Soạn chi tiết Ngữ văn 9 CTST bài 4: Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)

Hướng dẫn giải chi tiết bài 4: Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ) bộ sách mới Ngữ văn 9 tập 1 chân trời sáng tạo. Lời giải chi tiết, chuẩn xác, dễ hiểu sẽ giúp các em hoàn thành tốt các bài tập trong chương trình học. Baivan.net giải chi tiết tất cả các bài tập trong sgk. Hi vọng sẽ trở thành người bạn đồng hành cùng các em trong suốt quá trình học tập.

CHUẨN BỊ ĐỌC

Câu hỏi: Nêu một số chỉ tiết kì ảo trong các truyện kể dân gian mà em đã đọc và cho biết yếu tố đó thường được sử dụng trong các trường hợp nào và với mục đích gì.

Bài làm chi tiết:

Một số chỉ tiết kì ảo trong các truyện kể dân gian mà em đã đọc:

- Nữ Oa vá trời để cứu nhân gian khỏi lầm than

- chi tiết thần Trụ Trời dùng đầu đội trời rồi dùng tay đào đất đắp thành cột vừa cao vừa to chống trời

- chi tiết đứa con thần Sét vì nghịch quạt làm gió thổi chơi khiến bát gạo của người đàn ông văng xuống ao nên bị Ngọc Hoàng trừng phạt

Yếu tố đó thường được sử dụng trong các trường hợp nào và với mục đích:

Chi tiết tưởng tượng, kì ảo là những chi tiết không có thật. Đó là những chi tiết có tính chất hoang đường, kì lạ. Nhân dân sáng tạo ra những chi tiết tưởng tượng, kì ảo nhằm dựng lên những câu chuyện thần kỳ, mục đích giải thích những sự kiện, sự việc chưa thể giải thích theo cách thông thường hoặc là để thần thánh hoá các nhân vật mà nhân dân ngưỡng mộ, tôn sùng.

TRẢI NGHIỆM CÙNG VĂN BẢN

Câu 1: Những từ ngữ nào trong đoạn này gợi lên đặc điểm, tính cách của Vũ Nương, Trương Sinh?

Bài làm chi tiết:

Từ ngữ gợi lên đặc điểm, tính cách của Vũ Nương:

- thuỳ mị, nết na

- tư dung tốt

- dung hạnh

- giữ gìn khuôn phép

Từ ngữ gợi lên đặc điểm, tính cách của Trương Sinh:

- đa nghi

- không có học

Câu 2: Câu nói này của bé Đản sẽ tác động thế nào đến Trương Sinh?

Bài làm chi tiết:

Vốn dĩ là người đa nghi, lại không có học nên khi bé Đản nói: “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”, Trương Sinh sẽ ghen mà không suy xét lại vấn đề, không có lòng tin với vợ và không phân biệt đúng sai, quy chụp lời con nhỏ là đúng mà vu oan cho vợ.

Câu 3: Đây là lời đối thoại hay độc thoại?

Bài làm chi tiết:

Lời của Vũ Nương là lời độc thoại bởi có người nói nhưng không có người nghe.

Câu 4: Các câu nói của bé Đản ở đoạn trên có tác dụng gì trong việc thể hiện số phận của Vũ Nương?

Bài làm chi tiết:

- Lời nói thứ nhất của bé Đản: "Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít" ->  Đây là lời nói ngây thơ của con trẻ, nói lên đúng suy nghĩ và nhận thức của bé Đản với Trương Sinh. Lời nói ngây thơ ấy đã vô tình làm bùng lên cơn ghen tuông đến mù quáng của Trương Sinh và đẩy Vũ Nương vào nỗi oan không thể hóa giải 

- Lời nói thứ hai của bé Đản: "Cha Đản lại đến kia kìa", “Đây này” Là khởi nguồn để hóa giải nỗi oan cho Vũ Nương 

=> Nhận xét: Cả hai lời nói của bé Đản đều góp phần làm nên giá trị của câu chuyện. Nếu như lời nói thứ nhất là nguồn cơn thắt nút câu chuyện thì lời nói thứ hai chính là khởi nguồn hóa giải mọi chuyện.

Câu 5: Chú ý

 

Câu 6: Em có nhận xét gì về cái kết của câu chuyện?

