Giải Lịch sử 9 sách VNEN bài 12: Các nước Á, Phi, Mỹ La-tinh từ năm 1945 đến nay

Giải chi tiết, cụ thể lịch sử 9 VNEN bài 12: Các nước Á, Phi, Mỹ La-tinh từ năm 1945 đến nay. Tất cả bài tập được trình bày cẩn thận, chi tiết. Mời các em cùng tham khảo để học tốt môn học này.

A. Hoạt động khởi động

Câu 1. Đoạn thông tin nói về phong trào của khu vực nào trên thế giới sau chiến tranh thế giới thứ hai. Em biết gì về tình hình chung của khu vực đó từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay?

Trả lời:

Phong trào của khu vực châu Á và châu phi sau chiến tranh thế giới thứ hai.

* Châu Á sau chiến tranh thế giới thứ hai:

+ Sau 1945 các nước đã giành được độc lập, song vẫn còn nhiều nước lâm vào tình trạng bất ổn.

+ Những năm gần đây nhiều nước đạt được sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Xin–ga–po…

* Châu Phi sau chiến tranh thế giới thứ hai:

+ Sau khi giành độc lập, các nước châu Phi tiến hành công cuộc xây dựng đất nước và thu được một số thành tựu ban đầu. Tuy nhiên, châu Phi vẫn là một châu lục nghèo nàn, lạc hậu và gặp rất nhiều khó khăn (bệnh tật, mù chữ, bùng nổ dân số, nợ nước ngoài chồng chất).

+ Xung đột sắc tộc và tôn giáo, đảo chính, nội chiến diễn ra liên miên.

+ Tổ chức thống nhất châu Phi được thành lập (5/1963) đến năm 2002 đổi thành liên minh châu Phi (AU) đang triển khai nhiều chương trình phát triển của châu lục song còn phải rất lâu dài, gian khổ mới thu được kết quả.

Câu 2. Hình 1, 2 liên quan đến sự kiện lịch sử thế giới nào? Sự kiện đó có tác động gì đối với lịch sử Việt Nam?

Trả lời:

* Hình 1, 2 liên quan đến sự kiện: Thành lập hiệp hội các nước Đông Nam Á (viết tắt là ASEAN) 

+ Sự kiện thành lập hiệp hội các nước Đông Nam Á (viết tắt là ASEAN) các tác động tới Việt Nam: Hiệp hội các nước Đông Nam Á thành lập đã có những tác động tích cực và tiêu cực cho Việt Nam.

  • Tích cực: giúp Việt Nam có cơ hội bước sang một đấu trường mới rộng lớn hơn, có nhiều cơ hội để phát triển đất nước hơn.
  • Khó khăn: Nó đặt ra những thách thức rất lớn cho Việt Nam như về sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế-xã hội, sự khác biệt về thể chế chính trị, bất đồng ngôn ngữ...

Tuy nhiên, chúng ta đang có những giải pháp để vượt qua những thách thức này, góp phần vào quá trình tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

I. Các nước châu Á

1. Tìm hiểu tình hình chung của các nước châu Á

Đọc thông tin, hãy cho biết:

- Những thay đổi của tình hình châu Á sau chiến tranh thế giới thứ hai?

- Theo em, những thay đổi nào có ý nghĩa quan trọng nhất đối với các nước châu Á từ sau chiến tranh thế giới thứ hai? Vì sao?

Trả lời:

* Những thay đổi của tình hình châu Á sau chiến tranh thế giới thứ hai:

+ Về chính trị - xã hội:

  • Cuối những năm 1950, phần lớn các nước Châu Á đã dành được độc lập, trong đó có nhiều nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a....
  • Sau đó, châu Á không ổn định bởi cuộc chiến tranh xâm lược của các nước đế quốc nhất là ở khu vực Đông Nam Á và Tây Á.
  • Một số nước châu Á diễn ra xung đột tranh chấp biên giới, lãnh thổ hoặc phong trào li khai.

+ Về kinh tế:

  • Nhiều nước đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po…
  • Ấn Độ diễn ra cuộc "cách mạng xanh" trong nông nghiệp và phát triển công nghiệp phần mềm, thép, xe hơi.

* Theo em, sự thay đổi có ý nghĩa quan trọng nhất đối với các nước châu Á từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay chính là sự phát triển kinh tế - xã hội. Bởi sau chiến tranh, hầu hết các nước đều chịu hậu quả nghiêm trọng , nền kinh tế hầu như đều khủng hoảng và bắt đầu lại từ đầu. Vì vậy, sau khi dành được độc lập, một số nước châu Á đã gây dựng và phát triển kinh tế là điều quan trọng và cần thiết. Là động lực để các nước khác tiếp thu và học hỏi để phát triển kinh tế, đẩy lùi chiến tranh và nạn đói nghèo... 

