Giải chi tiết chuyên đề Kinh tế pháp luật 11 Cánh diều bài 1 Những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên

Giải chuyên đề 1 bài 1 Những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên sách chuyên đề Kinh tế pháp luật 11 cánh diều. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học

Mở đầu

Môi trường là không gian sinh sống của con người và các loài sinh vật. Môi trường tự nhiên cung cấp những nguyên liệu cho lao động để tạo ra của cải, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Thế nhưng, cùng với sự phát triển nhanh về dân số, khoa học kĩ thuật đặc biệt là sự tăng tốc của nền kinh tế, con người đã tác động đến chính môi trường sống của mình và làm cho nó bị suy thoái và ô nhiễm. Em hãy chia sẻ với các bạn trong lớp một bản tin liên quan tới tác động tiêu cực của phát triển đến môi trường tự nhiên.

Trả lời:

HS có thể tham khảo một số link sau:

  • https://youtu.be/uJkvP3hiKPQ
  • https://youtu.be/UcV-Erutxbk
  • https://youtu.be/2x6mjSTP294

Khám phá

1. Tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên

a) Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu

Thông tin 1. Ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam những năm gần đây luôn ở mức báo động. Hàng chục triệu tấn chất thải chăn nuôi, chất thải trồng trọt đang ngày càng... (SGK, tr.7)

Thông tin 2. Tính đến cuối năm 2020, trên phạm vi cả nước có 369 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích khoảng 114 nghìn héc-ta. Nhiều dự án, cơ sở hiện đang đầu tư, vận hành tại các khu công nghiệp... (SGK, tr.7)

Thông tin 3. Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), Việt Nam là một trong năm nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, những hiện tượng thiên tai như lũ lụt, bão, lốc xoáy,... (SGK, tr.7)

Câu hỏi 1: Em hãy cho biết hình ảnh, thông tin 1 và 2 đề cập đến ô nhiễm môi trường từ hoạt động kinh tế nào. Ngoài các hoạt động kinh tế trên, theo em còn những hoạt động nào khác dẫn đến ô nhiễm môi trường?

Trả lời:

  • Thông tin 1 và 2 đề cập đến ô nhiễm môi trường từ hoạt động kinh tế như: sản xuất nông nghiệp; các hoạt động công nghiệp như luyện kim, khai thác khoáng sản, phá dỡ tàu biển, sản xuất giấy, dệt nhuộm, lọc hóa dầu, nhiệt điện,...
  • Các hoạt động khác cũng dẫn đến ô nhiễm môi trường như: hoạt động du lịch tại các khu di tích, đền, chùa, danh lam thắng cảnh; các hoạt động sinh hoạt của con người; các hoạt động y tế,...

Câu hỏi 2: Từ thông tin 3, em hãy làm rõ tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến biến đổi khí hậu ở nước ta.

Trả lời:

  • Các hoạt động kinh tế đã làm gia tăng nguồn phát thải khí nhà kính. => Những hiện tượng thiên tai như lũ lụt, bão, lốc xoáy, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.
  • Nhu cầu tiêu thụ của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã gây sức ép lớn đối với việc bảo vệ môi trường tài nguyên thiên nhiên ở nước ta.

b. Cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên

Em hãy đọc thông tin dưới đây và trả lời câu hỏi:

Thông tin 1. Nguồn tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nguồn tài nguyên trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt. Năm 2018, mạng lưới Dấu chân toàn cầu (GFN) ước tính nhu cầu vẻ tài nguyên thiên nhiên... (SGK, tr.8)

Thông tin 2. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bó, tài nguyên biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bên vững. Ước tính, cỏ biển trên toàn vùng biển nước ta từ Quảng Ninh đến Hà Tiên đã mất khoảng 40 - 60%; rừng ngập mặn mất đến 70%... (SGK, tr.8)

Câu hỏi 1: Em hãy cho biết mỗi thông tin trên đề cập tới tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến tài nguyên thiên nhiên nào.

Trả lời:

  • Thông tin 1: Than đá, dầu thô, sắt, thép, các kim loại thường.
  • Thông tin 2: Tài nguyên biển và hải đảo, bao gồm cỏ biển, rừng ngập mặn, rạn san hô, cá và các loài sinh vật biển khác.

Câu hỏi 2: Từ các thông tin đó, em hãy làm rõ vấn đề cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên do phát triển kinh tế gây ra.

