Câu 1. Cần giữ gìn và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Truyền thống đoàn kết quý báu trên cơ sở đại đoàn kết toàn dân tộc là nền tảng sức mạnh tinh thần to lớn của dân tộc, là cơ sở cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù, trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Đặc biệt, khi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới mà trước đây chưa từng trải qua, thì tinh thần đoàn kết quý báu của dân tộc lại càng phát huy giá trị to lớn. Đặc điểm đó của sự nghiệp cách mạng hiện nay càng đòi hỏi cần phải quan tâm hơn nữa đến việc giữ gìn và phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc lên một tầm cao mới. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả và hình thức hoạt động, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Câu 2.
Trên cơ sở chủ trương, đường lối đúng đắn, kịp thời của Đảng, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có những chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Theo đó, nổi bật một số nội dung sau:
Chính sách đối với giáo viên, học sinh và cán bộ quản lý:
Hiện nay, hệ thống chính sách phát triển giáo dục đối với vùng DTTS và miền núi đã được ban hành khá đầy đủ cho các nhóm đối tượng học sinh và giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Các chính sách cho học sinh, sinh viên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm chính sách học bổng; miễn giảm học phí; trợ cấp xã hội, hỗ trợ học tập; chính sách ưu tiên tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người; chính sách tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh vùng DTTS, thực hiện chế độ cử tuyển đang được thực hiện.
Chính sách đối với học sinh, sinh viên vùng dân tộc, miền núi đã được triển khai đầy đủ và toàn diện ở các mặt. Về học bổng, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT), trường dự bị đại học được hưởng học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng và được hưởng 12 tháng/năm theo Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 và Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi đi học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng (một năm học 9 tháng) để duy trì bữa ăn trưa tại trường theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 09/5/2018 của chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.
Học sinh bán trú cấp tiểu học, trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông là người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhà ở xa trường, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày được hỗ trợ tiền ăn (40% mức lương tối thiểu chung) và tiền nhà ở (10% mức lương tối thiểu chung), hỗ trợ 15 kg gạo/tháng/học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Học sinh trường phổ thông DTNT, trường dự bị đại học còn được hưởng các chế độ hỗ trợ khác như: hỗ trợ tiền tàu xe nghỉ hè hoặc nghỉ tết; học phẩm; tiền điện nước, bảo hiểm y tế... (Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐTngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ GDĐT).
Hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/sinh viên đối với sinh viên là người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước, thi đỗ vào học đại học, cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng theo Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Về chính sách miễn, giảm học phí, học sinh trường phổ thông DTNT, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học; học sinh, sinh viên người DTTS rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, trẻ em học lớp mẫu giáo 05 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Cũng theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, trẻ em học mẫu giáo và học sinh là người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được giảm học phí 70%.
Về trợ cấp xã hội, sinh viên ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học tại các trường đào tạo công lập, hệ chính quy, dài hạn tập trung được trợ cấp 140.000 đồng/tháng.
Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh được triển khai theo tinh thần Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, HS, SV các DTTS rất ít người. Theo đó, hỗ trợ học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên 16 DTTS rất ít người (có số dân dưới 10.000 người) học tại các cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trung học sơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú, tùy từng đối tượng, được hưởng chính sách hỗ trợ về học tập hằng tháng từ 30% đến 100% mức lương tối thiểu chung.
Thực hiện chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Về chế độ, chính sách, sinh viên cử tuyển được hưởng học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu chung/sinh viên/tháng và được hưởng 12 tháng/năm, hỗ trợ thiết bị, hiện vật bằng 50% mức lương tối thiểu/SV trong suốt thời gian học tập.
Để đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh và cán bộ quản lý vùng dân tộc thiểu số được thực hiện đúng, đủ và hiệu quả, trong những năm qua, Chính phủ đã có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách của địa phương hết sức thường xuyên và kịp thời có chỉ đạo, định hướng. Trên cơ sở hệ thống chính sách đã ban hành của Chính phủ, các địa phương đã chủ động triển khai và vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Nhiều địa phương đã có chính sách riêng nhằm hỗ trợ cho học sinh, sinh viênvùng DTTS, giúp các em yên tâm bám trường bám lớp như Yên Bái, Hà Giang...
Chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục:
Chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) công tác tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn gồm có các chính sách về phụ cấp như: phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp vận chuyển mua nước ngọt và sạch, phụ cấp lưu động và một số phụ cấp khác, trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp lần đầu, trợ cấp học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS, trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu.
Các chính sách hỗ trợ nói trên đã góp phần giảm bớt những khó khăn về vật chất, cải thiện được cuộc sống đối với nhà giáo, CBQLGD công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giúp nhà giáo, CBQLGD yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chính sách hỗ trợ nhà giáo, CBQLGD công tác ở vùng đặc biệt khó khăn là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm động viên, thu hút và tạo điều kiện cho nhà giáo, CBQLGD đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn đóng góp công sức đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, góp phần để vùng này đạt các chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục. Các chính sách đối với nhà giáo, CBQLGD công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn này đã khắc phục được những hạn chế của chính sách của giai đoạn trước đối với các trường chuyên biệt ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú), chính sách đối với nhà giáo ở vùng bãi ngang. Các địa phương đã chủ động, tích cực trong việc thực hiện các chế độ chính sách đối với nhà giáo, CBQLGD công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các chế độ ưu đãi được chi trả đầy đủ và kịp thời.