Giải Lịch sử 9 sách VNEN bài 22: Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945

Giải chi tiết, cụ thể lịch sử 9 VNEN bài 22: Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945. Tất cả bài tập được trình bày cẩn thận, chi tiết. Mời các em cùng tham khảo để học tốt môn học này.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Tìm hiểu sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam

a. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Đọc thông tin, hãy cho biết:

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh nào, do ai sáng lập?

- Sự kiện Đảng ra đời có ý nghĩa như thế nào đối với CM Việt Nam lúc bấy giờ

Trả lời:

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh: Ba tổ chức cộng sản ra đời nhưng lại hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng với nhau. Tình hình đó nếu kéo dài sẽ có nguy cơ dẫn đến sự chia rẽ lớn. Yêu cầu cấp thiết của Cách mạng Việt Nam lúc này là phải thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất.

=> Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời do Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

* Đảng ra đời có ý nghĩa quan trọng đối với CM Việt Nam lúc bấy giờ, cụ thể là:

  • Là kết quả của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp
  • Là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lê Nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
  • Là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử CMVN, khẳng định công nhân đủ sức lãnh đạo CM, chấm dứt khủng hoảng về lãnh đạo CM.
  • Là sự chuẩn bị tất yếu, quyết định những bước phát triển nhảy vọt của CM sau này.

c. Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng

Đọc thông tin, hãy cho biết: Vì sao đảng cộng sản việt nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam?

Trả lời:

Đảng cộng sản việt nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam vì Đảng ra đời đã chấm dứt thời kì khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo và đường lối của cách mạng Việt Nam. Trước năm 1930, phong trào yêu nước của nhân dân ta diễn ra liên tục, sôi nổi, quyết liệt song đều thất bại vì khủng hoảng về đường lối. Nhìn chung các phong trào yêu nước trước đây theo khuynh hướng phong kiến cũng như dân chủ tư sản đã tỏ ra bất lực, không thể đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp đến thắng lợi. Cuộc khủng hoảng về con đường cứu nước ngày càng trầm trọng, làm cho cách mạng Việt Nam “dường như nẳm trong đêm tối không có đường ra”. Từ khi Đảng ra đời đã vạch ra một đường lối cách mạng đúng đắn đó là trước làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân rồi sau đó tiến lên chủ nghĩa xã hội.

2. Tìm hiểu về phong trào cách mạng trong những năm 1930 - 1931

Đọc thông tin, hãy:

- Trình bày nguyên nhân, diễn biến chính của phong trào cách mạng 1930 - 1931

- Giải thích tại sao nói Xô viết Nghệ - Tĩnh là đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 - 1931

Trả lời:

* Nguyên nhân, diễn biến chính của phong trào cách mạng 1930 - 1931:

+ Nguyên nhân:

  • Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933
  • Đời sống của nhân dân cực khổ
  • Đảng ra đời kịp thời lãnh đạo

+ Diễn biến:

  • Tháng 2/1930: 3000 công nhân đồn điền cao su Phú Riêng bãi công
  • Tháng 4/1930: 4000 công nhân sợi Nam Định bãi công. Tiếp đó là 400 công nhân diêm và cưa Bến Thủy bãi công…
  • Ngày 1/5/1930: phong trào đấu tranh của nhân dân nổ ra khắp nơi trong cả nước.
  • Tháng 9/1930: phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đạt đến đỉnh cao.

* Xô viết Nghệ - Tĩnh là đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 - 1931 vì: 

  • Phong trào XVNT là phong trào cách mạng quần chúng đầu tiên do Đảng lãnh đạo.
  • Có qui mô rộng lớn ... thời gian dài
  • Qui tụ được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia
  • Xây dựng được chính quyền Xô Viết tiến bộ cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội

=> Phong trào cách mạng 1930 -1931 là nguồn cổ vũ mạnh mẽ quần chúng nhân dân trong nước

3. Tìm hiểu cuộc vận động dân chủ  trong những năm 1936 - 1939

Đọc thông tin, hãy: 

- Cho biết phong trào dân chủ 1936 - 1939 diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử nào?