Trả lời:

  • Mạng lưới Dấu chân toàn cầu (GFN) ước tính nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế của con người hiện nay đã gấp 1,7 lần khả năng đáp ứng của Trái Đất.
  • Việt Nam hiện đang phải đối mặt với các vấn đề về cạn kiệt, suy thoái nguồn tài nguyên do nhu cầu về tiêu thụ năng lượng và tài nguyên tăng nhanh, trong đó có than, dầu thô, sắt, thép, các kim loại thường,...
  • Tài nguyên biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững: trên vùng biển từ Quảng Ninh đến Hà Tiên đã mất khoảng 40-60% cỏ biển; rừng ngập mặn mất đên 70%; 11% các rạn san hô bị phá hủy hoàn toàn; hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác; nhiều loài sinh vật biển khác có nguy cơ tuyệt chủng.

c. Suy thoái môi trường và sự cố môi trường

Em hãy đọc các thông tin dưới đây và trả lời câu hỏi

Thông tin 1. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Điều 3. Giải thích từ ngữ (Trích)

13. Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng, số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hướng xấu đến sức khoẻ con người, sinh vật và tự nhiên.

14. Sự cố môi trường là sự cô xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc do biến đổi bất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng.

Thông tin 2. Trong thời kì đôi mới, quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam mới quan tâm đến bề rộng, khai thác tài nguyên là chính, việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên từ khâu khai thác, chế biến cũng như xử lí chất thải còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Môi trường bị suy thoái thể hiện ở các thông số:... (SGK, tr.9)

Thông tin 3. Vào tháng 4 năm 2016 tại khu vực bốn tỉnh miền Trung, Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã xảy ra một sự cố môi trường biển hết sức nghiêm trọng, gây nên hiện tượng hải sản chết hàng loạt và đặc biệt là các loài cá sống ở tầng đáy. Nguyên nhân gây nên hiện tượng này được xác định là do... (SGK, tr.9)

Câu hỏi 1: Em hãy căn cứ vào thông tin 1 để xác định các vấn đề nào được nhắc đến ở thông tin 2 và thông tin 3.

Trả lời:

  • Thông tin 2: Vấn đề suy thoái môi trường: Các hoạt động phát triển kinh tế, chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên theo bề rộng của nước ta khiến diện tích rừng bị thu hẹp; đất nông nghiêp bị thoái hóa, bạc màu; tài nguyên sinh vật cả trên cạn và dưới nước đều bị suy thoái.
  • Thông tin 3: Sự cố môi trường, xảy ra trong quá trình hoạt động của công ty Formosa. Nguồn thải của công ty này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân ở 4 tỉnh miền Trung.

Câu hỏi 2: Từ các thông tin, em hãy làm rõ vấn đề suy thoái môi trường và sự cố môi trường do kinh tế phát triển gây ra.

Trả lời:

  • Trong thời kì đổi mới, quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam mới quan tâm đến bề rộng, khai thác tài nguyên nhưng chưa có các biện pháp bảo vệ tài nguyên từ khâu khai thác, chế biến; xử lí chất thải chưa đạt yêu cầu => Suy thoái môi trường.
  • Sự cố môi trường xảy ra do nguồn thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng: hải sản chết hàng loạt, đặc biệt là các loài cá sống ở tầng đáy; nước sông bị ô nhiễm khiến cuộc sống sinh hoạt và các hoạt động sản xuất của người dân ở 4 tỉnh miền Trung gặp rất nhiều khó khăn.

d. Suy giảm đa dạng sinh học

Em hãy quan sát hình ảnh, đọc thông tin và trả lời câu hỏi

1

Thông tin: Việt Nam được đánh giá là một nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới. Tuy nhiên, với áp lực của phát triển  kinh tế - xã hội, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước chưa phù hợp, khai thác quá mức và buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã;... (SGK, tr.11)

Câu hỏi 1: Từ hình ảnh và thông tin trên, em hãy cho biết sự phát triển kinh tế gây ra tác động tiêu cực như thế nào đến sự đa dạng sinh học.

Trả lời:

Các hoạt động phát triển kinh tế đã và đang khiến thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của tình trạng tuyệt chủng và suy giảm loài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đa dạng sinh học. Các loài cá xương, động vật thân mềm, chim,... đến các loài thực vật như họ dương xỉ, cây lá kim, cây tuế,... đều đang ở mức độ sắp nguy cấp.

