Giải chi tiết Sinh học 12 KNTT bài 33 Sinh thái học phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh vật

Hướng dẫn giải chi tiết bài 33 Sinh thái học phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh vật sách mới Sinh học 12 Kết nối tri thức. Lời giải chi tiết, chuẩn xác, dễ hiểu sẽ giúp các em hoàn thành tốt các bài tập trong chương trình học. Baivan.net giải chi tiết tất cả các bài tập trong sgk. Hi vọng sẽ trở thành người bạn đồng hành cùng các em trong suốt quá trình học tập.

Mở đầu: 

Hình dưới thể hiện các hoạt động nghiên cứu bảo tồn và trồng lại các rạn san hô. Em hãy giải thích tại sao con người cần phải bảo vệ các rạn san hô khỏi các tác động xấu từ môi trường và con người, đồng thời trồng lại nhiều rạn san hô đã bị chết hoặc suy thoái?

Bài làm chi tiết:

Con người cần phải bảo vệ các rạn san hô khỏi các tác động xấu từ môi trường và con người, đồng thời trồng lại nhiều rạn san hô đã bị chết hoặc suy thoái vì các rạn san hô có vai trò rất quan trọng đối với con người. Chúng đóng vai trò như rào cản, có thể giảm lực càn quét từ sóng biển lên tới 97%, góp phần bảo vệ con người khỏi những mối đe dọa như xói mòn, sóng thần. Chúng cũng giúp duy trì các khu vực như rừng ngập mặn và thảm cỏ biển, tạo ra những quần thể ven biển có giá trị khai thác cao đối với con người. Trong lĩnh vực y tế, san hô được sử dụng để thay thế xương trong phẫu thuật nhờ tạo ra một cấu trúc xương có chứa canxi. Ngoài ra, chiết xuất từ động vật và thực vật sống trên các rạn san hô cũng được sử dụng để phát triển các phương pháp điều trị bệnh hen suyễn, viêm khớp, ung thư, bệnh tim...

II. LÝ DO CẦN BẢO TỒN VÀ PHỤC HỒI CÁC HỆ SINH THÁI TỰ NHIÊN

Câu 1: Em hiểu gì về khái niệm phục hồi sinh thái và khái niệm sinh thái bảo tồn?

Bài làm chi tiết:

  • Khái niệm: Phục hồi sinh thái là các hoạt động có chủ đích nhằm khởi xướng hoặc thúc đẩy sự khôi phục các hệ sinh thái, phục hồi sức khoẻ, tính toàn vẹn và tính bền vững của các hệ sinh thái đó.

  • Sinh thái học bảo tồn là một nhánh của sinh thái học và sinh học tiến hoá, nhằm tìm cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm để bảo tồn các loài, môi trường sống, cảnh quan và các hệ sinh thái.

Câu 2: Tại sao con người cần phục hồi các hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh vật?

Bài làm chi tiết:

Các hệ sinh thái mang lại lợi ích vô cùng to lớn đối với con người, bao gồm cả giá trị trực tiếp (lương thực, thực phẩm, nguồn nước, dược liệu, nguồn gene, các loại vật liệu,...) và giá trị gián tiếp (cải tạo đất, điều hòa và lọc nước, giảm nhẹ thiên tai, các giá trị tinh thần,...). Vì vậy, con người cần phục hồi các hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh vật.

III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP BẢO TỒN VÀ PHỤC HỒI CÁC HỆ SINH THÁI TỰ NHIÊN

Câu 1: Em hãy lấy hai ví dụ về cải tạo sinh học và gia tăng sinh học nhằm phục hồi sinh thái ở nước ta.

Bài làm chi tiết:

Ví dụ:

  • Các dự án được triển khai tại tỉnh Quảng Nam như: “Dự trữ carbon và bảo tồn đa dạng sinh học”; “Bảo tồn đa dạng sinh học”; “Đẩy mạnh chuỗi cung ứng bền vững, trao quyền cộng đồng, cải thiện khả năng phục hồi rừng và đa dạng sinh học, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm xuyên quốc gia”; “Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng”.

  • Dự án “Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông, Việt Nam” triển khai từ 3/6/2022 gồm ba mục tiêu: tăng cường hệ sinh thái rừng; cải thiện sinh kế và sản xuất lương thực bền vững.

