Văn mẫu 7 cánh diều bài 2: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ bốn chữ, năm chữ

Đề bài: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ bốn chữ, năm chữ. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn những bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài văn mẫu 1: Phân tích hình ảnh người mẹ trong bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai)

Bài làm

Tình mẫu tử từ lâu đã trở thành đề tài phổ biến trong thơ ca. Mỗi nhà thơ sẽ có những cách khác nhau trong việc khai thác mảng đề tài này. Nếu như nhà thơ Đỗ Bạch Mai ghi dấu bằng tác phẩm "Một mình trong mưa" để nói về nỗi vất vả, cô đơn của người mẹ khi phải lặn lội nuôi con thì tác giả Đỗ Trung Lai lại đem đến cho người đọc cảm xúc đau xót của con khi chứng kiến mẹ ngày một già yếu.

Trước hết, nhan đề bài thơ "Mẹ" đã bao trùm toàn bộ chủ đề của văn bản. Từ "mẹ" không đơn thuần là cách gọi thông thường mà nó còn bao chứa rất nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là tình yêu thương của mẹ dành cho con cái mà nó còn là tình cảm đong đầy, biết ơn của con đối với người đã có công sinh thành, dưỡng dục mình. Như vậy, qua nhan đề tác phẩm, ta có được những hình dung ban đầu về văn bản và hiểu hơn nỗi niềm của Đỗ Trung Lai khi nghĩ về mẹ.

Trong hai khổ thơ đầu, nhà thơ đã sử dụng biện pháp tương phản đối lập giữa hình ảnh cây cau với mẹ già. Ngay từ dòng thơ đầu tiên, người con đã khẳng định chắc nịch và đầy dứt khoát "Lưng mẹ còng rồi". Dường như chỉ một từ "rồi" thôi đã cho thấy nỗi ngậm ngùi của con khi không thể thay đổi được sự thực là mẹ đã già yếu. Nếu cau tràn trề sức sống, không ngừng phát triển và xanh tươi với dáng vẻ thẳng tắp khiến cho tác giả cảm thấy như "gần với giời" thì người mẹ lại hiện lên với tấm lưng còng, "đầu bạc trắng" và ngày "một thấp đi". Biện pháp điệp ngữ "ngày" như nhấn mạnh thêm sức tàn phá của thời gian. Kết thúc khổ hai, nhân vật trữ tình đau xót cất lên "Mẹ thì gần đất!". Câu thơ chất chứa biết bao nỗi ngậm ngùi vì không thể chối bỏ được hiện thực mẹ đang đến gần hơn với ngày chia lìa cõi sống. "Gần với đất" chính là ẩn dụ cho sự chấm dứt của một kiếp người. Lý do khiến nhà thơ chọn cau để khắc họa tình cảnh ốm yếu của mẹ lúc về già bởi cau hiện diện trong mọi thói quen, lối sống ở mỗi làng quê. Chính vì vậy, cau và mẹ luôn song hành cùng nhau trên hành trình sống. Đặc biệt, tác giả nhận ra được những nét giống và khác giữa mẹ và cau. Cho nên, thông qua hình ảnh cau ở hai khổ thơ đầu, ta cảm nhận rõ hơn nỗi buồn, sự day dứt của người con đối với mẹ.

Đến những khổ thơ tiếp theo, ta sẽ thấy cảm xúc dâng trào của nhân vật trữ tình khi chứng kiến mẹ ngày một già yếu. Thực tế đau lòng trước mắt đưa chủ thể quay trở về những ngày còn thơ với miếng cau mẹ bổ làm tư. Giờ đây, trái cau đã được chia nhỏ thành tám miếng nhưng "Mẹ còn ngại to!". Câu thơ gợi ra vẻ móm mém lúc về già. Biện pháp so sánh "Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ" vừa miêu tả được tình trạng khom khem của mẹ già vừa thể hiện sự bùi ngùi trong lòng người con. Từ nâng ở dòng thơ "con nâng trên tay" không phải là hành động cầm, nắm thông thường mà là thái độ cẩn trọng, nâng niu. Vì cau đã khô, héo nên con không nỡ làm tổn thương. Hay do miếng cau làm liên tưởng đến mẹ nên con càng cẩn trọng, trân quý? Cảm xúc như vỡ òa khi con "không cầm được lệ". Nỗi nhớ thương mẹ khiến con bất lực mà bật khóc. Câu hỏi cuối bài thơ "Sao mẹ ta già?" đâu chỉ để hỏi trời cao mà đó còn là câu hỏi người con đặt ra cho chính bản thân mình. Quy luật sinh - lão - bệnh - tử là điều ai cũng phải trải qua. Chỉ tiếc con người ta không thể thay đổi để có thể trường sinh bất lão. Do vậy, câu thơ như khắc sâu thêm nỗi bất lực của người con trước thực tại.

