Giải SBT Kết nối tri thức Ngữ Văn 10 Bài 6: Nguyễn Trãi - Danh còn để trợ dân này (Đọc và Thực hành tiếng Việt)

Giải chi tiết, cụ thể SBT Ngữ văn 10 bộ sách Kết nối tri thức bài 6: Nguyễn Trãi - Danh còn để trợ dân này (Đọc và Thực hành tiếng Việt). Đây là bộ sách mới được phê duyệt trong chương trình đổi mới của Bộ Giáo dục và đào tạo. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết học sinh sẽ nắm bài học tốt hơn trong chương trình học mới này.

Bài tập 1. Đọc lại văn bản Tác gia Nguyễn Trãi trong sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn 10, tập hai (tr. 6 – 10) và trả lời các câu hỏi:

1. Lập niên biểu Nguyễn Trãi và nêu nhận xét về cuộc đời, con người ông.

2. Phân tích nội dung cơ bản của tư tưởng nhân nghĩa trong thơ văn Nguyễn Trãi.

3. Phân tích một đặc điểm của hình tượng thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi.

4. Nguyễn Trãi đã gửi gắm trong thơ viết về thế sự những nỗi niềm tâm sự gì?

5. Nêu các yếu tố cơ bản làm nên sức cơ bản làm nên sức thuyết phục trong trong văn chính luận của Nguyễn Trãi.

Hướng dẫn:

1. Niên biểu về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Trãi:

  • Nguyễn Trãi (1380 - 1442 ) là con của Nguyễn Ứng Long (sau đổi thành Nguyễn Phi Khanh) và bà Trần Thị Thái (con của Trần Nguyên Đán).
  • Sớm mồ côi mẹ, hai cha con đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) cùng năm (1400) và làm quan dưới Triều Hồ.
  • Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị chúng đưa sang Trung Quốc. “Nợ nước thù nhà”, Nguyễn Trãi tìm vào Lam Sơn theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa. Ông đã góp phần to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
  • Ông giúp Lê Lợi tiến hành cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, hăm hở tham gia công cuộc xây dựng đất nước nhưng bị bọn gian thần dèm pha, bị nghi oan và không được tin dùng.
  • Năm 1439, ông xin về ở ẩn tại Côn Sơn. Năm 1440, Lê Thái Tông mời ông ra giúp nước trở lại. Năm 1442 vụ án Lệ Chi Viên xảy ra, mãi đến năm 1464 vua Lê Thánh Tông mới minh oan cho ông.

Nhận xét về con người, cuộc đời Nguyễn Trãi:

  • Nguyễn Trãi là một vị anh hùng dân tộc, nhân vật toàn tài số một trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đồng thời cũng là người chịu nỗi án oan thảm khốc hiếm có trong lịch sử. 
  • Qua cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, chúng ta thấy được ông là một nhân cách lớn, một nhà văn hoá lớn, nhà tư tưởng lớn. 
  • Nguyễn Trãi là người đã có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực: văn học, lịch sử, địa lí. Đặc biệt, ông có những đóng góp lớn về văn học với ba mảng sáng tác chính: văn chính luận, thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm.

2. Nội dung cốt lõi trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là yên dân, trừ bạo. Tư tưởng nhân nghĩa của ông gắn liền với tư tưởng thân dân – yêu thương, tôn trọng, biết ơn dân; khẳng định sức mạnh, vai trò to lớn của nhân dân,.. Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa trước hết là thương dân, lấy cuộc sống bình yên, ấm no của nhân dân làm mục tiêu cao nhất: Vì dân lo trước, dạ khôn nguôi ( Mạn hứng, bài 2). Nguyễn Trãi luôn khẳng định sức mạnh, vai trò to lớn của nhân dân: Lật thuyền mới biết dân như nước (Quan Hải - Ức Trai thi tập). Đặc biệt, ông không chỉ thương dân mà còn biết tông trọng, biết ơn dân. Tư tưởng trọng dân, ơn dân bao trùm, xuyên suốt sáng tác của Nguyễn Trãi:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

(Bình Ngô đại cáo)

Ăn lộc đều ơn kẻ cấy cày

( Bảo kính cảnh giới, bài 19 – Quốc âm thi tập)

3. 

  • Thiên nhiên có vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ: Bạch Đằng hải khẩu (Cửa biển Bạch Đằng), Thần Phù hải khẩu (Cửa biển Thần Phù), Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự (Để chùa Hoa Yên núi Yên Tử), Vân Đồn,...
  • Thiên nhiên có vẻ đẹp thanh sơ, bình dị, gần gũi: Mộ xuân tức sự (Cuối xuân tức sự), Trại đầu xuân độ (Bến đò xuân đầu trại), Cây chuối, Thuật hứng (bài 24), Ngôn chỉ (bài 3, bài 11, bài 20),...

4. 

  • Nỗi buồn thời thế, nỗi thất vọng trước thực tại nhiều bất công, ngang trái: “Ở thế nhiều phen thấy khóc cười/ ... Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng/ Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi” (Tự thuật, bài 9);“Ai ai đều đã bằng câu hết/ Nước chẳng còn có Sử Ngư (Mạn thuật, bài 14);...
  • Niềm tự hào, tự tin vào phẩm cách thanh cao, khi tiết cứng cỏi, bản lĩnh kiên cường: “Đống lương tài có mấy bằng mày/ Nhà cả đòi phen chống khoẻ thay" (Tùng);"Thế sự dầu ai hay buộc bện/ Sen nào có bén trong lầm” (Thuật hứng, bài 25); “Chớ cậy sang mà ép nề/ Lời chẳng phải vuỗn khôn nghe" (Trần tình, bài 8); “Vườn quỳnh dầu chim kêu hót/ Cõi trần có trúc đứng ngăn" (Tự thản, bài 40),...
  • Lí tưởng sống cao cả, khát vọng xả thân vì chính nghĩa, vì dân, vì nước: “Trừ độc trừ tham, trừ bạo ngược/ Có nhân, có trí, có anh hùng” (Bảo kính cảnh giới, bài 5); “Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn/ Dường ấy ta đà phi sở nguyền” (Tự thản, bài 4);..