2. Tìm hiểu về tình hình Trung Quốc

Đọc thông tin, kết hợp quan sát các hình ảnh, hãy:

- Cho biết nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1/10/1949) có ý nghĩa lịch sử như thế nào?

- Trình bày những nét nổi bật của tình hình Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay?

- Cho biết các hình 3,4,5 chứng tỏ điều gì về công cuộc cải cách - mở cửa ở Trung Quốc?

Trả lời:

- Ngày 1/10/1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời.

* Sự ra đời này đã mang lại ý nghĩa to lớn đó là:

+ Với thắng lợi của cuộc cách mạng Trung Quốc 1949 đã kết thúc 100 năm bị đế quốc phong kiến tư sản mại bản nô dịch thống trị và mở ra một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên độc lập tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội trong lịch sử Trung Quốc.

+ Đã tăng cường lực lượng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi thế giới. Hệ thống xã hội chủ nghĩa được nối liền từ châu Âu sang châu Á.

+ Có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.

* Nét nổi bật của tình hình Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay:

+ Từ 1949 - 1959, Trung Quốc tiến hành xây dựng chế độ mới và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

+ Từ 1959 - 1978, Trung Quốc có nhiều biến động khiến cho tình hình chính trị hỗn loạn, tàn phá nền kinh tế 

+ Từ 1978 đến nay, Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa, mở đầu công cuộc cải cách kinh tế - xã hội của đất nước và thu lại nhiều thành tựu.

* Các hình 3,4,5 chứng tỏ về công cuộc cải cách - mở cửa ở Trung Quốc:

+ Hình 3: Từ một làng chài nghèo tiếp giáp với Hồng Công, sau 30 năm thành phố Thâm Quyến đã có những bước phát triển phi thường.

+ Hình 4: Thị trường chứng khoán Thượng Hải. Đến cuối năm 2007, thị trường này có 71,3 triệu nhà đầu tư và có tổng số vốn gần 3,7 nghìn tỉ USD.

+ Hình 5: Thế vận hội Ôlimpic Bắc Kinh 2008 - biểu tượng cụ thể cho sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc 30 năm qua....

=> Từ những bức ảnh đó ta thấy, cuộc cải cách - mở cửa của Trung Quốc đã giúp cho Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, đạt tốc độ tăng trưởng cao, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Năm 2010, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

3. Tìm hiểu về các nước Đông Nam Á trước và sau năm 1945 đến nay

a. Tình hình Đông Nam Á trước và sau năm 1945

Đọc thông tin, kết hợp với quan sát lược đồ, hãy trình bày nét nổi bật của tình hình các nước Đông Nam Á trước và sau năm 1945?

Trả lời:

+ Trước năm 1945: Hầu hết các nước Đông Nam Á bị biến thành thuộc địa của quân phiệt Nhật Bản.

+ Giữa năm 1945 tận dụng Nhật đầu hàng đồng minh, một số nước đã nhanh chóng nổi dậy và dành chính quyền như Việt Nam, Lào...

+ Sau 1945, các nước Đông Nam Á bị tái chiếm bởi thực dân Âu -Mĩ.

+ Từ giữa những năm 50, tình hình Đông Nam Á trở nên căng thẳng do chính sách can thiệp của Mĩ.

+ Năm 1954, Mĩ thành lập khối quân sự ASETO nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội và phong trào giải phóng dân tộc.

+ 1954 - 1975, Mĩ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam sau đó mở rộng sang Lào, Campuchia.

b. Sự ra đời và phát triển của Hiệp hội các nước Đông Nam Á

Đọc thông tin, kết hợp quan sát kênh hình, hãy:

- Nêu hoàn cảnh ra đời và mục tiêu hoạt động của hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước được thể hiện thông qua văn kiện nào và nội dung cụ thể là gì?

- Nêu các mốc chính trong quá trình phát triển từ ASEAN 5 thành ASEAN 10?

Trả lời:

* Hoàn cảnh ra đời:

+ Do yêu cầu hợp tác và phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội.

+ Muốn hạn chế ảnh hưởng của các cường quốc đối với khu vực.

+ 8/8/1967 hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN0 ra đời tại Băng Cốc (Thái Lan)

* Mục tiêu: Phát triển kinh tế, văn hóa thông qua nỗ lực hợp tác chung trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

* Nguyên tắc cơ bản: trong quan hệ giữa các nước được thể hiện thông qua văn kiện: Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á.