Câu hỏi 2: Em hãy tìm hiểu thực trạng sự suy giảm đa dạng sinh học ở nước ta trong những năm gần đây.

Trả lời:

Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; dưới biển có trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tài nguyên ĐDSH của Việt Nam đang trên đà suy giảm do các áp lực từ biến đổi khí hậu và hoạt động của con người như chia cắt, thu hẹp các sinh cảnh, phá rừng, ô nhiễm môi trường, săn bắt, khai thác hủy diệt và buôn bán trái phép, không bền vững các loài động vật hoang dã.

Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), nếu như năm 1996 mới chỉ có 25 loài động vật của Việt Nam ở mức nguy cấp thì đến năm 2021, có khoảng 513 loài động vật và 290 loài thực vật của Việt Nam phi trong Sách Đỏ IUCN (2021). Năm 2011, phân loài tê giác Việt Nam đã chính thức bị tuyệt chủng ở Việt Nam. Mất rừng, sinh cảnh bị suy thoái và nạn săn bẫy do nhu cầu tiêu thụ và buôn bán bất hợp pháp các loài hoang đã đã khiến nhiều loài linh trưởng của khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông Mở rộng đang trên bờ tuyệt chủng. Một phần tư các loài này nằm trong danh sách các loài Cực kì Nguy cấp trong Sách Đỏ Thế giới IUCN và một nửa trong số chúng thuộc danh sách các loài Nguy cấp.

2. Nguyên nhân phát sinh tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên

a. Gia tăng dân số và đô thị hóa

Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi

Thông tin 1. Dân số Việt Nam tại thời điểm Tổng điều tra năm 2019 là 96,2 triệu người, dự báo dân số Việt Nam bình quân năm (mức sinh trung bình) năm 2064 là 116,9 triệu người. Sự gia tăng dân số đã làm tăng nhu cầu khai thác tài nguyên và gây ra áp lực cho hệ thống môi trường... (SGK, tr.11-12)

Thông tin 2. Theo dự báo, tỉ lệ đô thị hoá của Việt Nam sẽ đạt khoảng 45% vào năm 2026, số dân cư sinh sống tại đô thị khoảng hơn 45 triệu người. Dân số gia tăng khiến số lượng phương tiện giao thông cá nhân lưu hành cũng gia tăng tương ứng; nhiều phương tiện cũ, lạc hậu vẫn được sử dụng và thải vào môi trường lượng lớn bụi và khí thải... (SGK, tr.12)

Câu hỏi: Từ hai thông tin trên, em hãy cho biết gia tăng dân số và đô thị hóa ở nước ta gây ra sức ép đến môi trường tự nhiên như thế nào? 

Trả lời:

  • Sự gia tăng dân số đã làm tăng nhu cầu khai thác tài nguyên và gây ra áp lực cho hệ thống môi trường.
  • Dân số gia tăng khiến số lượng phương tiện giao thông cá nhân lưu hành cũng gia tăng tương ứng; nhiều phương tiện cũ, lạc hậu vẫn được sử dụng và thải vào môi trường lượng lớn bụi và khí thải.
  • Hệ sinh thái ở nhiều đô thị bị phá vỡ để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội như: san lấp hồ, ao, giảm diện tích cây xanh, công viên để phục vụ phát triển hạ tầng.
  • Phát triển đô thị đồng nghĩa với tăng số lượng đường, phương tiện giao thông, các toà nhà và các công trình phục vụ tiện ích đô thị, từ đó làm giảm lưu thông không khí dẫn đến tích tụ các chất thải độc hại, gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị, đặc biệt là ô nhiễm bụi.

b. Sự lạc hậu về công nghệ khai thác, chế biến tài nguyên và xử lí chất thải

Em hãy đọc thông tin, quan sát hình ảnh và trả lời câu hỏi

Thông tin 1. Trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới, do việc quản lí và công nghệ xử lí rác thải còn lạc hậu. Lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam, chiếm khoảng 8 — 12% chất thải rắn sinh hoạt... (SGK, tr.12 - 13).

