Giải SBT Kết nối tri thức Ngữ Văn 10 Bài 7: Quyền năng của người kể chuyện (Viết)

Giải chi tiết, cụ thể SBT Ngữ văn 10 bộ sách Kết nối tri thức bài 7: Quyền năng của người kể chuyện (Viết). Đây là bộ sách mới được phê duyệt trong chương trình đổi mới của Bộ Giáo dục và đào tạo. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết học sinh sẽ nắm bài học tốt hơn trong chương trình học mới này.

Bài tập 1. Tìm ý và lập dàn ý cho đề bài: Vai trò của nhân vật Giăng Van-giăng (Người cầm quyền khôi phục uy quyền, trích Những người khốn khổ của Vich-to Huy-gô) trong việc thể hiện chủ đề của đoạn trích.

Hướng dẫn:

I. Mở bài: 

  • Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
  • Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận: Vai trò của nhân vật Giăng van giăng trong việc thể hiện chủ đề đoạn trích. 

II. Thân bài:

1. Vài nét về cuộc đời và số phận của nhân vật Giăng Van-giăng:

  • Sống một cuộc đời với nhiều biến cố, bấp bênh, thiếu may mắn.
  • Vì ăn cắp mẩu bánh mỳ mà vào tù 19 năm để rồi sau khi ra tù bị mọi người xa lánh.
  • Giăng Van-giăng gặp được vị giám mục Mi-ri-e và nhận ra tình thương là lẽ sống.
  • Sau đó ông trở thành thị trưởng và chủ nhà máy, sống lương thiện, giúp đỡ mọi người. (trong đó nổi bật là chị Phăng-tin)

=> Trải qua biết bao sóng gió, thăng trầm song ông vẫn giữ cho mình một tình thương bao la, một lẽ sống cao cả và tốt đẹp. 

2. Vai trò của Giăng Van-giăng trong việc thể hiện chủ đề đoạn trích

2.1. Chủ đề của đoạn trích: Người cầm quyền khôi phục uy quyền:

  • Gia- ve khôi phục uy quyền của một người nhà nước bắt kẻ phạm tội là Giăng Van- giăng trong khi trước đó không lâu, Giăng Van- giăng đã trong thân phận thị trưởng bắt hắn khuất phục.
  • Giăng Van- giăng khôi phục uy quyền là một người nắm quyền chủ động trong tư thế hiên ngang. Phăng- tin đột ngột qua đời, Giăng Van- giăng không còn chịu đựng như trước, ông trở nên đanh thép và sáng chói trong tinh thần của cái thiện khiến cho chính Gia- ve không dám bắt ép ông và hắn trở nên nhu nhược không dám làm trái ý của ông tuy hắn mới là người có quyền.

2.2. Vai trò của nhân vật Giăng Van-giăng trong việc thể hiện chủ đề:

  • Giăng Van-giăng biết được Phăng-tin chịu bất hạnh do quyết định của người giám thị nhà máy của ông (khi ông làm thị trưởng với cái tên Ma-đơ-len) nên đang tìm mọi cách để cứu giúp, bù đắp phần nào cho Phăng-tin. 
  • Từ vị thế của một thị trưởng thành phố, giờ đây Giăng Van-giăng đã lộ ra thân phận của một kẻ phạm pháp bỏ trốn bấy lâu, sắp phải bước vào nhà tù. 
  • Mối quan tâm lớn nhất lúc này của Giăng Van-giăng là cứu sinh mạng của Phăng-tin (chị đang bị bệnh nặng, phải nằm ở bệnh xá), và đưa đứa con gái tên là Cô-dét đang sống khốn khổ ở nhà người khác về với chị. 
  • Đau khổ vì chứng kiến Phăng-tin chết bởi sự hung hăng của Gia-ve, Giăng Van-giăng đã doạ sẽ dùng bạo lực khi cần thiết, khống chế Gia-ve để ông nói với chị những lời cuối cùng.

=> Giăng Van-giăng là hiện thân cho cái thiện, cái tốt để bài trừ cái ác, cái xấu. Điều đó được thể hiện qua phẩm chất tốt đẹp, thật đáng ngợi ca và trân trọng. 

=> Nhân vật Giăng Van-giăng hiện lên là một con người giàu lòng yêu thương, kiên cường anh dũng và cũng thật lãng mạn trong hành động qua ngòi bút khắc họa của nhà văn. Nhân vật đã thể hiện được tư tưởng của Huy-gô về giá trị tình người trong cuộc đời. Qua đoạn đoạn trích nhà văn gửi tới độc giả thông điêp: “Trong hoàn cảnh bất công và tuyệt vọng, con người chân chính vẫn có thể bằng ánh sáng của tình thương đẩy lùi bóng tối của cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai”. 

III. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề 

Bài tập 2. Cho đề bài: Phân tích phản ứng của Na-đi-a trước câu nói: “Na-đi-a, anh yêu em!” và thái độ của nhân vật “tôi” trước phản ứng của Na-đi-a để làm nổi bật chủ đề truyện ngắn Một chuyện đùa nho nhỏ của An-tôn Sê-khốp. 

a. Hãy lập dàn ý cho đề bài trên.

b. Chọn hai ý kề nhau trong dàn ý để viết thành hai đoạn văn.

Hướng dẫn:

a. Dàn ý phân tích phản ứng của Na-đi-a trước câu nói: “Na-đi-a, anh yêu em!”.

I. Mở bài: Giới thiệu tác phẩm, nhân vật, vấn đề nghị luận. 

II. Thân bài: Những phản ứng của Na-đi-a trước câu nói “Na-đi-a, anh yêu em!” 

  • Bớt sợ sau chuyến trượt dốc đầu tiên, Na-đi-a bắt đầu có những băn khoăn vì không biết ai đã nói câu: “Na-đi-a, anh yêu em!”. 
  • Khi khoác tay nhân vật “tôi” đi dạo trên đồi tuyết, sự băn khoăn càng tăng lên. 
  • Na-đi-a cố ý chờ đợi nhân vật “tôi” nói ra câu ấy, khi đi bên nàng. Nàng không muốn tin rằng gió đã nói những lời ấy.
  • Mặc dù chưa hết sợ hãi, nhưng Na-đi-a vẫn đề nghị nhân vật “tôi” tiếp tục trượt dốc thêm nhiều lần, thậm chí, nàng đã dám trượt dốc một mình, nhưng vẫn không thể xác định ai đã nói lời tỏ tình đó. 
  • Sau này, không còn trượt tuyết lao dốc nữa, khi nhân vật “tôi” đến bên hàng rào, đứng từ xa, lợi dụng lúc có làn gió, nói câu“Na-đi-a, anh yêu em!”, nàng đã đón nhận bằng tâm trạng vui vẻ, gương mặt toát lên vẻ rạng rỡ, xinh đẹp và hạnh phúc.

=> Phản ứng của Na-đi-a trước câu nói của nhân vật “tôi” đã góp phần thể hiện chủ đề của truyện: Tình yêu là chuyện thiêng liêng, hệ trọng và là nhu cầu không thể thiếu đối với con người.

III. Kết bài: Ý nghĩa của vấn đề bàn luận. 

b. Gợi ý:

Mặc dù sợ hãi nhưng Na-đi-a vẫn quyết định cùng “tôi” trượt tuyết. Khi lao xuống chân dốc, mặt nàng tái nhợt, thở thoi thóp vì chuyến mạo hiểm kinh hoàng, nhưng lúc hoàn hồn thì nàng trở nên băn khoăn về lời tỏ tình. Na-đi-a “không muốn tin rằng gió đã nói điều ấy” vì gió không biết nói, không thể nói được những điều ấy và nàng không biết ai là người nói nhưng trong tâm nàng nghĩ rằng “tôi” nói điều ấy và không muốn tin gió nói điều ấy. Hơn ai hết, có lẽ chính nàng đã đem lòng yêu nhân vật ‘tôi” nên nàng mong muốn và hi vọng không phải mình nghe nhầm. 

Cố vượt qua nỗi sợ hãi, nàng đề nghị chàng trai trượt lần nữa. Vẫn tái mét, nàng lẩy bẩy bước lên xe trượt cùng chàng lao xuống, và giữa lúc gió quất, giữa lúc kinh hoàng nhất chàng lại nói: “Nadia, tôi yêu em!”. Nadia vẫn đắm chìm trong lời nói ấy, nó giống như một liều thuốc giúp nàng bình tĩnh lại trong lúc hoảng loạn nhất, cho nàng cái cảm giác an toàn và ấm áp. Nàng cứ đắm chìm trong bốn tiếng: “Nadia, tôi yêu em!” ấy mà không phát giác được rằng đó chỉ là trò đùa cợt. Và có lần, để khám phá điều bí ẩn, nàng mạo hiểm trượt tuyết một mình. Nhưng nàng có nghe được lời tỏ tình không, có lẽ chính nàng cũng chẳng rõ, vì nỗi sợ hãi khi trượt tuyết một mình đã làm nàng mất khả năng nhận biết mọi âm thanh. 

Tìm kiếm google: Giải SBT Ngữ văn 10 Kết nối tri thức; SBT Ngữ văn 10 Kết nối tri thức; Giải SBT Ngữ văn 10 Kết nối tri thức Bài 7: Quyền năng của người kể chuyện (Viết)

Xem thêm các môn học


Copyright @2024 - Designed by baivan.net