Ôn tập kiến thức ngữ văn 11 Cánh diều bài 1: Lời tiễn dặn

Ôn tập kiến thức ngữ văn 11 Cánh diều bài 1: Lời tiễn dặn. Nội dung ôn tập bao gồm cả lí thuyết trọng tâm và bài tập ôn tập để các em nắm chắc kiến thức trong chương trình học. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn luyện và kiểm tra. Kéo xuống để tham khảo

[toc:ul] 

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Xuất xứ và nội dung của văn bản “Lời tiễn dặn”

*Xuất xứ:

- Tiễn dặn người yêu (nguyên văn tiếng Thái là Xống chụ xon xao) là một trong những truyện thơ hay nhất trong khi tàng truyện thơ của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

- Văn bản Lời tiễn dặn được trích từ truyện thơ Tiễn dặn người yêu.

* Nội dung chính: Qua hai lời tiễn dặn của chàng trai dành cho cô gái, ta thấy được tâm trạng đau xót khi yêu nhau mà không thể bên nhau của chàng trai và cô gái, cùng với đó là tình yêu mãnh liệt, mãi đi cùng năm tháng, sánh ngang với “trời đất, thiên nhiên” của hai người.

* Bố cục của văn bản

- Phần 1 (Từ đầu đến …góa bụa về già): Tâm trạng của chàng trai trên đường tiễn dặn.

- Phần 2 (Còn lại): Cử chỉ, hành động, tâm trạng của chàng trai lúc ở nhà chồng cô gái.

II. TÌM HIỂU CHI TIẾT

1. Đặc trưng truyện thơ qua văn bản Lời tiễn dặn

a. Những dấu hiệu để nhận biết văn bản “Lời tiễn dặn” thuộc thể loại truyện thơ

- Đề tài: tình yêu, hôn nhân.

- Cốt truyện: đơn giản, không sử dụng yếu tố kì ảo. Truyện xoay quanh số phận của một đôi trai gái yêu nhau nhưng gặp trắc trở trong tình yêu, cuối cùng, vượt qua mọi thử thách, họ đã được đoàn tụ bên nhau, có cuộc sống hạnh phúc.

- Vị trí và nội dung của đoạn trích:

+ Vị trí: lược trích từ dòng 1121 – 1406.

+ Nội dung: Lời dặn dò của chàng trai khi anh tiễn cô về nhà chồng và lời khẳng định mối tình tha thiết, bền chặt của anh khi chứng kiến cảnh cô bị nhà chồng hắt hủi, hành hạ.

2. Ngôi kể, nhân vật của truyện thơ qua văn bản Lời tiễn dặn

* Ngôi kể: ngôi thứ nhất (người kể xưng “anh yêu”).

* Những chi tiết quan trọng:

- Lời dặn dò của chàng trai khi anh tiễn cô về tận nhà chồng: xin kề vóc mảnh, ủ lấy hương người; xin ẵm con cho người yêu; lời thề nguyền (Không lấy nhau được mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông/ Không lấy được thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già)

=> Thể hiện tình yêu tha thiết, cao thượng.

- Lời khẳng định mối tình tha thiết, bền chặt của anh khi chứng kiến cảnh cô bị nhà chồng hắt hủi, hành hạ: các hành động chăm sóc khi thấy người yêu bị chồng hành hạ (chải tóc, nấu thuốc), lời khẳng định tình yêu bền chặt ngay cả khi chết đi (Chết thành sông…song song), cách so sánh, ẩn dụ được sử dụng để làm tăng tính khẳng định mối tình tha thiết (tình Lú - Ủa, bán trâu, thu lúa, vàng, đá, gỗ cứng đời gió).

=> Thể hiện tình yêu tha thiết, bền chặt, không có gì có thể làm thay đổi được. 

=> Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất đã làm tăng tính thuyết phục, tính truyền cảm cho lời dặn dò và lời khẳng định mối tình chung thủy, tha thiết của chàng trai.

3. Nhân vật trong truyện thơ dân gian

* Tâm trạng của cô gái qua sự cảm nhận của chàng trai: đau khổ, tuyệt vọng

- Nhân vật được hình dung qua lời tiễn dặn của chàng trai nên không đầy đủ, chi tiết bằng các đoạn khác trong truyện thơ. Tuy nhiên, qua lời tiễn dặn cũng có thể thấy, cô là một cô gái xinh đẹp (người đẹp anh yêu) nhưng bị ép gả nên đau khổ khi phải về nhà chồng (cấu trúc trùng điệp: vừa đi vừa ngoảnh lại, vừa đi vừa ngoái trông thể hiện nỗi đau giằng xé, càng đi lòng càng đau nhớ).