Thông tin 2. Nhiều khu công nghiệp ở nước ta, do sử dụng công nghệ lạc hậu đã làm phát sinh nhiều chất ô nhiễm. Sự lạc hậu vẻ công nghệ dẫn đến việc gia tăng mức độ tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng hơn, phát sinh nhiều chất thải hơn, gây sức ép đối với môi trường. Trong khai thác khoáng sản, việc quá chú trọng... (SGK, tr.13)

Câu hỏi 1: Em hãy đọc thông tin 1, quan sát hình ảnh và cho biết trình độ công nghệ xử lí chất thải có ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên như thế nào. Theo em, khi xử lí chất thải bằng các phương pháp như chôn lấp, đốt rác lộ thiên sẽ gây ra hậu quả như thế nào đối với môi trường?

Trả lời:

Do việc quản lí và công nghệ xử lí rác thải còn lạc hậu, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới:

  • Lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam, chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11 - 12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lí, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
  • Nhiều doanh nghiệp chưa có biện pháp xử lí chất thải, một số doanh nghiệp còn chôn lắp trái phép, điều này đã gây ra hậu quả lớn về ô nhiễm môi trường.

Xử lí chất thải bằng các phương pháp như chôn lấp, đốt rác lộ thiên sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đất và gây ô nhiễm không khí do chưa xử lí được triệt để khí thải độc hại thải ra môi trường.

Câu hỏi 2: Từ thông tin 2, em hãy cho biết trình độ công nghệ khai thác và chế biến tài nguyên lạc hậu dẫn đến thực trạng môi trường tự nhiên như thế nào.

Trả lời:

  • Nhiều khu công nghiệp ở nước ta, do sử dụng công nghệ lạc hậu đã làm phát sinh nhiều chất ô nhiễm.
  • Trong khai thác khoáng sản, việc quá chú trọng đến sản lượng khai thác, chưa quan tâm nhiều đến sử dụng công nghệ đã làm gia tăng mức độ ô nhiễm và gây lãng phí tài nguyên thiên nhiên. 
  • Ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề còn có xu hướng gia tăng, nguyên nhân chính là dp công nghệ sản xuất lạc hậu, lại chưa đầu tư cho hoạt động xử lí chất thải. 

c. Sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng và ý thức bảo vệ môi trường của các chủ thể kinh tế
Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi:
Thông tin 1. Theo thống kê, nhu cầu năng lượng trong nước hiện tăng nhanh gấp khoảng 2 lần so với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Trong nhiều năm trở lại đây, nhu cầu năng lượng đã tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm về tốc độ... (SGK, tr.14)
Thông tin 2. Vì mục tiêu lợi nhuận, nhiều chủ thể sản xuất kinh doanh đã không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động thu gom, vận chuyển, chôn lấp và xử lí chất thải công nghiệp. Tình hình ô nhiễm môi trường tại các nhà máy, cơ sở sản xuất lớn,... (SGK, tr.14)

Câu hỏi 1: Từ thông tin 1, em hãy cho biết sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng năng lượng của người dân gây sức ép với môi trường như thế nào.

Trả lời:

  • Theo thông kê, nhu cầu năng lượng trong nước hiện tăng nhanh gấp khoảng 2 lần so với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người.
  • Trong nhiều năm trở lại đây, nhu cầu năng lượng đã tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm về tốc độ.

=> Đặt ra sức ép lớn trong việc bảo đảm nhu cầu năng lượng cũng như an ninh năng lượng của mỗi quốc gia.

Câu hỏi 2: Em hãy cho biết việc thiếu ý thức bảo vệ môi trường của các chủ thể kinh tế trong thông tin 2 sẽ gây ra hậu quả như thế nào đối với môi trường.

Trả lời:

Việc thiếu ý thức bảo vệ môi trường của các chủ thể kinh tế trong thông tin 2 sẽ gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với môi trường:

  • Chất thải công nghiệp có thể gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, từ đó phá hủy hệ sinh thái tại các sông, hồ, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt, sản xuất và sức khỏe của người dân.
  • Chặt phá rừng bừa bãi, khai thác gỗ trái phép khiến diện tích rừng bị thu hẹp => suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các hiện tượng lũ lụt, xói mòn, sạt lở đất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Câu hỏi 3. Theo em, ngoài những nguyên nhân trên, còn có nguyên nhân nào dẫn tới những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên?

Trả lời:

Ngoài các nguyên nhân trên, một số hoạt động gây ô nhiễm môi trường có thể kể đến như:

  • Hoạt động sản xuất nông nghiệp: sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu,...
  • Hoạt động sinh hoạt của con người: vứt rác bừa bãi, không phân loại rác, lạm dụng đồ nhựa sử dụng một lần,...
  • Hoạt động du lịch: các dịch vụ du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, đi cùng với đó là việc khai thác chưa hợp lí các bãi biển, khu du lịch sinh thái,...

