Câu 1: Chú ý hình ảnh so sánh “xanh như ngọc” ở dòng thơ số 3.
Hướng dẫn trả lời:
Hình ảnh vườn cây được so sánh với xanh như ngọc, thể hiện vẻ đẹp xanh tươi, tươi tốt của thiên nhiên nơi này.
Câu 2: Chú ý về tính nghịch lý khác thường trong quan hệ của “gió” và “mây”.
Hướng dẫn trả lời:
+ Trong câu thơ, gió và mây mỗi sự vật theo một hướng khác nhau.
+ Thực tế, gió thổi hướng nào mây sẽ bay theo hướng đó vì có gió mây mới có thể bay đi.
→ Nghịch lý khác thường: Mây và gió từ sự vật gắn liền với nhau lại thành hai sự vật tách biệt không liên quan đến nhau. Từ đó tác giả muốn sử dụng để bày tỏ dụng ý khác.
Câu 1: Bức tranh thôn Vĩ ở khổ 1 có đặc điểm gì? Bức tranh đó được nhìn từ con mắt của ai? Qua đó, ta thấy được tâm trạng gì của nhân vật trữ tình?
Hướng dẫn trả lời:
Đặc điểm: Bức tranh thôn Vĩ hiện lên với màu xanh tươi của cây lá cùng màu vàng rực của các ánh nắng rạng rỡ đầy sức sống. Câu thơ “Vườn ai mướt mãi xanh như ngọc” miêu tả màu xanh của rặng cau, của vườn tược với các loại cây cối khác. Giữa khung cảnh thiên nhiên tràn ngập sức sống là hình ảnh người con gái với khuôn mặt phúc hậu, vuông chữ điền, duyên dáng…
Bức tranh được nhìn từ con mắt của tác giả. Qua đó cho thấy tình yêu lớn lao của ông với miền đất này, cũng như là cuộc tình dang dở của ông với người con gái thôn Vĩ Dạ.
Câu 2: Bức tranh thiên nhiên ở khổ 2 có điểm nào khác so với khổ 1? Sự khác biệt đó cho biết điều gì về tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình?
Hướng dẫn trả lời:
Nếu khổ thơ thứ nhất miêu tả bức tranh thôn Vĩ Dạ ngập tràn sức sống, tươi đẹp bao nhiêu thì ở khổ hai khung cảnh như đượm buồn cùng tâm trạng của chàng thi sĩ. Dường như nỗi buồn đó xâm lấn vào không gian, cảnh vật, khiến tâm trạng nhân vật trữ tình buồn hơn.
Câu 3: Qua ba câu hỏi trong ba khổ thơ, hãy nêu nhận xét của em về cách cấu tứ của bài thơ.
Hướng dẫn trả lời:
1. Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Câu hỏi như một lời chào mời, như một tiếng nhẹ nhàng trách móc nhẹ nhàng, tinh tế của cô gái ở thôn Vĩ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
2. Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?
Thuyền ai là một câu hỏi không rõ ràng, ai ở đây có thể là một thiếu nữ. Thuyền, bến đò và ánh trăng đã tạo nên khung cảnh lãng mạn, đẹp đẽ.
3. Ai biết tình ai có đậm đà?
Câu thơ như lời nhắc nhở, không bộc lộ sự tuyệt vọng hay hy vọng, mà chỉ là sự thất vọng về tình yêu kín đáo, e dè, không trọn vẹn
=> Nếu ở khổ 1 khổ 2 là những câu hỏi tu từ gây tò mò có chút trách móc nhưng kết lại bài thơ bằng câu thơ cuối là câu hỏi tu từ thể hiện sự thất vọng khi tình yêu không trọn vẹn.
Câu 4: Trong bài Nhớ thương, Hàn Mặc Tử khắc hoạ tâm trạng của người cung nữ thông qua hình ảnh đối lập giữa “ngoài kia” và “trong đây”:
Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa
Trời ở trong đây chẳng có mùa
Không có niềm trăng và ý nhạc
Có người cung nữ nhớ thương vua
Theo em, sự đối lập không gian được thể hiện thế nào trong Đây thôn Vĩ Dạ? Ý nghĩa của sự đối lập này là gì?
Hướng dẫn trả lời:
Khổ 1: Cảnh vật thiên nhiên hiện lên thật đẹp, căng tràn sức sống với những tia nắng. Cảnh vật mang trong mình vè đẹp thành cao, dịu dàng, tạo cho người đọc một cảm giác êm đềm, du dương, bay bồng.
Khổ 2: Bức tranh thiên nhiên nhuốm màu tâm trạng. Cảnh vật vẫn đẹp nhưng lại ẩn chứa nỗi buồn, mang dáng dấp chia lìa.
=> Ý nghĩa: Ở những câu thơ đầu, người đọc thấy rõ được không gian thực, cảnh vật thiên nhiên của xứ Huế - thôn Vĩ. Tuy nhiên ở những câu thơ cuối lại là không gian ảo do tác giả tưởng tượng, xuất hiện sương khói mờ ảo, mọi thứ đều không còn nhìn thấy rõ. Thể hiện tâm trạng, nỗi buồn trong lòng của tác giả.
Câu 5: Nêu nhận xét của em về tác dụng của một yếu tố tượng trưng trong bài thơ.
Hướng dẫn trả lời:
Trăng là biểu tượng cho cái đẹp của cuộc đời và thiên nhiên. Trăng cũng tượng trưng cho hạnh phúc và thanh bình. Vì vậy, hình ảnh thơ của Hàn Mạc Tử đã khơi dậy trong trái tim người đọc một niềm tin, niềm vui, một khát vọng hướng tới cái đẹp, tình yêu và cuộc sống
Câu 6: Sự day dứt về thân phận như bị bỏ rơi, bị quên lãng của chủ thể trữ tình gợi cho em cảm xúc gì? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) trình bày cảm xúc đó.
Hướng dẫn trả lời:
Trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử đã thể hiện nội tâm cô đơn, trống vắng qua khổ thơ thứ hai và khổ thơ thứ ba. Nếu cõi thực của kí ức trong khổ 1 trong trẻo, tươi tắn và rực rỡ với ánh nắng ấm áp buổi sớm, thì phần hai lại tràn ngập ánh trăng khiến mọi thứ trở nên mờ ảo, nhợt nhạt như một giấc mơ. Cách diễn đạt phiếm chỉ “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó” tạo cảm giác lạnh lẽo bao trùm cả dòng sông, lên cảnh vật, Hàn Mặc Tử như khát khao có con thuyền chở trăng về, phải chăng là những khát khao hy vọng đến khắc khoải về một sự gặp gỡ và hòa hợp? Chữ “kịp” trong câu thơ thứ 2 càng thấm thía nỗi tiếc nuối, xót xa, lo sợ khi luôn biết rằng chẳng bao giờ kịp nữa nhưng vẫn cố hỏi. Hỏi chỉ để tiếc, chỉ để tự dày vò bản thân mình. Dường như, nếu trăng không về “kịp” thì người bị số phận bỏ rơi bên bờ vực cuộc đời này sẽ đau khổ và tuyệt vọng.