Bài làm chi tiết:

  • Kết thúc truyện Chuyện người con gái Nam Xương dẫu có yếu tố kì ảo, Vũ Nương vẫn sống ở một thế giới khác, được minh oan nhưng hạnh phúc không trọn vẹn, đã thể hiện được tinh thần nhân đạo và khát vọng của con người về cuộc sống

  • Kết thúc của truyện tuy thỏa mãn ước mơ về công bằng ở đời: người tốt sẽ gặp được những điều tốt nhưng hiện thực thì không phải lúc nào cũng vậy.

=> Bi kịch vẫn còn đó trong cái kết của truyện, gợi cho chúng ta nhiều sự thương cảm, xót xa cho những người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp lại chịu nhiều bi kịch dưới chế độ phong kiến hà khắc.

SUY NGẪM VÀ PHẢN HỒI

Câu 1: Nêu nội dung bao quát của văn bản, liệt kê các sự kiện theo diễn biến câu chuyện và cho biết các sự kiện ấy được sắp xếp theo trật tự thời gian, không gian như thế nào?

Bài làm chi tiết:

1. Nội dung bao quát

Chuyện người con gái Nam Xương kể về Vũ Nương (Vũ Thị Thiết), một người con gái nết na, đức hạnh lại thêm tư dung tốt đẹp. Trương sinh mến vẻ đẹp của Vũ Nương bèn mang trăm lạng vàng cưới về. Sau đó Trương Sinh đi lính, Vũ Nương ở nhà sinh một đứa con trai đặt tên là Đản. Mẹ Trương sinh cũng vì nhớ con mà dần sinh ốm, không qua khỏi. Trương Sinh đi lính về, bé Đản không nhận cha. Nghe con nói tối nào cha cũng đến, Trương Sinh cho rằng vợ mình mất nết bèn đánh đuổi Vũ Nương. Vũ Nương cố gắng thanh minh nhưng không được nên đành gieo mình xuống sông Hoàng Giang để giữ sự trong sạch. Vũ Nương được Linh Phi cứu và sống dưới thủy cung. Ở đây nàng đã gặp Phan Lang - người cùng làng. Nàng đã nhờ Phan Lang nhắn gửi với Trương Sinh lập đàn giải oan cho mình. Nghe lời Phan Lang, Trương Sinh lập đàn giải oan, Vũ Nương hiện về nói lời tạ từ rồi biến mất.

2. Liệt kê sự kiện

- Chuyện kể về Vũ Thị Thiết - người con gái quê ở Nam Xương, tính tình nết na thuỳ  mị, tư dung tốt đẹp. 

- Lấy chồng là Trương Sinh chưa được bao lâu thì chàng phải đi lính, nàng ở nhà  phụng dưỡng mẹ chồng và nuôi con nhỏ. 

- Khi mẹ chồng mất, nàng lo ma chay chu đáo như với cha mẹ đẻ. 

- Để dỗ con, nàng thường chỉ bóng mình trên tường và bảo đó là cha.

- Khi Trương Sinh về thì con đã biết nói. Đứa bé ngây thơ kể với Trương Sinh về người đêm đêm vẫn đến nhà. 

- Trương Sinh sẵn có tính ghen, mắng nhiếc và đuổi vợ đi. 

- Không tự mình giải được oan, phẫn uất, Vũ Thị Thiết đã ra bến Hoàng Giang tự vẫn. 

- Một đêm, bé Đản chỉ lên bóng và nói với Trương Sinh đó là người đêm đêm thường đến. 

- Giờ đây chàng mới hiểu ra nỗi oan của vợ thì đã muộn. 

- Vũ Nương được Linh Phi cứu đưa về động rùa. Ở đây nàng gặp Phan Lang, người cùng làng

- Khi Phan Lang được trở về nhân gian, nàng đã gửi chiếc hoa vàng cùng lời nhắn Trương Sinh lập đàn giải oan cho mình. 

- Trương Sinh lập đàn giải oan cho Vũ Nương. 

- Vũ Nương hiện lên giữa dòng cảm ơn Trương Sinh rồi biến mất. 

3. Nhận xét:

Các sự kiện ấy được sắp xếp theo trật tự thời gian, không gian cụ thể. Các sự kiện ấy diễn ra theo trình tự: giới thiệu nhân vật, hé lộ về con người nhân vật sau đó xây dựng nên 1 tình huống truyện độc đáo, ly kì từ thắt nút đến cởi nút. Trong đó sự việc quan trọng là một tối ngồi, thấy bé Đản trỏ cái bóng của mình mà bảo đó là cha Đản lại đến, Trương Sinh hiểu ra vợ bị oan. Đấy là chi tiết cởi nút. Bé Đản gieo mối nghi ngờ thì chính bé là người gỡ mối nghi ngờ đó một cách tự nhiên, hợp lí.

