Giải Địa lí 8 sách VNEN bài 26: Sông ngòi Việt Nam

Giải chi tiết, cụ thể địa lí 8 VNEN bài 26: Sông ngòi Việt Nam. Tất cả bài tập được trình bày cẩn thận, chi tiết. Mời các em cùng tham khảo để học tốt môn học này.

A. Hoạt động khởi động

Nêu những hiểu biết của em về một dòng sông ở quê hương em hoặc nơi em sinh sống.

Trả lời:

     Em sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nơi đây có con sông Hồng chảy qua. Sông Hồng là một trong những con sông lớn của cả nước. Nó bắt nguồn từ Trung Quốc và đổ ra biển Đông. Chính nhờ sông Hồng mà vùng đồng bằng Bắc Bộ hằng năm được bồi đắp phù sa, đất đai màu mỡ. Đây cũng chính là dòng sông quan trọng của nền văn hóa lúa nước Việt Nam...

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Tìm hiểu đặc điểm chung của sông

Dựa vào những hiểu biết của bản thân, quan sát hình 1 và đọc thông tin, hãy:

- Kể tên một số sông lớn của nước ta. Cho biết vì sao nước ta có nhiều sông ngòi, song các sông phần lớn là nhỏ, ngắn và dốc.

- Hoàn thành bảng theo mẫu sau:

Các đặc điểm chính của sông ngòi nước ta:

Yếu tốĐặc điểm
Mạng lưới sông và sự phân bố 
Hướng chảy 
Chế độ nước 
Hàm lượng phù sa 

Trả lời:

* Một số sông lớn của nước ta là: sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu, sông Cửu Long...

* Nước ta có nhều sông ngòi, song các sông phần lớn là nhỏ, ngắn và dốc vì:

+ Lãnh thổ nước ta hẹp ngang và nằm sát biển nên sông ngắn

+ Địa hình nước ta có nhiều đồi núi (chiếm 3/4 diện tích), đồi núi lấn ra sát biển nên dòng chảy của các sông khá dốc.

+ Địa hình nước ta bị xâm thực, xói mòn, cắt xẻ nên có nhiều sông nhỏ 

Hoàn thành bảng:

Yếu tốĐặc điểm
Mạng lưới sông và sự phân bố

 Nước ta có mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp trên cả nước.

  • Nước ta có 2360 sông dài > 10km.
  • 93% các sông nhỏ và ngắn.
  • Các sông lớn: sông Hồng, sông Mê Công…
Hướng chảy

Hai hướng chính:

  • Hướng TB –ĐN: sông Đà, sông Hồng, sông Mã…
  • Hướng vòng cung: Sông Lô, sông Gâm, sông Cầu…
Chế độ nước

Có hai mùa nước: Mùa lũ và mùa cạn khác nhau rõ rệt.

  • Mùa lũ: nước dâng cao, chảy mạnh, gây lũ lụt
  • Mùa cạn: nước sông hạ thấp, gây tình trạng thiếu nước.
Hàm lượng phù sa
  • Sông ngòi nước ta có hàm lượng phù sa lớn
  • Lượng phù sa trôi theo dòng nước tới trên 200 triệu tấn/năm

2. Tìm hiểu việc khai thác kinh tế và bảo vệ sự trong sạch của các dòng sông.

Đọc thông tin, quan sát các hình ảnh trong hình 2,3 kết hợp với sự hiểu biết của bản thân, hãy:

- Cho biết một số giá trị của sông ngòi nước ta.

- Tìm nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm nước sông. Nêu giải pháp bảo vệ sự trong sạch của các dòng sông

Trả lời:

* Giá trị của sông ngòi nước ta:

+ Sông ngòi cung cấp nước để sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu cho sản xuất

+ Sông ngòi có giá trị lớn về thuỷ điện.

+ Sông ngòi cung cấp một lượng lớn phù sa để đất đai màu mỡ, tăng năng suất cây trồng.

+ Sông ngòi là đường giao thông để thuyền ghe hoạt động, nhất là các tỉnh miền Tây

+ Sông ngòi còn là nơi cung cấp nguồn thuỷ sản, đồng thời là nơi nuôi trồng thuỷ sản.

* Nguyễn nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm nước sông:

+ Do tàn phá rừng đầu nguồn

+ Do chất thải và hoá chất độc hại chưa qua xử lí của các hoạt động sản xuất và đời sống hằng ngày đổ ra các dòng sông.

