Bài tập 1.Trên cơ sở lời giới thiệu sách mà em đã viết ở bài tập 1 phần Viết, chuyển thành bài nói (dùng bản trình chiếu hoặc pô-xtơ tóm tắt) để thuyết trình về cuốn sách em đã đọc.
Hướng dẫn trả lời:
Em thích đọc sách, đọc truyện từ hồi còn học lớp 2, những cuốn sách, cuốn truyện của em chất cao trên giá sách theo năm tháng. Có những cuốn em đã tặng hoặc cho đi, nhưng có những cuốn sách em vẫn luôn muốn giữ lại. Một trong số đó là cuốn "Hachiko chú chó đợi chờ".
Lần đầu tiên em đọc cuốn sách này đã rất xúc động và ấn tượng, sau đó em lại được xem phim về chính chú chó trong cuốn sách, chính vì thế mà cảm xúc của em về cuốn sách là rất sâu đậm. Tác giả của cuốn sách là Luis Prats (nằm trong danh mục sách của tổ chức Thư viện Thanh thiếu niên quốc tế). Trang bìa cuốn sách chính là hình vẽ minh họa về chú chó Hachiko, Hachiko là một giống chó akita của Nhật Bản. Với cách trình bày bằng màu nước rất đẹp chắc chắn sẽ đọng lại trong người đọc những sắc màu khó phai. Cuốn sách kể về cuộc sống và tình cảm, sự trung thành của chú chó Hachiko dành cho người chủ của mình. Giáo sư Eisaburo Ueno là chủ của Hachiko, khi chủ còn sống, Hachiko hàng ngày theo ông đến nhà ga tiễn ông đi làm, đều đặn 5 giờ chiều lại đến nhà ga đón ông trở về. Nhưng rồi giáo sư qua đời, Hachiko thì không biết điều đó, chú chó vẫn làm công việc của mình, chờ chủ trong mòn mỏi bất kể mưa nắng không thiếu một ngày nào trong suốt 10 năm. Sự trung thành của chú chó khiến Hachiko trở thành biểu tượng cho lòng trung thành ở đất nước Nhật Bản, trở thành chú chó nổi tiếng nhất thế giới. Từng câu chuyện của Hachiko khiến con tim em lay động, những hàng nước mắt vẫn không thể kìm được mỗi lần đọc sách.
Em tin dù là người mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ phải rung động khi đọc cuốn sách này. Sau khi đọc cuốn sách em đã nuôi một chú chó, em rất yêu quý nó và cũng đặt cho nó cái tên Hachiko, đến nay chú chó đã gần 5 tuổi.
Bài tập 2. Trình bày tác phẩm mà em đã sáng tác ở bài tập 2 phần Viết:
- Tác phẩm thơ: đọc diễn cảm, ngâm thơ.
- Tác phẩm truyện, tùy bút, tản văn: kể chuyện hoặc đọc diễn cảm.
Hướng dẫn trả lời:
Năm tôi 13 tuổi, bố gọi tôi và hai cậu em trai vào phòng đọc sách. Tôi rất lấy làm hứng chí. Gọi là phòng đọc sách nhưng chúng tôi biết thừa nó là phòng trò chơi, nơi những “người đàn ông” thường cùng đua xe, câu cá nhựa hoặc xem phim.
- Mỗi đứa mang một cuốn vở và một cái bút tới đây! – Bố ra lệnh ngay khi chúng tôi vừa bước tới cửa phòng.
Chúng tôi đứng sững nhìn nhau lo lắng! Yêu cầu của bố nghe rất bất thường và đáng e ngại – cứ như là sắp làm bài tập ấy.
Khi đã tìm được vở và bút cho mình, quay lại “phòng chơi”, chúng tôi thấy bố đã bày sẵn bàn với ba cái ghế nhựa, kèm theo một tấm bảng lớn treo trên tường. Bố chỉ chúng tôi ngồi vào ghế nhựa, chứ không phải là cái ghế đệm bông êm ái, dù nó chỉ cách chúng tôi có một gang tay.
- Bố muốn các con phải tập trung hết sức, bố nói như một buổi kinh doanh – đó là lý do các con cần ngồi ghế nhựa, chứ không phải là ghế đệm bông!
Ngay lập tức chúng tôi rên lên:
- Mẹ đâu rồi ạ? Hay là chúng ta đợi mẹ! - cậu em út tính kế hoãn binh.
- Có lâu không ạ? – Cậu em kế tôi thở dài.
Tôi thì chỉ ngồi im lặng trên ghế nhựa cứng đơ.
- Mẹ đi chợ phải vài tiếng nữa mới về, và việc này không liên quan đến mẹ, bố nói. – Và việc này kéo dài bao lâu là tùy thuộc ở các con. Các con càng hợp tác thì chúng ta càng hoàn thành nhanh chóng. Hiểu không?
- Rồi ạ! Chúng tôi đáp lại uể oải.
- Từ bây giờ chúng ta sẽ có buổi học vào các sáng thứ bảy. Chỉ “những người đàn ông” chúng ta mà thôi. Bố sẽ dạy các con những gì bố đã học về cuộc sống. Đó là trách nhiệm của bố để chuẩn bị cho các con thành những người đàn ông – những người sẽ đóng góp cho cộng đồng và cho cả thế giới. Trách nhiệm này, bố thấy rất quan trọng và nghiêm túc.
Tôi ngắt lời:
- Bố sẽ dạy bọn con mọi điều về cuộc sống ạ?
- Tất cả những gì có thể.
- Nhưng như thế thì mãi mãi cũng không học hết!
- Có thể…- Bố nói nhỏ, vẻ suy nghĩ, rồi bắt đầu viết lên bảng – có thể lắm…
Trong suốt ba năm, dù khoẻ hay ốm, bố vẫn giữ đúng lịch dạy chúng tôi về kỹ năng và những ứng xử đời sống vào thứ bảy hàng tuần. Bố dạy rất nhiều: Vệ sinh cá nhân, tuổi dậy thì, các nghi thức xã giao, cách đối xử bình đẳng, sự kính trọng người già, tôn trọng những người phụ nữ, đạo đức nghề nghiệp, quản lý tiền nong, trách nhiệm với cộng đồng… Chúng tôi viết kín hết cuốn vở này đến cuốn vở khác.
Năm nay, tôi đã 16 tuổi và đã trở thành một học sinh Trung học phổ thông, những bài học đã bớt dần đi. Tôi và các em cũng đã lớn lên dần. Chúng tôi bắt đầu bận rộn và cũng bắt đầu vấp váp với những khó khăn. Những lúc ấy, chúng tôi thường ngồi lại, nghĩ tới những điều bố cho ghi trong vở ngày xa, vì những điều ấy trước đây bố đã từng nhắc tới.
Mới đây, bố gọi riêng tôi ra và nói:
- Bố sẽ dạy con đến khi con 18 tuổi, phần còn lại của “bài học” con bắt đầu phải tự gom nhặt trong cuộc sống mà thôi!
Tôi khoanh tay lễ phép:
- Thưa bố! Giờ đây con đã hiểu những việc làm của bố từ trước đến nay. Con chỉ mong sau này mỗi khi đi xa trở về, bố lại chữa những bài tập về cuộc sống hết sức phong phú này cho con.