Câu 2. Liệt kê các nhân vật trong văn bản. Xác định nhân vật chính, nhân vật phụ.

Bài làm chi tiết:

Liệt kê các nhân vật trong văn bản:

Có 4 nhân vật: Vũ Nương, Trương Sinh, Bé Đản, Phan Lang. Trong đó,

- Nhân vật chính: Trương Sinh, Vũ Nương

- Nhân vật phụ: bé Đản, mẹ chồng, Phan Lang

Câu 3: Phân tích tính cách của nhân vật Vũ Thị Thiết. Chỉ ra điểm khác biệt trong cách ứng xử của nàng lúc còn sống với gia đình ở trần gian và khi đã về thuỷ phủ.

Bài làm chi tiết:

1. Phân tích tính cách của nhân vật Vũ Thị Thiết.

* Vũ Thị Thiết trước khi về làm dâu:

Lời giới thiệu “tính đã thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp” => vẻ đẹp ven toàn, kết hợp hài hòa giữa dung nhan và phẩm hạnh.

* Vũ Thị Thiết trong khi về làm dâu:

- Là người mẹ thương con: chỉ vào bóng mình trên vách, nói đó là cha Đản.

=> Am hiểu tâm lý trẻ thơ, yêu thương con.

- Là người con dâu hiếu thảo:

+ Khi mẹ chồng ốm: thuốc thang, lễ bái thần phật, lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn.

+ Khi bà mất: lo ma chay chu đáo như mẹ đẻ của mình.

- Là người vợ thủy chung:

+ Khi chồng ở nhà: Giữ gìn khuôn phép, không để xảy ra bất hòa.

+ Khi tiễn chồng đi lính: rót chén rượu đầy, nói lời tình nghĩa; không mong chức tước, chiến công, chỉ mong chồng được bình yên; thấu hiểu, cảm thông với nỗi vất vả gian lao của chồng; bày tỏ nỗi nhớ mong, khắc khoải.

+ Khi xa chồng: nhớ da diết “Mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn ... không thể nào ngăn được”.

+ Khi bị chồng nghi oan: tìm mọi cách để xóa bỏ ngờ vực, cứu hạnh phúc gia đình.

=> Vũ Nương là người mẹ thương con, nàng dâu hiếu thảo, người vợ thủy chung luôn trân trọng hạnh phúc gia đình.

* Sau khi chết (Khi sống dưới thủy cung)

- Là người nặng tình, nặng nghĩa, vị tha:

+ Sống đầy đủ, sung sướng dưới thủy cung => nhớ về quê hương, phần mộ tổ tiên.

+ Được Trương Sinh lập đàn giải oan, khi trở về: không oán trách, nói lời cảm tạ.

- Là người trọng danh dự: khao khát được giải oan.

- Là người trọng ân nghĩa: hứa với Linh Phi sống chết không bỏ, không quay về dương thế.

=> Vũ Nương mang vẻ đẹp lý tưởng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

2. Chỉ ra điểm khác biệt trong cách ứng xử của nàng lúc còn sống với gia đình ở trần gian và khi đã về thuỷ phủ.

Khi sống ở trần gian, Vũ Nương là người con gái thấy sợ hãi trước bi kịch, nhưng khi xuống thuỷ phủ, nàng lại thẳng thắn từ chối về theo Trương Sinh. Nhưng cho dù ở đâu, nàng vẫn là người con gái với tư dung tốt đẹp, trọng tình nghĩa và trong sạch.

Câu 4: Nêu một số nét nổi bật trong tính cách của nhân vật Trương Sinh. Những nét tính cách ấy có phải là nguyên nhân gây nên nỗi bất hạnh của Vũ Thị Thiết?

Bài làm chi tiết:

1. Một số nét nổi bật trong tính cách của nhân vật Trương Sinh

- Giàu tình cảm: 

+ Nỗi buồn khổ khi đi lính trở về thì mẹ già đã khuất núi - bộc lộ trong lời Trương Sinh dỗ dành con “Con nín đi, đừng khóc! Lòng cha đã buồn khổ lắm rồi”. Có lẽ, chính nỗi buồn khổ ấy khiến Trương Sinh không có được sự tỉnh táo, sáng suốt để nghe những lời con nói.