- Nêu diễn biến chính và ý nghĩa lịch sử của phong trào?

Trả lời:

* Phong trào dân chủ 1936 - 1939 diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử: 

- Hoàn cảnh thế giới:

+ Chủ nghĩa phát xít hình thành, trở thành mối nguy cơ chiến tranh, đe dọa hòa bình và an ninh thế giới.

+ 7/1935 Đại hội lần thứ 7 của quốc tế cộng sản chủ trương thành lập mặt trận ND nhằm chống phát xít và nguy cơ chiến tranh.

+ 5/1936 mặt trận nhân dân Pháp lên nắm chính quyền ban hành chính sách tiến bộ cho cả thuộc địa.

- Hoàn cảnh trong nước: Hậu quả của khủng hoảng kinh tế cùng chính cách phản động của Pháp làm cho đời sống ND ta càng đói khổ.

- Diễn biến và ý nghĩa lịch sử của phong trào:

+ Diễn biến:

  • Giữa năm 1936, diễn ra cuộc vận động Đông Dương Đại hội.
  • Đầu năm 1937, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, đưa "dân nguyện",...đã diễn ra, trong đó công nhân và nông dân là lực lượng đông đảo và hăng hái.
  • Ngày 1/5/1938, tại khu đấu Xảo (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ của 2,5 vạn người...
  • Nhiều tờ báo công khai của Đảng, của Mặt trận dân chủ Đông Dương và các đoàn thể quần chúng ra đời.
  • Cuối năm 1938, phong trào đấu tranh công khai bị thu hẹp dần.
  • Tháng 9/1939 chiến tranh thứ hai bùng nổ thì phong trào chấm dứt.

+ Ý nghĩa lịch sử của phong trào dân chủ 1936 - 1939:

  • Trình độ chính trị và công tác của cán bộ Đảng viên được nâng lên, uy tín của Đảng mở rộng.
  • Quần chúng được tập dượt đấu tranh, một đội quân chính trị hùng hậu được hình thành
  • Là cuộc tập dượt thứ 2 chuẩn bị cho cách mạng tháng 8/1945.

4. Tìm hiểu tình hình Việt Nam trong những năm 1939 - 1945 và những cuộc đấu tranh đầu tiên

Đọc thông tin, hãy cho biết:

- Tình hình Việt Nam trong chiến tranh thế giới thứ hai có gì đáng chú ý

- Vì sao thực dân Pháp và phát xít Nhật thoả hiệp với nhau để cùng thống trị Đông Dương

- Ý nghĩa lịch sử của hai cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kì.

Trả lời:

* Trong chiến tranh thế giới thứ hai, tình hình Việt Nam:

+ Năm 1940, quân Nhật tiến vào miền Bắc Việt Nam thực hiện lấn chiếm từng bước.

+ Pháp không đủ sức chống lại nên đành dựa vào Nhật để chống phá cách mạng và cai trị Đông Dương

=> Trong chiến tranh thế giới thứ hai nhân dân ta phải sống trong cảnh một cổ đôi tròng, bị chèn ép đến tận cùng vô cùng điêu đứng. Mâu thuẫn giữa toàn thể các dân tộc ở Đông Dương với đế quốc Pháp - Nhật trở nên sâu sắc.

* Thực dân Pháp và phát xít Nhật thoả hiệp với nhau để cùng thống trị Đông Dương vì:

Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, chúng thực sự không thể một mình độc chiếm Đông Dương. Về phía Pháp, Pháp suy yếu cả ở chính quốc và Đông Dương (Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng). Chúng không đủ sức đẻ chống quân Nhật, Pháp buộc phải chấp nhận những yêu sách của chúng, dựa vào chúng để chống phá cách mạng và cai trị Đông Dương. Về phía Nhật, lợi dụng Pháp để kiếm lời và chống lại cách mạng Đông Dương, vơ vét sức người, sức của để phục vụ cuộc chiến tranh mà Nhật Bản đang theo đuổi.