5. Các yếu tố cơ bản làm nên sức thuyết phục trong văn chính luận của Nguyễn Trãi:

  • Hiểu rõ đối tượng, bối cảnh chính trị và các vấn đề thời sự có liên quan đến ván dé.
  • Lập luận chặt chẽ dựa trên nền tảng chính nghĩa và quy luật khách quan của đời sống.

Bài tập 2. Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 11 – 12), đoạn từ “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, đến “Song hào kiệt đời nào cũng có” và trả lời các câu hỏi:

1. Đọc cước chú số 5 trong SGK (tr. 11), giải thích ý nghĩa của cụm từ “mỗi bên xưng đế một phương” trong bản dịch.

2. Mối quan hệ giữa nhiệm vụ “trừ bạo” và mục đích “yên dân” của đội quân thực thi lí tưởng nhân nghĩa được tác giả lí giải như thế nào?

3. Liệt kê những từ ngữ có nội dung thể hiện rõ tư thế chính nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn.

4. Việc khẳng định nền độc lập tự chủ dân tộc được triển khai trên những khía cạnh nào?

5. Đoạn văn đã thể hiện rõ nét quan niệm của Nguyễn Trãi về quốc gia dân tộc. Hãy trình bày ý kiến của bạn về nhận định này.

Hướng dẫn:

1. Trong nguyên văn, chữ “đế” được dùngvới đầy đủ nội hàm ý nghĩa trong SGK (giống với từ “để” trong bài thơ Nam quốc sơn hà: Nam quốc sơn hà Nam đế cư – Non sông nước Nam do Nam để làm chủ). Từ “đế” ở đây được sử dụng như một động từ, đặt trong cụm từ“mỗi bên xưng đế một phương” thể hiện tư tưởng xác lập thể chế nhà nước tự chủ. “Nam quốc” và “Bắc quốc” có sự tự chủ ngang hàng, bình đẳng, được lịch sử ghi nhận; do đó mỗi quốc gia có quyền tự quyết định vận mệnh của mình, không vì lí do gì có thể can thiệp, xâm phạm lẫn nhau. Bản dịch đã dịch sát ý của nguyên văn.

2. Nhiệm vụ “trừ bạo” (nguyên văn: khử bạo – trừ gian diệt giặc) và mục đích “yên dân” (nguyên văn: an dân – làm cho dân chúng được yên ổn thái bình) được đặt trong một cặp câu văn biền ngẫu mở đầu bài cáo, gắn với nội dung thực hiện lí tưởng nhân nghĩa.

Hình thức cặp câu văn đối nhau nhưng nội dung là sự nối tiếp, hàm ý lí giải, không phải là đối tương phản (ý đối lập nhau) hay đối tương đồng lý bổ sung cho nhau). Logic, mối quan hệ nghĩa ở đây là: Trong việc thực thi lí tưởng nhân nghĩa thì mục tiêu quan trọng nhất là “an dân”; muốn cho nhân dân có được cuộc sống yên ổn, thái bình thì nhiệm vụ cần thực thi trước hết, không có gì cấp bách bằng là phải trừ khử bạo tặc. Sự lí giải và lập luận của Nguyễn Trãi hết sức logic, chặt chẽ và điều đó luôn đúng với thực tế lịch sử.

3. Ví dụ một số từ ngữ: “Việc (thực thi lí tưởng) nhân nghĩa”, “yên dân”, “quân điếu phạt”, “trừ bạo”, “nước Đại Việt ta”, “núi sông bờ cõi”, “xưng đế một phương”.

4. Những khía cạnh chính trong việc khẳng định nền độc lập tự chủ dân tộc: tên gọi quốc gia Đại Việt có từ nhiều triều đại trước, khởi đầu là Đại Cổ Việt, độc lập sánh cùng với cách xưng gọi của các triều đại phương Bắc (Đại Hán, Đại Đường,Đại Tống, Đại Nguyên, Đại Minh); nền văn hiến tự chủ; lãnh thổ có đặc trưng riêng; phong tục tập quán có bản sắc khác biệt; các triều đại tự chủ nối tiếp; ý thức giữ gìn bờ cõi qua sự nghiệp của các bậc anh hùng hào kiệt;...

5. Quan niệm về quốc gia dân tộc được hình thành và hoàn thiện dần dần cùng với diễn trình lịch sử hình thành quốc gia dân tộc. Quan trọng nhất của quốc gia là tự chủ quốc gia dân tộc, quan trọng nhất của tự chủ dân tộc là ý thức tự chủ dân tộc. Nhiệm vụ của bài cáo không phải là luận về quan niệm quốc gia dân tộc, nhưng do ý thức được sâu sắc vấn đề tự chủ dân tộc là yếu tố quan trọng làm nên tư cách chính nghĩa quốc gia, tác giả đã rất chú ý lập luận nhằm thể hiện nổi bật điều này.

Quan niệm của Nguyễn Trãi về quốc gia dân tộc có sự phát triển toàn diện, sâu sắc mà các văn kiện lịch sử trước đó chưa hề đạt tới. Quan niệm đó được thể hiện ở các tiêu chí: danh xưng quốc gia; nền văn hiến; lãnh thổ; phong tục tập quán; các triều đại tự chủ nối tiếp; ý thức giữ gìn bờ cõi qua sự nghiệp của các bậc anh hùng hào kiệt;... Từ góc nhìn hiện đại, đến nay, quan niệm này vẫn hết sức xác đáng.

Bài tập 3. Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 12 – 13), đoạn từ “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà, đến “Ai bảo thần nhân chịu được?" và trả lời các câu hỏi:

1. Liệt kê một số động từ, cụm động từ thể hiện âm mưu, dã tâm và hành động bạo ngược, phi nghĩa của giặc Minh và bè lũ gian tà bán nước.

