Giải địa lí 9 bài 17: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

Hướng dẫn giải, soạn bài, làm bài tập, bài thực hành trong bài 17: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ - trang 61 địa lí 9. Tất cả các kiến thức trong bài học này đều được giải đáp cẩn thận, chi tiết. Chúng ta tham khảo để học tốt địa lí 9 bài 17: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nhé.

[toc:ul]

I. TÓM TẮT LÝ THUYẾT BÀI HỌC

I. Vị trí địa lí và giới hạn lãnh thổ

a. Vị trí:

Là vùng lãnh thổ phía Bắc nước ta

  • Phía Bắc giáp Trung Quốc
  • Phía Nam giáp vùng Bắc Trung Bộ
  • Phía Tây giáp Lào
  • Phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ

b. Lãnh thổ

  • Diện tích: 100.965 km2 chiếm 1/3 diện tích lãnh thổ cả nưuocs
  • Dân số 11,5 triêu người chiếm 14,4% dân số cả nước ( 2002)
  • Có đường bờ biển dài

=>Lãnh thổ giàu tiềm năng, dễ giao lưu với nước ngoài và trong nước.

II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

  • Địa hình cao, căt xẻ mạnh
  • Khí hậu có mùa đông lạnh
  • Tài nguyên: khoáng sản có nhiều loại, trữ năng thủy điện dồi dào.
  • Khó khăn: Mùa đông lạnh, đi lại khó khăn, thảm thực vật bị tàn phá quá mức gây sạt lở đất…Khoáng sản phần lớn có trữ lượng nhỏ, phân bố rải rác.

III. Đặc điểm dân cư, xã hội

  • Có trên 30 dân tộc ít người cùng sinh sống, người Kinh cư trú ở hầu hết các địa phương.
  • Có sự chênh lệch giữa Tây Bắc và Đông Bắc về các chỉ tiêu phát triển dân cư, xã hội.
  • Đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn nhưng đang được cải thiện.
  • Thuận lợi:
    • Đồng bào dân tộc có kinh nghiệm sản xuất (canh tác trên đất dốc, trồng cây công nghiệp, dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới…).
    • Đa dạng về văn hóa.
  • Khó khăn:
    • Trình độ văn hóa, kĩ thuật của người lao động còn hạn chế.
    • Đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

II. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

Câu 1: Quan sát hình 17.1, hãy xác định và nêu ý nghĩa vị trí địa lí của vùng.

Trả lời:

  • Vị trí vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ:
  • Là vùng lãnh thổ phía Bắc nước ta
    • Phía Bắc giáp Trung Quốc
    • Phía Nam giáp vùng Bắc Trung Bộ
    • Phía Tây giáp Lào
    • Phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ
  • Ý nghĩa vị trí địa lí:
    • Có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng.
    • Có điều kiện giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực và các vùng kinh tế trong nước.
    • Phát triển kinh tế cả đất liền và kinh tế biển.

Câu 2: Căn cứ vào bảng 17.1, hãy nêu sự khác biệt về điều kiện tự nhiên...

Căn cứ vào bảng 17.1, hãy nêu sự khác biệt về điều kiện tự nhiên và thế mạnh kinh tế giữa hai tiểu vùng Đông Bắc và Tây Bắc.

Trả lời:

Sự khác biệt về điều kiện tự nhiên:

  • Tây Bắc: Núi cao, địa hình chia cắt sâu. Khí hậu nhiệt đới ẩm có mùa đông ít lạnh hơn.
  • Đông Bắc: Núi trung bình và núi thấp, hình cánh cung. Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh.

Sự khác biệt về thế mạnh kinh tế:

  • Tây Bắc: Phát triển thuỷ điện (Hoà Bình, Sơn La trên sông Đà). Trồng rừng, cây công nghiệp lâu năm, chăn nuôi gia súc lớn (cao nguyên Mộc Châu).
  • Đông Bắc: Khai thác khoáng sản (than, sắt, chì, kẽm, thiếc, bôxit, apatit, pirit, đá xây dựng). Phát triển nhiệt điện (ưông Bí). Trồng rừng, cây công nghiệp, dược liệu, rau quả ôn đới và cận nhiệt. Du lịch sinh thái (Sa Pa, hồ Ba Bể,...). Kinh tế biển (nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, du lịch vịnh Hạ Long).

Câu 3: Dựa vào số liệu trong bảng 17.2, hãy nhận xét sự chênh lệch về dân cư,...

Dựa vào số liệu trong bảng 17.2, hãy nhận xét sự chênh lệch về dân cư, xã hội của hai tiểu vùng Đông Bắc và Tây Bắc.