* Ý nghĩa lịch sử của hai cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kì:

+ Khởi nghĩa Bắc Sơn được coi là tiếng súng mở đầu thời kì khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dân tộc

+ Khởi nghĩa Nam Kì đã chứng tỏ tinh thần yêu nước, sẵn sàng đứng lên chống quân thù của các tầng lớp nhân dân Nam Kì.

5. Tìm hiểu cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

a. Mặt trận Việt Minh ra đời (19/5/1941)

Đọc thông tin, quan sát kênh hình, hãy cho biết:

- Mặt trận Việt Minh ra đời trong hoàn cảnh lịch sử nào?

- Vai trò của Mặt trận Việt Minh đối với cách mạng tháng Tám năm 1945?

Trả lời:

* Mặt trận Việt Minh ra đời trong hoàn cảnh:

+ Tháng 6- 1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô,  trên thế giới hình thành hai trận tuyến: Một bên là các lực lượng dân chủ do Liên Xô đứng đầu và một bên là khối phát xít Đức, I-ta -li -a, Nhật. Ngay từ đầu, cuộc chiến của nhân dân ta đã là một bộ phận trong cuộc đấu tranh của các lực lượng dân chủ.

+ Nhận thấy, trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến có lợi cho cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã thể hiện sự nhạy bén chính trị quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1945) nhằm tập hợp mọi lực lượng yêu nước phất cao ngọn cờ độc lập dân tộc.

* Vai trò của Mặt trận Việt Minh đối với cách mạng tháng Tám năm 1945:

+ Xây dựng lực lượng chính trị: vận động đông đảo mọi tầng lớp nhân dân vào mặt trận cứu quốc

+ Xây dựng lực lượng vũ trang: thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và sau hợp nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân, thành lập các trung đội cứu quốc quân.

+ Xây dựng căn cứ địa cách mạng. Căn cứ địa cách mạng Việt Bắc ra đời là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới.

+ Chuẩn bị để tiến tới Tổng khởi nghĩa: phát động cao trào kháng Nhật cứu nước.

=> Như vậy, cho đến đầu năm 1945, sự chuẩn bị của mặt trận Việt Minh cho cuộc tổng khởi  nghĩa cơ bản đã hoàn thành. Một bầu không khí tiền khởi nghĩa đã sục sôi trong cả nước.

c. Cao trào kháng Nhật, cứu nước tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

Đọc thông tin, quan sát lược đồ, cho biết:

- Tại sao Nhật đảo chính Pháp?

- Đảng cộng sản Đông Dương đã có chủ trương và khẩu hiệu như thế nào để đưa phong trào cách mạng đi lên?

Trả lời:

* Nhật đảo chính Pháp vì:

+ Vào đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Nước Pháp được giải phóng. Ở mặt trận Châu Á - Thái Bình Dương phát xít Nhật cũng khốn đốn trước những đòn tấn công của Anh - Mĩ trên bộ cũng như trên biển. Thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị mọi điều hiện chờ cơ hội để thống trị lại Đông Dương. Đứng trước tình thế cận kề thất bại Nhật buộc phải tiến hành đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương. Đêm 9-3-1945, Nhật tiến hành đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương quân Pháp chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng đầu hàng. 

+ Để đưa phong trào cách mạng đi lên, Đảng cộng sản Đông Dương đã có chủ trương và khẩu hiệu:

* Chủ trương của Đảng:

+ Xác định kẻ thù chính, cụ thể, trước mắt và duy nhất của nhân dân Đông Dương lúc này là phát xít Nhật.

+ Ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12-3-1945)

+ Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa.

+ Hình thức đấu tranh: từ bất hợp tác, bãi công, bãi thị đến biểu tình thị uy, vũ trang du kích và sẵn sàng chuyển qua tổng khởi nghĩa khi có điều kiện.

