Giải chi tiết chuyên đề Kinh tế pháp luật 11 Cánh diều bài 5 Một số vấn đề của pháp luật lao động về tiền lương và tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động

Giải chuyên đề 2 bài 5 Một số vấn đề của pháp luật lao động về tiền lương và tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động sách chuyên đề Kinh tế pháp luật 11 cánh diều. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học

Mở đầu 

Tiền lương là nguồn thu nhập chủ yếu của người lao động. Ngoài phần tiền lương chính mà người sử dụng lao động và người lao động đã thoả thuận trước đó thì người lao động còn được hưởng một số nguồn thu nhập khác như: trợ cấp bảo hiểm xã hội, tiền thưởng,...

Giả định em là người lao động, giữa em và người sử dụng lao động có tranh chấp về tiền lương hoặc bảo hiểm xã hội, em sẽ làm như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?

Trả lời:

Giả định em là người lao động, giữa em và người sử dụng lao động có tranh chấp về tiền lương hoặc bảo hiểm xã hội, em sẽ thực hiện thương lượng, hòa giải tại Hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

Khám phá

1. Tiền lương và tiền thưởng

Em hãy đọc thông tin, trường hợp và trả lời câu hỏi

Đọc thông tin, trường hợp trong sách chuyên đề môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật trang 38, 39

Câu hỏi 1: Trong thông tin trên, theo em những chủ thể nào được hưởng tiền lương, tiền thưởng?

Trả lời:

Trong thông tin trên, theo em những chủ thể được hưởng tiền lương, tiền thưởng là: những người lao động.

Câu hỏi 2: Theo em, việc trả lương cho người lao động phải thực hiện những nguyên tắc nào?

Trả lời:

Theo em, việc trả lương cho người lao động phải thực hiện những nguyên tắc: trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động hoặc người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Câu hỏi 3: Theo em, anh K có thể được hưởng những khoản tiền nào từ công việc của mình? Anh K có quyền được kiến nghị không?

Trả lời:

Theo em, anh K có thể được hưởng lương quy định và lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm theo quy định của pháp luật. 

Trong trường hợp này, anh K có quyền được kiến nghị.

Câu hỏi 4: Hãy nêu những quy định của pháp luật về trả lương làm thêm giờ vào ban đêm và ngừng làm việc mà em biết.

Trả lời:

Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

Câu hỏi 5: Hãy trình bày hiểu biết của em về lương cơ bản, các khoản phụ cấp, quỹ tiền thưởng trong thông tin bên. Theo em, việc cải cách chính sách tiền lương có tác động như thế nào đến các chủ thể tham gia quan hệ lao động.

Trả lời:

Lương cơ bản là mức lương thấp nhất hay tối thiểu mà người lao động có thể nhận được khi làm việc trong một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị nào đó không bao gồm các khoản tiền thưởng, phụ cấp, trợ cấp và các khoản thu nhập bổ sung. Lương cơ bản là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động dựa trên sự thỏa thuận đồng ý giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đây là mức lương được dùng làm căn cứ tính đóng các khoản bảo hiểm gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Mức lương này chiếm 70% tổng quỹ lương. Các khoản phụ cấp và tiền thưởng chiếm 40% .

2. Bảo hiểm xã hội

Em hãy đọc các trường hợp và trả lời câu hỏi

Đọc trường hợp trong sách chuyên đề môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật trang 40

Câu hỏi 1: Em nhận xét như thế nào về những chi phí mà Xí nghiệp X chi trả cho chị V? Những chi phí đó được lấy từ nguồn kinh phí nào? Vì sao chị V lại được xí nghiệp hỗ trợ hưởng toàn bộ chi phí trong thời gian điều trị bệnh?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, khi người lao động bị bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm:

- Tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người bị bệnh nghề nghiệp.

- Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định:

+ Phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả đối với người tham gia BHYT;

+ Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu;

+ Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người không tham gia BHYT.

Kết quả khám bệnh của chị V cho thấy, chị V bị bệnh nghề nghiệp tỉ lệ tổn thương 5%. Chị V lại có bảo hiểm y tế nên chi phí xí nghiệp X hỗ trợ chị là đúng quy định. Những chi phí đó được lấy từ bảo hiểm xã hội.

