Soạn bài tập Ngữ văn 8 chân trời bài 3: Nói và nghe

Hướng dẫn giải Bài 3: Sự sống thiêng liêng phần Nói và nghe, sách bài tập Ngữ văn 8 chân trời sáng tạo tập 1. Đây là sách bài tập nằm trong bộ sách "Chân trời sáng tạo" được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết học sinh sẽ nắm bài học tốt hơn.

1. Vẽ sơ đồ tóm tắt dàn ý bài trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội.

Hướng dẫn trả lời:

Bước 1: Xác định đề tài, người nghe, thời gian và không gian nói

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

-        Mở bài: giới thiệu vấn đề sẽ trình bày, nêu rõ ý kiến đồng tình hay phản đối với vấn đề đó.

-        Phần chính: giải thích thuật ngữ, khái niệm liên quan đến vấn đề trình bày, khẳng định luận điểm đồng tình hay phản đối của người nói; trình bày lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm.

-        Kết thúc: khẳng định lại ý kiến, đề xuất giải pháp hoặc nêu bài học nhận thức và hành động.

Bước 3: Luyện tập và trình bày

Bước 4: Trao đổi và đánh giá 

2. Thực hiện đề bài sau:

Bài viết em gửi tham dự cuộc thi “Cuộc sống trong mắt tôi” được ban tổ chức lựa chọn để tham gia buổi tọa đàm cùng tên do nhà trường tổ chức trong buổi sinh hoạt đầu tuần. Từ nội dung bài viết, em hãy thực hiện bài nói để trình bày.

Bài tham khảo 1:

Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............học sinh.........trường......... Học sinh là những cánh chim non, những chủ nhân tương lai của đất nước và trong tương lai sẽ đưa đất nước phát triển đi lên sánh vai với các cường quốc năm châu. Chính vì vậy mà ngay từ bây giờ việc học tập của học sinh đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn chưa xác định đúng đắn được mục đích và động cơ học tập nên vẫn còn tình trạng học lệch diễn ra.

Học lệch là việc học không cân đối, không đều các môn, chú trọng môn này mà xao lãng môn khác, chỉ chú tâm đến môn mình sẽ thi đại học hay là đi theo sở thích cá nhân chứ không phải học để có kiến thức toàn diện.

Biểu hiện của việc học lệch rất rõ ràng nhận ra trong suốt quá trình học tập và qua những lần kiểm tra, thi cử. Có những bạn chỉ thích học các môn tự nhiên vì chúng không đòi hỏi phải học thuộc quá nhiều và cũng không cần ghi chép đến mức mỏi tay mà chỉ cần có một bộ não tư duy sắc bén. Hay có những bạn lại thích học các môn xã hội vì nó không khô khan như công thức toán lí hóa và chỉ cần chăm chỉ là có thể học tốt. Bên cạnh đó còn có xu hướng chuyên tâm học Ngoại ngữ mà quên đi các môn học còn lại. Vì sao vậy? Vì trong bối cảnh đất nước đang trên đà giao lưu, hội nhập có khả năng ngoại ngữ tốt là một hành trang vô cùng hữu ích cho những ai muốn nâng cao vị trí, tầm quan trọng của mình trong xã hội.

Có rất nhiều hậu quả của việc học lệch. Nhiều bạn mải học các môn tự nhiên mà không để ý đến các môn xã hội. Sau này các bạn trở thành những nhà khoa học giỏi nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống, có những bạn tốt nghiệp bằng giỏi trường quản trị kinh doanh, nhưng do giao tiếp kém nên không xin được một công việc tốt. Hiện tượng học lệch cũng dẫn đến tư duy lệch. Các bạn học giỏi và thiên về các môn tự nhiên sẽ có ý xem thường các môn xã hội, cho đó chỉ là các môn phù phiếm, dẫn đến “thiếu cân bằng” về tư duy.

Học đều các môn là cách hiệu quả nhất để trở thành một con người toàn diện. Các bạn có thể chú trọng hơn về các môn tự nhiên, nhưng cần dành thời gian xứng đáng cho các môn xã hội. Những giá trị văn hoá, tinh thần, những vẻ đẹp của quê hương đất nước sẽ được khám phá qua việc học tập các môn xã hội. Một tâm hồn phong phú sẽ giúp bạn học tốt hơn, nạp kiến thức tốt hơn, và những kiến thức xã hội đến lượt mình sẽ giúp các bạn học tốt hơn các môn tự nhiên.

