Đề 3: Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

Đề bài: Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

[toc:ul]

Bài mẫu số 1: Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

gia đình, nhà trường chưa quan tâm thực sự và giáo dục con em mình về vấn đề này. Nhiều người còn đặt nặng thành tích lên trên gây ra những áp lực vô hình cho thế hệ trẻ. Những cơ quan ban ngành cũng chưa thực hiện mạnh tay những biện pháp xử lý các hiện tượng tiêu cực để đẩy lùi nó.

Bài làm

Tuổi trẻ là những chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng tiên phong trong những hoạt động khó khăn nhất. Chính vì thế, giáo dục học luôn là nhiệm vụ hàng đầu mà cả xã hội quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hiện tượng tiêu cực đã phát sinh gây ra những ảnh hưởng xấu cho cả nền giáo dục. Cuộc vận động "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" thực sự cần được thực hiện nghiêm túc và mạnh mẽ.

“Những tiêu cực trong thi cử” và “bệnh thành tích trong giáo dục” là hiện tượng đang xảy ra tại rất nhiều trường học trên cả nước. “Tiêu cực trong thi cử” là những hành vi gian lận, thiếu trung thực khi thi cử như sử dụng tài liệu hoặc thiết bị gian lận, sự bao che của các giám thị coi thi hay trường hợp tiết lộ, mua bán đề thi và kết quả trong các cuộc thi. Còn “bệnh thành tích trong giáo dục” là việc coi trọng và đặt nặng thành tích gây ra điểm ảo, thành tích ảo hay những áp lực nặng nề về danh hiệu học sinh giỏi, giáo viên giỏi, trường học xếp hạng cao. Đây đều là những hành động sai trái có ý thức. Cuộc vận động "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" được tiến hành để ngăn chặn và xóa bỏ những hiện tượng đó.

Có thể nhận thấy những hậu quả vô cùng nghiêm trọng từ hiện tượng “tiêu cực trong thi cử” và “bệnh thành tích trong giáo dục”. Trước tiên, trong những cuộc thi, hành động gian lận đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả những thí sinh tham gia dự thi, gây ra sự thiếu công bằng cho những người năng lực thực sự. Bản thân người gian lận là học sinh khi còn đang đi học sẽ tạo ra lối mòn suy thoái về đạo đức, nhân cách, có lần 1 sẽ có những lần sau. Bản thân sẽ mãi mãi không biết mình đang đứng ở đâu, nặng lực như thế nào để sửa chữa, nâng cao và khắc phục nhược điểm. Không những thế, khi gian lận bị phát hiện, bản thân phải đối mặt với những hình phạt lớn nhỏ. Tới những môi trường lớn hơn sẽ bị mọi người xa lánh, chỉ trích.

Bệnh thành tích trong giáo dục suy rộng ra chính là một trong những nguyên nhân sâu sa dẫn đến hiện tượng tiêu cực trong thi cử. Bắt nguồn từ sự coi trọng điểm số, bằng cấp trên giấy tờ hơn thực lực và sự kỳ vọng vào thế hệ sau của người lớn, của nhà trường, nhiều thành tích ảo, điểm ảo xuất hiện, chất lượng giáo dục giảm sút. Thành tích trên bằng cấp, chứng chỉ rất cao nhưng thực tế lại không có năng lực giải quyết việc thật. Nhiều học sinh do áp lực thành tích từ gia đình, nhà trường còn lâm vào trầm cảm. Bệnh thành tích từ cha mẹ, từ người đứng đầu trường học còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chính con em minh va những người khác. Vụ gian lận vì thành tích được vạch trần trong cuộc thi THPT Quốc Gia năm 2018-2019 tại các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn đã cho thấy sự đáng sợ của những người làm cha làm mẹ vì mong muốn con mình có danh sách điểm thi thật cao, bước chân vào những ngôi trường danh tiếng mà bất chất đạo đức xã hội. Không chỉ khiến con mình và bản thân phải chịu đánh giá tiêu cực từ toàn xã hội, cướp đi cơ hội của những bạn có năng lực thực sự mà còn hủy hoại tương lai của chính mình.

Thực trạng trên đặt ra một câu hỏi, tại sao những hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục ngày càng trở nên tràn lan? Đầu tiên phải kể đến ý thức tự giác của chính người trong cuộc, bản thân không cố gắng, không nỗ lực nhưng vẫn muốn kết quả cao, muốn được mọi người ngưỡng mộ, khen ngợi mà bất chấp. Sau đó cần nhắc tới gia đình, nhà trường chưa quan tâm thực sự và giáo dục con em mình về vấn đề này. Nhiều người còn đặt nặng thành tích lên trên gây ra những áp lực vô hình cho thế hệ trẻ. Những cơ quan ban ngành cũng chưa thực hiện mạnh tay những biện pháp xử lý các hiện tượng tiêu cực để đẩy lùi nó.

