[toc:ul]
Thực hiện 1 trong 2 đề bài sau:
Đề 1: Viết bài văn thuật lại một hoạt động trải nghiệm thú vị của em ở trường.
Đề 2: Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về tấm gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm.
Kỉ niệm về ngày đầu tiên đi học là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời học sinh. Và ngày đầu tiên bước chân vào cánh cổng trường tiểu học lớp 1 vẫn luôn là thước phim rõ ràng, đậm nét trong tâm trí tôi. Hôm ấy, mẹ đã dắt tay tôi đi bộ trên con đường làng đến trường tiểu học Gia Bình gần nhà. Trên vai tôi là chiếc cặp sách mới tinh mà mẹ đã mua cùng với những cuốn sách và tập vở mới. Tâm trạng tôi lúc đó có đôi chút sợ hãi và lo lắng. Khi đứng trước cổng trường, tôi đã rất bất ngờ vì mọi thứ đều quá mới lạ. Ngôi trường to lớn, khang trang, dãy nhà cấp bốn màu vàng với mái ngói đỏ, nép mình giữa những tán cây cổ thụ cao to, xanh mát. Thầy cô đứng ở cổng trường để chào đón học sinh lớp 1 chúng tôi. Mẹ đưa tôi vào tận lớp 1B và trao cho cô giáo chủ nhiệm tên là Bình. Cô mỉm cười hiền lành, dẫn tôi đến chỗ ngồi. Nụ cười và đôi bàn tay ấm áp của cô đã khiến tôi với bớt nỗi lo sợ, bắt đầu tìm hiểu, nhìn ngắm xung quanh. Bên ngoài cửa sổ lớp, mẹ tôi cùng nhiều phụ huynh khác vẫn đứng trò chuyện và dõi theo chúng tôi. Mẹ còn vẫy tay và nói cố lên với tôi. Nhìn các bạn xung quanh bắt đầu giới thiệu về bản thân, tôi cũng gia nhập cuộc nói chuyện và làm quen với các bạn.
Sau khi học sinh đến đông đủ, cô giáo thông báo: “Mời quý phụ huynh ra về để các em vào lớp sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm”. Mẹ tôi nghe vậy liền dặn dò: “Mẹ về nhé, con ở lại chăm ngoan, nghe lời thầy cô, nếu có gì chưa hiểu thì hỏi cô nhé. Trưa mẹ sẽ đến đón con”. Tôi gật đầu thật mạnh: "Vâng! Trưa mẹ nhớ đến đón con nhá!". Mẹ nở nụ cười tươi nhìn tôi rồi ra về. Nhìn theo bóng dáng mẹ dần khuất sau cánh cổng, tôi cố kìm nén nước mắt nhưng chẳng hiểu sao nước mắt cứ rơi như mưa. Rồi cô giáo và bạn Minh Anh cùng bàn đã đến an ủi tôi. Minh Anh còn tặng cho tôi một chiếc kẹo mút vị dâu rất ngon. Nhờ vậy, tôi nín khóc và vui vẻ trở lại. Trưa đến, tôi được mẹ đón về nhà ăn cơm và rất mong chờ buổi học tiếp theo được gặp lại thầy cô cùng các bạn.
Dù ngày đầu tiên đi học bắt đầu bằng những cảm xúc sợ hãi, lo lắng, bồn chồn. Nhưng cuối cùng, nó lại biến thành những kỉ niệm ngọt ngào, đáng yêu, có mẹ yêu dấu, thầy cô, bạn bè quan tâm, và hương vị ngọt ngào của chiếc kẹo mút vị dâu. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ chăm chỉ học tập thật giỏi để không phụ công cha mẹ và thầy cô yêu thương mình.
Trường em cũng như rất nhiều các trường học khác thường tổ chức các buổi lao động tập trung hoặc theo lớp để dọn vệ sinh, trồng cây xanh… góp phần xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp. Như thường lệ, thứ bảy tuần vừa rồi một buổi lao động đã diễn ra với sự tham gia nhiệt tình của các bạn học sinh.
Đó là một buổi lao động tập trung theo trường và các lớp lao động theo sự phân công của nhà trường. Mỗi lớp một việc, lớp thì quét sân trường, lớp thì lau bàn ghế và cửa kính… Riêng lớp em được phân công tưới chăm sóc các bồn hoa. Cuối buổi học của ngày thứ sáu bạn lớp trưởng đã phân công các bạn mang dụng cụ cho buổi lao động, bạn thì mang xô để xách nước, bạn thì mang bao tải để đựng cỏ…
Đúng tám giờ sáng thứ bảy toàn trường tập trung đầy đủ mang theo dụng cụ đã được phân công. Các bạn tập trung nghe theo thầy giáo phổ biến kế hoạch của buổi lao động một lúc rồi chia ra theo các lớp, bạn lớp trưởng điểm danh rồi chúng em bắt đầu vào công việc.
Các bạn chia ra thành các nhóm nhỏ, rồi mỗi nhóm nhận trách nhiệm một bồn hoa, có bao nhiêu bồn hoa thì chia ra bấy nhiêu nhóm. Mỗi bạn một tay, nhổ sạch cỏ trong các bồn hoa, sau đó lấy xô xách nước để tưới. Mặc dù trời rất nắng và nóng song các bạn làm việc rất nhiệt tình, các lớp khác cũng vậy ai cũng chăm chỉ làm tốt công việc được phân công.