Câu hỏi 2: Trong trường hợp 2, anh B có bị mất quyền lợi từ bảo hiểm không?

Trả lời:

Trong trường hợp 2, anh B không bị mất quyền lợi từ bảo hiểm.

Câu hỏi 3: Theo em, bạn H có phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không? Vì sao? Hãy kể tên các loại hình bảo hiểm xã hội mà em biết.

Trả lời:

Theo Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được giao kết hợp đồng lao động khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó. Trường hợp này được gọi là lao động chưa thành niên.

Và tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định: Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

+ Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

....

Theo quy định của luật bảo hiểm xã hội thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời gian là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội. Hợp đồng 12 tháng của bạn là hợp đồng lao động xác định thời hạn, cho nên bạn cũng là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đồng thời luật này cũng không quy định độ tuổi tham gia bảo hiểm bắt buộc, chỉ cần đáp ứng điều kiện nêu trên thì sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội.

=> Trường hợp bạn H chưa đủ 18 tuổi (đã đủ 17 tuổi) nhưng đã ký hợp đồng lao động xác định thời hạn rồi thì sẽ được đóng bảo hiểm xã hội.

- Có 2 loại bảo hiểm xã hội là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

+ Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

+ Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

3. Tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động

Em hãy đọc thông tin, trường hợp và trả lời câu hỏi

Đọc trường hợp trong sách chuyên đề môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật trang 41, 42

Câu hỏi 1: Em nhận xét như thế nào về tranh chấp lao động xảy ra trong các trường hợp trên? Theo em, nguyên nhân nào dẫn đến những tranh chấp lao động đó?

Trả lời:

Trường hợp 1: Do người sử dụng lao động và người lao động đều chưa thống nhất được ý kiến chung trong vấn đề thôi việc nên xảy ra tranh chấp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp M đã thực hiện đúng quy định pháp luật về đền bù khi chấp dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với 30 lao động. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp này không thông báo lí do, thời hạn chấm dứt trước đó là sai quy định pháp luật.

Trường hợp 2: Tranh chấp xảy ra vì anh H không đồng ý với mức lương của công ty M đưa ra. Đồng thời công ty M cũng cho rằng anh H đang làm tổn hại lợi ích công ty. Tuy nhiên hành động sa thải với lí do không rõ ràng và không báo trước của công ty M là trái quy định pháp luật.

Câu hỏi 2: Có ý kiến cho rằng, tranh chấp lao động trong trường hợp 1 là tranh chấp cá nhân, trong trường hợp 2 là tranh chấp tập thể, em có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?

Trả lời:

Trường hợp 1 là tranh chấp cá nhân là sai vì  tranh chấp này là tranh chấp lao động giữa một nhóm người lao động với người sử dụng lao động về quyền lợi và nghĩa vụ đơn lẻ của từng cá nhân, trong quá trình tranh chấp không có sự liên kết giữa những người lao động tham gia tranh chấp và tổ chức công đoàn chỉ tham gia với tư cách là người đại diện bảo vệ người lao động.

Trường hợp 2 là tranh chấp tập thể vì tranh chấp này là tranh chấp giữa tập thể người lao động với người sử dụng lao động về quyền lợi và nghĩa vụ thống nhất của tập thể, quá trình tranh chấp thể hiện tính tổ chức cao của tập thể người lao động và có sự tham gia của tổ chức công đoàn với tư cách là một bên của tranh chấp. 

Câu hỏi 3: Theo em, cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của những người lao động trong các trường hợp trên? Trình tự, thủ tục giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động gồm các bước:

– Giải quyết tranh chấp lao động thông qua hoà giải viên lao động, trừ một số tranh chấp: sa thải; bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động;...

- Giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài lao động hoặc Toà án. Bước này được áp dụng với trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hoà giải; hết hạn hoà giải mà không tiến hành hòa giải; hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện thoả thuận trong biên bản hoà giải.

Luyện tập và Vận dụng

Câu hỏi 1: Em đồng tỉnh hay không đồng tình với nhận định nào dưới đây? Vì sao?

A. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng.