Để làm nổi bật chủ đề của bài thơ, tác giả sử dụng thủ pháp đối lập tương phản để nhấn mạnh sự xót xa khi thấy mẹ già nua, ốm yếu. Các biện pháp tu từ như so sánh "Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ", điệp ngữ "ngày" càng làm nổi bật thêm nỗi niềm sâu kín của người con. Hình ảnh thơ gần gũi, ngôn từ trong sáng, giản dị khiến cho văn bản dễ đi sâu vào lòng người đọc.

Bằng tình yêu thương cùng sự kính trọng vô ngần đối với mẹ, tác giả đã sáng tạo nên những vần thơ vô cùng tinh tế gửi đến chúng ta. Bài thơ là lời nhắc nhở những người con hãy biết yêu thương mẹ của mình.

Bài văn mẫu 2: Phân tích hình ảnh người mẹ trong bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai)

Bài làm

Có rất nhiều tác phẩm viết về người mẹ đã gửi gắm được tình yêu thương, sự trân trọng và niềm kính yêu. Và bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai là một trong số đó.

Trong bài thơ này, nhà thơ đã sử dụng hình ảnh cây cau - một loài cây đã rất quen thuộc ở mỗi làng quê Việt Nam, đặt trong sự đối chiếu với hình ảnh người mẹ:

“Lưng mẹ còng rồi

Cau thì vẫn thẳng

Cau - ngọn xanh rờn

Mẹ - đầu bạc trắng

Cau ngày càng cao

Mẹ ngày một thấp

Cau gần với giời

Mẹ thì gần đất!”

Sự đối lập giữa mẹ và câu được thể hiện qua các cụm từ “Lưng mẹ còng rồi - Cau thì vẫn thẳng”, “Cau - ngọn xanh rờn, Mẹ - đầu bạc trắng”, “Cau gần với trời - Mẹ thì gần đất”. Từ đó, tác giả muốn nhấn mạnh vào sự thay đổi của người mẹ trước thời gian về tuổi tác, ngoại hình.

Đặc biệt, hình ảnh so sánh “Một miếng cau khô - Khô gầy như mẹ” trong khổ thơ tiếp theo càng làm nổi bật sự giàu nua, héo hon của người mẹ.

“Một miếng cau khô

Khô gầy như mẹ

Con nâng trên tay

Không cầm được lệ”

“Miếng cau khô” gợi ra khô héo, không một sức sống. Và khi tuổi già kéo đến, hình dáng của mẹ dường như cũng trở nên hao gầy, bởi một cuộc đời hy sinh cho con cái. Từ “nâng” và “cầm” đã thể hiện được tình cảm của người con dành cho mẹ. Càng yêu thương, trân trọng bao nhiêu, con lại cảm thấy xót xa bấy nhiêu. Cảm xúc dồn nén lại tuôn chảy thành những giọt nước mắt.

“Ngẩng đầu hỏi giời

Sao mẹ già ta?

Không một lời đáp

Mây bay về xa.”

Câu hỏi tu từ không nhận được lời đáp, để lại sự cô đơn, trống vắng. Không ai trả lời được vì sao mẹ già, cũng không ai ngăn được guồng quay của thời gian tàn nhẫn. Hình ảnh “mây bay về xa” cũng giống như mái tóc mẹ bạc hòa cùng với mây trắng trên cao thể hiện một niềm xót xa, tiếc nuối.

Như vậy, bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai đã bộc lộ nỗi xót xa thưởng cảm của người con trước hình ảnh già nua của mẹ theo năm tháng.