Câu 2: Giải thích tại sao nhiều loài không thể bảo tồn tại nơi nó đang sinh sống mà phải đưa vào các vườn thú, vườn thực vật hoặc trung tâm cứu hộ và chăm sóc động vật.

Bài làm chi tiết:

Nhiều loài không thể bảo tồn tại nơi nó đang sinh sống là do: môi trường sống bị phá hủy hoặc bị săn bắn, khai thác trái phép quá mức. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho nhưng sinh vật này, cần phải đưa chúng đến các trung tâm cứu hộ và bảo tồn.

LUYỆN TẬP VÀ VẬN DỤNG

Câu 1: Em hãy tìm hiểu và giới thiệu một số loài sinh vật đang được bảo tồn chuyển vị ở nước ta.

Bài làm chi tiết:

Một số loài sinh vật đang được bảo tồn chuyển vị ở nước ta: 

  • Hươu sao (Cervus nippon): là một loài hươu có nguồn gốc ở phần lớn Đông Á, sinh sống trong các rừng cây ôn đới và cận nhiệt đới. Mặc dù toàn bộ loài này đang phát triển mạnh, nhưng nó đang bị đe dọa và tuyệt chủng ở nhiều khu vực.

  • Cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis): là loài cá sấu nước ngọt thích sống ở các vùng nước chảy chậm như đầm, sông và hồ, nhìn chung không gây nguy hiểm cho con người. Vì bị săn bắt cực kỳ thái quá nên loài cá sấu này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và được xếp vào trong danh sách các loài đang cực kỳ nguy cấp.

  • Trăn đất (Python molurus): được xếp vào nhóm IIB (động vật rừng nguy cấp, quý hiếm) và nằm trong Sách đỏ động vật Việt Nam, có kích thước lớn nhất trong tất cả các loài trăn đã được phát hiện ở Việt Nam với chiều dài trung bình từ 4 – 6m (dài nhất là 8m), trọng lượng hơn 100kg.

  • Trăn gấm (Python recticulatus): Loài này dài 6-7 m, sống ở rừng thưa, gần các sông suối, chúng dành phần lớn thời gian trên cây. Hiện chúng đang nằm trong sách đỏ Việt Nam, thuộc nhóm động vật nghiêm cấm khai thác và sử dụng.

  • Rắn hổ mang (Naja naja): có nguồn gốc ở tiểu lục địa Ấn Độ, có thể được tìm thấy trong vùng đồng bằng, rừng nhiệt đới, những cánh đồng và các khu vực đông dân cư.

Câu 2: Theo em, mỗi học sinh cần làm gì để góp phần bảo tồn và phục hồi sinh thái?

Bài làm chi tiết:

Một số biện pháp để bảo tồn và phục hồi sinh thái:

  • Tham gia bảo vệ môi trường.

  • Tiết kiệm năng lượng (tiết kiêm điện, nước,..)

  • Tuyên truyền, tham gia các hoạt động bảo tồn và phục hồi sinh thái do nhà trường, thành phố, tỉnh tổ chức.

  • Hăng hái tham gia các phong trào bảo vệ môi trường.

  • Tích cực trồng cây gây rừng.

Câu 3: Hãy giải thích tại sao con người đang nỗ lực bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên.

Bài làm chi tiết:

Hệ sinh thái đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người, cung cấp cho chúng ta những lợi ích vô giá như ổn định khí hậu, lọc không khí, cung cấp oxy, cung cấp nguồn nước, thức ăn, thuốc men,… Ngoài ra, các hệ sinh thái còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã. Cùng với đó, đa dạng sinh học và hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là các dịch vụ điều tiết và hỗ trợ, giúp con người thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Mặc dù vậy, đa dạng sinh học trên toàn cầu đang bị suy thoái với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người. Tình trạng này đe doạ đến tiến trình phát triển bền vững của nhân loại. Vì vậy cần phải bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên.

Tìm kiếm google:

Giải sinh học 12 Kết nối tri thức, giải bài 33 Sinh thái học phục hồi và sinh học 12 Kết nối tri thức, giải sinh học 12 Kết nối tri thức bài 33 Sinh thái học phục hồi và

Xem thêm các môn học

Giải sinh học 12 KNTT mới


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com