Ôn tập kiến thức ngữ văn 11 Cánh diều bài 6: Đây thôn Vĩ Dạ

Ôn tập kiến thức ngữ văn 11 Cánh diều bài 6: Đây thôn Vĩ Dạ. Nội dung ôn tập bao gồm cả lí thuyết trọng tâm và bài tập ôn tập để các em nắm chắc kiến thức trong chương trình học. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn luyện và kiểm tra. Kéo xuống để tham khảo

[toc:ul] 

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Tác giả

a. Cuộc đời

- Hàn Mặc Tử (1912 - 1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ra ở Đồng Hới, Quảng Bình

- Ông sinh ra trong một gia đình công giáo nghèo.

b. Con người

- Hàn Mặc Tử mang vóc mình ốm yếu, tình tình hiền lành, giản dị, hiếu học và thích giao du với bạn bè trong lĩnh vực thơ văn.

- Hàn có một số phận đau thương và bất hạnh đến nghiệt ngã:

+ Cha ông mất sớm nên Hàn sống cùng mẹ tại Quy Nhơn

+ Năm 24 tuổi (1936) - khi sức trẻ đang còn, tài năng đang độ chín muồi, Hàn Mặc Tử phát hiện bản thân mình mắc bệnh phong, ông về hẳn Quy Nhơn để chữa bệnh.

+ Hàn Mặc Tử mất khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 28 tuổi (1940) tại trại phong Quy Hòa, bỏ lại phía sau những biết bao kì vọng và tiếc nuối của một con người khát khao sống đến mãnh liệt.

=> Từ khi mắc căn bệnh này, cuộc đời của Hàn Mặc Tử rơi vào bi kịch của sự đau đớn tuyệt vọng; bị xa lánh, hắt hủi, bị ruồng rẫy khỏi cuộc đời.

c. Sự nghiệp sáng tác

- Hàn Mặc Tử sáng tác từ rất sớm - năm 16 tuổi với các bút danh Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh sau cùng ông sử dụng bút danh Hàn Mặc Tử.

- Các tác phẩm chính: Gái Quê, Thơ Điên, Xuân như ý, Duyên kì ngộ,...

=> Ngoài tác phẩm Gái quê được in khi tác giả còn sống, tất cả các tác phẩm còn lại đều được in thành tập khi Hàn Mặc Tử đã mất.

- Phong cách nghệ thuật:

+ Thơ của Hàn Mặc Tử có diện mạo phức tạp, bí ẩn với sự luân chuyển của ba hình tượng trăng - máu - hồn.

+ Hồn thơ vừa trong trẻo, tinh khiết, vừa đau đớn hướng về cuộc sống trần thế.

=> Những nghiệt ngã của số phận ảnh hướng sâu sắc tới hồn thơ của Hàn Mặc Tử.

- Vị trí của Hàn Mặc Tử trong thi đàn: Hàn Mặc Tử được đánh giá là nhân vật bí ẩn và kì lạ nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Ông được ví như “ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời văn học” nhưng ông đã để lại cho thi đàn một ngôi nhà thơ của riêng mình: vừa hiện thực vừa huyền ảo, vừa cao khiết vừa điên loạn, quằn quại.

2. Tác phẩm

- Xuất xứ: Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được sáng tác năm 1938, in trong tập “Thơ Điên” - tập thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Hàn Mặc Tử với cảm hứng đau thương, trạng thái sáng tạo thiên về tượng trưng, siêu thực - sau đổi thành “Đau thương”

- Cảm hứng: Bài thơ được viết khi Hàn Mặc Tử đã lâm bệnh và được khơi nguồn cảm hứng từ tấm bưu ảnh mà Hoàng Thị Kim Cúc - người con gái xứ Huế mà Hàn Mặc Từ dành tình cảm đặc biệt, một mối tình đơn phương, vô vọng, gửi cho Hàn với lời hỏi thăm. Trên tấm bưu thiếp của Hoàng Cúc là hình ảnh của thôn Vĩ với hành cau cao vút, với đêm trăng bến nước con đò. Cùng với đó là tình yêu và kỉ niệm với xứ Huế trào dâng trong lòng người thi sĩ khiến cho ông chắp bút viết bài thơ này.

- Bố cục: 3 phần

+ Khổ 1: Cảnh ban mai thôn Vĩ Dạ

+ Khổ 2: Cảnh sông nước đêm trăng

+ Khổ 3: Tâm tình của thi nhân

II. TÌM HIỂU CHI TIẾT

1. Nhan đề

- Nhan đề: Ban đầu có tên là “Ở đây thôn Vĩ Dạ” sau đổi thành “Đây thôn Vĩ Dạ”.

- Ý nghĩa

+ Nhan đề “Ở đây thôn Vĩ Dạ” chỉ nhắc tới miền không gian là thôn vĩ với khoảng thời gian ở hiện tại và chỉ là cái nhìn một chiều. Vì thế bài thơ lúc này chỉ đơn thuần là một bức tranh phong cảnh.

+ Nhan đề “Đây thôn Vĩ Dạ” ngoài lớp nghĩa tả thực còn gợi được cả chiều sâu của tâm trạng khi nó hướng về một mảng không gian khác - thôn Vĩ trong quá khứ để rồi thôn Vĩ không chỉ đơn thuần là bức tranh phong cảnh mà nó đã trở thành một bức tranh của tâm trạng.

2. Cấu tứ bài thơ

a. Bức tranh thiên nhiên xứ Huế

- Bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ trong sáng, tươi tắn và có sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.

+ “Nắng hàng cau, nắng mới lên”

+ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

+ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

=> Bức tranh được nhìn từ con mắt của nhân vật trữ tình (hay chính tác giả). Qua đó, ta thấy được tâm trạng nhớ nhung, khao khát được về thăm thôn Vĩ.