Bài văn mẫu 3: Hãy viết đoạn văn bộc lộ cảm xúc của em khi đọc bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Bài làm

Bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên là một bài thơ ngũ ngôn bình dị mà cô đọng, đầy gợi cảm. Trong bài thơ, tôi ấn tượng nhất với hình ảnh: "Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu". Khi đọc hai câu thơ này, người ta dễ dàng nhận thấy ở đây có sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa. Vì giấy, mực nghiên là những vật vô tri, vô giác giờ đây lại cũng biết buồn. Vậy là những vật dụng liên quan đến thư pháp, liên quan đến một vẻ đẹp truyền thống của ông cha đã trở thành một điều gì đó thiêng liêng, tinh túy, vì chúng có "hồn". Đấy có lẽ là một trong những nét nghĩa đầu tiên của hai câu thơ này. Vậy còn nét nghĩa thứ hai? Nếu để ý, ta sẽ thấy hai câu thơ chỉ thuần tả cảnh mà không tả người. Cảnh vật ở đây có hồn, như nhuốm màu tâm trạng. Không có một từ ngữ nào nói về con người và trạng thái tâm lí của họ, nhưng "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"! Chính là vì thế, vì người không vui nên cảnh mới buồn. Nói cách khác, bóc lớp nghĩa sử dụng biện pháp nhân hóa, ta sẽ thấy được nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Vậy là chỉ hai câu thơ tưởng như đơn giản, mà có tới hai tầng ý nghĩa. Điều đó đã cho thấy sự cô đọng, gợi cảm trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên.

Bài văn mẫu 4: Hãy viết đoạn văn bộc lộ cảm xúc của em khi đọc bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Bài làm

Sau khi em đọc bài thơ này đã hiện lên trong đầu em rất nhiều suy nghĩ. Ông Đồ là một người được coi như một bậc thầy thư pháp đáng để mọi người kính trọng. Nhưng giờ đây, vị thế ông Đồ ngày càng mất dần đi bởi con người đã lãng quên cái gọi là truyền thống tốt đẹp, không một ai ngó ngàng tới thoáng chốc thì chỉ có đôi ba người ghé thăm tiệm ông Đồ mua tranh chữ. Chúng ta thấy xót thương cho số phận ông Đồ nay đã bị rơi vào sự lãng quên của mọi người, cô đơn giữa dòng người mùa xuân nhộn nhịp. Giống như Nguyễn Du đã từng nói : “ Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”

Bài văn mẫu 5: Hãy viết đoạn văn bộc lộ cảm xúc của em khi đọc bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Bài làm

Bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên là một bài thơ năm chữ bình dị ghi lại hình ảnh ông đồ. Trong bài thơ, hình ảnh: "Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu" gây ấn tượng đối với em. Khi đọc hai câu thơ này, người ta dễ dàng nhận thấy ở đây có sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa. Vì giấy, mực nghiên là những vật vô tri, vô giác giờ đây lại cũng biết buồn. Vậy là những vật dụng liên quan đến thư pháp, liên quan đến một vẻ đẹp truyền thống của ông cha đã trở thành một điều gì đó thiêng liêng, tinh túy, vì chúng có "hồn". Đấy có lẽ là một trong những nét nghĩa đầu tiên của hai câu thơ này. Vậy còn nét nghĩa thứ hai? Nếu để ý, ta sẽ thấy hai câu thơ chỉ thuần tả cảnh mà không tả người. Cảnh vật ở đây có hồn, như nhuốm màu tâm trạng. Không có một từ ngữ nào nói về con người và trạng thái tâm lí của họ, nhưng "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"! Chính là vì thế, vì người không vui nên cảnh mới buồn. Nói cách khác, bóc lớp nghĩa sử dụng biện pháp nhân hóa, ta sẽ thấy được nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Hai câu thơ đã khái quát được tâm trạng của ông đồ khi những giá trị xưa cũ dần bị quên lãng.

Bài văn mẫu 6: Trong các bài thơ “ Mẹ” (Đỗ Trung Lai), “Ông đồ” (Vũ Đình Liên), “ Tiếng gà trưa” (Xuân Quỳnh), em thích nhất bài thơ nào? Vì sao?