* Khẩu hiệu:

+ Thay khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp” bầng khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật”.

+ Đưa ra khẩu hiệu “thành lập chính quyền cách mạng” và khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói”.

6. Tìm hiểu Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Đọc thông tin, kết hợp quan sát kênh hình, hãy:

- Cho biết lệnh Tổng khởi nghĩa được ban bố trong hoàn cảnh nào?

- Nêu diễn biến chính của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, ý nghĩa và nguyên nhân thắng lợi của cách mạng tháng Tám

Trả lời:

* Lệnh Tổng khởi nghĩa được ban bố trong hoàn cảnh:

Nhận được thông tin Nhật đầu hàng Đồng minh, ngày 13/8/1945 Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ban bố Quân lệnh số 1, chính thức phát động lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước.

* Diễn biến, ý nghĩa và nguyên nhân thắng lợi của cách mạng tháng Tám là:

- Diễn biến:

+ Ngày 16/8/1945, theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, một đơn vị giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào tiến về giải phóng Thái Nguyên, mở đường về Hà Nội

+ Sáng 19/8 Hà Nội tràn ngập khí thế cách mạng với các cuộc biểu tình, chia ra thành nhiều đoàn đi chiếm các công sở của chính quyền bù nhìn. Cuộc khởi nghĩa dành thắng lợi hoàn toàn ở Hà Nội.

+ Ngày 23/8, nhân dân Huế khởi nghĩa dành thắng lợi

+ Ngày 25/8 khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn

+ Ngày 28/8 tổng khởi nghĩa thành công trên cả nước

+ Ngày 30/8 vua Bảo Đại thoái vị, chế độ phong kiến sụp đổ.

+ Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội).

- Ý nghĩa:

+ Đối với Việt Nam: Là sự kiện vĩ đại của dân tộc ta, phá tan xiềng xích nô lệ, đưa Việt Nam trở thành nước độc lập tự do.

+ Đối với thế giới: Thắng lợi này đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trên thế giới.

- Nguyên nhân thắng lợi:

+ Dân tộc ta có truyền thống yêu nước sâu sắc, đã đấu tranh kiên cường bất khuất từ ngàn xưa cho độc lập, tự do.

+ Có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh

+ Có khối liên minh công nông vững chắc, tập hợp được mọi lực lượng yêu nước trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi...

+ Hoàn cảnh quốc tế thuận lợi (lực lượng phát xít bị đánh bại) và sự ủng hộ của lực lượng dân chủ tiến bộ trên thế giới. 

C. Hoạt động luyện tập

Câu 1. Vì sao có hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam?

Trả lời:

Ba tổ chức cộng sản ra đời vào cuối năm 1929 là một xu thế tất yếu đáp ứng yêu cầu của phong trào cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, ba tổ chức cộng sản lại hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng với nhau. Tình hình đó nếu kéo dài sẽ có nguy cơ dẫn đến sự chia rẽ lớn. Yêu cầu cấp thiết của Cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ là phải thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất.

Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, có quyền quyết định mọi vấn đề cách mạng Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam.

Câu 2. Hãy nêu 4 tổ chức lớn do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập từ năm 1930 đến năm 1945 và có vai trò quyết định đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.

Trả lời:

* 4 tổ chức lớn do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập từ năm 1930 đến năm 1945 và có vai trò quyết định đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là:

  • Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2/1930)
  • Thành lập mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936)
  • Thành lập Mặt trận Việt Minh (1941)
  • Thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc (1945)

Câu 3. Vì sao cách mạng tháng Tám năm 1945 là một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam?

Trả lời:

* Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam vì:

+ Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á;

+ Chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít.

+ Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.

+ Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. 

Câu 4. Vì sao nói cách mạng tháng Tám năm 1945 có tác dụng góp phần cổ vũ các dân tộc thuộc địa, nửa thuộc địa đứng lên giành độc lập?