+ Dù giận vợ thất tiết nhưng khi Vũ Nương trầm mình xuống sông Hoàng Giang cũng vì lòng thương mà tìm vớt thây nàng - không phải là người lạnh lùng vô tình.

- Ghen tuông quá mức, thiếu bản lĩnh:

+ Trương Sinh yêu vợ song “có tính hay ghen, đối với vợ phòng ngừa thái quá”. 

+ Khi nghe lời đứa con nói, Trương Sinh đã thiếu sáng suốt để có thể tìm hiểu rõ sự tình mà dẫn đến ngờ oan cho vợ.

3. Trương Sinh không dám thẳng thắn nói rõ nguyên cớ của sự nghi ngờ cũng chính là biểu hiện thiếu tự tin, kém bản lĩnh ở người đàn ông vốn thất học. Khi lòng ghen tuông nổi lên, Trương Sinh chỉ dựa vào cái quyền làm chồng để mắng nhiếc, đánh đuổi chứ không dựa vào lí trí, hiểu biết để phân tích thực hư.

Đây là chỗ đáng trách nhất ở Trương Sinh, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình khiến cả Trương Sinh, Vũ Nương và bé Đản đều trở thành người bất hạnh.

Câu 5: Tìm các chỉ tiết kì ảo được sử dụng trong tác phẩm và nêu tác dụng của chúng trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

Bài làm chi tiết:

- Các chi tiết kì ảo trong truyện: 

+ Vũ Nương được Linh Phi, vợ vua Nam Hải, cứu và về sống tại thủy cung. 

+ Khi Phan Lang nằm mộng, thả con rùa và lạc vào động Rùa của Linh Phi, được đãi yến tiệc và gặp Vũ Nương – người cùng làng đã chết oan, được sứ giả Xích Hỗn do Linh Phi sai đưa trở về. 

+ Vũ Nương trở về dương thế. 

+ Yếu tố kì ảo đặc sắc nhất của tác phẩm là hình ảnh Vũ Nương hiện ra khi Trương Sinh lập đàn giải oan ở bến Hoàng Giang: lung linh huyền ảo với kiệu hoa, võng lọng rực rỡ, lúc ẩn lúc hiện rồi loang loáng, mờ nhạt dần.

- Tác dụng của chúng trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm:

+ Hoàn chỉnh thêm những nét đẹp vốn có của Vũ Nương, một người dù đã ở thế giới khác, vẫn quan tâm đến chồng con, nhà cửa, phần mộ tổ tiên, khao khát được phục hồi danh dự.

+ Tạo nên một kết thúc phần nào có hậu, thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân ta về sự công bằng: người tốt dù có phải trải qua bao oan khuất, cuối cùng sẽ được minh oan.

+ Khẳng định niềm cảm thương của tác giả đối với sự bi thảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Câu 6: Đọc lời thoại của các nhân vật trong văn bản và cho biết:

a. Lời nói của Vũ Thị Thiết trước khi tìm đến cái chết trên bến Hoàng Giang là đối thoại hay độc thoại? Dựa vào đâu em xác định được như vậy?

b. Các câu bé Đản nói với Trương Sinh trước và sau cái chết của Vũ Thị Thiết có vai trò như thế nào đối với diễn biến của sự việc, câu chuyện?

Bài làm chi tiết:

a. Ở đây, lời nói của Vũ Nương chính là lời thề trước thần linh về sự trong sạch của mình. Tuy về mặt hình thức, đây có vẻ như là lời đối thoại nhưng về nội dung là lời tỏ lòng của Vũ Nương, mang tính chất độc thoại. Người xưa thường mang thần linh ra để tỏ lòng khi họ có nỗi oan khuất, không biết tỏ cùng ai, không biết ai có thể lắng nghe và thấu hiểu cho mình. Đối tượng của nàng nói là vô hình, không hiện hữu ngay trước mặt nàng. Vì vậy, mặc dù vũ Nương như muốn đối thoại với thần linh, nhưng nàng cũng đang thề với chính mình, và chỉ có nàng cô độc nghe chính lời nàng nói. Lời của Vũ Nương là lời độc thoại của một tâm hồn cô độc khi bị Trương Sinh từ bỏ.

b. Các câu bé Đản nói với Trương Sinh trước và sau cái chết của Vũ Thị Thiết có vai trò như thế nào đối với diễn biến của sự việc, câu chuyện?