* Nội dung cụ thể của văn kiện: 

+ Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ

+ Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau

+ Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực đối với nhau. 

+ Giải quyết việc tranh chấp bằng phương pháp hòa bình

+ Hợp tác phát triển có hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

+ Các mốc chính trong quá trình phát triển từ ASEAN 5 thành ASEAN 10

  • Năm 1967 có 5 nước thành viên: In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Phi-lip-pin, Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a.
  • Năm 1984: gia nhập Bru-nây
  • Năm 1995: gia nhập Việt Nam
  • Năm 1997: gia nhập Lào và Mi-an-ma
  • Năm 1999: gia nhập Cam-pu-chia

=> Như vậy từ 5 nước ban đầu, đến năm 1999 hiệp hội các nước Đông Nam Á đã có 10 thành viên.

II. Các nước châu Phi

1. Tìm hiểu tình hình chung của châu Phi

Đọc thông tin, kết hợp quan sát lược đồ và dựa vào hiểu biết của bản thân, hãy:

- Giải thích vì sao phong trào chống chủ nghĩa thực dân, đòi độc lập ở Châu Phi nổ ra sớm nhất ở vùng Bắc Phi?

- Cho biết vì sao năm 1960 được ghi nhận là "Năm châu Phi". Dựa vào lược đồ hình 10, hãy kể tên các nước giành độc lập trong năm 1960?

Trả lời:

* Phong trào chống chủ nghĩa thực dân, đòi độc lập ở Châu Phi nổ ra sớm nhất ở vùng Bắc Phi vì:

+ Nhân tố khách quan: 

  • Kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai cũng như những thay đổi về tình hình quốc tế sau chiến tranh đã thúc đẩy phong trào độc lập dân tộc tại châu Phi…
  • Thất bại của chủ nghĩa phát xít, sự suy yếu của Anh và Pháp tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân châu Phi.
  • Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, trước hết là của Việt Nam và Trung Quốc đã cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng ở châu Phi. 

+ Nhân tố chủ quan: 

  • Sau chiến tranh, lực lượng cách mạng ở châu Phi đã có sự trưởng thành vượt bậc…
  • Châu Phi đã thành lập được tổ chức lãnh đạo là “Tổ chức thống nhất châu Phi” (OAU) năm 1963; giữ vai trò quan trọng trong việc phối hợp hoạt động và thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh cách mạng của các nước châu Phi…
  • Giai cấp tư sản châu Phi ngày càng trưởng thành, nhanh chóng nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo cách mạng thông qua các chính đảng hoặc các tổ chức chính trị của mình.
  • Nhân dân châu Phi đã tận dụng mọi thời cơ tổ chức đấu tranh để dành lại chính quyền.

* Năm 1960 được gọi là “Năm châu Phi”: bởi có 17 nước được trao trả độc lập, đánh dấu sự sụp đổ cơ bản của chủ nghĩa thực dân cũ.

* Tên các nước giành độc lập trong năm 1960 là: Môritani, Xênêgan, Cốt Đivoa, Buốc China Phaxô, Nigiêria, nigiê, Sát, Xômali, CHDC Công gô, Gabông....

III. Các nước Mĩ Latinh

1. Tìm hiểu khái quát về các nước Mĩ Latinh từ sau năm 1945

Đọc thông tin và quan sát lược đồ, hãy:

- Giải thích tại sao trong những năm 60 - 80 của thế kỉ XX, khu vực Mĩ Latinh được ví như "Lục địa bùng cháy"?

- Nêu các giai đoạn phát triển của phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài ở Mĩ Latinh và kết quả của mỗi giai đoạn?

Trả lời:

* Từ những năm 60 đến những năm 80 của thế kỉ XX, Mĩ La-tinh được ví như “Lục địa bùng cháy” của phong trào cách mạng, vì:

+ Trước những năm 60 của thế kỉ XX các nước Mĩ La-tinh rơi vào vòng lệ thuộc nặng nề và trở thành “sân sau” của đế quốc Mĩ.

+ Từ đầu những năm 60 đến những năm 80 của thế kỉ XX, một cao trào cách mạng bùng nổ mạnh mẽ, mở đầu bằng cuộc Cách mạng Cu Ba 1959 và đã làm thay đổi cục diện chính trị nhiều nước ở Mĩ La-tinh.