Trong trường học, các môn xã hội cần được giảng dạy một cách trực quan, sinh động để tạo hứng thú cho học sinh. Các bạn học sinh nên coi những giờ học tập môn xã hội chính là những giờ thư giãn, giúp bạn lấy lại tinh thần để học những môn tự nhiên. Có như vậy các bạn sẽ không thấy nhàm chán.

Cuối cùng, thông qua bài trao đổi này hy vọng các bạn sẽ có cái nhìn tổng quát hơn trong việc học tập để có kết quả cao hơn.

Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe chia sẻ của thầy cô và các bạn vấn đề khác mà mọi người quan tâm.

Bài tham khảo 2:

Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............học sinh.........trường.........

Đề tài người lính là đề tài tốn nhiều giấy mực của các nhà văn nhà thơ thời kì kháng chiến chống giặc cứu nước. Có người vẽ lên cuộc sống vất vả, sự hi sinh anh dũng nơi chiến trường của các chiến sĩ, có người vẽ lên vẻ đẹp oai hùng, uy nghi cùng với tinh thần lạc quan… Nhưng tất cả đều thể hiện tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Vậy hình ảnh người lính được thể hiện như thế nào trong thơ văn kháng chiến, xin mời thầy cô và các bạn cùng lắng nghe và trao đổi.

Hình ảnh người lính trước hết được thể hiện ở xuất thân và lí tưởng sống cao đẹp. Người lính cụ Hồ xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, có thể là những người lao động nghèo khổ “Quê hương anh đất mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” (Đồng Chí – Chính Hữu), hoặc là những chàng thanh niên trẻ tuổi vô tư “chưa một lần yêu/ còn mê thả diều” (Đồng dao mùa xuân- Nguyễn Khoa Điềm)… Dù xuất thân ở hoàn cảnh nào thì ở họ đều có chung một lí tưởng cao đẹp sẵn sàng hy sinh tuổi xuân, dũng cảm chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Người nông dân mặc áo lính gan dạ dũng cảm “tỳ tay trên mũi súng” (Cá nước – Tố Hữu), các anh dẻo dai bền bỉ hành quân vượt qua “trăm suối ngàn khe”, vượt suốt, trèo đèo trong cảnh “ngày nắng đốt” chói chang, những “đêm mưa dầm dề, gió buốt chân tay” quanh năm suốt tháng. Không một khó khăn, trở lực ngăn được bước tiến của anh:

“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới”.

Bên cạnh đó, hình ảnh người lính còn được thể hiện ở hoàn cảnh sống và chiến đấu thiếu thốn, khắc nghiệt. Người lính chiến đấu ở những nơi rừng núi âm u rậm rạp “đêm nay rừng hoan sương muối” (Chính Hữu), “bụi phun tóc trắng”, “mưa xối xả”… Cuộc chiến đấu diễn ra trong mọi hoàn cảnh: trong đêm đông lạnh buốt, hay nắng lửa mưa ngàn, nơi chiến trường ác liệt. Người lính phải gắng vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt mà cuộc sống chiến đấu ở chiến trường đầy gian khổ, thiếu thốn và cả sự khốc liệt của chiến tranh: những cơn sốt rét rừng hành hạ, ốm đau thiếu thuốc men, bom đạn rình rập đe doạ sự sống, cuộc chiến tranh khốc liệt, hiểm nguy mà những người lính phải đối mặt “áo rách, quần có vài mảnh vá, chân không giày” (Phạm Tiến Duật). Bằng những hình ảnh chân thực, sống động, những nét vẽ không màu. Thơ ca đã gieo vào lòng người đọc những xúc động lắng sâu về hoàn cảnh sống, chiến đấu vô cùng gian khổ, thiếu thốn, hy sinh, thử thách, của những người lính cách mạng- những anh bộ đội cụ Hồ. Đất nước gian lao, cuộc đời người lính cách mạng cũng đầy khó khăn thử thách. Người lính đã vượt lên, chiến thắng mọi hoàn cảnh để chiến thắng được kẻ thù .