Bài làm

Trong ba bài thơ trên, em thích nhất là bài thơ Mẹ đã gợi cho em rất nhiều cảm xúc. Mẹ là đề tài muôn thuở trong thi ca. Dưới ngòi bút của tác giả Đỗ Trung Lai thể hiện thành công nỗi lòng đau đớn xót xa của người con khi thấy hình ảnh mẹ ngày càng hao mòn, lưng còng đi, thấp dần đi và mái đầu bạc mà bất lực. Đọc bài thơ khiến chúng ta hiểu được sự vất vả, tần tảo của người mẹ. Đó là vẻ đẹp của những người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó. 

Bài văn mẫu 7: Viết một đoạn văn  (khoảng 6-8 dòng) nêu cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Một mình trong mưa (Một mình trong mưa, văn 7 Cánh diều tập 1 trang 57)

Bài làm

Bài thơ “Một mình trong mưa” với hình ảnh con cò đã gợi lên hình ảnh những người mẹ tần tảo sớm hôm, luôn sẵn sàng hi sinh, chở che cho những người con thân yêu của mình. Mẹ luôn là một người vĩ đại nhất trong trái tim mỗi người con. Hình ảnh người mẹ trong đầu em một người cao cả, mang một trái tim đầy lòng yêu thương, chăm sóc từng li từng li cho đàn con nhỏ. Hình ảnh con cò hiện lên trong ca dao rất nhiều gợi đến những hình ảnh người mẹ, người bà vất vả, chịu thương chịu khó. Qua đây, chúng ta cần phải trân trọng mẹ của chúng ta bởi mẹ chỉ có một mà thôi!

Bài văn mẫu 8: Viết một đoạn văn (khoảng 5-7 dòng) nêu cảm nghĩ của em sau khi học văn bản Bạch tuộc (Véc - nơ), trong đó có sử dụng phó từ và số từ . Xác định nghĩa mà phó từ, số từ bổ sung cho danh từ trung tâm trong đoạn văn đó

Bài làm

Truyện khoa học viễn tưởng là những tác phẩm văn học mà ở đó tác giả tưởng tượng hư cấu dựa trên những thành tựu khoa học và công nghệ. Văn bản Bạch tuộc là một trong những minh chứng tiêu biểu cho loại truyện này. Khi chưa tiếp xúc với con bạch tuộc ngoài đời thực chúng ta có thể hình dung về con vật này thông qua tưởng tượng của nhà văn Véc- nơ như sau: con bạch tuộc dài chừng tám mét, đôi mắt của nó màu xanh xám nhìn thẳng và không động đậy; bạch tuộc có khoảng tám chín chiếc râu tua rua dài loằng ngoằng gấp đôi thân. Những cái răng bằng sừng của chúng cứ mở ra khép lại. Một con vật kì lạ, thân hình là một khối thịt lớn chừng hai mươi hai lăm tấn và có sự biến đổi màu sắc từ xám sang nâu đỏ. Và một điều đặc biệt ở loài vật này là chúng có khả năng phun ra thứ độc màu đen để phòng thủ khi gặp nguy hiểm. Đó là loài bạch tuộc khổng lồ mà chúng ta bắt gặp khi đến với Véc-nơ.

- Trong đoạn văn trên đã sử dụng các số từ và phó từ là:

+ Số từ: tám mét, tám chín chiếc râu, một con vật…

+ Phó từ: những tác phẩm, con vật này, mở ra, khép lại…

Bài văn mẫu 8: Viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc

Bài làm

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Cha mẹ có vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Bởi vậy, tôi luôn dành cho mẹ tình yêu thương và lòng kính trọng.

Bố tôi là bộ đội, thường xuyên phải đi công tác. Bởi vậy, mẹ là người gắn với tôi hơn cả. Năm nay, mẹ bốn mươi tuổi. Khuôn mặt trông rất dịu hiền. Làn da trắng hồng hào. Đôi bàn tay nhỏ nhắn với nhiều vết chai sần. Giọng nói của mẹ vô cùng trong trẻo, mềm mại. Mái tóc của mẹ dài, đen nhánh và mềm mượt.