Khi công việc đã làm được khá nhiều, ai nấy đều đã thấm mệt, chúng em tập trung lại và cử một số bạn đi mua nước và một ít hoa quả để giải lao, hầu như lớp nào cũng vậy, Chúng em ăn uống rất vui vẻ, những cốc nước mát như xóa tan đi cái mệt. Các lớp còn mời nhau lại uống nước và ăn hoa quả cùng nhóm của mình. Sau thời gian nghỉ ngơi, ai nấy đều như tỉnh táo hẳn và sẵn sàng cho số công việc còn lại của lớp mình. Mọi người rất tích cực để nhanh chóng hoàn thành công việc. Một số lớp đã làm xong thì vui vẻ ra hỗ trợ các lớp chưa làm xong để mọi người cùng được nghỉ. Tất cả đều vui vẻ giúp đỡ chứ không tỏ ra khó chịu khi phải làm hộ một phần cho các lớp khác.
Đúng mười một giờ, tất cả các lớp đã hoàn thành xong công việc được giao. Các bạn trong mỗi lớp tập trung lại để lớp trưởng đi báo cáo với các thầy cô. Sau khi báo cáo xong, các bạn ra về khi đã có sự cho phép của các thầy cô.
Buổi lao động được đánh giá là rất sôi nổi và có hiệu quả không những góp phần làm đẹp thêm cho trường học mà còn thể hiện sự đoàn kết giữa các lớp với nhau khi gặp khó khăn.
Trong một lần tìm đọc các câu chuyện về những tấm gương thiếu nhi dũng cảm, em đã được biết đến câu chuyện Út Vịnh của nhà văn Tô Phương.
Câu chuyện kể về Út Vịnh - một cậu bé vừa dũng cảm lại có trái tim yêu thương mọi người. Nhờ có Út Vịnh thuyết phục, mà Sơn - một bạn học sinh nghịch ngợm, thường chơi thả diều trên đường tàu nhận ra sai lầm của mình và hứa sẽ không nghịch dại nữa. Nhưng hành động dũng cảm nhất của Út Vịnh là khi cậu thành công giải cứu bé Lan khỏi nanh vuốt của tử thần.
Hôm đó, Út Vịnh đang ngồi làm bài tập ở nhà, thì bỗng nghe từng hồi còi tàu vang lên dồn dập. Cậu lấy làm lạ, có hôm nào mà tàu lại kéo còi từ xa và liên hồi như vậy đâu. Thế là, cậu liền chạy vội ra gần đường tàu để xem xét. Đến nơi, cậu giật mình khi nhìn thấy hai cô bé Lan và Hoa đang ngồi chơi chuyền trên đường tàu. Thấy tàu đang lao đến, Út Vịnh liền chạy về đường tàu, hét lên thật to để cho hai cô bé nghe thấy. Lúc này, Lan và Hoa mới giật mình nhìn lên, thấy tàu đang lao đến, sợ hãi vô cùng. Hoa vì giật mình nên ngã ra khỏi đường tàu, lăn xuống ruộng, thoát khỏi nguy hiểm. Còn Lan thì vì quá sợ hãi, nên đứng im một chỗ không dám cử động. Đúng giây phút nguy cấp, Út Vịnh lao nhanh về phía ray tàu, ôm chầm lấy Lan, lăn xuống mép ruộng. Nhờ sự dũng cảm và mạnh mẽ ấy của Vịnh, mà Lan được cứu sống trong gang tấc. Khi bố mẹ của Lan biết tin, đã chạy đến ôm chầm lấy Vịnh và cảm ơn cậu rối rít.
Nhân vật Út Vịnh trong câu chuyện đã khiến em rất ngưỡng mộ và thán phục. Cậu ấy chính là một người anh hùng nhỏ tuổi thực sự để chúng em học tập và noi theo.
Câu chuyện “Nghệ sĩ trống” là một câu chuyện rất hay và ý nghĩa. Đọc câu chuyện ấy, em được biết về một tấm gương tài năng nhí với đam mê chơi trống mãnh liệt là Mi-lô.
“Nghệ sĩ trống” kể về cô bé Mi-lô sinh ra và lớn lên ở một hòn đảo nhỏ ở Cu-ba. Từ khi còn rất nhỏ, cô bé đã vô cùng đam mê âm nhạc, và luôn khát khao được trở thành một tay trống trong ban nhạc. Tuy nhiên, hòn đảo mà Mi-lô sinh sống, lại có một quy luật ngầm, rằng phụ nữ thì không được chơi trống. Tuy nhiên, đam mê cháy bỏng trong cô đã khiến cô quyết tâm vượt qua mọi rào cản. Mi-lô đã xin cha được tham gia một lớp nhạc cụ. Thấy được tình yêu âm nhạc trong đôi mắt cô bé, người cha đồng ý. Từ giây phút đó, một nghệ sĩ trống thiên tài đã chính thức xuất hiện. Mi-lo có tài năng thiên bẩm với trống. Chỉ một thời gian ngắn, cô bé đã có thể thành thạo rất nhiều loại trống như trống tim-pan-ni, trống công-ga, trống bông-gô,… Đó là bước đệm đầu tiên trên con đường trở thành một nghệ sĩ trống nổi tiếng trên toàn thế giới của Mi-lo.
Qua câu chuyện Nghệ sĩ trống, em thấy được tài năng và sự dũng cảm, dám quyết tâm theo đuổi đam mê mặc mọi rào cản của cô bé Mi-lô. Câu chuyện đã truyền cho em nguồn cảm hứng tuyệt vời về con đường đam mê của chính bản thân mình.