[toc:ul]
Thực hiện 1 trong 2 đề bài sau:
Đề 1: Viết thư cho thầy giáo hoặc cô giáo cũ để thăm hỏi và kể về việc học tập của em.
Đề 2: Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe về tình bạn hoặc tình cảm gia đình.
Một câu chuyện vô cùng cảm động về tình cảm gia đình, mà em đọc được từ nhiều năm trước nhưng đến bây giờ vẫn nhớ như in. Chính là câu chuyện Sự tích bông hoa cúc trắng.
Câu chuyện ấy kể về một bạn nhỏ là người con hết sức hiếu thảo. Khi mẹ bị ốm, bạn ấy đã chăm sóc mẹ rất chu đáo. Gia đình khó khăn, bạn chạy khắp nơi để vay mượn tiền mua thuốc cho mẹ uống. Mặc dù vậy, mẹ vẫn không khỏi bệnh, thậm chí còn trở nặng thêm. Khi bạn nhỏ đang vô cùng đau khổ và tuyệt vọng, thì gặp được một ông lão kì lạ ngồi dưới gốc cây. Ông chỉ cho cô bé một phương thuốc quý, chính là bông hoa màu trắng ở gốc đa đầu bìa rừng. Chỉ cần cô bé hái được bông hoa ấy, ông sẽ chữa khỏi bệnh cho mẹ cô. Thế là, cô bé với tình yêu dành cho mẹ, đã cố gắng chạy vội về phía gốc đa mà ông lão chỉ. Trời thì rét và đã gần tối. Gió rít từng cơn khiến người đi đường chạy vội về nhà. Còn cô bé với manh áo rách lại không quản ngại gió lạnh, băng băng chạy về phía bìa rừng. Cô đi mãi, đi mãi, mới tìm thấy bông hoa trắng mà ông lão chỉ. Tuy nhiên, khi sắp hái, cô nghe thấy lời ông văng văng bên tai: “Bông hoa có bao nhiêu cánh, mẹ con sẽ sống thêm được bấy nhiêu ngày”. Thế nhưng, bông hoa ấy lại chỉ có hai mươi cánh mà thôi. Vậy là mẹ chỉ có thể sống thêm chừng ấy ngày thôi ư? Quá buồn bã, cô bé ngồi sụp xuống, khóc òa lên nức nở. Nhưng chỉ một vài phút sau, cô bình tĩnh lại, cẩn thận ôm đóa hoa trắng vào lòng, tay run run xé nhỏ từng cánh hoa ra. Kì diệu thay, những cánh hoa được xé nhỏ ra nhanh chóng liền lại, biến thành một cánh hoa mới. Thấy thế, cô gái nhỏ liền miệt mài xé nhỏ từng cánh hoa, cho đến khi cả đóa hoa đã trở thành một bông hoa có vô số cánh nhỏ. Sung sướng vô cùng, cô cầm bông hoa chạy ù về nhà, mặc cho gò má và cánh tay, bàn chân sưng đỏ vì rét lạnh. Khi cô vừa về đến nhà, thì ông lão đã đứng trước cửa và nói rằng: “Mẹ của con đã khỏi bệnh rồi, đó chính là phần thưởng cho lòng hiếu thảo của con”. Nói rồi, ông biến mất trong làn khói. Lúc này, mẹ bỗng xuất hiện ở cửa, dang rộng vồng tay ôm cô bé vào lòng. Lồng ngực của mẹ ấm áp quá, khiến cô cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
Qua câu chuyện Sự tích bông hoa cúc trắng, em cảm nhận được tình cảm mẹ con vô cùng ấm áp và thiêng liêng. Đó chính là tình cảm gia đình - thứ tình cảm mà không gì trên thế gian này có thể chia cắt hay thay thế được.
Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2023
Cô Dung kính mến!
Đã lâu không có dịp đến thăm cô, hôm nay nhân ngày 20 tháng 11, em viết thư gửi thăm cô.
Thưa cô, dạo này cô có khỏe không? Cô đang dạy lớp mấy? Học trò của cô có ngoan không? Năm nay em đang học lớp Bốn, em luôn nhớ lời cô dạy bảo nên tháng nào em cũng được xếp vào bảng danh dự. Ba mẹ em rất vui và em nghĩ cô cũng hài lòng khi biết tin này.