3. Sự cần thiết phải giải quyết vấn đề tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên

Em hãy quan sát hình ảnh, đọc thông tin và trả lời câu hỏi

2

Thông tin 1. Trên khắp thế giới, hằng năm, hơn 90% người dân phải tiếp xúc với nồng độ những hạt bụi mịn ngoài trời cao hơn các chỉ tiêu về chất lượng không khí WHO đưa ra. Ô nhiễm không khí có liên quan tới khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Ở Việt Nam,... (SGK, tr.15)

Thông tin 2. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng với nhiều điểm nóng... (SGK, tr.15)

Câu hỏi 1: Những hình ảnh trên khiến em liên tưởng đến hậu quả của môi trường tự nhiên tác động đến con người và xã hội? Theo em, những hậu quả đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội như thế nào?

Trả lời:

Các hình ảnh trên nhắc tới hiện tượng hạn hán ở Cà Mau và lũ hụt tại các tỉnh miền Trung. Đây là các hiện tượng thiên nhiên tiêu cực, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân: hạn hán gây mất mùa, ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng; Lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, đồ đạc, vật nuôi, gây ra những thiệt hại không nhỏ cho người dân ở vùng lũ.

=> Tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Câu hỏi 2: Mỗi thông tin trên cho em biết điều gì về sự cần thiết phải giải quyết tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên?

Trả lời:

Thông tin 1: Ô nhiễm không khí

Hơn 90% người dân trên thế giới phải tiếp xúc với nồng độ bụi mịn cao hơn các chỉ tiêu về chất lượng không khí WHO đưa ra.Ô nhiễm không khí có liên quan đến khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Ở Việt Nam, con số này đang ngày càng gia tăng.

  • Ảnh hưởng trực tiếp: gây ra các bệnh về hô hấp; ung thư; ảnh hưởng tới não bộ, tim mạch; làm tổn hại da, mắt; trẻ em có thể giảm trí tuệ, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh,...
  • Ảnh hưởng gián tiếp: Ô nhiễm không khí gây hại cho hệ thống thực vật => Giảm chất lượng cuộc sống con người.

Thông tin 2: Tình hình ô nhiễm môi trường diễn ra phức tạp và ngày càng nghiêm trọng do quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

  • Chất lượng môi trường suy giảm mạnh ở nhiều nơi, không còn khả năng tiếp nhận chất thải;
  • Suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái chất lượng rừng đang ở mức báo động; 
  • Nguồn gen bị thất thoát
  • Hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng;
  • Sự cố môi trường xảy ra nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng.

Vấn đề bảo vệ môi trường đang trở nên vô cùng cấp bách.  Nếu không có những giải pháp kịp thời, các vấn đề liên quan đến môi trường sẽ trở thành nguy cơ lớn, cản trở mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, đe dọa nghiêm trọng đời sống của người dân.

Luyện tập và Vận dụng

Luyện tập

Câu hỏi 1: Em hãy liệt kê các hoạt động phát triển kinh tế và lấy những ví dụ thực tiễn (thông tin, video, hình ảnh...) để chứng minh phát triển kinh tế gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự có môi trường, sự suy giảm đa dạng sinh học và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên...

Trả lời:

Gợi ý:

- Khai thác tài nguyên khoáng sản, thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu khiến các nguồn tài nguyên này có nguy cơ cạn kiệt: 

  • Nguồn tài nguyên khoáng sản điển hình là than đá đã được khai thác triệt để trong nhiều năm qua khiến các mỏ lộ thiên hầu như không còn, việc khai thác đã phải chuyển qua các hầm mỏ khoan sâu xuống lòng đất.

Hoạt động khai thác than

 

  • Trong vòng 50 năm giai đoạn 1960-2016, sản lượng khai thác thủy sản của Việt Nam đã tăng khoảng 7 lần.

Khai thác thủy sản

- Đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế và dân số tăng nhanh đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn về quản lý chất thải và xử lý ô nhiễm. Lượng rác thải của Việt Nam dự báo tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới.