+ Trong giai đoạn này phong trào đấu tranh vũ trang diễn ra ở nhiều nước như Bô-li-vi-a, Vê-nê-xu-ê-la, Cô-lôm-bi-a, Ni-ca-ra-goa... Kết quả là chính quyền độc tài phản động ở nhiều nước đã bị lật đổ, các chính phủ dân tộc - dân chủ được thiết lập và đã tiến hành nhiều cải cách tiến bộ.

* Các giai đoạn phát triển của phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài ở Mĩ Latinh và kết quả:

+ Từ cuối những năm 50 - đầu những năm 60 thế kỉ XX: Cao trào đấu tranh diễn ra ở trong khu vực và năm 1959 Cu Ba là nước mở đầu cho cuộc cách mạng đó.

+ Đầu những năm 60 đến những năm 80: Mĩ Latinh được ví như "lục địa bùng cháy bởi phòng trào đấu tranh vũ trang bùng nổ =>Chính quyền độc tài nhiều nước bị lật đổ, chính phủ dân tộc, dân chủ được thiết lập và tiến hành cuộc cải cách tiến bộ.

2. Tìm hiểu về Cu Ba - Hòn đảo anh hùng

Đọc thông tin, kết hợp quan sát kênh hình, hãy:

- Trình bày những nét chính về cuộc cách mạng Cu Ba (1953 - 1959)?

- Nêu những thành tựu mà nhân dân Cu-ba đạt được trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và suy nghĩ của em khi quan sát hình 18

- Đánh giá vai trò cách mạng của Phi-đen Cát-xtơ-rô đối với cách mạng Cu -Ba?

Trả lời:

* Những nét chính về cuộc cách mạng Cu Ba (1953 - 1959):

+ Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Ba-ti-xta đã làm cuộc đảo chính, thiết lập chế độ độc tài quân sự ở Cu Ba.

+ Ngày 26/7/1953, Phi Đen Cát- xtơ-rô lãnh đạo 135 thanh niên tấn công pháo đài Môn Ca Đa -> thất bại

+ Cuối năm 1958, các binh đoàn cách mạng do Phi đen làm tổ chỉ huy đã liên tiếp mở các cuộc tấn công

+ Ngày 1/1/1959, chế độ độc tài Ba-ti-xta bị lật đổ -> Cách mạng Cu Ba dành thắng lợi.

* Những thành tựu mà nhân dân Cu-ba đạt được trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và suy nghĩ của em khi quan sát hình 18:

+ Tháng 4/1961, quân dân Cu Ba đã tiêu diệt gọn đội quân đánh thuê của Mĩ gồm 1300 tên trên bãi biển Hi -rôn.

+ Mặc dù bị Mĩ bao vây cấm vận nhưng Cu Ba vẫn đạt được nhiều thành tựu to lớn: Xây dựng được một nền công nghiệp với hệ thống cơ cấu ngành hợp lí, một nền công nghiệp đa dạng, giáo dục, y tế, văn hóa đều phát triển. Nền kinh tế Cu Ba cũng đang có những chuyển biến tích cực, mực tăng trưởng ngày càng gia tăng...

* Đánh giá thành tựu:

Qua hình 18 em thấy, Cu Ba ngày nay đang là một đất nước có nền kinh tế phát triển. Cơ sở hạ tầng, giao thông, vận tải đều phát triển mạnh mẽ. Nông nghiệp phát triển với hình thức sản xuất hiện đại có quy mô lớn....Bên cạnh phát triển theo hướng hiện đại, Cu Ba vẫn còn giữ lại nguyên vẹn những di sản văn hóa của đất nước...Đất nước phát triển, đời sống nhân dân được ấm no và sung túc.

* Vai trò cách mạng của Phi-đen Cát-xtơ-rô đối với cách mạng Cu -Ba:

+ Là người đứng lên khởi xướng phong trào đấu tranh giành lại chính quyền.

+ Là người đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh vũ trang trên toàn hòn đảo với một thế hệ chiến sĩ cách mạng mới trẻ tuổi, đầy nhiệt tình và kiên cường.

+ Là người đã đứng lên xây dựng lực lượng và chỉ huy đội quân mở các cuộc tiến công và dành thắng lợi hoàn toàn.

+ Là người đã tiến hành cuộc cải cách dân chủ triệt để, đưa đất nước Cu Ba bước sang một trang mới...