2. Hành động tội ác của kẻ thù đối với nhân dân ta đã được tác giả khái quát qua những khía cạnh nào?

3. Liệt kê một số hình ảnh có giá trị biểu cảm được tác giả sử dụng để tố cáo tội ác của quân giặc.

4. Tác giả đã thể hiện lòng căm thù giặc và sự thương xót nỗi thống khổ mà nhân dân ta phải chịu đựng như thế nào?

5. Nêu ý kiến nhận xét của bạn về hiệu quả biểu đạt của điển cố “trúc Nam Sơn, “nước Đông Hải".

Hướng dẫn:

1. Một số động từ, cụm động từ thể hiện âm mưu, dã tâm và hành động bạo ngược, phi nghĩa của giặc Minh và bè lũ gian tà bán nước: “thừa cơ gây hoạ”, “bán nước cầu vinh”, “nướng dân đen”, “vùi con đỏ”, “dối trời”, “lừa dân”, “gây binh”, “kết oán”, “bại nhân nghĩa”, “nặng thuế khoá.

2. Các khía cạnh tội ác có thể khái quát: 

  • Luôn có dã tâm xâm lược nên đã rình chờ cơ hội. (Nguyên văn “khích” có nghĩa là dòm ngó, nhìn trộm).
  • Gây chiến tranh thôn tính có tính chất huỷ diệt.
  • Huỷ hoại (với mức độ độc ác chưa từng có) các nền tảng giá trị nhân bản.
  • Cướp bóc, vơ vét của cải phục vụ cho lòng tham không cùng.
  • Thực thi chế độ nô dịch, đàn áp.

3. Tội ác kẻ thù được thể hiện bằng nhiều từ ngữ, hình ảnh giàu sức biểu cảm (“cuồng Minh”, “nướng” [hân], “vùi” [hăm], “dối” [khi], “lừa” [võng], “máu mỡ bấy no nê” [tuấn sinh linh chi huyết], “con đỏ" [xích tử],"ngọn lửa hung tàn”[ngược diệm], “hầm tai vạ” [hoạ khanh], “goá bụa khốn cùng” [quan quả điên liên], “tàn hại... côn trùng cây cỏ”[côn trùng thảo mộc... bất đắc toại kì sinh),...).

=> Những từ ngữ, hình ảnh này vừa tố cáo tội ác, vừa khơi dậy lòng căm thù uất hận, vừa thể hiện niềm thương xót cùng cực,...

4. Lòng căm thù giặc sâu sắc đồng nghĩa với sự phẫn uất trước những tội ác phi nhân tính, bại nhân nghĩa. Tác giả thể hiện điều này bằng cách vạch trần, phơi bày cụ thể, chi tiết hàng loạt hành động của quân giặc. Thủ pháp liệt kê theo lối đặc tả, nhấn mạnh và tăng tiến,... giúp chúng ta hình dung ra một bản cáo trạng đanh thép, tố cáo tội ác man rợ trời không dung đất không tha của bọn “cuồng Minh”. Đối lập với lòng căm thù là nỗi thương cảm, xót xa trước những đau đớn, tang tóc mà “dân đen con đỏ” cũng như mọi sinh linh phải chịu đựng. Một loạt hình ảnh, từ ngữ biểu đạt sự đau thương cùng cực của một người trong cuộc, với xúc cảm chân thực giúp người đọc nhận thấy chiều sâu của một tấm lòng ưu dân ái quốc.

5. Cả hai điểm cố nói trên mượn chữ và ý trong bài hịch của Ngỗi Hưu và Lương Nguyên kể tội Tuỳ Dượng đế: “Khách Nam Sơn chi trúc thư tội vô cùng, quyết Đông Hải chi ba lưu ác nan tận”. (Chặt hết trúc Nam Sơn, chép không hết tội; vét cạn nước Đông Hải, chẳng rửa sạch ác).

Điển cố “trúc Nam Sơn” và “nước Đông Hải” được dùng ở cuối đoạn văn tố cáo tội ác quân giặc. Trúc Nam Sơn và nước Đông Hải nguyên là hình ảnh biểu trưng cho cái vô hạn, nhưng trong trường hợp này không thể đem chúng ra để so sánh với tội ác của kẻ thù. Dùng trúc Nam Sơn làm thẻ để ghi chép thì đến sách vở thư tịch của cả một quốc gia trong nhiều đời cũng không dùng hết, vậy mà không đủ để ghi tội ác giặc Minh. Nước biển Đông mênh mông vô hạn có thể làm dậy bão táp phong ba, thế mà không đủ để rửa sạch sự dơ bẩn của kẻ thù. Điển cố được sử dụng đặc biệt phù hợp, làm tăng khả năng khái quát và tính biểu cảm của bản cáo trạng.

Bài tập 4. Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 13 – 15), đoạn từ “Ta đây: Núi Lam Sơn dãy nghĩa, đến “Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều" và trả lời các câu hỏi:

1. Tìm một số từ ngữ, hình ảnh thể hiện nỗi trăn trở và ý thức sâu sắc của bậc chủ tướng về sự cấp bách của trọng trách khôi phục giang sơn.

2. Chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh mang sắc thái biểu cảm thể hiện sự phẫn uất, căm giận của chủ tướng trước tội ác quân giặc nào thể hiện sự khó khăn thể

3. Những từ ngữ, hình ảnh nào thể hiện sự khó khăn, thiếu thốn của nghĩa quân Lam Son? 

4. Câu văn nào thể hiện rõ nhất tinh thần đoàn kết dân tộc, đồng cam cộng khổ của chủ tướng và nghĩa binh?

5. Hình ảnh bậc chủ tướng Lê Lợi được khắc hoạ ở những khía cạnh cụ thể nào? Bạn tâm đắc nhất với khía cạnh nào, vì sao?

Hướng dẫn:

1. Một số từ ngữ, hình ảnh thể hiện nỗi trăn trở và ý thức sâu sắc của bậc chủ tướng về sự cấp bách của trọng trách khôi phục giang sơn: “quên ăn” (nguyên văn: vong thực), “trần trọc trong cơn mộng mị” (nguyên văn: ngụ mị bất vong), “đăm đăm muốn tiến về đông” (mỗi uất uất nhi dục đông), “chăm chăm còn dành phía tả” (nguyên văn: cấp cấp dĩ hư tả), “vội vã hơn cứu người chết đuối” (nguyên văn: thậm ư chửng nịch),…

2. Những hình ảnh, từ ngữ mang sắc thái biểu cảm thể hiện sự phẫn uất, căm giận của chủ tướng trước tội ác của quân giặc: “há đội trời chung” (nguyên văn: khởi khả cộng đới), “thề không cùng sống” (nguyên văn: nan dữ câu sinh), “đau lòng nhức óc” (nguyên văn: thống tâm tật thủ), “nếm mật nằm gai” (nguyên văn: thường đảm ngoạ tân).