Cô kính mến! Hình ảnh cô em không bao giờ quên được. Ngay từ buổi đầu tiên bước chân vào lớp Một, khi mẹ đưa em tới trường, lạ bạn, lạ thầy, ngồi trong lớp một mình, nước mắt em như muốn trào ra. Bỗng cô xuất hiện nhẹ nhàng ngồi cạnh em dỗ dành và đưa em xem những tranh vẽ lớp Một. Cô bày cả lớp hát và chơi trò chơi. Từ đó bạn nào cũng thích học. Em nhớ có lần đến lớp, cô bị cảm, mặt đỏ bừng mà vẫn cố gắng giảng bài cho chúng em. Không hiểu chứng nhức đầu của cô có thuyên giảm chút nào không? Bé Lan, con cô chắc năm nay đã vào mẫu giáo rồi, cô nhỉ?
Mỗi lần lười học, nhớ đến những lời khuyên của cô, em vội ngồi vào bàn học bài, làm bài. Hình ảnh cô, giọng nói, cử chỉ dịu dàng làm cho em thích thú và nhớ mãi.
Thôi thư đã dài, em xin ngừng bút. Em chúc cô và gia đình sức khỏe. Em xin hứa sẽ là một học sinh giỏi và đứa con ngoan để cô vui lòng.
Học sinh cũ
Bảo Anh
Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2023
Cô kính mến!
Em là học sinh cũ của cô bốn năm về trước. Nay em đã học lớp Bốn nhưng em vẫn nhớ như in hình ảnh của cô trong ngày đầu tiên em đến lớp. Ôi, ngày ấy thân thương đối với em biết nhường nào!
Hôm nay, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày mà chúng em có dịp bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình đến thầy, cô giáo cũ. Em viết bức thư nhỏ này gởi thăm cô và xin được nhắc lại một vài kỷ niệm về sự săn sóc của cô đối với em cùng các bạn mà có lẽ tất cả chúng em đều không thể nào quên được.
Lời đầu tiên, em kính chúc cô cùng gia đình dồi dào sức khỏe, luôn gặp điều tốt lành.
Cô ạ! Từ khi xa cô, mỗi ngày em thêm hiểu biết, em đã thấy rõ công lao của thầy cô đối với chúng em.
Em còn nhớ rất rõ dáng cô nghiêng bên chồng sách vở cao ngất mỗi khi chấm bài. Em còn nhớ mãi ngày đầu tiên đi học, cô đón em và dẫn đến xếp hàng cùng các bạn lớp Một A. Em như con chim non đứng trên bờ tổ nhìn quãng trời rộng bao la, cánh chim ấy muốn bay cao nhưng còn ngập ngừng e sợ. Cô là người đã chắp cho em đôi cánh để bay lên từ đó. Cũng như em, các bạn lớp Một A đều được cô chăm sóc từ buổi ban đầu. Cô dạy chúng em tập viết, tập vẽ. Cô ân cần sửa cho chúng em từng tư thế ngồi, từng cách cầm bút, giọng đọc, cách đánh vần...Ôi, công lao của cô thật to lớn, chúng em nghĩ rằng phải ra sức học tập mời đền đáp được công ơn ấy.
Cô ơi! Em chỉ có bấy nhiêu lời thăm cô. Một lần nữa, em kính chúc cô dồi dào sức khỏe và hạnh phúc. Em thầm mong có một ngày nào đó em đến thăm cô. Em mãi là học trò ngoan của cô.
Học sinh cũ
Văn Hùng
Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2023
Cô Hà Lê thân mến!
Em là Ngọc Nhi - học sinh cũ lớp 3G được cô chủ nhiệm năm ngoái đây ạ. Năm nay, em đã chuyển sang ngôi trường mới, nhưng em vẫn rất nhớ và biết ơn cô. Vì vậy, em viết lá thư này để được hỏi thăm và chúc mừng cô nhân ngày Nhà giáo.
Dạo này cô vẫn khỏe chứ ạ? Cô vẫn đến trường và dạy dỗ các bạn nhỏ như trước nhỉ? Các em học sinh mới năm nay có ngoan và vâng lời cô không ạ? Vườn hoa hồng do cô trồng và chăm sóc cạnh thư viện năm nay có lẽ đã cao hơn và nở nhiều hoa rồi cô nhỉ?
Ở trường mới, em đã làm quen được với các bạn và thầy cô. Việc học tập của em cũng đã ổn định rồi. Nhờ cô quan tâm dạy dỗ, mà em không gặp nhiều khó khăn về bài vở. Em biết ơn cô lắm. Nhân ngày 20-11 sắp tới, em chúc cô luôn mạnh khỏe, yêu đời và ngày càng thành công hơn trong sự nghiệp trồng người.
Học sinh cũ
Ngọc Nhi