Công việc của mẹ là một giáo viên. Dù công việc bận rộn, nhưng mẹ vẫn quan tâm đến hai chị em tôi. Mọi công việc trong gia đình đều do bàn tay của mẹ chăm lo. Mỗi khi bố có thời gian về thăm nhà, cả gia đình lại được sum họp bên mâm cơm mẹ nấu. Cảm giác khi đó thật ấm áp, hạnh phúc biết bao.

Tôi đã có thật nhiều kỉ niệm cùng với mẹ. Những buổi chiều cuối tuần cùng mẹ vào bếp. Hai mẹ con vừa làm việc vừa trò chuyện vui vẻ. Hay những chuyến đi chơi xa cùng với cả gia đình, mẹ luôn chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo. Cả những lúc tôi bị ốm, mẹ chăm sóc cho tôi từng chút một. Mẹ nấu cháo cho tôi, giúp tôi uống thuốc. Suốt cả đêm, mẹ thức trông tôi ngủ. Những lần đó giúp tôi cảm nhận được nỗi vất vả của mẹ nhiều hơn. Tôi nhận ra tình yêu thương mẹ dành cho mình. Điều đó khiến tôi trưởng thành hơn, thêm yêu mẹ nhiều hơn.

Tình mẹ thật bao la như biển cả. Từ tận đáy lòng, tôi muốn dành cho mẹ tất cả những lời tri ân trân trọng nhất. Tôi mong mẹ sẽ luôn khỏe mạnh, vui vẻ để có mãi ở bên tôi.

Hiểu được sự vất vả của mẹ, tôi tự hứa sẽ cố gắng học hành chăm chỉ hơn. Thỉnh thoảng, những lúc rảnh rỗi, tôi còn giúp đỡ mẹ những công việc nhà. Mùng 8 tháng 3 năm nay, tôi và bố đã có một kế hoạch để khiến cho mẹ bất ngờ. Đó cũng là lời cảm ơn dành cho mẹ vì đã vất vả với những công việc nhà trong suốt thời gian qua. Món quà bất ngờ là một bữa ăn do chính tay hai bố con chuẩn bị. Tôi tin chắc mẹ sẽ rất cảm động vì món quà này.

“Lòng mẹ bao la như biển thái bình” - tình yêu của mẹ lớn lao đến biết bao. Mẹ chính là điểm tựa lớn lao nhất để giúp tôi có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Bài văn mẫu 9: Trong cuốn sổ tay, em dành trang đầu tiên để viết về câu ca dao mà mình yêu thích nhất:

Đố ai đếm được lá rừng

Đố ai đếm được hết từng trời cao

Đố ai đếm được vì sao

Đố ai đếm được công lao mẹ già.

Câu ca dao ấy đã lột tả được những vất vả, hi sinh, được công ơn lớn hơn trời bể của mẹ - người phụ nữ mà em kính yêu nhất trong cuộc đời này.

Mẹ em là một người phụ nữ bình dị ở nông thôn. Năm nay mẹ khoảng 50 tuổi, một độ tuổi cũng không còn trẻ nữa. Mẹ có vóc dáng nhỏ bé, gọn gàng. Với mái tóc đen ngắn ngang vai, thường được buộc gọn ở phía sau. Mái tóc ấy không suôn mượt, đen tuyền, mà hơi thô ráp, pha lẫn nhiều sợi tóc bạc. Đó là dấu vết của những tháng ngày vất vả ngoài đồng để nuôi em khôn lớn. Làn da mẹ hơi đen vì dãi nắng dầm mưa suốt bao năm qua. Đôi chỗ có những vết sẹo nhỏ do khi làm ruộng bị vấp phải. Đôi bàn tay mẹ sần sùi những chai sạn bởi chiếc cuốc, chiếc cào. Bàn chân mẹ hơi to, những ngón chân luôn quặp lại, để có thể bám chắc vào mặt đất, khi đi chân trần trên đồng ruộng. Ở mẹ, đẹp nhất chính là đôi mắt đen láy, cùng nụ cười rạng rỡ. Mỗi khi mẹ cười, những nếp nhăn ở khóe mắt lại hiện lên. Nhưng với em, đó là nụ cười tuyệt vời nhất, nó ấm áp và ngọt lành đến tận sâu tâm khảm. Từng đường nét, đặc điểm của mẹ, em đều thấy xinh đẹp lạ lùng. Có lẽ vì em đang nhìn mẹ bởi đôi mắt chứa chan tình yêu thương, nên em luôn nhìn thấy một cô tiên xinh đẹp, dịu dàng đang luôn ở cạnh mình.