3.

  • Những khó khăn, thiếu thốn, gian khổ của nghĩa quân Lam Sơn được tác giả tái hiện xác thực, vừa khái quát vừa cụ thể từ góc nhìn của người tổ chức lực lượng kháng chiến.     
  • Ví dụ một số từ ngữ, hình ảnh:“tuấn kiệt như sao buổi sớm” (nguyên văn: tuấn kiệt thần tinh); “nhân tài như lá mùa thu” (nguyên văn: nhân tài thu diệp); “thiếu kẻ đỡ đần” (nguyên văn: phạp kì nhân); “hiếm người bàn bạc” (nguyên văn: quả kì trợ); thiếu thốn về nhân lực vật lực “lương hết mấy tuần”(nguyên văn: thực tận kiêm tuần);“quân không một đội" (nguyên văn: chúng vô nhất lữ);...

4. Câu văn thể hiện rõ nhất tinh thần đoàn kết dân tộc, đồng cam cộng khổ của chủ tướng và nghĩa binh: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”. Câu văn trong bản dịch thêm các từ “phấp phới”, “ngọt ngào” nhưng không xa ý của nguyên văn: “Yết can vi kì, manh lệ chi đồ tứ tập/ Đầu giao hưởng sĩ, phụ tử chi binh nhất tâm”.

5. Hình ảnh bậc chủ tướng Lê Lợi trong đoạn trích được khắc hoạ ở nhiều khía cạnh cụ thể, nhưng chủ yếu là các khía cạnh tinh thần: xuất thân từ dân chúng (“chốn hoang dã nương mình”); có ý thức về nỗi nhục nô lệ, luôn nuôi khát vọng tự chủ tự cường (“ngẫm thù lớn.”,“căm giặc nước......); thường xuyên trăn trở suy tư, thao thức về vận nước, quyết tâm nghiền ngẫm kế sách cứu nước (“suy xét”, “đắn đo" [về thời vận, thế cuộc],...); tận tâm cứu nước, mong tìm người cùng chí hướng với tinh thần khẩn trương (“muốn tiến về đông” “dành phía tả”...); có lòng căm giận ngút trời và nỗi lo lắng muộn bề (phần thì giận”, “phần thì lo”,..); nuôi dưỡng tinh thần sắt đá, quyết vượt qua gian khó ("dốc lòng” “gắng chỉ”,...); có niềm tin vào nội lực của chính mình (sức mạnh chính nghĩa, sự đoàn kết đồng lòng, nghệ thuật quân sự”xuất kì”, “mai phục” — “lấy ít địch nhiều", “lấy yếu chống mạnh,...).

Bài tập 5. Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 15 – 19), đoạn từ "Trọn hay:” đến “Cũng là chưa thấy xưa nay. và trả lời các câu hỏi:

1. Tìm những câu văn, ý văn thể hiện rõ tinh thần nhân nghĩa của quân ta.

2. Nếu diễn biến cuộc tổng tiến công qua một số sự kiện, trận đánh tiêu biểu của cuộc kháng chiến được thể hiện trong đoạn văn.

3. Tìm những từ ngữ, hình ảnh thể hiện khí thế quật cường và chiến công vang dội của nghĩa quân Lam Sơn.

4. Hình ảnh thất bại của kẻ thù được thể hiện trong đoạn văn như thế nào?

5. Nhận xét chung về âm hưởng của đoạn văn.

Hướng dẫn:

1. Những câu văn, ý văn thể hiện rõ tinh thần nhân nghĩa của quân ta: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn” (nguyên văn: dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn), “Lấy chí nhân để thay cường bạo” (nguyên văn: dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo), “Ta đây mưu phạt tâm công” (nguyên văn: ngã mưu phạt nhi tâm công), “Chẳng đánh mà người chịu khuất” (nguyên văn: bất chiến tự khuất), “hoàn hiếu thực lòng” (nguyên văn: tu hảo hữu thành), “thần vũ chẳng giết hại” (nguyên văn: thần vũ bất sát), “thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh” (nguyên văn: thể thượng đế hiếu sinh chi tâm), “cáp cho năm trăm chiếc thuyền” (nguyên văn: cấp hạm ngũ bách dư tao), “phát cho nghìn cỗ ngựa” (nguyên văn: cấp mã sổ thiên dư thất), “ta lấy toàn quân là hơn” (nguyên văn: dư dĩ toàn quân vi thượng), “để nhân dân nghỉ sức” (nguyên văn: dục dân dữ tức),…

2. 

Stt

Thời gian/thời điểm

Sự kiện/trận đánh

Kết quả 

1

Đinh Mùi tháng chín

Liễu Thăng đem quân cứu viện

 

2

Ngày mười tám (tháng Mười, năm Đinh Mùi)

Trận Chi Lăng

Liễu Thăng thua

3. 