Và cuối cùng, hình ảnh người lính hiện lên là những con người yêu nước với những phẩm chất tốt đẹp: giàu lòng yêu nước, kiên cường, lạc quan yêu đời. Những người lính ra đi từ mọi miền quê của đất nước, họ gác lại những tình cảm, ước mơ riêng, những khát khao tuổi trẻ băng qua bom đạn, vượt qua mọi khó khăn, để tiến về phía trước. Quyết tâm ra đi chiến đấu để bảo vệ độc lập cho quê hương cho Tổ quốc. Tất cả đều bắt nguồn từ lòng yêu nước sâu sắc và vô cùng vĩ đại của những người lính mang tên gọi vô cùng giản dị mà thân thương: Bộ đội cụ Hồ. Những người lính dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu. Mọi khó khăn gian khổ, bom đạn của kẻ thù lùi lại phía sau bởi ở họ có một lòng yêu nước sâu sắc, một lý tưởng cao đẹp “Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Với tinh thần “Tất cả vì Tổ quốc thân yêu”. Trong gian nan thử thách, tình đồng đội càng toả sáng, trong chiến đấu gian khổ, đồng đội là nguồn động viên là cánh tay dìu đỡ, là người chia lửa khi giáp mặt quân thù “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Đồng thời đó cũng là động lực giúp người lính vượt qua tất cả để hoàn thành lý tưởng cao cả của mình. Dù hoàn cảnh chiến đấu còn đầy những cam go, thử thách, vẻ đẹp phẩm chất cách mạng của người lính vẫn rạng ngời toả sáng. Họ chính là những bài ca đi cùng năm tháng, bất tử với thời gian.

Cuối cùng, thông qua bài trao đổi này tôi cũng mong muốn tôi và các bạn cũng nhau phát huy những nét đẹp của các anh lính bộ đội cụ Hồ thông qua các hành động cụ thể như: cố gắng học tập thật tốt, tham gia vào các công việc chung của nhà trường, giúp đỡ bố mẹ việc nhà….

Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe chia sẻ của thầy cô và các bạn vấn đề khác mà mọi người quan tâm.

Bài tham khảo 3:

Em chào cô và các bạn. Hôm nay, em xin trình bày suy nghĩ của mình về tình yêu đất nước.

Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.”. Có thể nói, tình yêu nước luôn thường trực trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Đặc biệt, sau khi học xong tác phẩm “Đồng dao mùa xuân” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, em cảm thấy câu nói của Người đúng hơn bao giờ hết.
Trước hết, các bạn hiểu như thế nào là tình yêu đất nước? Theo mình, tình yêu đất nước là tình cảm chân thành, thân thiết của mỗi người dân với nơi họ sinh ra, lớn lên. Tình yêu đất nước thường được thể hiện thông qua suy nghĩ, lời nói và hành động.
Trong thời chiến, tình yêu đất nước càng thêm sục sôi và nóng bỏng. Chúng ta không thể nào quên hình ảnh những người lính vững vàng tay súng, dũng cảm chiến đấu để mang đến mùa xuân độc lập cho Tổ quốc. Bên cạnh đó, nhân dân cả nước cũng hăng hái lao động, vừa xây dựng đất nước, vừa là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Tất cả những hành động trên là minh chứng rõ ràng nhất cho tấm lòng yêu nước thủy chung, son sắt.
Trong thời bình, tình yêu đất nước được thể hiện qua hành động dựng xây, phát triển quê hương, nước nhà. Nhiều cá nhân, tập thể đã và đang khởi nghiệp, tạo dựng công ty, thương hiệu Việt. Hay một số bạn trẻ thì ra sức khôi phục lại truyền thống văn hóa của cha ông: kiến trúc, phong tục tập quán, trang phục cổ,…
Như vậy, tình yêu nước xuất phát từ những hành động giản đơn và thiết thực. Do đó, chúng ta – những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần chăm chỉ học hành, bồi dưỡng đạo đức để đưa đất nước phát triển cùng năm châu bốn bể. Mỗi người nên tỉnh táo lên án, phê phán các hành vi, nhận thức lệch lạc về Tổ quốc. Thay vào đó, hãy cùng nhau đoàn kết, chung ta dựng xây Việt Nam tươi đẹp.
Bài trình bày của em đến đây là kết thúc. Em xin cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.

Tìm kiếm google: Giải sách bài tập Ngữ văn 8 chân trời, giải sbt ngữ văn 8 tập 1 CTST bài 3: Nói và nghe

Xem thêm các môn học

Giải SBT ngữ văn 8 tập 1 chân trời sáng tạo

BÀI 1: NHỮNG GƯƠNG MẶT THÂN YÊU (THƠ SÁU CHỮ, BẢY CHỮ)

BÀI 2: NHỮNG BÍ ẨN CỦA THẾ GIỚI TỰ NHIÊN (VĂN BẢN THÔNG TIN)

BÀI 3: SỰ SỐNG THIÊNG LIÊNG (VĂN BẢN NGHỊ LUẬN)

BÀI 4: SẮC THÁI CỦA TIẾNG CƯỜI (TRUYỆN CƯỜI)

BÀI 5: NHỮNG TÌNH HUỐNG KHÔI HÀI (HÀI KỊCH)


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com