Trả lời:

     * Nói thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cổ vũ các dân tộc thuộc địa, nửa thuộc địa đứng lên giành độc lập vì: Thắng lợi này đã khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội. 

D-E. Hoạt động vận dụng - tìm tòi mở rộng

Câu 1. Kể tên những địa danh (trường học, đường phố, làng xã) nơi em sinh sống hoặc em biết mang tên những nhà cách mạng tiền bối  (Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập...)

Trả lời:

* Ví dụ:

- Tên đia danh (trường học, đường phố, làng xã) nơi em sinh sống hoặc em biết mang tên những nhà cách mạng tiền bối là:

  • Trường Trung học phổ thông Trần Phú - Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Trường Đào Tạo Cán Bộ Lê Hồng Phong, Đống Đa, Hà Nội
  • Trường THCS Hà Huy Tập, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội
  • Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội
  • Phố Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội
  • Đường Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội
  • Phố Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội....

Câu 2. Sưu tầm tranh, ảnh, tiểu sử các nhà cách mạng: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ...

Trả lời:

* Ví dụ mẫu: Sưu tầm tranh, ảnh, tiểu sử của nhà cách mạng Lê Hồng Phong

Tiểu sử nhà cách mạng Lê Hồng Phong

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, tổng Thôn Lạng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Từ nhỏ cuộc sống ông đã bập bênh nhiều khó khăn.[2] Song thân ông là ông Lê Huy Quán và bà Phạm Thị Sau.

Mồ côi cha từ nhỏ, tuy nhiên nhờ sự tảo tần của người mẹ, ông vẫn được cho theo học chữ Hán tại làng, được thầy học cải tên thành Lê Văn Duyện. Sau đó, ông được cho học tiếp thêm khoảng 2 năm tiếng Pháp. Vì gia cảnh quá ngặt nghèo, năm 16 tuổi, [2]ông xin đi làm công cho một hãng buôn ở Vinh để có thêm tiền sinh kế cho gia đình. Một thời gian sau, ông chuyển sang làm công nhân nhà máy diêm Bến Thủy và bị đuổi việc vì đã vận động công nhân đấu tranh đòi quyền lợi với giới chủ bóc lột. Từ đó, ông bước vào con đường làm một nhà cách mạng chuyên nghiệp.

Qúa trình công tác của nhà cách mạng Lê Hồng Phong:

Từ năm 1924 đến 1931, sau khi sang đến Thái Lan một thời gian, Lê Hồng Phong cùng một số bạn bè tìm đường sang Quảng Châu, Trung Quốc vào năm 1924. Ở Quảng Châu, Lê Hồng Phong cùng một số bạn như Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ trong nhóm Tâm Tâm xã đã tích cực khôi phục lại phong trào yêu nước đang bị suy yếu. 

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu. Người tiếp xúc với nhóm người Việt Nam yêu nước ở đây, lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện chính trị, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin, đường lối cách mạng vô sản. Lê Hồng Phong là một trong những học trò đầu tiên của Người, được Người giác ngộ đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản. 

Từ tháng 8-1924 đến hết năm 1925, Lê Hồng Phong tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ dân quốc. Đồng chí được chuyển sang Trường Hàng không ở Quảng Châu. Tại đây, tháng 2-1926, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Do học xuất sắc, đồng chí được Chính phủ Quảng Châu và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học từ tháng 10-1926 đến tháng 12-1927 và tốt nghiệp Trường Lý luận quân sự không quân ở Lêningrát. Sau đó, đồng chí vào học Trường Đào tạo phi công quân sự tại Bôrítxgơlépxcơ. Học chưa xong khoá, thì tháng 10-1928, đồng chí được cử về học ở Trường Đại học Cộng sản Phương Đông. Ở đây, đồng chí trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô và tham gia trong Uỷ ban tổ chức Đảng nhóm Đông Dương. Sau ba năm học, đồng chí tốt nghiệp Trường Đại học Cộng sản Phương Đông. Đồng chí vào học tiếp năm thứ nhất nghiên cứu sinh, đang học dở dang thì tháng 11-1931, đồng chí được cử về nước để tham gia công tác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

Từ Liên Xô, Lê Hồng Phong lên đường về nước vào cuối năm 1931. Việc cần thiết là phải định hướng cho phong trào hoạt động. Lê Hồng Phong đã tham gia soạn thảo Chương trình hành động của Đảng, được Quốc tế Cộng sản thông qua. 