Rác thải sinh hoạt tại các đô thị lớn

- Hoạt động công nghiệp: Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thâm dụng năng lượng cao nhất thế giới với nhu cầu năng lượng tăng 1,5 lần trên 1% tăng trưởng GDP khiến cho chất lượng không khí xấu đi nhanh chóng. Năm 2019, tổng phát thải do hoạt động đốt nhiên liệu là 262 triệu tấn CO2, tăng 17,6% so với năm 2018 và tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010.

Hoạt động công nghiệp

- Phá rừng phòng hộ để  "mở đường" cho xây dựng thủy điện.

Phá rừng phòng hộ

Câu hỏi 2. Em hãy bình luận ý kiến sau:

Tăng trưởng kinh tế và phát triển con người không phải lúc nào cũng cùng chiều với những bước tiến tương tự nhau. Thực tế cho thấy, không ít các quốc gia để có được tăng trưởng kinh tế đã lựa chọn "tăng trưởng trước - làm sạch sau” và cái giá phải trả là làm tổn hại quá mức nguồn tài nguyên, chất lượng môi trường sống bị giảm sút, cảnh quan bị tàn phá,...

Trả lời:

Theo em, lựa chọn "tăng trưởng trước - làm sạch sau" là một hướng đi thiếu bền vững. Lựa có thể đáp ứng được những yêu cầu phát triển kinh tế trước mắt của một quốc gia, nhưng lại gây ra những hậu quả khôn lường cho thế hệ tương lai, đặc biệt là các hệ lụy do ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên. Khai thác không đi đôi với duy trì và bảo tồn khiến các nguồn tài nguyên đã bị mất đi không thể khôi phục lại; nguồn nước bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân, để khắc phục cũng cần rất nhiều thời gian và chi phí; Tính đa dạng sinh học khi đã bị suy giảm cũng khó có thể trở lại như ban đầu;...

Để giảm thiểu tối đa các hậu quả do "tăng trưởng trước - làm sạch sau", mỗi quốc gia cần có những chính sách bảo vệ môi trường quyết liệt như: thay đổi phương thức sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường; thay thế năng lượng hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo; cắt giảm tối đa lượng khí thải độc hại ra môi trường; tăng cường trồng rừng, bảo vệ rừng; Khai thác hợp lí nguồn tài nguyên thiên nhiên;...

Câu hỏi 3. Em hãy tìm kiếm số liệu về thực trạng vấn đề biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính ở nước ta trong những năm gần đây và làm rõ tác động của những biến đổi đó đối với sự phát triển kinh tế.

Trả lời:

Biến đổi khí hậu ở Việt Nam diễn biến phức tạp, thực tiễn diễn ra trong những năm vừa qua cho thấy biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn so với dự kiến. Trong một nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với các nước đang phát triển của Ngân hàng thế giới đưa ra những nhận định dự báo từ năm 2007 cho thấy Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu:

  • Theo kịch bản phân tích đối với BĐKH, kết quả tính toán dự báo cho thấy nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m sẽ có 10,8 triệu người ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng chịu ảnh hưởng, có khoảng 10,21% GDP,  7,14% diện tích đất nông nghiệp, 28,67% diện tích đất ngập nước  và 10,74% diện tích đô thị sẽ bị ảnh hưởng.
  • Trong những năm gần đây, nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề cần phải lưu tâm, chẳng hạn năm 2017 là năm có số lượng các cơn bão ảnh hưởng tới nước ta nhiều bất thường (16 cơn bão), theo tính  toán của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và tổng cục thống kê thiệt hại khoảng 38,7 nghìn tỷ đồng tương đương 2,7 tỷ USD.
  • Ảnh hưởng của BĐKH còn tác động đến chăn nuôi, lâm nghiệp, đa dạng sinh học, cháy rừng, các hệ sinh thái đất ngập nước, nuôi trồng thủy sản…, như vậy đối với sản xuất nông nghiệp cần phải có một cách nhìn nhận mới và toàn diện hơn đặt trong bối cảnh hoàn động sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng của BĐKH.
  • Đối với công nghiệp, ảnh hưởng của BĐKH khí hậu sẽ tác động đến ngành công nghiệp chế biến, nhất là chế biến những sản phẩm nông nghiệp. Trong trường hợp nhiệt độ tăng sẽ làm tăng tiêu thụ năng lượng kéo theo nhiều hoạt động khác tăng theo như tăng công suất nhà máy phát điện, tăng sử dụng các thiết bị làm mát, ảnh hướng tới an ninh năng lượng quốc gia.