Trong đoạn văn những từ ngữ, hình ảnh thể hiện khí thế quật cường và chiến công vang dội của nghĩa quân Lam Sơn khá nhiều, nên chỉ chọn những hình ảnh, từ ngữ tiêu biểu:

Ví dụ: “đưa lưỡi dao tung phá” (nguyên văn: nghênh nhận nhi giải), “gươm mài đá, đá núi cũng mòn” (nguyên văn: ma đao nhi sơn trạch khuyết), “voi uống nước, nước sông phải cạn” (nguyên văn: ẩm tượng nhi hà thuỷ can), “sạch không kình ngạc” (nguyên văn: quỳnh khoa ngạc đoạn), “tan tác chim muông” (nguyên văn: điểu tán khuân kinh), “nổi gió to” (nguyên văn: chấn cương phong),…

4. Hình ảnh thất bại thảm hại của kẻ thù một mặt đối lập với sức mạnh vũ bão của quân khởi nghĩa, mặt khác vừa tự đối lập với sự hùng hổ, ngông cuồng, xảo quyệt, nham hiểm của chúng lúc mới đem quân đội hùng hậu gây chiến tranh thôn tính.

Sự thất bại nhục nhã của kẻ thù được thể hiện, miêu tả một cách sinh động giàu sức biểu cảm thông qua việc khắc hoạ hình ảnh tướng giặc (“cùng kế”, “lê gối”, “trói tay”, “vỡ mật”, “vẫy đuôi”… ) có thể khái quát về tư thế và tư cách của kẻ bạo nghịch, phi nghĩa.

5. Đây là đoạn văn thể hiện được âm hưởng nổi bật của bài cáo, khiến tác phẩm được mệnh danh là “áng thiên cổ hùng văn”. Âm hưởng chung: hào sảng, hùng hồn, lẫm liệt, lôi cuốn,…Các biện pháp và thủ pháp cùng với những biểu hiện cụ thể: liệt kê, đối, biểu cảm, dùng điển cố,…Tác giả đã tổ chức liên tục các cặp câu biền ngẫu có đối “tương thành” về ý, có nhịp điệu mạnh mẽ. Khí thế oanh liệt, âm hưởng hùng tráng được thể hiện qua sự kiện dồn dập, ngôn từ tinh xác, hình ảnh xác thực.

Bài tập 6. Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 19 – 20), đoạn từ ”Xã tắc từ đây vững bền, đến “Ai nấy đều hay" và trả lời các câu hỏi:

1. Những từ ngữ nào trong đoạn văn thể hiện rõ việc tuyên bố chiến thắng và báo hiệu một thời kì mới của đất nước?

2. Nêu nhận xét khái quát về âm hưởng của đoạn văn.

3. Niềm tin vào tương lai xán lạn của dân tộc được thể hiện như thế nào? 

4. Nội dung “tuyên ngôn” và lời tuyên bố độc lập trong đoạn kết bài Bình Ngô đại cáo hướng đến những đối tượng nào?

5. Tác phẩm Bình Ngô đại cáo gợi cho bạn liên tưởng đến những bản “tuyên ngôn độc lập” nào của dân tộc? Theo bạn, ý thức tự chủ dân tộc trong thời đại hôm nay được thể hiện ở những phương diện chính nào?

Hướng dẫn:

1. Các từ biểu thị ý “hiện tại tiếp diễn” được lặp lại “từ đây [...] từ đây.." (nguyên văn: vụ dĩ... vu dĩ...), xã tắc vững bền (nguyên văn: điện an), giang sơn đổi mới (nguyên văn: cải quan), bốn biển thanh bình, chiếu duy tân (nguyên văn: duy tân chi cáo – ban bố lệnh về sự khởi đầu của một thời đại mới).

2. Đoạn văn này tổng kết mạch lập luận của một bài văn chính luận. Sự thay đổi âm hưởng linh hoạt nhưng theo một trình tự logic trong suốt tác phẩm. Nội dung đoạn này là tuyên bố thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến vĩ đại vàkết quả của nó: mở ra một thời kì mới cho cả dân tộc. Giọng văn trịnh trọng, gợi không khí nghiêm trang và thiêng liêng; âm hưởng hào sảng và sự tin tưởng vào vận hội tươi sáng của non sông;...

3.  Đoạn văn kết bài cáo không đơn thuần là tuyên bố thắng lợi mà thông qua đó còn thể hiện khát vọng và niềm tin chắc chắn về một thời đại mới tự chủ thái bình lâu dài. Tác giả sử dụng các câu văn, các mệnh đề có cấu trúc khẳng định, lặp lại,... để nhấn mạnh, biểu thị sự thực chắc chắn. Niềm tin được thể hiện như một chân lí tất yếu. Từ ngữ xác thực, biểu đạt nội dung tươi sáng, gợi ý niệm về sự thay đổi, về tương lai lâu dài:”vững bền” (điện an), “đổi mới” (cải quan), “nền thái bình vững chắc” (thái bình chi cơ), “ngàn thư” (thiên cổ), “muôn thuở” (vạn thế), “duy tân”... Hình ảnh có tầm vóc vũ trụ, biểu thị sự vận hành: “kiền khôn”, “nhật nguyệt”, “bốn phương” (tứ hải).

4. Một số từ ngữ trong đoạn văn: “bốn phương biển cả” (tứ hải), “xa gần” (hà nhĩ), “bá cáo” (ban bố công khai, rộng rãi), “ai nấy đều hay” (hàm sử văn tri).

5.  Liên hệ tới những bản “tuyên ngôn độc lập” của dân tộc:

  • “Nam quốc sơn hà” của Lí Thường Kiệt. Đây được xem là bản tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên của dân tộc.
  • “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

=> Cần thấm nhuần tinh thần độc lập dân tộc, ý thức tự chủ quốc gia mà cha ông đã hun đúc thành truyền thống để phát huy trong thời đại mới, với những nhiệm vụ, thách thức và cơ hội mới.\

Bài tập 7. Đọc lại văn bản Bảo kính cảnh giới, bài 43 trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 22) và trả lời các câu hỏi:

1. Nêu ấn tượng chung của bạn về bức tranh thiên thiên mùa hè được thể hiện trong bài thơ.

2. Những từ ngữ, hình ảnh nào trong bốn câu thơ đầu cho thấy sự vận động của thời gian và cảnh vật?

3. Phân tích một vài nét đặc sắc trong cách cảm nhận thiên nhiên và nghệ thuật tả cảnh của tác giả.

4. Bạn cảm nhận được những nét đẹp nào của khung cảnh cuộc sống con người trong hai câu thơ 5 và 6?

5. Hai dòng thơ cuối thể hiện điều gì trong tư tưởng, tâm hồn của Nguyễn Trãi? 

Hướng dẫn:

1. Có thể chọn một trong những ấn tượng nổi bật về bức tranh thiên nhiên: vẻ đẹp tươi sáng, rực rỡ, tràn đầy sức sống; mọi sự vật đều ở trạng thái động;...