B. Người lao động trong thời gian thử việc bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội. 

C. Tiền lương được xác định bởi các yếu tố như chức danh, kĩ năng, bằng cấp, kinh nghiệm và một số yếu tố khác tuỳ thuộc vào mỗi công ty.

D. Tiền thưởng do doanh nghiệp tự quyết định dựa trên các quy chế của doanh nghiệp và tham khảo các tổ chức đại diện cho tập thể người lao động.

E. Lao động nữ đã đóng bảo hiểm được 4 tháng thì trong thời gian nghỉ sinh con được hưởng chế độ thai sản từ bảo hiểm xã hội.

Trả lời:

A. Em đồng tình với quan điểm này. Vì nó giúp người lao động và người sử dụng lao động thuận tiện trong việc theo dõi việc trả lương.

B. Em không đồng tình với quan điểm trên vì căn cứ Điều 2 Công văn 1734/BHXH-QLT ngày 16/08/2017 quy định như sau: "Chỉ tham gia BHXH, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 (trừ hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật về lao động) thực hiện từ ngày 01/01/2018." Như vậy người lao động trong thời gian thực hiện hợp đồng thử việc thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định.

C. Em đồng tình với quan điểm này vì người  sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thoả thuận trong hợp đồng lao động, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.

D. Em đồng ý với quan điểm trên vì tiền thưởng được hiểu là khoản tiền mà người lao động được thưởng dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc đang làm của người lao động.

E. Em không đồng tình vì theo khoản 2, Điều 31 Luật BHXH quy định “lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi” thì được hưởng chế độ thai sản.

Câu hỏi 2: Em hãy đóng vai người đại diện cho cơ quan bảo hiểm xã hội để tư vấn cho đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong các trường hợp sau:

a. Bà M là lao động trong Công ty X, đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đồng thời vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Sắp đến tuổi nghỉ hưu, bà M muốn biết minh được hưởng chế độ như thế nào?

b. Ông T nghe đài và nói với vợ việc mình nghỉ hưu có thể nhận lương và trợ cấp bảo hiểm xã hội thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng. Vợ của ông T lại cho rằng, người về hưu phải đến trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội uỷ quyền để nhận lương. Vợ chồng ông T muốn được giải đáp về vấn đề này.

c. Lãnh đạo Công ty H quyết định trích 10% Quỹ bảo hiểm xã hội của công ty để tổ chức các hoạt động du lịch, tham quan cho người lao động trong công ty. Một số nhân viên trong công ty băn khoăn không biết sử dụng Quỹ bảo hiểm như thế có vị phạm quy định của pháp luật không.

Trả lời:

a. Theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành, mức lương hưu hằng tháng của người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc, vừa có thời gian tham gia BHXH tự nguyện được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH. 

b. Để nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân, ông T phải thực hiện kê khai số tài khoản cá nhân, ngân hàng nơi mở tài khoản vào tờ khai “Thông báo thay đổi thông tin người hưởng” theo Mẫu số 2-CBH ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN hoặc Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Quyết định số 999/QĐ-BHXH ngày 24/9/2105 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quy định tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) gửi cơ quan bảo hiểm xã hội. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua tài khoản cá nhân ông T đã đăng ký.

c. Quỹ BHXH được hình thành để đảm bảo nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách này, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Quỹ bao gồm các quỹ thành phần là: quỹ hưu trí và tử tuất; quỹ ốm đau - thai sản; quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là các quỹ BHXH). Chính vì vậy, việc lãnh đạo Công ty H quyết định trích 10% Quỹ bảo hiểm xã hội của công ty để tổ chức các hoạt động du lịch, tham quan cho người lao động trong công ty là sai quy định.

Câu hỏi 3:  Em hãy xử lí các tình huống sau:

Tình huống 1. Chị K đang làm công nhân tại một công ty trách nhiệm hữu hạn. Ba tháng vừa rồi chị K và nhiều người lao động trong công ty chưa được nhận lương, mặc dù lãnh đạo công ty đã hứa nhiều lần. Trong công ty không có tổ chức công đoàn nên không ai đứng ra bảo vệ cho người lao động. Chị K đã gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết.

a) Em nhận xét như thế nào về tranh chấp lao động trong trường hợp này?

b) Nếu là người thân của chị K, em sẽ hướng dẫn chị K thực hiện trình tự, thủ tục như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình và những người lao động khác?

