[toc:ul]
Trong cuộc sống, có những đóa hoa đẹp đã tô điểm cho cuộc đời thêm thật nhiều ý nghĩa. Dù hoàn cảnh của bản thân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chú Mai Tư Khoa trú xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã làm được nhiều việc có ý nghĩa cho xã hội. Câu chuyện được kể qua chương trình “Những tấm gương tiêu biểu” đã để lại trong em nhiều xúc động.
Chú Khoa năm nay 38 tuổi. Năm 19 tuổi, chú xin vào làm công nhân khai thác đá cho một nhà máy xi măng đóng trên địa bàn, với mong muốn có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình. Vào buổi chiều định mệnh 3/6/1998, chú gặp tai nạn lở đá, bị gãy 2 đốt xương sống và liệt nửa người dưới. Những tháng ngày còn lại của mình, chú vĩnh viễn làm bạn với chiếc giường và 4 bức tường.
Chú rơi vào những ngày tháng buồn tủi và tuyệt vọng. Trong thời gian vật lộn với bệnh tật, nằm một chỗ bên giường bệnh, Khoa chỉ biết làm bạn với những cuốn sách, rồi tivi và sau này là điện thoại, máy tính. Cũng nhờ đọc nhiều sách, báo... mà Khoa nhận ra, cuộc sống này còn rất nhiều người có số phận như mình, trong đó có những người dù mang trọng bệnh nhưng vẫn nỗ lực vươn lên để sống có ích.
Vì vậy, chú đã suy nghĩ cần làm được một việc gì đó có ích cho cuộc sống của bản thân và xã hội. Sau thời gian dài ấp ủ, vào năm 2010, từ những sách báo chú sưu tầm được, cùng với số tiền tích góp được để mua sách, anh đã biến căn phòng của mình thành thư viện tại gia miễn phí cho trẻ em nghèo. Mỗi ngày, nơi đây thu hút hàng chục học sinh đến đọc và mượn sách.
Để thư viện của mình có nhiều sách hơn, chú Khoa đã miệt mài lên mạng tìm hiểu, kêu gọi sự giúp đỡ của các tấm lòng thiện nguyện. Chú đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trên khắp mọi miền đất nước. Họ gửi sách và cả tiền để chú thực hiện ước nguyện của mình, nhờ vậy chú Khoa đã có được thêm 10 tủ sách để đặt tại các lớp học của trường tiểu học và trung học cơ sở xã Quảng Trường cho học sinh sử dụng.
Không chỉ dừng lại ở đó, chú Khoa còn lên mạng xã hội tiếp tục kêu gọi, quyên góp tiền và vật chất để hỗ trợ các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và người già neo đơn. Từ năm học 2013 đến nay, với nguồn quyên góp được, chú Khoa đã hỗ trợ học phí, sách vở và quần áo cho học sinh nghèo, học sinh khuyết tật ở các trường học tại địa phương. Trong năm 2016 vừa qua, chú cũng đã quyên góp hỗ trợ đồng bào lũ lụt, học sinh khó khăn khoảng 150 triệu đồng.
Câu chuyện về chú Khoa đã khiến em cảm thấy khâm phục tấm lòng và nghị lực của chú. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải biết vươn lên để sống đẹp và sống tốt cho đời. Em tự nhủ với lòng mình sẽ cố gắng làm nhiều việc có ích để giúp đỡ gia đình và mọi người xung quanh em.
Danh ngôn có câu "Người hạnh phúc nhất là người đem lại niềm vui cho nhiều người nhất". Còn tôi, tôi cảm thấy mình chính là một người hạnh phúc bởi việc làm của tôi đã đem lại niềm vui cho người khác. Đó là hôm tôi đã giúp một em nhỏ đi lạc trở về nhà của mình. Đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn cảm thấy tràn ngập niềm vui.
Cũng phải cách đây mấy tháng rồi. Hôm đó đúng là một ngày học dài và căng thẳng. Trời đã sâm sẩm tối, tôi tự nhủ: "Ngày mai có nhiều bài tập quá, nếu không mau về nhà làm thì sẽ không kịp mất!". Biết vậy nên tôi rảo nhanh bước chân mà trong đầu phân vân không biết làm bài bắt đầu từ đâu. Ngoài đường, dòng xe cộ đông đúc, hối hả. Người thì muốn thật nhanh về nhà, người lại vội đi làm ca đêm. Chợt tôi nhận ra trong tiếng ồn ào nhộn nhịp đó có tiếng khóc nức nở của một đứa trẻ. Quay ngưòi lại tôi bắt gặp hình ảnh một cậu bé độ chừng bốn, năm tuổi nước mắt giàn giụa đang gọi mẹ. Thấy vậy, tôi liền đến bên cậu bé, lấy khăn lau nước mắt cho mà hỏi:
Em bé, em tên là gì? Mẹ em đâu? Sao em lại đi ra đường một mình thế này?
Cậu bé vừa nói, vừa khóc nấc lên:
Em... em theo mẹ ra chợ... Nhưng... đông người quá... em bị lạc mất mẹ rồi!
Ra là vậy, thì ra cậu bé bị lạc mất mẹ. Tôi phải đứng hồi lâu suy nghi: "Có nên giúp cậu bé này tìm mẹ không nhỉ? Đó là một việc làm tốt, mình nên làm. Nhưng nếu như vậy thì mọi người ở nhà sẽ vô cùng lo lắng khi thấy mình về muộn. Rồi còn bao nhiêu bài tập mình chưa làm nữa. Nếu giúp thì mọi người lo lắng, bài tập bỏ dở, mà nếu không giúp để mặc em bé như vậy thì cũng không đành lòng. Thật khó xử". Nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định giúp cậu bé đó tìm mẹ còn việc về muộn thì có thể giải thích sau. Tôi an ủi cậu bé:
Thế này nhé, bây giờ chị sẽ giúp em tìm mẹ. Em đi theo chị, được không? Tìm thấy mẹ rồi thì không còn lo gì nữa. Ta đi nào.