Tháng 7-1933, Lê Hồng Phong bí mật về Cao Bằng làm việc với Tỉnh uỷ nhằm xây dựng Cao Bằng thành căn cứ vững mạnh để chắp nối liên lạc, phát triển phong trào cách mạng khắp cả nước. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, hệ thống cơ quan lãnh đạo tỉnh uỷ, thành uỷ… Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước được khôi phục. 

Thời gian này, đồng chí Lê Hồng Phong được triệu tập đi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản. 

Tại Đại hội, Lê Hồng Phong thay mặt Đảng ta đã trình bày bản tham luận về tình hình Đông Dương, về phong trào cách mạng, về chính sách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, về những ưu và khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo của Đảng. Với sự kiểm điểm chân thành và nghiêm túc, đồng chí chứng minh triển vọng rộng lớn của phong trào cách mạng Đông Dương. 

Đại hội đã bầu Lê Hồng Phong làm Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là phân bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản. 

Tháng 3-1935, Đại hội lần thứ I của Đảng họp tại Ma Cao. Đại hội đề ra ba nhiệm vụ chủ yếu trước mắt: củng cố và phát triển Đảng; tranh thủ tập hợp rộng rãi quần chúng; chống chiến tranh đế quốc Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí Lê Hồng Phong là người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương. 

Tháng 6-1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn. Hết hạn tù, để đề phòng đồng chí tham gia hoạt động, chúng trục xuất về quê nhà ở Nghệ An để quản thúc và giám sát. Năm 1939 là năm địch kiểm soát rất gắt gao. Vượt qua điều kiện ngặt nghèo đó, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn tiếp tục viết báo, chiến đấu trên mặt trận chính trị, lý luận. 

Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Lo sợ trước phong trào cách mạng dâng cao, thực dân Pháp tăng cường đàn áp. Tháng l-1940, chúng bắt giam Lê Hồng Phong tại quê, rồi giam vào Khám Lớn Sài Gòn, cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Trước những đòn tra tấn dã man, liên tục của địch, đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời. Chúng hành hạ đồng chí cho đến kiệt sức. Trước khi trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6-9-1942, đồng chí nhắn lại: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

* Một số hình ảnh về Lê Hồng Phong:

Giải Lịch sử 9 sách VNEN bài 22: Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945

Hình 1: Chân dung đồng chí Lê Hồng Phong

Giải Lịch sử 9 sách VNEN bài 22: Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945

Hình 2: Chân dung vợ chồng Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai

Giải Lịch sử 9 sách VNEN bài 22: Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945

Hình 3: Người con gái duy nhất của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai

Giải Lịch sử 9 sách VNEN bài 22: Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945

Hình 4: Ngôi trường chuyên Lê Hồng Phong nổi tiếng nhất hiện nay

Câu 3. Sưu tầm tranh ảnh và những mẩu chuyện về chủ tịch Hồ Chí Minh thời 1941 – 1945.

Trả lời:

* Ví dụ:

Mẩu chuyện về Hồ Chí Minh

Đầu năm 1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng.

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền, rồi lần lượt đến các tỉnh khác trong cả nước. Cuối tháng 8 năm 1945 Thường vụ Trung ương quyết định đưa Bác về Thủ đô Hà Nội để lãnh đạo, giữ vững và củng cố chính quyền non trẻ. Lúc ấy, Bác ốm và rất gầy. Chúng tôi mua ít tim gan nấu cháo cho Bác. Nhưng có thể do không may mua phải tim của lợn gạo nên Bác lại lên cơn sốt cao. Trên đường về Hà Nội có lúc mệt quá, Bác không đi được, anh em dùng vải và đòn tre làm cáng. Nằm trên cáng, người hầm hập nhưng Bác vẫn thấy vui vì đi tới đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng và đồng bào hào hứng hô vang: ''Ủng hộ Việt Minh'', “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm''.