Câu hỏi 4. Em hãy trình bày một nguyên nhân làm phát sinh những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên ở địa phương em.

Trả lời:

Gợi ý: Tình trạng ô nhiễm không khí 

Thực trạng ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề nhức nhối của thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Theo Báo cáo thường niên về chỉ số môi trường (The Environmental Performance Index - EPI) do tổ chức Môi trường Mỹ thực hiện, Việt Nam chúng ta là một trong 10 nước ô nhiễm môi trường không khí hàng đầu Châu Á. Tiêu biểu là ô nhiễm bụi (PM 10, PM 2.5).

Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là nơi bị ô nhiễm không khí nặng nhất của cả nước, có nhiều thời điểm bụi mịn (PM 2.5) bao phủ cả bầu trời làm hạn chế tầm nhìn, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân.

Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí

Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn có thể kể đến như:

  • Hoạt động sản xuất công, nông nghiệp: Đây là nguyên nhân chính, gây nhức nhối cho cộng đồng và nhà nước.

- Khói bụi từ các ống xả của nhà máy, xí nghiệp trong những khu công nghiệp thải ra các khí CO2, CO, SO2, NOx cùng một số chất hữu cơ khác, với nồng độ cực cao.

- Việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hay các hoạt động đốt rơm, rạ, đốt rừng làm rẫy cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường không khí.

  • Hoạt động giao thông vận tải: Với một số lượng các phương tiện giao thông khổng lồ và di chuyển liên tục tại các thành phố lớn, lượng khí thải từ các phương tiện này cũng vô cùng khủng khiếp. Đặc biệt, đối với những xe đã cũ, hệ thống máy móc hoạt động kém thì lượng khí thải càng lớn. Các phương tiện giao thông thải vào không khí các chất độc hại như: CO, VOC, NO2, SO2,... với nồng độ cực cao và liên tục.
  • Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng: Các hoạt động xây dựng cao ốc, chung cư cao tầng hay cầu đường cũng mang đến sự ô nhiễm môi trường không khí nặng nề.
  • Thu gom xử lý rác thải: Việc rác thải được thải ra quá nhiều khiến cho các khu tập kết rác không xử lý được hết khiến cho mùi hôi thối bốc ra. Hay các phương pháp xử lý thủ công như đốt khiến cho không khí bị ô nhiễm trầm trọng.

Vận dụng

Câu hỏi 5. Em hãy sưu tầm thông tin về một số bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra đối với con người và chia sẻ với các bạn trong lớp.

Trả lời:

Một số bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra:

  • Ô nhiễm không khí gây ra các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp, tức ngực, khó thở,...
  • Sử dụng nguồn nước ô nhiễm, con người dễ bị nhiễm chì, hay gặp nhất là các bệnh về thận, thần kinh; nhiễm Natri gây các bệnh về huyết áp, tim mạch; nhiễm Cadimi có thể gây đau lưng, thoái hóa cột sống; nhiễm độc các hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực vật gây cảm giác nôn ói hoặc ngộ độc.

Dẫn chứng:

  • Có khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư,  nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước; 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém.
  • Ở trẻ em và người lớn, cả tiếp xúc ngắn hạn và dài hạn với ô nhiễm không khí xung quanh có thể dẫn đến giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và hen suyễn nặng hơn. Ngoài ra, cũng có thể gặp các triệu chứng như kích ứng mắt, da, mũi và cổ họng; ho, khạc đàm, tức ngực, khó thở. 

Câu hỏi 6. Em hãy thiết kế một sản phẩm để tuyên truyền về sự cấp bách phải giải quyết vấn đề tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên.

Trả lời:

Gợi ý: Một số poster được thiết kế nhằm tuyên truyền các biện pháp bảo vệ môi trường

5

Tìm kiếm google: giải chuyên đề Kinh tế pháp luật 11 cánh diều, giải chuyên đề Kinh tế pháp luật 11 sách mới, giải chuyên đề kinh tế pháp luật 11 cd, giải chuyên đề kinh tế pháp luật 11 cánh diều chuyên đề 1, giải chuyên đề 1 bài 1 Những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên

Xem thêm các môn học

Giải chuyên đề kinh tế pháp luật 11 cánh diều


Copyright @2024 - Designed by baivan.net