Tình huống 2. Công ty V đã kí hợp đồng lao động với chị H, thời hạn hợp đồng là 12 tháng. Sau 3 tháng làm việc, Công ty V đã cử chị H đi đào tạo 3 tháng tại Hàn Quốc và chi trả mọi chi phí. Trước khi đi, chị H đã kí vào bản cam kết “Khi về nước sẽ làm việc trong công ty ít nhất 5 năm, nếu tự ý thôi việc trước 5 năm thì phải bồi thường toàn bộ chi phí mà công ty đã bỏ ra cho chị đi học”. Sau khi về nước, tiếp tục làm việc cho Công ty V được 2 năm thì chị H gửi đơn xin thôi việc với lí do gia đình chị chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh nên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã kí với công ty, sau đó chị H chính thức nghỉ việc. Công ty V gửi công văn yêu cầu chị H phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo là 500 triệu đồng. Chị H không đồng ý bồi thường nên Công ty V đã gửi đơn đề nghị Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa công ty và chị H.

a) Em nhận xét như thế nào về tranh chấp lao động trong trường hợp này? 

b) Nếu chị H không muốn phải bồi thường chi phí đào tạo, chị H cần làm gì?

Trả lời:

Tình huống 1

a. Tranh chấp lao động xảy ra do người lao động chưa được hưởng đúng quyền lợi của mình, người sử dụng lao động không thực hiện đúng nghĩa vụ. Lợi ích của người lao động bị tổn hại. Cuộc tranh chấp này là  tranh chấp cá nhân do công ty này không có tổ chức công đoàn.

b. Để bảo vệ quyền lợi cho mình khi rơi vào các trường hợp nói trên, người lao động có thể thực hiện các bước sau:

- Gửi khiếu nại đến Thanh tra lao động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyên để đề nghị bảo vệ quyền lợi cho mình.

- Người lao động cũng có thể đề nghị Hòa viên lao động thực hiện hòa giải;

- Trường hợp người sử dụng lao động vẫn không thực hiện trả lương (hòa giải không thành), người lao động có thể kiện người sử dụng lao động ra Tòa án để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Tình huống 2

a. Tranh chấp này xảy ra khi chị H vi phạm hợp đồng lao động gây ảnh hưởng đến lợi ích của công ty V. Đây là một cuộc tranh chấp cá nhân giữa chị H và công ty V.

b. Nếu chị H không muốn phải bồi thường chi phí lao động, chị H cần tiếp tục làm hết thời hạn đã ghi trong hợp đồng kí kết cùng công ty.

Câu hỏi 4: Em hãy sưu tầm các quy định pháp luật lao động về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, tranh chấp, giải quyết tranh chấp lao động và xây dựng thành bộ câu hỏi (có đáp án) để sử dụng cho buổi tọa đàm với chủ đề: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật Lao động.

Trả lời:

Gợi ý: 

Một số câu hỏi có thể sử dụng cho buổi tọa đàm với chủ đề: Tuyên truyền, phổ biến, pháp luật lao động.

  • Thưa ông/ bà, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến với người dân có rất nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua các tấm pano, áp-phích, những chiếc loa di động, sách nói, báo điện tử, truyền hình… Theo ông/bà, trong thời điểm hiện nay, những hình thức nào có thể phát huy được hiệu quả tốt hơn?
  • Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
  • ....
Tìm kiếm google: giải chuyên đề Kinh tế pháp luật 11 cánh diều, giải chuyên đề Kinh tế pháp luật 11 sách mới, giải chuyên đề kinh tế pháp luật 11 cd, giải chuyên đề kinh tế pháp luật 11 cánh diều chuyên đề 2, giải chuyên đề 1 bài 5 Một số vấn đề của pháp luật lao động về tiền lương và tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động

Xem thêm các môn học

Giải chuyên đề kinh tế pháp luật 11 cánh diều


Copyright @2024 - Designed by baivan.net