2. Những từ ngữ, hình ảnh trong bốn câu thơ đầu cho thấy sự vận động của thời gian và cảnh vật: đùn đùn, trương, còn phun thức đỏ, đã tịn mùi hương,...

3. 

  • Thiên nhiên được quan sát, cảm nhận bằng nhiều giác quan (xúc giác, thỉnh giác, thị giác,...); được miêu tả ở trạng thái căng tràn nhựa sống (đùn đùn.tán rợp trương, phun thức đỏ,...), trên dòng thời gian chuyển động ("Hồng liên trì đã tịn mùi hương");...
  • Nghệ thuật tả cảnh đặc sắc: Không giới hạn ở bút pháp chấm phá, ước lệ, tượng trưng thường gặp trong thơ trung đại mà nghiêng về bút pháp tả thực. Bức tranh mùa hạ hiện lên với màu sắc tươi sáng, rực rỡ (lục, đỏ, hồng), hình ảnh sống động, từ ngữ giàu tính tạo hình:

- Hình ảnh cây hoè với tán lá xanh đậm “đùn đùn... rợp trương” – bừng bừng sức sống, vòm lá tươi xanh như đang toả rộng ngay trước mắt.

- Hình ảnh cây lựu với nguồn nhựa sống căng tràn, bật lên thành “thức đỏ” rực rỡ nơi đầu cành.

- Hình ảnh ao sen dù “đã tịn mùi hương” vẫn gợi liên tưởng về một không gian thanh khiết từng đầy ắp hương thơm; gợi sự biến đổi của vạn vật trên dòng chảy thời gian và thời khắc giao mùa đang tới;...

4. Cảm nhận về khung cảnh cuộc sống con người trong hai câu thơ 5 và 6:

  • Âm thanh “lao xao" của phiên chợ cá mang đến vẻ đẹp bình dị, ấm áp của cuộc sống sinh hoạt nơi làng chài; những con thuyền về bến, người mua kẻ bán;... Tiếng đàn ve “dắng dỏi" khiến không gian ngỡ tĩnh lặng của buổi hoàng hôn trở nên rộn rã hơn.
  • Hình ảnh “làng ngư phủ”, “lầu tịch dương” vốn mang tính ước lệ, qua ngòi bút Nguyễn Trãi đã truyền tải được nhịp sống bình yên, ấm áp của đời thường chốn thôn quê.

5. Nguyễn Trãi gửi vào hai dòng thơ cuối khát vọng về một cuộc sống bình yên, no ấm cho nhân dân khắp mọi phương trời. Để tìm câu trả lời, cần đối chiếu giấc mơ lớn lao ấy với tư tưởng nhân nghĩa, vẻ đẹp tâm hồn được thể hiện trong cuộc đời và thơ văn Nguyễn Trãi.

Bài tập 8. Đọc lại văn bản Dục Thuý sơn trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 24) và trả lời các câu hỏi:

1. Dựa vào gợi ý trong phần cước chủ cho bài thơ này ở SGK (tr. 24), hãy sưu tầm một bài thơ của tác giả khác cùng viết về núi Dục Thuý. Nêu cảm nhận của bạn về bài thơ đó.

2. Hãy nhớ lại cách phân chia bố cục của bài thơ này khi học ở trên lớp. Ngoài cách phân chia đó, theo bạn, còn có thể chia bố cục tác phẩm này theo cách nào? Nêu lí do bạn đề xuất cách phân chia như vậy.

3. Xác lập mô hình thanh điệu (theo luật) của bài thơ, chỉ ra điểm khác nhau về mô hình này giữa nguyên văn với bản dịch.

4. Theo bạn, câu thơ nào trong bài thể hiện rõ nhất sự liên tưởng – tưởng tượng của tác giả? Biện pháp tu từ nổi bật nhất được tác giả sử dụng trong câu thơ để biểu đạt sự liên tưởng – tưởng tượng là gì?

5. Sự hoài niệm của tác giả trước cảnh đẹp núi Dục Thuý gợi cho bạn suy nghĩ gì về đời sống tâm hồn của nhà thơ?

Hướng dẫn:

1. Ví dụ:  bài thơ “Dục Thuý Sơn” – Trương Hán Siêu. Bài thơ này tác giả làm ở quãng cuối đời, viết bằng chữ Hán, được khắc trên núi Dục Thuý.

Phiên âm:

Sơn sắc thượng y y,

Du nhân hồ bất quy?

Trung lưu quang tháp ảnh,

Thượng giới khải nham phi.

Phù thế như kim biệt,

Nhàn danh ngộ tạc phi.

Ngũ hồ thiên địa khoát,

Hảo phóng cựu ngư ky.

Dịch nghĩa:

Sắc núi vẫn (xanh) mượt mà,

Người đi chơi sao không về?

Giữa dòng sáng ngời bóng tháp

Thượng giới mở cánh cửa hang.

Có cách biệt với cuộc đời trôi nổi ngày nay,

Mới biết rõ cái danh hờ trước kia là không đúng.

Trời đất ở Ngũ Hồ rộng thênh thang,

Hãy tìm lại tảng đá ngồi câu khi trước.

Cảm nhận về bài thơ: "Dục Thúy Sơn ” là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Bài thơ ngũ ngôn bát cú bằng chữ Hán. Hình tượng thơ mĩ lệ, cảnh sắc đượm vẻ thần tiên. Cách cảm, cách tả của nhà thơ mang tâm hồn thơ mộng, tài hoa. Trong cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên, sông núi, ngòi bút tài hoa của ông rất tinh tế và nhạy cảm trong gợi tả và biểu cảm.