Trả lời:

Quan sát bảng số liệu 17.2 ta thấy:

  • Mật độ dân số của Đông Bắc  cao gấp 2 lần so với mật độ dân số Tây Bắc. Tuy nhiên cả hai vùng này lại có mật độ thấp hơn nhiều so với cả nước.
  • Mặc dù mật độ dân cư thấp hơn nhưng vùng Tây Bắc có mật độ dân số (2,2%) cao hơn ở vùng Đông Bắc (1,3%)
  • Các chỉ tiêu về: GDP/người, tỉ lệ người lớn biết chữ, tuổi thọ trung bình, tỉ lệ dân số thành thị ở Đông Bắc đều cao hơn Tây Bắc…

III. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI CUỐI BÀI HỌC

Câu 1: Hãy nêu những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên của Trung du...

Hãy nêu những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên của Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Trả lời:

Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có nhiều thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế. Đó là:

  • Đất feralit rộng, khí hậu nhiệt đới ẩm có mùa đông đông lạnh thuận lợi cho trồng cây công nghiệp, dược liệu, rau quả ôn đới và cận nhiệt.
  • Có nhiều cao nguyên với đồng cỏ thuận lợi cho chăn nuôi gia súc lớn.
  • Có vùng trung du Bắc Bộ với địa hình đồi bát úp xen kẽ những cánh đồng thung lũng bằng phẳng là địa bàn thuận lợi cho việc phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp, xây dựng các khu công nghiệp và đô thị.
  • Tiềm năng thuỷ điện trên các sông lớn, đặc biệt ở sông Đà.
  • Tài nguyên khoáng sản đa dạng: than, sắt, chì, kẽm, thiếc, bôxit, apatit, pirit, đá xây dựng; trong đó có than đá với trữ lượng và chất lượng tốt nhất Đông Nam Á.
  • Vùng biển có nhiều tiềm năng để phát nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, du lịch (vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới).
  • Tuy nhiên, vùng cũng có gặp một số khó khăn như: Mùa đông lạnh, đi lại khó khăn, thảm thực vật bị tàn phá quá mức gây sạt lở đất…Khoáng sản phần lớn có trữ lượng nhỏ, phân bố rải rác.

Câu 2: Tại sao trung du Bắc Bộ là địa bàn đông dân và phát triển kỉnh tế...

Tại sao trung du Bắc Bộ là địa bàn đông dân và phát triển kỉnh tế - xã hội cao hơn ở miền núi Bắc Bộ?

Trả lời:

Sở dĩ trung du Bắc Bộ là địa bàn đông dân và phát triển kỉnh tế - xã hội cao hơn ở miền núi Bắc Bộ là vì nó có nhiều điều kiện thuận lợi hơn:

  • Nằm liền kề với vùng đồng bằng sông Hồng, có trình độ phát triển kinh tế xã hội cao.
  • Có mặt bằng tương đối bằng phẳng, xây dựng nhiều cơ sở công nghiệp và đô thị.
  • Là nơi tập trung nhiều vườn cây công nghiệp như chè, hoa quả và chăn nuôi gia súc.
  • Khí hậu không quá khắc nghiệt, giao thông vận tải thuận tiện hơn.

Trong khí đó, ở miền núi Bắc Bộ địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, đất đai hạn hẹp nên dân cư thưa thớt hơn.

Câu 3: Vì sao việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống các dân tộc phải đi đôi...

Vì sao việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống các dân tộc phải đi đôi với bảo vệ môi trường tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên?

Trả lời:

Vì để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống các dân tộc ở trung du và miền núi Bắc Bộ phải khai thác các thế mạnh kinh tế của vùng như: khai thác khoáng sản, thủy năng, khai thác, chế biến lâm sản, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc lớn, du lịch sinh thái…

Trong điều kiện địa hình đồi núi, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nếu khai thác không chú trọng việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên sẽ làm cho các nguồn tài nguyên cạn kiệt dần, môi trường suy thoái, làm hạn chế việc phát triển kinh tế và đời sống các dân tộc.

Câu hỏi bổ sung: Dân cư xã hội của vùng trung du miền núi Bắc Bộ ....

Dân cư xã hội của vùng trung du miền núi Bắc Bộ có những thuận lợi và khó khăn nào đối với sự phát triển kinh tế xã hội?

Trả lời:

Dân cư xã hội của vùng trung du miền núi Bắc Bộ có những thuận lợi và khó khăn nhất định đối với sự phát triễn kinh tế xã hội. Đó là:

  • Thuận lợi:
    • Đồng bào dân tộc có kinh nghiệm sản xuất (canh tác trên đất dốc, trồng cây công nghiệp, dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới…).
    • Phong tục, đời sống của mỗi dân tộc khác nhau -> Đa dạng về văn hóa.
  • Khó khăn:
    • Trình độ văn hóa, kĩ thuật của người lao động còn hạn chế.
    • Đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

 

 

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Giải môn Địa lí lớp 9


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com