Giải chuyên đề 2: Phát triển vùng (P1) chuyên đề Địa lí 12 chân trời sáng tạo. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa chuyên đề mới. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học.
Câu hỏi: Nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nước ta phong phú, đa dạng và có sự phân hoá giữa các vùng. Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của cả nước cũng như tạo mối liên kết, phối hợp nhằm khai thác tối đa lợi thế so sánh từng vùng, nước ta đã hình thành một số vùng kinh tế có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Vậy, ở Việt Nam có các loại vùng kinh tế nào? Ý nghĩa của sự hình thành các loại vùng kinh tế ấy là gì?
Bài làm chi tiết:
- Ở Việt Nam có ba loại vùng kinh tế chính, bao gồm:
+ Vùng kinh tế – xã hội
+ Vùng kinh tế trọng điểm
+ Vùng kinh tế ngành.
Ý nghĩa của sự hình thành các loại vùng kinh tế là tạo ra cơ sở để phân chia và quản lý nguồn lực, định hình chiến lược phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia. Việc phân loại các vùng kinh tế giúp tập trung đầu tư và phát triển các lĩnh vực ưu tiên theo đặc điểm và tiềm năng của từng vùng, đồng thời giúp cân đối phát triển kinh tế và xã hội trên toàn quốc.
Câu hỏi: Dựa vào thông tin trong bài, hãy trình bày quan niệm về vùng.
Bài làm chi tiết:
Theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017, vùng là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia bao gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận gắn với một số lưu vực sông hoặc có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, lịch sử, dân cư, kết cấu hạ tầng và có mối quan hệ tương tác tạo nên sự liên kết bền vững với nhau.
Câu hỏi: Dựa vào thông tin trong bài, hãy nêu ý nghĩa của vùng trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Bài làm chi tiết:
Ý nghĩa của vùng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước:
- Mỗi vùng có những đặc trưng riêng về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội, việc hình thành vùng tạo điều kiện để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng lãnh thổ.
- Việc phân vùng tạo điều kiện thuận lợi cho phân bố lực lượng sản xuất, phân bố dân cư, phát triển kết cấu hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội trên lãnh thổ một cách tối ưu nhằm đạt hiệu quả cao nhất về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
- Mỗi vùng có tiềm năng, khả năng khai thác lãnh thổ khác nhau nên hiện trạng và xu hướng phát triển giữa các vùng cũng không giống nhau. Mỗi vùng sẽ xác định cơ cấu ngành với các hướng chuyên môn hoá sản xuất khác nhau, là cơ sở để thu hút đầu tư, phân bổ ngân sách nhằm giảm thiểu sự phát triển chênh lệch về trình độ giữa các vùng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của vùng.
- Vùng là cơ sở để hoạch định, triển khai và quản lí các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và từng vùng lãnh thổ. Thông qua việc lập quy hoạch cho từng giai đoạn phát triển, giúp cho việc định hướng phát triển không gian và tổ chức lãnh thổ một cách khoa học, hợp lí nhất.
- Vùng có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với các tai biến thiên nhiên, sự tác động của biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực trong quá trình thực hiện quy hoạch vùng.
Câu hỏi: Dựa vào thông tin trong bài, hãy trình bày cơ sở hình thành vùng trong nền kinh tế đất nước.
Bài làm chi tiết:
Cơ sở hình thành vùng:
- Vị trí địa lí: Bao gồm vị trí về mặt tự nhiên, kinh tế, giao thông,... và vị trí của vùng trong chiến lược phát triển của quốc gia. Vai trò của vị trí địa lí thể hiện trong mối liên hệ sản xuất, trong vận tải, giao lưu, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, nhất là khả năng kết nối nội vùng và ngoại vùng.
- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên: Các yếu tố tự nhiên như địa hình, đất, khí hậu, thuỷ văn, sinh vật, khoáng sản có tác động đến sự phát triển của vùng. Sự đa dạng của tài nguyên, sự phân bố tài nguyên, các tài nguyên đặc thù của vùng,... ảnh hưởng đến quá trình hình thành, cơ cấu ngành và cơ cấu không gian của nền kinh tế mỗi vùng.
- Điều kiện kinh tế – xã hội: Các yếu tố về quy mô và gia tăng dân số, phân bố dân cư, các giá trị văn hoá, dân tộc, số lượng và chất lượng lao động gắn với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng gồm giao thông vận tải, thông tin liên lạc, năng lượng, hạ tầng khoa học – công nghệ,... về mức độ đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là khả năng liên kết nội vùng, liên kết vùng với các vùng khác trong nước và với quốc tế. Các tác động từ yếu tố bên ngoài như tiến bộ khoa học – công nghệ của thế giới, vốn đầu tư, thị trường,... Đánh giá về các lợi thế so sánh, hạn chế và cơ hội cùng các thách thức đối với phát triển vùng trong thời kì quy hoạch.
- Chính sách của nhà nước: Việc quy hoạch vùng nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh. Việc quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cả nước và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực cũng như phù hợp với các nghị quyết, quyết định về chủ trương phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ có liên quan đến vùng.
- Vị trí, vai trò và chức năng của vùng đối với nền kinh tế đất nước: Thông qua các chỉ số như tăng trưởng GRDP, tỉ trọng đóng góp GRDP của vùng đối với cả nước, GRDP/người, tỉ lệ gia tăng dân số, tỉ lệ lao động qua đào tạo,... Xác định hướng phát triển ngành, lĩnh vực then chốt và sản phẩm chủ lực, vai trò của các trung tâm đô thị đối với vùng.
Giải chuyên đề Địa lí 12 Chân trời sáng tạo, Giải chuyên đề chuyên đề 2: Phát triển vùng (P1) SGK chuyên đề Địa lí 12 Chân trời sáng tạo, Giải chuyên đề Địa lí 12 chân trời chuyên đề 2: Phát triển vùng (P1)