2. 

  • Xét về nội dung và cảm hứng có thể chia bài thơ thành 2 phần:

- Sáu câu đầu: tả cảnh, bức tranh núi Dục Thúy

- Hai câu kết:  thể hiện cảm xúc hoài niệm của tác giả

  • Xét về sự “vận động” của ý thơ có thể chia bài thơ thành 4 phần: 

- Hai câu đề: giới thiệu chung về cảnh vật

- Hai câu thực - cảnh đẹp của ngọn núi nhìn từ xa trên cao

- Hai câu luận: vẻ đẹp của ngọn núi nhìn từ điểm nhìn cận cảnh

- Hai câu kết: tâm sự hoài niệm trước cảnh vật

  • Cũng có thể chia bài thơ thành 3 phần:

- Hai câu đầu: giới thiệu chung về cảnh vật trong “mối quan hệ” với tác giả

- Bốn câu giữa: bức tranh sơn thuỷ hữu tình

- Hai câu kết: tâm sự hoài niệm của nhà thơ. 

3. Đây là thể ngũ ngôn bát cú. Về luật bằng – trắc, công thức của thơ ngũ ngôn chính là công thức của thơ thất ngôn bỏ đi phần công thức của hai chữ đầu. Căn cứ thanh điệu từng tiếng trong mỗi câu để xác định. 

  • Ví dụ, với câu 1 thì cả nguyên văn và bản dịch đều là: T-T-T-B-B (Hải khẩu hữu tiên san – Cửa biển có non tiên); không có gì khác biệt; với câu 3 thì nguyên văn là B-B-B-T-T (Liên hoa phù thuỷ thượng) còn bản dịch là T-B-B-T-T (Cảnh tiên rơi cõi tục). Bản dịch đã đảo thứ tự câu thơ. 
  • Về luật bằng – trắc, công thức của thơ ngũ ngôn chính là công thức của thơ thất ngôn bỏ đi phần công thức của hai chữ đầu.

4. 

  • Bài thơ có nhiều câu thơ thể hiện năng lực liên tưởng bất ngờ, sự tưởng tượng nhạy cảm và phong phú của tác giả. Trong đó, câu thơ thứ 3 (Liên hoa phù thuỷ thượng) và câu thơ thứ 5 (Tháp ảnh trâm thanh ngọc) có thể coi là nổi bật nhất.
  • Biện pháp tu từ được sử dụng trong cả hai câu thơ thứ 3 và thứ 5 đều là so sánh, ẩn dụ. 

5. 

  • “Đối tượng” hoài niệm, trong trường hợp cụ thể này là nhân vật lịch sử Trương Hán Siêu ở đời Trần và danh thắng di tích lịch sử núi Dục Thuý. Việc tìm hiểu thêm một số thông tin về Trương Hán Siêu và núi Dục Thuý là cần thiết:

- Trương Hán Siêu là người có tài thao lược, có công phát triển tư tưởng quân sự Đại Việt, giúp bàn định mưu kế trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần 2 và 3, được nhiều vua đời Trần và Trần Hưng Đạo mến phục. Cùng với các danh thần nổi tiếng thời Trần như Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi,... ông được lịch sử đánh giá là một tài năng lỗi lạc. Trương Hán Siêu có học vấn uyên bác, là Hàn lâm học sĩ, làm đến chức Thượng thư, được truy tặng hàm Thái bảo, Thái phó, được thờ ở Văn Miếu, danh tiếng sánh ngang các bậc tiên hiền. Bên cạnh tư cách một nhà chính trị, một nhà tư tưởng, một nhà sử học, một nhà giáo,... Trương Hán Siêu còn là một nhà văn hoá, một nhà thơ, nhà văn có nhiều cống hiến. Tác phẩm văn học của ông nổi tiếng nhất là bài Bạch Đằng giang phú, được hậu thế liệt vào những áng thiên cổ hùng văn của nước Việt văn hiến.

- Núi Non Nước là một danh thắng ở đất Cố đô Hoa Lư, nằm án ngữ ngã ba sông Vân – sông Đáy, hồi thế kỉ XV, vùng này còn gần cửa biển. Thời Lý Nhân Tông, quốc sư Minh Không đã xây dựng chùa tháp ở núi này. Trương Hán Siêu là người đã đặt tên cho núi là Dục Thuý. Đời Trần Hiển Tông, sư Trí Nhu cho trùng tu và mời Trương Hán Siêu soạn bài kí ghi sự việc, chính là bài Dục Thuý sơn Linh Tế tháp kí (Bài kí tháp Linh Tế núi Dục Thuý) nổi tiếng. Cả đời theo đuổi công danh sự nghiệp, về già ở ẩn non xanh, Thăng Phủ viết Dục Thuý sơn kí thác tâm tư. Bài thơ đã gợi hứng cho hàng loạt sáng tác về sau. Non Nước thành nơi lưu dấu chân và bút đề củahàng chục tao nhân mặc khách trải các đời (như Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Thiệu Trị, Tự Đức, Cao Bá Quát, Tản Đà,...), khiến núi Dục Thuý được mệnh danh là “núi thơ.

  • Hai câu kết bài thơ này, cũng giống như các bài thơ vịnh cảnh khác cùng chủ đề của Nguyễn Trãi, vượt thoát khỏi âm hưởng tán tụng, ngợi ca của thơ vịnh cảnh đời Lê, lại thường là sự bộc lộ những suy tư về con người, về lịch sử, về dân tộc. Ý thơ thể hiện rõ sự hoài niệm, nhớ tiếc những gì đã qua: con người có tài năng và nhân cách, gắn liền với trang sử hào hùng của dân tộc; cảnh thắng thiên nhiên gắn liền với trầm tích văn hoá và dấu ấn văn hiến của đất nước tự chủ;... Điều này cho thấy tâm hồn hướng nội, sâu sắc của Nguyễn Trãi: luôn hướng về những giá trị cộng đồng, giá trị nhân văn, giá trị cội nguồn. Tài năng, tâm hồn và nhân cách của Nguyễn Trãi vì thế cũng đồng nhất thành một phần máu thịt của lịch sử non sông.

