- Với vai trò của ngành du lịch là khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách hiệu quả, bền vững để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, góp phần vào xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54, ngành du lịch đã, đang và sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan ưu tiên phát triển du lịch văn hóa di sản làm nòng cốt, đặc trưng để xây dựng sản phẩm, điểm đến du lịch. Trọng tâm là tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch cả ngày và đêm ở quần thể di tích cố đô Huế, nhất là khu vực Đại Nội, từng bước tái hiện không gian văn hoá cung đình, khai thác sản phẩm văn hoá qua các kỳ Festival Huế như Lễ hội áo dài, ẩm thực Cung đình Huế và một số sản phẩm cung đình đặc sắc khác.
- Tiếp tục công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các giá trị, công trình di sản, văn hóa, di tích lịch sử làm phong phú, đa dạng, hấp dẫn cho việc phát huy, phát triển phục vụ kinh tế du lịch. Bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hóa vật thể trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch phát triển đô thị, trọng tâm là đầu tư hoàn chỉnh một số khu vực trọng điểm trong quần thể di tích Cố đô Huế.
- Bên cạnh đó, hoàn thành việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử và cách mạng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt chủ trương bảo tồn phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ, cũng như bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh.
- Bảo tồn nguyên vẹn đặc trưng và bản sắc văn hoá Huế, nâng cao chất lượng các kỳ Festival Huế gắn với phát triển du lịch và quảng bá văn hóa Huế. Phát huy danh hiệu thành phố văn hóa ASEAN, thành phố du lịch sạch ASEAN, thành phố Festival... để khẳng định vị thế trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về khai thác thế mạnh đô thị di sản trong phát triển du lịch, đặc biệt cơ chế xã hội hóa trong việc đầu tư khai thác giá trị di sản trong phát triển dịch vụ du lịch, nhất là quần thể di tích cố đô Huế.