Là một người phụ nữ nông dân, mẹ em không giỏi chăm chút về ngoại hình. Mẹ không biết trang điểm, không nhuộm tóc, không mặc váy ngắn hay đi giày cao gót. Thế nhưng, dù ở nhà hay khi đi đâu, mẹ cũng luôn sạch sẽ, gọn gàng, tươm tất. Chính điều này khiến cho mọi người luôn có ấn tượng rất tốt về mẹ. Và mẹ cũng luôn dạy dỗ em điều ấy, rằng luôn phải “đói cho sạch, rách cho thơm”. Dù nhà mình nghèo khó, nhưng con phải luôn sạch sẽ, ngăn nắp, từ trang phục cho đến lối sống. Và mẹ còn dạy em nhiều điều hay lẽ phải khác nữa. Đó là những lời dạy chân tình, đơn giản từ những câu ca dao của một người phụ nữ nông thôn. Nó không cầu kì, hoa mĩ nhưng dễ dàng đi sâu vào tâm trí của em. Nhờ nó, mà em lớn lên thành một đứa trẻ ngoan ngoãn.

Những người xung quanh, từ ông bà, đến làng xóm láng giềng, ai ai cũng yêu quý mẹ em. Đơn giản bởi mẹ em là người vô cùng tốt bụng, chân chất, thật thà. Mỗi khi có ai nhờ giúp đỡ, chỉ cần có thể làm được thì dù là mưa gió hay xa xôi mẹ em cũng sang giúp. Mỗi khi có của gì ngon, mẹ em lại mang một phần sang mời bà con. Bà Lan hàng xóm thường nói rằng, mẹ em tuy không biết nói lời hay, lời ngọt nhưng cái bụng thì rất tốt. Em cảm thấy lời bà nói thật chính xác.

Mẹ em là một người mẹ vô cùng tuyệt vời, luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc cho con hết mình. Hằng ngày mẹ dùng đôi bàn tay thô ráp của mình, thật cẩn thận buộc cho em từng búi tóc thật xinh. Dù mẹ có bận rộn, mệt mỏi thế nào, thì cũng sẽ dành thời gian vào buổi tối, ngồi lắng nghe những câu chuyện nhỏ nhặt của em. Tuy điều kiện gia đình em không được khá giả hay giàu có gì. Nhưng em được đến trường với những món đồ dùng học tập, áo quần, giày dép không thiếu thứ gì so với các bạn. Để có thể sắm cho em những món đồ xinh đẹp, cho em được đi học múa với các bạn, chính là những ngày làm việc cật lực trên ruộng vườn của mẹ. Đối với em, mẹ luôn dành một sự quan tâm tuyệt đối. Dù em chỉ có một chút buồn hay mệt mỏi, mẹ cũng nhận ra ngay. Rồi mẹ lại sốt sắng quan tâm, chăm sóc em đến quên bản thân mình chỉ mong sao em nhanh khỏe mạnh. Có thể nói rằng, trên cuộc đời này không ai yêu quý em nhiều như mẹ, và chắc chắn rằng, em luôn là người phụ nữ số một trong trái tim em.

Mỗi ngày, em luôn cố gắng giúp mẹ từ những việc nhỏ nhặt nhất, đến những việc lớn hơn mà em có thể làm. Từ giúp mẹ nhặt rau, quét nhà, rửa bát, đến ra ruộng làm cỏ cùng mẹ. Em có thể làm mọi việc, chỉ mong mẹ luôn mạnh khỏe, yêu đời. Mỗi ngày em đều mong mình có thể lớn lên thật nhanh, để có thể chở che cho mẹ như những gì mẹ đã làm cho em trong suốt bao năm tháng qua. Ngay giờ phút này đây, em muốn được gặp mẹ, để được mẹ ôm vào lòng khẽ xoa lên mái tóc, và để em được thủ thỉ với mẹ rằng: Mẹ ơi! Con yêu mẹ nhiều lắm!

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 7 cánh diều


Copyright @2024 - Designed by baivan.net