Bài văn mẫu lớp 12: Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục

Đề bài: Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”

Bài làm

Giáo dục là hoạt động ưu tiên hàng đầu của nước ta. Học sinh, sinh viên là tương lai của đất nước. Chúng ta luôn tuyên truyền, phát động phong trào“Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Hiện tượng “tiêu cực thi cử” và “bệnh thành tích trong giáo dục” trong nhà trường hiện nay là hiện tượng xấu cần xoá bỏ. Nó khiến cho học sinh ỷ lại, không phát huy năng lực học tập của mình. “Tiêu cực trong thi cử” là những hành vi gian lận khi thi cử như thí sinh mang vào phòng thi và sử dụng những tài liệu hoặc thiết bị không được cho phép, hay giám thị coi thi cố tình lờ đi cho thí sinh sử dụng tài liệu hay trao đổi với nhau… Còn “bệnh thành tích trong giáo dục” là sự ganh đua của thầy và trò, giữa các lớp, các trường và các phòng ban với nhau gây nên hiện tượng điểm ảo, thành tích ảo, không phản ánh đúng khả năng và trình độ. Đó là hành động vi phạm có ý thức.

Cuộc vận động này có ý nghĩa vô cùng lớn mang tính cấp thiết rõ ràng. Nó trở thành cuộc vận động của toàn ngành giáo dục. Tiêu cực và bệnh thành tích đã xuất hiện từ lâu. Nếu để tiêu cực tiếp tục kéo dài, hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra. Học sinh không có động lực để học. Các thầy cô cũng không có động lực để dạy, nền giáo dục khi ấy sẽ ngày càng trì trệ.

Cần hiểu rõ rằng, thứ mà học sinh sinh viên cần sau khi tốt nghiệp là năng lực thật sự để làm việc chứ không phải một tấm bằng khá giỏi không. Vì vậy, cuộc vận động này hoàn toàn là lợi ích của học sinh. Căn bệnh “chạy theo thành tích” được loại bỏ thì sẽ không còn tình trạng học sinh, sinh viên bằng mọi cách để đạt điểm cao, thầy cô phải làm cả những việc không đúng với lương tâm, thậm chí báo cáo sai sự thật để đạt chỉ tiêu thi đua.

Khi đó, cả thầy lẫn trò không còn phải chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều từ chuyện thi cử, tranh đua mà được tự do lựa chọn và việc đánh giá chất lượng học hành trở nên đơn giản, trung thực hơn. Nếu chỉ cầm tấm bằng tốt nghiệp thôi sinh viên sẽ gặp phải những bỡ ngỡ, khó khăn. Nhưng khi họ đã thực sự tiếp thu được những kiến thức trên ghế nhà trường, họ sẽ tự tin phát huy hết khả năng của mình.

Ngay từ những ngày đầu triển khai, cuộc vận động đã nhận được sự đồng tình lớn từ xã hội. Tuy nhiên, vần còn tồn tại trường hợp không hưởng ứng, không tích cực tham gia cuộc vận động. Có nhà quản lý giáo dục và giáo viên còn thoả hiệp hoặc làm ngơ, vô cảm trước các hiện tượng tiêu cực, hiện tượng chạy trường, chạy lớp, lấy tỉ lệ để nâng thành tích vẫn còn ở một số nhà trường, học sinh vẫn còn xu hướng ỷ lại, chán học, và rồi dẫn đến gian lận trong các kì kiểm tra và thi cử. Thậm chí giáo viên dám đứng lên tố cáo tiêu cực lại bị trù dập và chịu sức ép từ nhiều phía. Tất cả những hành vi ấy đều đáng lên án.  

Vậy chúng ta cần làm gì để phòng chống “tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”? Trước tiên phải bắt đầu từ trong gia đình, cha mẹ không nên tạo áp lực cho con, không nên chỉ chăm chăm vào thành tích mà nên quan tâm đến sự phát triển toàn diện hơn của con. Không la mắng, mỉa mai.  Bậc cha mẹ cần điều chỉnh cách suy nghĩ, cách dạy dỗ con cái để không gián tiếp hại con của mình. Các nhà quản lí giáo dục và giáo viên nên hưởng ứng cuộc vận động, đừng quá coi trọng thành tích, kết hợp với phụ huynh, tìm cách phát triển phù hợp cho học sinh của mình, đổi mới phương pháp kiểm tra và đánh giá để đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh, chú trọng hơn việc dạy tốt, học tốt…

Quan trọng nhất là ở chính người học. Học sinh nên nhận thức đúng đắn bản chất và vai trò của việc học để chủ động chiếm lĩnh tri thức, nâng cao năng lực để tự tin nắm giữ thành công. Đồng thời, không quên rèn luyện và tu dưỡng đạo đức để phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.

“Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là cuộc vận động có ý nghĩa to lớn. Hãy cùng nhau xây dựng nền giáo dục nước nhà thật lành mạnh và có chất lượng cao.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 12


Copyright @2024 - Designed by baivan.net