C. Hoạt động luyện tập

Câu 1. Lập và hoàn thành bảng thống kê về các nước trong tổ chức ASEAN theo yêu cầu sau:

TTTên nướcThủ đôNăm giành được độc lậpThời gian gia nhập ASEAN
     
     

Trả lời:

TTTên nướcThủ đôNăm giành được độc lậpThời gian gia nhập ASEAN
1Thái LanBăng Cốc4/1/19488/8/1967
2SingaporeSingapore6/19598/8/1967
3PhilippinesManila4/7/19468/8/1967
4MyanmarNaypyidaw 23/7/1997
5MalaysiaKuala Lumpur31/ 8/19578/8/1967
6IndonesiaJakarta17/8/19458/8/1967
7LàoViêng Chăn12/10/194523/7/1997
8CampuchiaPhnôm Pênh9/11/195330/4/1999
9Việt NamHà Nội2/9/194528/7/1995
10BruneiBandar Seri Begawan1/1/19847/1/1984

Câu 2. Trong quá trình phát triên từ ASEAN 5 thành ASEAN 10, em ấn tượng với sự kiện nào nhất? Vì sao?

Trả lời:

Trong quá trình phát triên từ ASEAN 5 thành ASEAN 10, em ấn tượng với sự kiện ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của hiệp hội các nước Đông Nam Á. Sự kiện này đã giúp Việt nam mở ra triển vọng cho sự liên kết khu vực Đông Nam Á  bởi vào thời điểm thập kỉ 60 - 70 của thế kỉ XX, khu vực Đông Nam Á còn rất nghi kỵ, thậm chí căng thẳng và đối đầu với nhau thì việc ASEAN kết nạp Việt Nam cũng như Việt Nam gia nhập ASEAN đã tạo cho môi trường khu vực gắn kết lại với nhau hướng tới một ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á. Với việc Việt Nam tham gia, ASEAN có điều kiện hơn để hướng tới xây dựng cộng đồng và đóng góp vai trò trung tâm của mình trong hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.

Câu 3. Hoàn thành bảng so sánh giữa các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và phong trào đấu tranh của nhân dân khu vực Mĩ Latinh từ sau chiến tranh thế giới thứ hai?

Nội dung so sánhchâu Áchâu PhiKhu vực Mĩ  La-tinh
Đối tượng đấu tranh   
Mục tiêu đấu tranh   
Phương pháp đấu tranh   
Kết quả   

Trả lời:

Nội dung so sánhchâu Áchâu PhiKhu vực Mĩ  La-tinh
Đối tượng đấu tranhTầng lớp nhân dânChống chủ nghĩa thực dân cũChống thực dân kiểu mới
Mục tiêu đấu tranhLật đổ sự bóc lột và nô dịch của các nước đế quốc thực dânĐấu tranh giành độc lậpĐấu tranh chống chế độ độc tài thân Mỹ
Phương pháp đấu tranhđấu tranh vũ trang

Đấu tranh chính trị hợp pháp và thương lượng

Nhiều hình thức đấu tranh phong phú (bãi công, nổi dậy, đấu tranh vũ trang).
Kết quảMột số nước đã dành độc lập, phát triển đất nước: Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a...Năm 1960, 17 nước châu phi lần lượt dành độc lập. hệ thống thuộc địa các nước nước đế quốc tan rã....Chính quyền độc tài nhiều nước bị lật đổ, chính phủ dân tộc, dân chủ được thiết lập.

D. Hoạt động vận dụng

Câu 1. Tại sao cách mạng Trung Quốc thành công (10/1949) có tác động tích cực đến cách mạng Việt Nam?

Trả lời:

+ Với diện tích bằng ¼ diện tích châu Á và chiếm ¼ dân số toàn thế giới, thắng lợi của Cách mạng Trung Quốc có tác động to lớn đến Cách mạng thế giới, mà trước hết là tăng cường lực lượng cho phe chủ nghĩa xã hội và động viên cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước Á, Phi, Mĩ Latinh. 

+ Việc Trung Quốc thu được nhiều thắng lợi từ sau cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ (1946 – 1949) đã để lại nhiều bài học cho Cách mạng các nước, đặc biệt là Việt Nam, một nước gần Trung Quốc, đang tiến hành cải cách và đổi mới đất nước.

Câu 2. Theo em, việc Việt Nam gia nhập ASEAN đã tạo ra thời cơ và thách thức gì?

Trả lời:

* Thời cơ:

+ Kinh tế: thu hút vốn và kĩ thuật của các quốc gia tiên tiến trong khu vực, phát triển du lịch dịch vụ;

+ Văn hóa - giáo dục: Được giao lưu, tăng cường hiểu biết giữa các nền văn hóa truyền thống độc đáo, tiếp cận nền giáo dục ở các quốc gia tiên tiến;

+ An ninh-chính trị: chung tay giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu, đảmt bảo ổn định chính trị của khu vực.

