí 9 Kết nối tri thức chương trình mới. Bộ tài liệu tổng hợp nhiều dạng bài tập, câu hỏi hay, tổng hợp kiến thức trọng tâm của bài học giúp học sinh ôn tập, nắm chắc kiến thức, đạt thành tích tốt trong học tập. Mời thầy cô và các em kéo xuống tham khảo.

CHƯƠNG 1: ĐỊA LÍ DÂN CƯ VIỆT NAM

BÀI 1: DÂN TỘC VÀ DÂN SỐ

(8 CÂU)

1. NHẬN BIẾT (2 CÂU)

Câu 1: Nêu sự thay đổi quy mô dân số ở nước ta. 

Trả lời:

Sự thay đổi quy mô dân số ở nước ta:

- Năm 2021, số dân nước ta là 98,5 triệu người, đứng thứ 15 thế giới và thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-lip-pin).

- Tỉ lệ tăng dân số nước ta có xu hướng giảm. Tuy nhiên, do quy mô dân số đông nên mỗi năm dân số nước ta vẫn tăng khoảng 1 triệu người. 

 

Câu 2: Nêu sự thay đổi cơ cấu dân số theo nhóm tuổi và giới tính ở nước ta. 

Trả lời:

Sự thay đổi cơ cấu dân số theo nhóm tuổi và giới tính ở nước ta:

Từ năm 1991 đến đến năm 2021, cơ cấu dân số theo nhóm tuổi và giới tính ở nước ta có sự thay đổi.

- Cơ cấu theo nhóm tuổi: 

+ Tỉ lệ dân số dưới 15 tuổi giảm, tỉ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên tăng.

+ Việt Nam đang ở trong thời kì dân sống vàng, có xu hướng già hóa dân số. Xu hướng già hóa dân số do tỉ lệ sinh giảm, tuổi thọ trung bình tăng trong những thập kỉ qua. 

- Cơ cấu theo giới tính:

+ Tỉ số giới tính ở nước ta khá cân bằng. Năm 2021, tỉ số giới tính là 99,4 nam/ 100 nữ. 

+ Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cần được quan tâm. Năm 2021, có 112 bé trai/100 bé gái. 

 

2. THÔNG HIỂU (1 CÂU)

Câu 1: Trình bày đặc điểm phân bố của các dân tộc Việt Nam.

Trả lời:

Đặc điểm phân bố của các dân tộc Việt Nam:

- Các dân tộc ở Việt Nam sinh sống rộng khắp trên toàn lãnh thổ:

+ Người Kinh: cư trú khắp cả nước nhưng tập trung nhiều hơn ở đồng bằng, ven biển và trung du.

+ Các dân tộc thiểu sổ: sinh sống ở vùng đồi núi và cao nguyên.

+ Dân tộc Tày, HMông, Thái, Mường: sinh sống chủ yếu ở Trung du và miền núi Bắc Bộ. 

+ Dân tộc Gia-rai, Ê-đê, Ba-na: sinh sống ở Tây Nguyên.

+ Dân tộc Khơ-me, Chăm, Hoa: sinh sống chủ yếu ở các đồng bằng ven biển phóa Nam và Đồng bằng sông Cửu Long. 

- Phân bố dân tộc ở Việt Nam có sự thay đổi: có sự thay đổi về không gian. 

+ Các dân tộc Việt Nam phân bố ngày càng đan xen với nhau trên lãnh thổ nước ta.

+ Các vùng Tây Nguyên, Trung du, miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có nhiều dân tộc cùng sinh sống. 

- Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận của dân tộc Việt Nam:

+ Việt Nam có hơn 5 triệu người sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài (năm 2021), là bộ phận quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

+ Người Việt ở nước ngoài luôn hướng về xây dựng quê hương, đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước. 

3. VẬN DỤNG (3 CÂU)

Câu 1: Sưu tầm tài liệu, thông tin trên sách, báo, internet và giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của một dân tộc ở nước ta. 

Trả lời:

Người Tày với các nhóm địa phương là Pa dí, Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao, là một trong số 54 dân tộc tại Việt Nam, là dân tộc lớn thứ hai sau người Kinh.

- Tổ chức cộng đồng: 

+ Bản của người Tày thường ở chân núi hay ven suối. 

+ Tên bản thường gọi theo tên đồi núi, đồng ruộng, khúc sông. 

+ Mỗi bản có từ 15 đến 20 nhà. Bản lớn chia ra nhiều xóm nhỏ.

- Trang phục:

+ Người Tày mặc các bộ trang phục có màu. 

+ Trang phục cổ truyền của người Tày được làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục nam và nữ, hầu như không có hoa văn trang trí. 

+ Phụ kiện trang trí là các đồ trang sức làm từ bạc và đồng như khuyên tai, kiềng, lắc tay, xà tích,.... 

- Âm nhạc: 

+ Hát then, hát lượn, hát sli được dùng vào các mục đích sinh hoạt khác nhau, các thể loại dân ca nổi tiếng của người Tày. 

+ Bộ nhạc cụ chính như Đàn tính, Lúc lắc. 

- Nhà ở: 

+ Nhà truyền thống thường là nhà sàn, nhà đất mái lợp cỏ gianh và một số vùng giáp biên giới có loại nhà phòng thủ. 

+ Trong nhà phân biệt phòng nam ở ngoài, nữ ở trong buồng. Phổ biến là loại nhà đất 3 gian, 2 mái (không có chái), tường trình đất hoặc thưng phên nứa, gỗ xung quanh, mái lợp cỏ tranh.

- Tín ngưỡng và tôn giáo: 

+ Người Tày chủ yếu theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trong ngôi nhà của họ bàn thờ luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. 