- Bức tranh sông nước đêm trăng, nhuốm màu buồn bã, thê lương.

+ “Gió theo lối gió, mây đường mây”

+ “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”

+ “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó”

=> Sự khác biệt đó cho biết tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình có sự thay đổi, từ vui vẻ đến buồn bã, từ khao khát mong đợi đến nhớ nhung, đau đớn.

b. Tâm trạng nhân vật trữ tình

- Câu hỏi thứ 1: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

+ Lời mời về chơi thôn Vĩ

+ Lời của người thôn Vĩ hỏi tác giả

+ Lời trách móc của người thôn Vĩ vì quá lâu chưa thấy Hàn về thăm.

+ Lời phân thân của tác giả tự hỏi chính mình.

=> Dù hiểu theo cách nào thì câu hỏi trên cũng thể hiện được nỗi nhớ thôn Vĩ da diết cũng như mong muốn được về chơi thôn Vĩ.

- Câu hỏi thứ hai: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay?”  vang lên trong cảnh thiên nhiên buồn bã, hiu hắt

=> Toát lên niềm hy vọng đầy khắc khoải. Đó là khát khao, là ước vọng được giao duyên, được hội ngộ của nhà thơ gửi gắm qua chữ "kịp".

- Câu hỏi thứ ba: “Ai biết tình ai có đậm đà?”

+ Câu hỏi tu từ “Ai biết tình ai có đậm đà?” là lời nhân vật trữ tình vừa là để hỏi người và vừa để hỏi mình, vừa gần gũi vừa xa xăm, vừa hoài nghi vừa như giận hờn, trách móc.

+ Đại từ phiếm chỉ “ai” làm tăng thêm nỗi cô đơn, trống vắng của một tâm hồn khát khao được sống, được yêu.

=> Cấu tứ của Đây thôn Vĩ Dạ vận động từ mạch cảm xúc của nghệ sĩ trước bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ Dạ, đến bức tranh sông nước đêm trăng và kết thúc là khát vọng tình yêu, cuộc sống.

3. Yếu tố tượng trưng trong bài thơ

a. Hình tượng “thôn vĩ”

- Hình tượng "thôn Vĩ Dạ" trong bài thơ này mang đến một không gian dịu dàng, thơ mộng và thanh khiết. Đêm về tại "thôn Vĩ Dạ" tạo nên một cảm giác yên ả, êm đềm, khiến người đọc thấy như đang đắm chìm trong cảm xúc của tác giả đối với quê hương.

- Từ "thôn Vĩ Dạ" cũng gợi lên hình ảnh một cộng đồng nhỏ bé, mỗi ngôi nhà trong thôn đều như một phần của cảnh quê hương, cùng hòa quyện trong vẻ đẹp và yên bình của đêm tĩnh lặng.

=> hình tượng "thôn Vĩ Dạ" trong bài thơ của Hàn Mặc Tử là một biểu tượng của quê hương và bình yên, tạo nên không gian thiên nhiên mộng mơ, nơi tác giả có những kỷ niệm và tình cảm đậm sâu.

b. Đối lập không gian – thời gian

Sự đối lập không gian được thể hiện rõ ràng qua các bức tranh thiên nhiên được miêu tả trong bài thơ:

+ Khổ 1: Cảnh vật thiên nhiên hiện lên thật đẹp, căng tràn sức sống, tươi xanh. Cảnh vật mang trong mình vẻ đẹp thành cao, dịu dàng,  tạo cho người đọc một cảm giác sảng khoái, êm đềm, du dương, bay bổng.

+ Khổ 2: Bức tranh thiên nhiên nhuốm màu tâm trạng. Cảnh vật vẫn đẹp nhưng lại ẩn chứa nỗi buồn, mang dáng dấp chia lìa. Hình ảnh "bến sông trăng" gợi trong lòng người đọc sự xót xa, man mác đến nhói lòng.

III. TỔNG KẾT

1. Nội dung

Cả bài thơ là bức tranh thôn Vĩ vừa mang vẻ đẹp rất thực với tất cả nét trong sáng, tinh khôi, thơ mộng rất đặc trưng cho xứ Huế nhưng cũng rất mơ hồ, hư ảo…được miêu tả qua tâm tưởng của nhà thơ. Qua đó còn thể hiện tình yêu thiết tha đối với xứ Huế, với quê hương của nhà thơ, mà còn thể hiện khát vọng sống mãnh liệt của Hàn Mặc Tử.

2. Nghệ thuật

Cảm xúc nổi bật của bài thơ là niềm đau thương nhưng mạch thơ tự do, phóng túng. Cảm xúc tinh tế, ngòi bút tài hoa, bút pháp gợi tả với những hình ảnh biểu tượng mở ra khoảng trống mênh mang đế người đọc tự suy ngẫm, liên tưởng và cảm nhận. Ngôn từ trong sáng tinh tế, có khả năng gợi hình, gợi cảm cao.

Tìm kiếm google: Ôn tập ngữ văn 11 Cánh diều bài 6: Đây thôn Vĩ Dạ, ôn tập ngữ văn 11 Cánh diều, lí thuyết trọng tâm ngữ văn 11 Cánh diều

Xem thêm các môn học

Soạn bài văn 11 Cánh diều mới

NGỮ VĂN 11 CÁNH DIỀU TẬP 1

BÀI MỞ ĐẦU

BÀI 1: THƠ VÀ TRUYỆN THƠ

NGỮ VĂN 11 CÁNH DIỀU TẬP 1

BÀI 5. TRUYỆN NGẮN


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com