* Thách thức:

+ Nếu không tận dụng cơ hội để phát triển thì nền kinh tế nước ta có nguy cơ tụt hậu với các nước trong khu vực.

+ Sự cạnh tranh quyết liệt giữa nước ta với các nước trong khu vực.

+ Hội nhập dễ bị “hòa tan”, đánh mất bản sắc và truyền thống của dân tộc.

Câu 3. Cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc (Apácthai) của nhân dân Nam Phi có điểm gì giống và khác so với cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam (1945 - 1975)?

Trả lời:

* Điểm giống nhau: Cả hai cuộc đấu tranh đều diễn ra để đòi lại quyền tự do, dân chủ, quyền con người.

* Điểm khác nhau:

+ Cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi là cuộc đấu tranh thủ tiêu chế độ phân biệt chủng tộc Apácthai của chính quyền thực dân da trắng.

+ Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là cuộc đấu tranh chống đế quốc Mĩ và thực dân Pháp.

Câu 4. Câu khẩu hiệu nào dưới đây là đúng, thể hiện tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hi sinh của nhân dân Cu Ba vì cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược của nhân dân Việt Nam?

A. "Việt Nam, chúng tôi luôn bên cạnh các bạn".

B. "Vì Việt Nam, Cu-Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình".

C. "Kiên quyết ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Mĩ cứu nước thành công".

D. "Đêm thức vì hòa bình ở Việt Nam"

Trả lời:

Câu khẩu hiệu thể hiện tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hi sinh của nhân dân Cu Ba vì cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược của nhân dân Việt Nam là:

=> Đáp án đúng là: B. "Vì Việt Nam, Cu-Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình".

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng

Câu 1. Đóng góp của Việt Nam trong sự phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á?

Trả lời:

Trong 23 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có những ảnh hưởng nhất định đến cấu trúc thống nhất của ASEAN cũng như duy trì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực, xây dựng thành công một cộng đồng chung và hướng đến Tầm nhìn ASEAN xa hơn nữa.

Việt Nam đã đóng góp vào việc mở rộng ASEAN, đưa ASEAN từ tập hợp 6 nước trở thành Cộng đồng ngày nay gồm 10 nước ASEAN. Bên cạnh đó, nước ta cũng đóng góp tích cực vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua các sáng kiến, các đề xuất, như Chương trình Hành động Hà Nội 2010.

Việt Nam đã giữ vai trò điều phối các cơ chế hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, gần đây nhất là với Trung Quốc, EU và Ấn Độ. Việt Nam đã đóng góp vào việc kết nối, mở rộng, làm sâu sắc quan hệ, kể cả quan hệ chiến lược giữa ASEAN và các đối tác này.

Việt Nam cũng đã đưa ra những sáng kiến như mở rộng thành viên của Hội nghị Cấp cao Đông Á, bằng cách thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ tham gia Cấp cao Đông Á; cũng như tổ chức lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010.

Việt Nam đã tổ chức thành công trong vai trò chủ tịch ASEAN hai lần, vào năm 1998 và 2010, với những đóng góp thông qua các sáng kiến hết sức cụ thể.

Đối phó với những thách thức của ASEAN, Việt Nam cũng đóng góp hết sức tích cực, như việc xây dựng Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông. Đây là những đóng góp quan trọng của Việt Nam với tư cách một thành viên hết sức trách nhiệm trong ASEAN.

Hiện nay, Việt Nam cũng là thành viên tích cực tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn, hoạt động trên cơ sở pháp luật và lấy người dân làm trung tâm.

Câu 2. Tình cảm và sự giúp đỡ của nhân dân Cu Ba đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Trả lời:

Tài liệu đọc thêm

Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Anh hùng Núp (tên thật là Đinh Núp) được Đảng, Nhà nước Cuba mời sang thăm. Sau đó, khi chia tay, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro đã gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một hộp xì gà-đặc sản của Cuba và nhờ Anh hùng Núp mang về giúp. Đồng chí Fidel Castro cũng nhờ Anh hùng Núp về thưa với Bác Hồ rằng: Trong cuộc chiến đấu mới này, Việt Nam cần gì đã có Cuba bên cạnh.

Sau đó, giữa lúc đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế Cuba đã sang giúp chữa trị cho các thương binh và người dân bị nạn. Bất chấp sự phong tỏa bằng bom, mìn của đế quốc Mỹ, các tàu Cuba vẫn cập cảng Hải Phòng vận chuyển hàng cứu trợ của nhân dân Cuba giúp nhân dân Việt Nam. Đồng thời, Cuba cử chuyên gia về cầu đường sang tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh, giúp đào tạo hơn 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học, vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.

Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và mời đặt cơ quan đại diện thường trú của mặt trận tại La Habana. Sau đó, Cuba đã cử đại sứ bên cạnh Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng. Cuba cũng là nước đầu tiên thành lập Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam (23-9-1963) do nữ Anh hùng Moncada Melba Hernandez sáng lập. Đây là sự ủng hộ về mặt quốc tế rất cần thiết cho sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ của nhân dân miền Nam khi ấy. Bên cạnh đó, hằng năm, Cuba giúp Việt Nam ba vạn tấn đường và nước bạn đã bán số đường đó lấy ngoại tệ để gửi cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ngày 2-1-1966, khi nhân dân Việt Nam đang trải qua giai đoạn cam go nhất của cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, trong cuộc mít tinh có hơn 1 triệu người Cuba tham dự và khách mời của các nước đến từ ba châu: Á, Phi, Mỹ Latinh, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro tuyên bố: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Sau đó, hàng nghìn thanh niên Cuba đã viết đơn tình nguyện xin đến Việt Nam để cùng nhân dân Việt Nam đánh Mỹ.

Khi nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào đầu tháng 9-1969, trong Điện chia buồn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba và Chính phủ Cách mạng Cuba viết ngày 4-9-1969 tại La Habana, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro và Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Osvaldo Dorticós Torrado đã nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Cuộc đời của đồng chí là một tấm gương sáng ngời những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất. Hiếm có một nhà lãnh đạo nào trong những giờ phút thử thách lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, quên mình, cương nghị và dũng cảm một cách phi thường như vậy. Chưa bao giờ trên một mảnh đất hẹp như vậy, trong một thời gian ngắn ngủi như vậy lại diễn ra một cuộc chiến đấu có tính chất quyết định vì loài người như là cuộc chiến đấu mà đồng chí Hồ Chí Minh tiến hành chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng ở Việt Nam”.

Phát biểu tại Hà Nội vào ngày 12-9-1973 trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, đồng chí Fidel Castro nhấn mạnh: “Việt Nam đã nêu cho tất cả các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới một bài học bất hủ. Không có một phong trào giải phóng dân tộc nào, không một dân tộc nào đã từng đấu tranh để giành độc lập của mình mà đã phải tiến hành một cuộc đấu tranh lâu dài và anh hùng như nhân dân Việt Nam”.

Ngày 15-9-1973, bất chấp sự nguy hiểm, đồng chí Fidel Castro đã đến tận khu giải phóng Quảng Trị. Một lần nữa, đồng chí Fidel Castro đã nhấn mạnh rằng: “Cuba ở một bên Mỹ nhưng đã làm cách mạng thắng Mỹ và Việt Nam cũng thế, nhất định sẽ thắng. Máu của Cuba sẵn sàng đổ cho nhân dân Việt Nam giành thắng lợi”. Cũng trong chuyến thăm lần đầu tiên vào năm 1973 này, đồng chí Fidel Castro và nhân dân Cuba anh em đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế-xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm: Khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội); Bệnh viện Việt Nam-Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình); đường Xuân Mai; Trại bò giống Ba Vì; Xí nghiệp gà Lương Mỹ.

Phát huy tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định sự ủng hộ và đoàn kết với Cuba là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Ngày 29-11-2016, tại Quảng trường Cách mạng ở thủ đô La Habana (Cuba) đã diễn ra Lễ tưởng niệm Chủ tịch Fidel Castro. Khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã một lần nữa khẳng định: “Những người Việt Nam chúng tôi luôn khắc sâu trong trái tim mình câu nói bất hủ của đồng chí Fidel: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, và tại thời khắc thiêng liêng này, chúng tôi một lần nữa xin khẳng định lại tình đoàn kết chiến đấu kiên định trước sau như một với những người cộng sản và nhân dân Cuba anh em”.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba tại châu Á. Việt Nam đã xuất khẩu gạo, than đá, thiết bị điện tử, điện gia dụng như máy tính, quạt điện, bóng đèn tiết kiệm điện năng, quần áo, giày dép và nhập chủ yếu là dược phẩm, nguyên liệu sản xuất trong ngành dược trị.