Tôi nói vậy nhưng cũng khá lo lắng, không biết làm thế nào. Bỗng tôi nhớ ra đồn công an phường ở ngay gần đó, tôi liền dẫn cậu bé đi ngay. Đến nơi, tôi thấy một người phụ nữ đang vừa khai báo một việc gì đó, vừa khóc, nét mặt hiện rõ vẻ phiền muộn, đau khổ. Thì ra cô ấy đến nhờ công an tìm giúp đứa con bị lạc. Cũng thật bất ngờ, đó chính là mẹ của cậu bé này. Cậu bé vừa thấy mẹ đã vội chạy đến ùa vào lòng mẹ. Người mẹ nét mặt rạng rỡ, xúc động khôn tả. Chú công an thường trực hỏi tôi rõ ngọn ngành xong, thay mặt đồn công an cảm ơn tôi vì việc làm này. Tôi thấy vui hơn bao giờ hết, vậy là tôi đã làm được một việc tốt, đem lại niềm vui cho người khác. Sự lo lắng về bài tập giờ không còn làm phiền tôi nữa. Tôi bước về như nhanh hơn, rộn ràng hơn. Tới nhà, mọi người đang lo lắng về tôi. Không biết vì sao tôi về muộn, lỡ đã xảy ra chuyện gì. Không chần chừ, tôi kể cho mọi người nghe việc tốt hôm đó làm tôi đã làm. Mọi người đều rất vui, bỏ qua việc tôi về muộn và còn động viên tôi nữa.
Ngày hôm đó, nhờ việc làm tốt đó mà tôi đã đem lại niềm vui cho nhiều người. Tôi thực sự vui sướng và hạnh phúc. Chỉ mong có thể làm được nhiều việc tốt hơn nữa để đem niềm vui đến cho mọi người.
Xóm Bầu có 72 hộ, phần lớn các gia đình làm nghề thủ công đan lát. Có trên 90% số hộ được bình chọn là “ Gia đình văn hóa mới”. Trong số đó, tiêu biểu nhất là gia đình anh Thiêm.
Anh Thiêm 42 tuổi, vợ là chị Hồng 41 tuổi. Bà nội em khen : “Anh Thiêm chị Hồng thật tốt đôi, đúng là gái hơn hai, trai hơn một”. Trước đây, cả hai chị đều công tác ở Phòng Thủ công- Mỹ nghệ huyện, xin về “một cục”. Với cái vốn ban đầu không đầy 20 triệu anh chị mua tre nứa về đan lát, sắm máy chẻ nan, máy tuốt nan. Anh lên tận Sơn Tây học cách pha thuốc màu để nhuộm nan tre. Sản phẩm ban đầu của vợ chồng anh là những chiếc làn, chiếc lẵng đựng hoa. Vốn khéo tay và chịu khó, hàng của anh chị làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Chỉ hai năm sau, anh chị đã có một số vốn trên một trăm triệu đồng.
Sau một năm tầm sư học đạo ở Chương Mỹ, Sơn Tây, ở một số làng nghề nổi tiếng ở Bắc Ninh, anh thành lập tổ sản xuất đan : lát hàng mĩ nghệ. Mười hai cô gái chàng trai khéo tay, chịu khó, là người xóm Bầu được anh cho học nghề, lương lúc đầu 300.000 đồng một tháng. Chỉ sau hơn hai tháng , họ đã thành nghề. Mặt hàng của anh chị là lẵng hoa, làn,... đủ các kiểu dáng , nhuộm màu, phun thuốc bóng mượt, óng ánh rất đẹp xuất sang Nhật và Hàn Quốc.
Năm ngoái, doanh thu đến sáu trăm triệu , lương công nhân từ tám trăm nghìn đến một triệu. Con em thương binh và các gia đình khó khăn được anh chị cho học nghề. Đến nay, cơ sở sản xuất hàng mĩ nghệ của anh đã có năm mươi bốn người. Anh được huyện, tỉnh tặng nhiều bằng khen. Chị Hồng được Hội Liên Hiệp phụ nữ tỉnh tặng bằng khen : “Người phụ nữ gương mẫu”.
Anh chị Thiêm có hai đứa con : cậu Hùng đang học năm thứ hai trường Đại học Mĩ thuật Hà Nội , cô Nga học lớp mười một, là học sinh giỏi Toán của tỉnh.
Cả làng, cả xã, cả vùng, ai cũng khen anh Thiêm, chị Hồng và hai đứa con của anh chị. Anh chị đã trở thành chủ doanh nghiệp trẻ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người. Anh chị đã ủng hộ nạn nhân chất độc da cam năm triệu, ủng hộ bà con vùng bão lụt sáu triệu đồng.
Bây giờ đã trở thành triệu phú, nhưng vợ chồng chị Hồng sống rất bình dị, cởi mở, rộng bụng với anh chị em bà con, nên ai cũng mến. Cô giáo em nói : “Hạnh phúc chỉ có bằng trí tuệ, tâm hồn, bàn tay của mình”. Em nghĩ gia đình anh Thiêm , chị Hồng là một gia đình hạnh phúc, một gia đình kiểu mẫu để cho mọi người noi theo và học tập.