- Cô còn bị nhà chồng phũ phàng, đánh đập (đầu bù, tóc rối, đau bệnh).

* Tâm trạng của chàng trai trên đường tiễn người yêu về nhà chồng: đau khổ, quyến luyến, không nỡ rời xa.

Qua lời tiễn dặn, có thể thấy:

- Chàng trai là người chung thủy, có tình yêu tha thiết sâu nặng:

+ Biết người yêu đã có chồng nhưng vẫn đi theo dặn dò.

+ Xin “kề vóc mảnh” để “mai sau lửa xác đượm hơi”.

+ Hẹn ước đợi chờ và mong ước đoàn tụ được thể hiện qua những hình ảnh so sánh đậm chất dân tộc; cấu trúc trùng điệp nhấn mạnh hơn lời hẹn ước không gì có thể lay chuyển này (không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông, không lấy được nhau khi trẻ, sẽ lấy nhau khi góa bụa về già), cả khi chết đi cũng vẫn bên nhau (bèo chung ao, muôi chung bát…).

+ Sự bền vững của tình yêu còn được so sánh với sự bền vững của thiên nhiên (vàng, đá, gỗ cứng…).

- Chàng trai còn là người có một tình yêu giàu lòng nhân ái, vị tha (chi tiết xin ẵm, bồng con của người yêu, gọi con của người yêu là con rồng, con phượng… cho thấy, vì yêu cô gái nên chàng trai yêu thương cả con của cô). Ngoài ra, chàng sẵn sàng chăm sóc khi thấy người yêu bị nhà chồng chà đạp, hắt hủi.

- Chàng trai thấu hiểu nỗi nhớ nhung, sự chờ đợi và đau khổ của cô gái.

=> Sự đồng cảm giữa hai người.

=> Chàng trai và cô gái là nhân vật chính trong truyện thơ. Họ là những người có số phận ngang trái, bất hạnh trong cuộc sống, tình yêu. Qua những lời tiễn dặn giàu chất thơ, tình cảnh ngang trái và tình cảm tha thiết của họ (đặc biệt là của chàng trai) đã được thể hiện một cách khéo léo, tinh tế.

4. Thông điệp

Lời " tiễn dặn" nói về tâm trạng đầy đau khổ, rối bời của chàng trai và cô gái. Khắc họa tình yêu tha thiết và thủy chung và khát vọng tự do yêu đương của các chàng trai, cô gái Thái.

III. TỔNG KẾT

1. Nội dung – ý nghĩa

+ Bi kịch tình yêu – hôn nhân của chàng trai và cô gái qua đoạn trích Lời tiễn dặn. Bi kịch đó phản ánh bi kịch của người Thái trong xã hội trước đây.

+ Vẻ đẹp tấm lòng chung thủy và ước nguyện hạnh phúc lứa đôi của chàng trai, cô gái phản ánh vẻ đẹp tâm hồn và khát vọng giải phóng khỏi những tập tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Thái.

2. Nghệ thuật

+ Đặc điểm của truyện thơ dân gian với sự kết hợp tự sự và trữ tình.

+ Chất dân tộc và màu sắc miền núi của tác phẩm ( qua hình ảnh thiên nhiên, hình tượng nhân vật, ngôn ngữ kể chuyện của chính nhân vật trong tác phẩm)

Tìm kiếm google: Ôn tập ngữ văn 11 Cánh diều bài 1: Lời tiễn dặn, ôn tập ngữ văn 11 Cánh diều, lí thuyết trọng tâm ngữ văn 11 Cánh diều

Xem thêm các môn học

Soạn bài văn 11 Cánh diều mới

NGỮ VĂN 11 CÁNH DIỀU TẬP 1

BÀI MỞ ĐẦU

BÀI 1: THƠ VÀ TRUYỆN THƠ

NGỮ VĂN 11 CÁNH DIỀU TẬP 1

BÀI 5. TRUYỆN NGẮN


Copyright @2024 - Designed by baivan.net