+ Ngoài tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, người Tày còn chịu ảnh hưởng của tôn giáo như Phật, Đạo, Nho mặc dù họ không theo một tôn giáo nào.

- Ngôn ngữ và chữ viết: tiếng Tày là một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Thái trong hệ ngôn ngữ Tai-Kadai. Tiếng Tày có quan hệ gần gũi với tiếng Nùng, tiếng Tráng ở mức trao đổi trực tiếp được, và giao tiếp được với người nói tiếng Lào, tiếng Thái.

- Ẩm thực: 

+ Nguồn lương thực, thực phẩm chính của người Tày phong phú và đa dạng, những sản phẩm thu được từ hoạt động sản xuất ở vùng có rừng, sông, suối, đồi núi bao quanh. 

+ Một số món ăn nổi tiếng: thịt trâu xào măng chua, thịt lợn chua, cá ruộng ướp chua,…

- Lễ hội: lễ hội Lồng tồng, lễ hội Nàng Hai, lễ hội rước Đất, rước Nước,... 

 

Câu 2: 

a. Nêu đặc điểm địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số ở nước ta. 

b. Địa bàn sinh sống đặt ra thách thức gì các dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay?
Trả lời:

a. Đặc điểm địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số ở nước ta:

- Đồng bào các dân tộc thiểu số thường tập trung tại các vùng núi và vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, họ phân bố rải rác trên toàn lãnh thổ Việt Nam do chiến tranh và nhập cư. 

- Các dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực thành thị thường sung túc hơn các dân tộc thiểu số sống ở khu vực nông thôn. 

- Nhiều làng, xã có tới 3 - 4 dân tộc thiểu số khác nhau cùng sinh sống.

b. Địa bàn sinh sống đóng một vai trò quan trọng trong các tập tục văn hóa của các các dân tộc thiểu, song cũng tạo ra những rào cản trong việc tiếp cận cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công như y tế và giáo dục.

- Khả năng tiếp cận cơ sở vật chất cơ bản tại những địa bàn người dân tộc thiểu số sinh sống còn hạn chế. 

+ 72% người dân tộc thiểu số không có nhà vệ sinh đạt chuẩn, và hơn ¼ số hộ dân tộc thiểu số không được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh.

+ Tỉ lệ hộ có điện sinh hoạt tương đối cao ở Việt Nam, tuy nhiên phần lớn các hộ sinh sống tại khu vực nông thôn và vùng núi chưa được sử dụng điện lưới, gây nên tình trạng mất cân đối trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

- Trình độ văn hóa, đặc biệt là tỷ lệ biết chữ có khác biệt lớn giữa các nhóm dân tộc thiểu số

+ Mức thấp nhất là 34,6% với dân tộc La Hủ; mức cao nhất là các dân tộc Thổ, Mường, Tày và Sán Dìu đạt 95%. 

+ Tỷ lệ người lao động là dân tộc thiểu số đã qua đào tạo bằng 1/3 của cả nước.

- Khoảng cách địa lý:

+ Nhiều học sinh người dân tộc thiểu số phải đi một quãng đường xa để tới trường phổ thông, khoảng 9, km thậm chí lên tới 70 km.

+ Người được đi học chủ yếu là nam giới, do tư tưởng lỗi thời “trọng nam khinh nữ”  vẫn còn tồn tại ở đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Câu 3: Sưu tầm tài liệu, thông tin trên sách, báo, internet và trình bày về đặc điểm phân bố của một dân tộc ở nước ta.

Trả lời:

Đặc điểm phân bố của dân tộc Mường:

- Người Mường ở nước ta cư trú trên một vùng đồi núi khá rộng, trong các thung lũng chân núi, có địa lý môi sinh thuận lợi cho trồng trọt, nằm giữa vùng người Việt ở phía đông và vùng người Thái ở phía tây, chiều dài khoảng 350 km, chiều rộng khoảng 80 -90km.

- Tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hòa Bình, các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy của tỉnh Phú Thọ; các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, Như Xuân, Lang Chánh của tỉnh Thanh Hóa và rải rác ở các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Yên Bái...

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 CÂU)

Câu 1: Sưu tầm tài liệu, thông tin trên sách, báo, internet và cho biết:

a. Cơ cấu dân số vàng là gì?

b. Việt Nam có đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng không? Vì sao? 

Trả lời:

a. Cơ cấu dân số vàng: là khi tỉ trọng dân số từ 0 đến 14 tuổi chiếm dưới 30% và từ 65 tuổi trở lên chiếm dưới 15% tổng dân số. 

b. Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. 

+ Từ năm 2009 đến năm 2021, dân số trong nhóm từ 15 – 64 tuổi chiếm trên 67% tổng dân số.

+ Đây là cơ hội mà nước ta cần khai thác để nâng cao hiệu quả sử dụng lao động. 

 

Câu 2: 

a. Có ý kiến cho rằng: Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Em có đồng ý với ý kiến đó không. Vì sao?

b. Tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam dẫn đến hệ quả gì?

Trả lời:

a. Đồng ý với kiến Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Giải thích:

- Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019.

- Đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. 

- Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Sự thay đổi này xảy ra ở Việt Nam nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.

b. Hệ quả của tình trạng già hóa dân số ở nước ta: tác động đến thị trường lao động, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người già. 

 

Tìm kiếm google: Câu hỏi ôn tập địa lí 9 kết nối tri thức, tự luận địa lí 9 kết nối tri thức, bài tập tự luận địa lí 9 kntt

Xem thêm các môn học

Giải địa lí 9 KNTT mới


Copyright @2024 - Designed by baivan.net