1. Tìm từ thích hợp điền vào chỗ trống:
Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do thuộc kiểu văn........., thể hiện .......... của người viết về một bài thơ tự do.
Hướng dẫn trả lời:
Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do thuộc kiểu văn biểu cảm, thể hiện cảm xúc của người viết về một bài thơ tự do.
2. Điền vào bảng sau những điểm giống và khác nhau giữa đoạn văn nghị luận ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ tự do.
Hướng dẫn trả lời:
| Đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ. | Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do. |
Giống | Yêu cầu về hình thức: đoạn văn | |
Khác | Nội dung: ghi lại cảm xúc. Đối tượng: bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ. | Nội dung: ghi lại cảm nghĩ: chú trọng cảm xúc lẫn suy nghĩ. Đối tượng: bài thơ tự do. |
3. Điền vào chỗ trống để hoàn chỉnh câu dưới đây:
Thơ tự do là thể thơ mà người viết không bị ràng buộc vào…………. khi sáng tác.
Hướng dẫn trả lời:
Thơ tự do là thể thơ mà người viết không bị ràng buộc vào các quy tắc về số câu, số chữ, số dòng, cách gieo vần khi sáng tác.
4. Thực hiện đề bài sau: Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) chia sẻ cảm nghĩ về một bài thơ tự do mà em yêu thích.
Hướng dẫn trả lời:
NHỮNG CÁNH BUỒM
“Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch
[…]
Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.”
Hoàng Trung Thông
Bài thơ “Những cánh buồm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Trước hết, hình ảnh người cha “dắt con đi” được lặp lại nhiều lần cho thấy tình yêu thương, sự che chở dẫn dắt của người cha trên hành trình cùng con đi đến đến tương lai. Tiếp đến hình ảnh đứa con thể hiện sự tin tưởng, yêu thương dành cho cha. Con đề nghị “Cha mượn cho con buồm trắng nhé/Để con đi”. Những cánh buồm đã gửi gắm ước mơ của con. Cánh buồm kiêu hãnh ngoài biển khơi thể hiện khao khát được đi xa để khám phá, hay cũng chính là cha thuở trước. Người cha cảm thấy tự hào khi thấy con mình cũng ấp ủ những ước mơ cao đẹp. Qua đây, tác giả cũng ca ngợi ước mơ được khám phá cuộc sống của trẻ thơ, những ước mơ làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Bằng giọng thơ chân thành giản dị, “Những cánh buồm” đã lưu lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc.
Mùa xuân là nguồn cảm hứng dạt dào trong thi ca, bằng tài năng và những cảm nhận tinh tế, các thi sĩ đã đưa mùa xuân vào thế giới nghệ thuật với những dáng vẻ thật đẹp, thật độc đáo. Trong đó bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải là một phẩm tiêu biểu. Bài thơ như một điệu thơ ngân vang khi đất nước vào xuân với bao cảm xúc vui tươi rộn ràng. Đọc sáu câu thơ đầu chúng ta như cảm nhận được tiếng hát reo vui chào đón mùa xuân đẹp đã về. Trên dòng sông quê hương mọc lên một bông hoa tím biếc. Màu xanh của nước hòa lẫn màu "tím biếc" của hoa đã tạo nên bức tranh xuân chấm phá mà tinh tế, đằm thắm. Ngẩng nhìn bầu trời, nhà thơ vui sướng lắng tai nghe chim chiền chiện hót gọi xuân về. Tiếng chim chiền chiện ngân vang, rung động đất trời đem đến niềm vui. Ngắm dòng sông, nhìn bông hoa đẹp, nghe chim hót, nhà thơ bồi hồi sung sướng "đưa tay... hứng". Chi tiết "Giọt long lanh" là sự liên tưởng đầy chất thơ. Đây là giọt sương mai hay giọt âm thanh tiếng chim chiền chiện. Trong bốn câu thơ tiếp theo đã nói về mùa xuân sản xuất và chiến đấu của toàn dân ta. Cả dân tộc cùng bước vào mùa xuân với khí thế khẩn trương và náo nhiệt: “Tất cả như hối hả/Tất cả như xôn xao...”, phải chăng đây cũng là khúc ca mùa xuân của thời đại. Sau tất cả Thanh Hải đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, cuộc đời và ước nguyện được cống hiến là “mùa xuân nho nhỏ” trong mùa xuân lớn của đất nước. Tình yêu mùa xuân, yêu thiên nhiên gắn liền với tình yêu đất nước, quê hương được tác giả diễn tả một cách sâu sắc, cảm động. Mỗi một cuộc đời hãy là một mùa xuân, như vậy đất nước ta mãi mãi sẽ là những mùa xuân tươi đẹp.