Đặc biệt, trong thập niên 90 của thế kỷ 20, sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, trong tình hình Cuba rơi vào “Thời kỳ đặc biệt” (1991-1993) với mức tăng trưởng kinh tế mỗi năm giảm 33% cũng như sự khó khăn về mọi mặt như xăng dầu không có, thuốc chữa bệnh thiếu nghiêm trọng, hàng hóa tiêu dùng gần như không còn thứ gì thì Việt Nam đã mở một chiến dịch “vì Cuba”, quyên góp ủng hộ 50.000 tấn gạo, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh, máy tính và một số mặt hàng tiêu dùng cần thiết khác. Trong giai đoạn 2002-2005, Việt Nam đã viện trợ cho Cuba với tổng kinh phí hơn 50 triệu USD, bao gồm 4 dự án về sản xuất lúa gạo, 3 dự án về quy hoạch và nuôi trồng thủy sản, 2 dự án về sản xuất ngô và đậu đỗ.

Kể từ năm 1995, kinh tế Cuba đã từng bước phục hồi và thoát ra khỏi thời điểm khó khăn nhất. Hiện nay, Cuba có hệ thống y tế đứng hàng đầu thế giới. Về lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ người dân Cuba biết đọc, biết viết đạt tới 98%, 100% trẻ em được đến trường và giáo dục hoàn toàn miễn phí. Cuba hiện là nước có tỷ lệ đầu tư ngân sách quốc gia vào giáo dục cao nhất thế giới, với 13% GDP dành cho giáo dục.

Về kinh tế, mía, đường, xì gà của Cuba được xuất khẩu và mang lại những nguồn ngoại tệ lớn. Cuba còn có nhiều khoáng sản như nikel (sản lượng đứng thứ 4 thế giới), đồng, sắt, dầu lửa. Đất đai ở Cuba màu mỡ, thích hợp cho canh tác cây công nghiệp (mía, cà phê, thuốc lá, cây ăn quả…) và chăn nuôi đại gia súc.

Về du lịch, hàng triệu khách du lịch cũng đã đến thăm Cuba. Du lịch của Cuba hiện đóng góp gần 20% GDP.

Với chính sách “mọi người dân phải có nhà ở”, Cuba là đất nước có tỷ lệ người vô gia cư thấp hàng đầu thế giới, thậm chí là thấp hơn cả những quốc gia phát triển Âu-Mỹ. Những khu ổ chuột tệ nạn hầu như không tồn tại ở đất nước này. Tháng 1-1998, Chủ tịch Fidel Castro đã nói về một trong những thành tựu mà ông coi là lớn nhất trong cuộc đời mình: “Đêm nay có hàng triệu trẻ em phải ngủ ngoài đường. Nhưng không có trẻ em nào trong số đó là người Cuba”.

Bất chấp thiệt hại do cấm vận kinh tế từ Mỹ-1,11 nghìn tỷ USD trong hơn 50 năm qua (trung bình mỗi năm thiệt hại 20 tỷ USD), theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Cuba vẫn là nước có thu nhập bình quân đầu người ở mức khá cao, đạt 18.796USD/người/năm vào năm 2011. Chỉ số phát triển con người (HDI) cũng ở mức cao (0,815 điểm vào năm 2013, hạng 44 thế giới).

Mặc dù bị Mỹ và đồng minh bao vây cấm vận nhưng Đại hội đồng Liên hợp quốc từ năm 1991 đã liên tiếp bỏ phiếu phủ quyết đòi Mỹ chấm dứt sự bao vây cấm vận đối với Cuba.

Có một điều thú vị là vào năm 1973, trở về sau chuyến thăm Việt Nam, trong một buổi họp báo, phóng viên người Anh Brian Davis đã hỏi Chủ tịch Fidel Castro: “Thưa ngài, Cuba và Mỹ là hai quốc gia tuy rất gần về mặt địa lý nhưng luôn đối đầu, vậy theo ngài, bao giờ hai nước có thể bình thường hóa quan hệ?”. Chủ tịch Fidel Castro trả lời ngay lập tức: “Nước Mỹ sẽ ngồi vào bàn đàm phán với chúng tôi khi họ có một tổng thống da màu và Giáo hoàng là người Mỹ Latinh”. Và điều này đã trở thành hiện thực dưới thời Barack Obama, một người da màu làm Tổng thống Mỹ và Mỹ-Cuba đã đàm phán thành công để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ngày 17-12-2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đồng thời thông báo các kế hoạch bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Sự kiện này được Nhà nước Việt Nam nhìn nhận là đã “đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân Cuba và Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác tại châu Mỹ và trên thế giới”. Trước đó gần 20 năm, ngày 12-7-1995, Việt Nam và Mỹ đã chính thức bình thường hóa quan hệ, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước.

(Nguồn: Quân đội nhân dân cuối tuần)

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com