Bài tập 9. Đọc lại văn bản Ngôn chí, bài 3 trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 34) và trả lời các câu hỏi:

1. Xác định thể loại và nêu bố cục của bài thơ.

2. Nêu quan niệm sống được tác giả thể hiện trong hai câu thơ 3 và 4.

3. Hình dung về cuộc sống của nhân vật trữ tình trong bốn câu thơ cuối. Khoảnh khắc nào trong cuộc sống của nhân vật trữ tình gây ấn tượng nhất với bạn? Vì sao?

4. Chỉ ra một số yếu tố “phá cách” trong bài thơ. Chọn phân tích một yếu tố mà bạn thấy tâm đắc.

5. Bài thơ giúp bạn hiểu thêm điều gì về con người tác giả?

Hướng dẫn:

1. 

  • Thể loại: Thất ngôn bát cú Đường luật.
  • Bố cục: 4 phần (Đề-thực-luận-kết)

- 2 câu đề: Không gian sống thanh bình, yên tĩnh

- 2 câu thực: Ăn uống đơn sơ, giản dị

- 2 câu luận: Chăm lo sức khỏe, đời sống tinh thần

- 2 câu kết: Ngâm thơ, ngắm trăng tận hưởng cuộc sống.

2. Hai câu thơ 3 và 4 thể hiện lối sống giản dị, đạm bạc mà thanh cao của Nguyễn Trãi. Từ đó bộc lộ quan niệm “lánh đục về trong” của ông. Né tránh bọn quyền gian, giữ lấy phẩm chất của mình và sống trọn vẹn tuổi già với thiên nhiên mà ông hằng yêu mến.

3. Trong bốn câu thơ cuối, tác giả đã miêu tả nhiều khoảnh khắc đẹp đẽ, quý giá trong cuộc sống của nhân vật trữ tình với những thú vui thanh cao, tao nhã: ng hoa và sự thăng hoa của tâm hồn nghệ thưởng nguyệt, ương hoa và sự “thăng hoa" của tâm hồn nghệ sĩ khi thi hứng được khơi nguồn.

Khoảnh khắc em thấy ấn tượng nhất đó chính là: tác giả lấy được cảm hứng làm thơ qua 1 đêm tuyết, điều này cho thấy tâm hồn nghệ sĩ tài hoa, lãng mạn và cũng không kém phần phong phú, thi sĩ như đang nhập hồn vào thiên nhiên mà tách rời khỏi những ồn ào trong cuộc sống.

4. Một số yếu tố “phá cách” trong bài thơ như: 

  • Tác giả đã sử dụng những thi liệu gắn với cuộc sống đời thường chốn thôn quê: dưa muối, đất cày ngõ ải,...
  • Hai câu thơ lục ngôn tạo “điểm nhấn” nêu bật được quan niệm sống của tác giả,...

5. Bài thơ giúp hiểu thêm về con người Nguyễn Trãi qua những cảm xúc, suy ngẫm, quan niệm về cuộc sống thường ngày. Đó là con người có tâm hồn thanh cao, biết sống một đời sống giản dị mà phong phú,...

Bài tập 10. Đọc lại văn bản Bạch Đằng hải khẩu trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 35 – 36) và trả lời các câu hỏi:

1. Xác định đề tài, thi liệu và thể loại của tác phẩm.

2. Hình tượng thiên nhiên nơi cửa biển Bạch Đằng được miêu tả với những đặc điểm gì?

3. Phân tích cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bốn dòng thơ cuối.

4. Bài thơ mang đến cho bạn cảm nhận mới như thế nào về tâm hồn tác giả? 

5. So sánh, nêu nhận xét về hình tượng thiên nhiên trong hai bài thơ Bảo kính cảnh giới, bài 43 và Bạch Đằng hải khẩu.

Hướng dẫn:

1. 

  • Đề tài:  Lịch sử, viết về cửa biển Bạch Đằng 
  • Thi liệu: Cửa biển Bạch Đằng – Địa danh lịch sử và niềm tự hào dân tộc.
  • Thể loại: Thất ngôn bát cú Đường luật.

2. Hình tượng thiên nhiên nơi cửa biển Bạch Đằng được miêu tả với vẻ đẹp hùng vĩ, hiểm trở của dòng sông nhiều lần nhấn chìm quân xâm lược. Dấu tích của những chiến công oanh liệt, hào hùng cũng mang lại cho cảnh sắc thiên nhiên nét đẹp riêng: “Giáo gươm chìm gẫy bãi bao tầng”...

3. Bốn dòng thơ cuối thể hiện cảm hứng lịch sử và cảm hứng thế sự của tác giả:

  • Tự hào về địa thế hiểm trở của núi sông nước Việt; ngợi ca những anh hùng, hào kiệt đã góp phần làm nên chiến thắng oai hùng.
  • Bâng khuâng trước dòng chảy của thời gian, xúc động trong nỗi niềm hoài cổ... 

4. Căn cứ vào cảm xúc, tâm trạng, giọng điệu,... có thể xác định Nguyễn Trãi viết bài thơ trong khoảng thời gian sau cuộc kháng chiến chống quân Minh, khi chưa có những thất vọng về thực trạng xã hội đương thời. Vì vậy, bài thơ phản chiếu vẻ đẹp của một tâm hồn phơi phới, tràn đầy hùng tâm, tráng chí,.. của tác giả.

5. 

  • Hình tượng thiên nhiên trong Bảo kính cảnh giới gần gũi, bình dị.
  • Hình tượng thiên nhiên trong Bạch Đằng hải khẩu hùng vĩ, hiểm trở.
Tìm kiếm google: Giải SBT Ngữ văn 10 Kết nối tri thức; SBT Ngữ văn 10 Kết nối tri thức; Giải SBT Ngữ văn 10 Kết nối tri thức Bài 6: Nguyễn Trãi - Danh còn để trợ dân này (Đọc và Thực hành tiếng Việt)

Xem thêm các môn học


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com