* Giải pháp bảo vệ sự trong sách cho các dòng sông là:

+ Khôi phục và bảo vệ rừng đầu nguồn

+ Xử lí nước thải trước khi cho chảy ra sông

+ Không vứt rác xuống sông bừa bãi

+ Khai thác hợp lí các nguồn lợi từ sông…

3. Tìm hiểu các hệ thống sông lớn của nước ta

Quan sát hình 1, bảng 1, hoàn thành bảng theo mẫu sau:

Sông ngòi ở các khu vực

Nội dung

(Tên các hệ thống sông chính, thời gian mùa lũ)

Bắc Bộ 
Trung Bộ 
Nam Bộ 

Trả lời:

Sông ngòi ở các khu vực

Nội dung

(Tên các hệ thống sông chính, thời gian mùa lũ)

Bắc Bộ
  • Hệ thống sông chính: sông Hồng, sông Thái Bình, sông Lô và sông Đà.
  • Sông ngòi có chế độ nước thất thường, mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 10, lũ cao nhất tháng 8.
Trung Bộ
  • Hệ thống sông chính: sông Cả, sông Thu Bồn và sông Đà Rằng.
  • Lũ lên nhanh và đột ngột, lũ từ tháng 9 đến tháng 12.
Nam Bộ
  • Hệ thống sông chính: sông Đồng Nai, sông Cửu Long
  • Lòng sông sâu và rộng, lượng nước lớn, chế độ nước theo mùa.
  • Lũ từ tháng 7 đến tháng 11

C. Hoạt động luyện tập

Cho bảng số liệu sau:

- Cho biết thời gian và độ dài mùa mưa và mùa lũ tại lưu vực sông Hồng, biết rằng:

  • Thời gian mùa mưa bao gồm các tháng có lượng mưa trung bình >= 100mm
  • Thời gian mùa lũ bao gồm các tháng có lưu lượng trung bình tháng >= lưu lượng trung bình năm (tính bằng tổng lưu lượng nước trung bình năm chia cho 12 tháng).

- Nhận xét về mối quan hệ giữa mùa mưa và mùa lũ tại lưu vực sông Hồng.

Trả lời:

* Thời gian và độ dài của mùa mưa và mùa lũ tại lưu vực sông Hồng:

+ Mùa mưa: Tháng 4 đến tháng 10

+ Mùa lũ: Tháng 6 đến tháng 10

* Nhận xét mối quan hệ giữa mùa mưa và mùa lũ tại lưu vực sông Hồng: Mùa lũ thường đến muộn hơn mùa mưa hai tháng.

D-E. Hoạt động vận dụng - Tìm tòi mở rộng

Câu 1. Nêu các giải pháp để phòng chống lũ lụt hoặc để bảo vệ dòng sông không bị ô nhiễm ở quê hương em.

Trả lời:

* Cách phòng chống lũ lụt ở đồng bằng sông Hồng:

+ Từ xa xưa nhân dân trong vùng đã đắp đê chống lũ.

+ Tích cực trồng rừng ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng

+ Đắp đập, làm hồ chứa nước phát triển thuỷ điện, điều hoà chế độ dòng nước

+ Tiêu lũ theo sông nhánh và ô trũng.

Câu 2. Trao đổi với người thân hoặc tìm thông tin để giải thích: Tại sao ở Đồng bằng sông Cửu Long lại có phương châm "sống chung với lũ".

Trả lời:

+ Lũ ở đồng Bằng sông Cửu Long: Lên chậm, từ từ. Lũ lên từ từ và phân bố ở tất cả toàn đồng bằng chứ không tập trung ở vùng ngoài đê như ở Đồng bằng sông Hồng. Đây chính là cơ hội để người dân nơi đây phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của người dân. Cụ thể là:

+ Lũ ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long giúp người dân tận dụng nguồn phù sa mà lũ mang lại để canh tác cây trồng đặc biệt là lúa và cây hoa màu. Để bảo vệ độ màu mỡ cho đất, 1 số khu vực có chủ trương xả lũ trong mùa lũ để cải tạo đất và lấy phù sa cho vùng đê bao khép kín.

+ Ngoài ra, lũ của vùng còn giúp khai thác nguồn lợi thuỷ sản từ lũ. Lũ mang theo nhiều loài thuỷ sản như tôm, cá; đây là điều kiện tốt để cung cấp nguồn thức ăn cho thuỷ sản nuôi trong vùng lại là thuận lợi để đa dạng hoá cơ cấu các loài thuỷ sản.

=> Do đó, ở đồng bằng sông Cửu Long có phương châm "sống chung với lũ".

Tuy nhiên, việc sống chung với lũ cần phải chú ý đến việc bảo vệ môi trường, tránh ô nhiễm nguồn nước.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com