Chiều 25 tháng 8, về đến ngoại thành Hà Nội,  Bác dừng lại ở làng Phú Gia. Chiều tối chủ nhật, 26 tháng 8 năm 1945 đồng chí Trường Chinh đến đón Bác. Hà Nội hừng hực khí thế cách mạng. Khắp phố phường tràn ngập niềm hân hoan với cờ đỏ sao vàng. Ít ai để ý đến một chiếc xe cũ, màu đen chở Bác chạy từ phía Chèm dọc theo đê Yên Phụ, xuống dốc Hàng Than qua phố Hàng Giấy rồi rẽ Hàng Mã về đến trước số nhà 35 Hàng Cân. Xe đưa Bác vào cổng sau, rồi Bác lên thẳng gác 2 nhà 48 phố Hàng Ngang. Đây là ngôi nhà 3 tầng của ông Trịnh Văn Bô, một thương gia lớn của Hà Nội và là cơ sở của cách mạng. Nhà xây chắc chắn, rất tiện cho công tác bảo vệ. Tầng 1 và tầng 3 chủ nhà dành để ở và bán hàng. Còn tầng 2 dành cho cách mạng. Lúc này, chủ nhà chưa biết người cách mạng đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đi lên, đi xuống nhiều chủ nhà chỉ thấy một cụ già dáng người gầy nhưng nhanh nhẹn, có đôi mắt sáng lạ thường. Sau này chủ nhà mới biết ngôi nhà của mình có vinh dự được đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay chiều tối hôm sau, 27 tháng 8, tôi (tức Vũ Kỳ) được Trung ương chọn làm thư ký cho Bác. Bác thân mật hỏi tôi:

- Chú tên gì?

Tôi thưa:

- Cháu tên Cần ạ (tên của tôi hồi đó).

Có lẽ tôi xúc động nói không rõ nên Bác nghe thành Cẩn, Bác trìu mến bảo:

- Cẩn à, Cẩn là cẩn thận. Rất tốt.

Sáng hôm sau, Bác lại hỏi tên tôi, tôi thưa rất rõ:

- Cháu là Cần ạ.

Bác tỏ ra rất vui và nói ngay:

- Cần thì càng tốt. Cần là cần, kiệm, liêm, chính.

Đó cũng là niềm mong muốn của Bác về phẩm chất, đạo đức của người cán bộ mà những năm sau này mỗi dịp gặp cán bộ, mỗi khi đến thăm các lớp huấn luyện, Bác đều căn dặn mọi người phải thực hiện cần kiệm, liêm, chính.

Trong căn nhà 48 phố Hàng Ngang chủ nhà dùng căn phòng phía sau trên tầng 2 làm phòng ăn. Giữa phòng kê một chiếc bàn gỗ dài và to, quanh bàn có 8 chiếc ghế tựa đệm mềm. Bác dùng bàn này để làm việc với các đồng chí Thường vụ Trung ương. Cuối phòng kê một chiếc bàn tròn. Nơi đây Bác dùng làm bàn ăn. Trong cuộc sống hàng ngày, Bác không dành cho mình một sự ưu đãi nào. Bác là tấm gương sáng về đức tính giản dị của người cán bộ cách mạng. Bác thường ngồi làm việc trên chiếc bàn kê sát tường bọc dạ xanh màu lá mạ vừa đủ để tập giấy bút và chiếc máy chữ nhỏ Bác mang từ chiến khu về. Trong những ngày này, Bác dành nhiều thời gian và tâm trí cho việc soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Hàng ngày Bác dậy sớm tập thể dục sau đó ngồi vào bàn và đánh máy luôn bản thảo. Ban đêm, Bác cũng thức rất khuya, trầm ngâm suy nghĩ về những nội dung trong bản thảo Tuyên ngôn Độc lập. Sáng 29 tháng 8, Bác chuyển đến Bắc Bộ phủ làm việc, ở đây Bác tiếp tục hoàn chỉnh bản Tuyên ngôn Độc lập. Sau mấy ngày sốt, tuy sức khoẻ giảm sút trông thấy, nhưng sức làm việc của Bác thì vẫn phi thường.

