Đỗ Phủ (712 - 770), tự là Tự Mĩ, hiệu Thiếu Lăng, sống vào thời Đường ở Trung Quốc, không biết rõ nơi sinh của ông, chỉ biết đại khái là ở gần Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, sau này ông tự coi mình là người kinh đô Trường An. Là con của một học giả, quan lại bậc thấp, nên thời trẻ ông được tiếp thu nền giáo dục của Trung Quốc truyền thống để lúc trưởng thành có thể ra làm quan. Năm 759, ông cáo quan, đưa gia đình về vùng Tây Nam, sống một thời gian dài ở Thành Đô, phủ Tứ Xuyên. Ông được mệnh danh là "Thi Thánh". Bút pháp hiện thực cũng như tinh thần nhân đạo cao cả của ông đã ảnh hưởng khá sâu rộng đến thơ ca Trung Quốc đời sau.
Vào những năm cuối cuộc đời, Đỗ Phủ phải trải qua cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Ông được bạn bè và người thân giúp đỡ xây dựng một ngôi nhà tranh đơn sơ bên cạnh khe Cán Hoa ở phía tây Thành Đô. Tuy nhiên khi ông chỉ mới ở được vài tháng thì căn nhà đã bị gió mưa phá nát. Thổn thức trước tình cảnh của chính mình và những đòng bào khác lúc bấy giờ, Đỗ Phủ đã sáng tác nên bài thơ Mao ốc vị thu phong sở phá ca vào năm 760. Đây là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng, thể hiện rõ nét bút pháp hiện thực cùng tinh thần nhân đạo sâu sắc của ông.