- Câu nói của bé Đản với Trương Sinh trước cái chết của Vũ Thị Thiết là lời nói ngây thơ của con trẻ, nói lên đúng suy nghĩ và nhận thức của bé Đản với Trương Sinh. Lời nói ngây thơ ấy đã vô tình làm bùng lên cơn ghen tuông đến mù quáng của Trương Sinh và đẩy Vũ Nương vào nỗi oan không thể hóa giải. Hành động ghen tuông của Trương Sinh sau lời nói ấy của bé Đản đã càng khẳng định được rằng Trương Sinh là một kẻ ghen tuông mù quáng, ít học 

- Câu nói của bé Đản với Trương Sinh sau cái chết của Vũ Thị Thiết là khởi nguồn để hóa giải nỗi oan cho Vũ Nương.

=> Cả hai lời nói của bé Đản đều góp phần làm nên giá trị của câu chuyện. Nếu như lời nói thứ nhất là nguồn cơn thắt nút câu chuyện thì lời nói thứ hai chính là khởi nguồn hóa giải mọi chuyện.

Câu 7: Những dấu hiệu nào giúp em phân biệt Truyện Người con gái Nam Xương là truyện truyền kì?

Bài làm chi tiết:

- Truyện truyền kì là loại văn xuôi tự sự có nguồn gốc từ Trung Quốc.

- Thường mô phỏng những cốt truyện dân gian hoặc dã sử. Sau đó, được tác giả sắp xếp lại tình tiết, bồi đắp thêm cho đời sống các nhân vật, xen lẫn những yếu tố kỳ ảo: Truyện được viết bằng chữ Hán, Nguyễn Dữ tái tạo trên cơ sở truyện cổ tích "Vợ chàng Trương".

Câu 8: Lời bình ở cuối truyện về Vũ Thị Thiết có đoạn: “Nếu không được trời xét tâm thành, nước không làm hại, thì xương hoa vóc ngọc, đã chôn vào họng cá ở dưới lòng sông, còn đâu được lại thông tin tức để nết trinh thuần được nhất nhất bộc bạch ra hết”. Em có đồng ý với lời bình trên không? Vì sao? Qua nhân vật Vũ Thị Thiết, em hiểu thêm điều gì về số phận của người phụ nữ trong một xã hội đề cao nam quyền?

Bài làm chi tiết:

- Em đồng tình với lời bình bởi: Lời bình trên đề cập đến ý nghĩa của việc trời xét tâm thành và sự trong sạch của người, so sánh với xương hoa vóc ngọc chôn vào họng cá dưới lòng sông. Một cách tổng quát, ý nghĩa này liên quan đến việc giữ cho tâm hồn người không bị ảnh hưởng bởi tình cảm tiêu cực, và nếu không, sẽ giống như việc xương hoa vóc ngọc bị chôn sâu dưới nước. Vũ Thị Thiết là người có lòng tự trọng cao nên sẽ không khuất phục trước sự vu oan ấy.

- Người phụ nữ trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” hội tụ những vẻ đẹp đáng quý nhất và cũng là đầy đủ những gì đau khổ, tủi nhục nhất của con người. Họ là đại diện tiêu biểu của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ. Họ không có quyền lợi, không có tự do, cũng chẳng có quyền được hạnh phúc - một cái quyền cơ bản nhất của con người. Họ bị hủ tục thối nát của xã hội phong kiến đẩy xuống vực sâu, chịu muôn vàn tủi hờn và đau thương. Dù họ cam chịu hay vùng vẫy, họ cũng chẳng bao giờ thoát được nanh vuốt của xã hội thối nát đó. Nhưng sau tất cả, họ vẫn giữ được cho mình vẻ đẹp đáng trân quý của tâm hồn thanh cao.

Tìm kiếm google:

Soạn văn 9 kết nối bài 4: Chuyện người con gái Nam Xương,  soạn ngữ văn 9 CTST tập 1, soạn bàI bài 4: Chuyện người con gái Nam Xương ngữ văn 9 chân trời sáng tạo

Xem thêm các môn học

Soạn ngữ văn 9 tập 1 CTST mới


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com