Đêm 29 tháng 8, Bác thức khuya hơn bình thường vì ngày 2 tháng 9 đã cận kề. Bác viết rồi lại sửa. Những lúc suy nghĩ căng thẳng nhất Bác thường đặt tay lên trán và đôi mắt sáng khi thì nhìn những dòng chữ như có hồn vừa được viết ra, khi thì nhìn vào đêm tối như tìm một điều gì đó mà chỉ riêng Bác mới hiểu.

Cho đến ngày 30 tháng 8, bản Tuyên ngôn Độc lập được dự thảo xong. Bác đưa ra tranh thủ ý kiến các đồng chí Trung ương.

Sáng 31 tháng 8, Bác hỏi tôi:

- Chú Cần có biết Quảng trường dự định họp mít tinh như thế nào không?

Rồi Bác bảo tôi vẽ phác bản đồ cho Bác. Xem bản đồ xong. Bác hỏi:

- Liệu được bao nhiêu người?

Tôi thưa với Bác:

- Được vài chục vạn người đấy ạ.

Bác hỏi tiếp:

- Thế các chú định bố trí để đồng bào đi vệ sinh ở đâu?

Tôi sững sờ trước câu hỏi của Bác và lúng túng không biết trả lời thế nào, thì Bác nói tiếp:

- Việc nhỏ, nhưng nếu không chú ý bố trí cho tốt thì rất dễ mất trật tự. Chú có biết không, ở Hương Cảng, công nhân lao động biểu tình thì chính quyền Anh chưa giải quyết, nhưng khi công nhân công ty vệ sinh đình công thì chính quyền Anh phải giải quyết ngay. Vì đã có tuần giải quyết chậm, rác rưởi bẩn thỉu ngập đường phố.

Tiếp đó, Bác dặn tôi nói với Ban tổ chức nếu trời có mưa thì kết thúc míttinh sớm hơn, tránh cho đồng bào khỏi bị ướt, nhất là đối với các cụ già và các cháu nhỏ.

Thật hạnh phúc biết bao cho nhân dân Việt Nam khi được biết vị đứng đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ chỉ trước khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vài giờ vẫn chăm lo đến những cái nhỏ nhất trong đời sống.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945 đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi: khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Quảng trường Ba Đình, khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, đến đoạn tố cáo tội ác của phátxít Nhật, cả biển người im phăng phắc. Nghĩ đồng bào nghe mình nói tiếng Nghệ An không rõ và quên cả mình là Chủ tịch nước đang trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác ngừng đọc cất tiếng hỏi rất thân mật:

- Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?

Tiếng trả lời: “Có” như sấm dậy. Chưa bao giờ và chưa ở đâu, người ta lại thấy tình cảm giữa lãnh đạo cao nhất và dân chúng gần gũi và thân thương đến thế! Kết thúc cuộc míttinh, ra về nhưng mọi người vẫn như nhìn thấy ánh mắt, vẫn như nghe thấy giọng nói ấm áp và hiền hậu của Bác.

* Một số hình ảnh của chủ tịch Hồ Chí Minh là:

Giải Lịch sử 9 sách VNEN bài 22: Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945

Hình 1: Bác Hồ bên các chiến sĩ Miền Nam

Giải Lịch sử 9 sách VNEN bài 22: Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945

Hình 2: Bác Hồ chăm chỉ làm việc

Giải Lịch sử 9 sách VNEN bài 22: Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945

Hình 3: Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com