Trong bài Một thứ quà của lúa non: Cốm, hình ảnh “Cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng” rất đẹp, tạo nên sự liên hệ mật thiết giữa sản vật và con người: côm gắn liền với vẻ đẹp của người làm cốm. Cái cách cốm đến với mọi người rất duyên dáng và lịch thiệp, vẻ đẹp của con người tôn lên vẻ đẹp của cốm. Cốm là quà tặng của đồng quê. Cốm vốn là một thứ quà bình dị, chẳng có gì là cầu kì. Ấy thế mà tác giả đã có cái nhìn một cách thấu đáo và thái độ văn hoá khi nói về sự thưởng thức cốm. Đây không phải là cách ăn cho thoả thích, ăn cho no bụng mà là ăn chậm để ngẫm nghĩ từng chút hương vị của cốm, của màu sắc, của tất cả cái xanh non, dịu dàng mềm dẻo ướp trong hương sen. Bài tuỳ bút đã cho thấy cốm là đặc sản của dân tộc vì nó kết tinh hương vị thanh khiết của đồng quê. Cốm là quà quê, thức quà thiêng liêng. Qua đó cho thấy tấm lòng của tác giả đau đáu, trân trọng, giữ gìn giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc. Mỗi sản vật là một truyền thống văn hoá, một thành tựu sáng tạo lao động và sự trân trọng những công sức lao động, thành quả của nghề nông. Không chỉ nói về nguồn gốc thanh cao, đẹp đẽ của cốm mà Thạch Lam còn ca ngợi giá trị của cốm. Cốm là quà tặng của đồng quê; cốm là đặc sản của dân tộc. Đó là thức quà thiêng liêng, cũng là món quà rất riêng của quê hương đất nước mình.