Cuộc vận động "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" được triển khai nhận nhiều sư đồng tình từ xã hội đồng thời cũng còn những trường hợp không hưởng ứng và tham gia. Có những nhà giáo dục thoải hiệp, làm ngơ và vô cảm trước vấn đề này. được triển khai đã gần ba năm và nhận được sự đồng tình lớn từ xã hội. Việc chạy trường chuyên, lớp chọn, lấy tỉ lệ để nâng thành tích vẫn còn ở một số nhà trường, học sinh vẫn còn xu hướng ỷ lại, chán học, và gian lận trong các kì kiểm tra và thi cử. Nhiều giáo viên dũng cảm đứng lên tố cáo thì bị gây áp lực.

Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết về việc thực hiện cuộc phòng chống tích cực và hiệu quả. Để đẩy lùi “tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, mỗi cá nhân và tập thể cần phải hưởng ứng trong tư tưởng và có hành động thiết thực. Từ trong gia đình, cha mẹ phải hiểu và quan tâm đến việc học tập của con đúng cách, có chừng mực, không nên bao che để con mình ỷ lại cũng không nên tạo áp lực chê trách về việc học của con mà động viên hướng dẫn con học tập đúng mục đích. Không đặt nặng vấn đề trường chuyên lớp chọn để so sánh con mình với con người khác. Các nhà quản lí giáo dục và giáo viên nên hưởng ứng cuộc vận động bằng cách thay đổi suy nghĩ coi trọng thành tích, thứ hạng, giảng dạy và giáo dực nhiệt tình, đổi mới phương pháp kiểm tra và đánh giá nhằm đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh, chú trọng hơn trong việc dạy tốt, học tốt… Và quan trọng nhất là chính bản thân người học cần nhận thức được ý nghĩa và mục đích thật sự của việc học, xác định con đường học tập đúng đắn. Hãy cố gắng tiếp thu tri thức và khẳng định bản thân bằng năng lực thực sự của mình. Học tri thức nhưng cũng phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để hoàn thiện mình, trở thành người có ích.

“Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là cuộc vận động ý nghĩa và thiết thực cho nền giáo dục hiện nay. Mỗi chúng ta cần có ý thức chủ động hưởng ứng để nâng cao hiệu quả cuộc vận động, không những xây dựng những giá trị tốt đẹp cho mình mà còn góp phần xây dựng xã hội tích cực hơn.

Bài mẫu số 2: Suy nghĩ về cuộc vận động "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

Những con số báo cáo lên trên, đôi khi là những số liệu khống mà nhà trường phải nâng thành tích của trường mình lên để không bị phê bình, kỷ luật do không đạt được chỉ tiêu đưa ra. Thậm chí, còn có nhiều trường học mắc bệnh thành tích đến nỗi mọi số liệu, con số đều khai khống để có thể được coi là có thành tích xuất sắc, được khen thưởng

Bài làm

 Xã hội ngày càng phát triển, đi lên theo bước tiến của khoa học kỹ thuật. Những giá trị, chuẩn mực đạo đức của con người vì thế mà cũng thay đổi trước sự đổi thay của thời đại. Có những sự thay đổi tích cực, đáng mừng, nhưng cũng có những sự biến chất đáng buồn. Và trong lĩnh vực giáo dục nói riêng, gần đây nổi lên những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở một trường, một địa phương mà ngày càng lan rộng. Trước tình hình đó, Bộ Giáo dục nước ta đã vận động nhân dân “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Trước hết, cần phải giải thích tiêu cực trong thi cử là gì? Tiêu cực là hành động không lành mạnh. Hiện tượng tiêu cực trong thi cử là những hiện tượng không lành mạnh diễn ra trong các kì thi và những biểu hiện của nó cũng vô cùng phong phú, đa dạng. Học sinh quay cóp, trao đổi bài với nhau. Ở mức độ cao hơn, học sinh cố ý mang tài liệu vào phòng thi dưới nhiều hình thức tinh vi. Thậm chí, nhiều học sinh còn nhờ người đi thi hộ,… Phụ huynh mua chuộc giáo viên, cán bộ, đưa hối lộ bằng nhiều hình thức để được ưu ái hơn. Giáo viên bán đề, gợi ý đề, bán điểm, gạ tình đổi điểm, chấm bài thiếu trung thực. Nhiều giáo viên còn tự ý cho điểm khống… Các cán bộ thì triển khai đáp án và hướng dẫn chấm không đúng, làm việc thiếu trách nhiệm, ráp phách báo điểm sai, tổ chức kém nhưng báo cáo thiếu trung thực… Đấy là những hành vi thể hiện tình trạng tiêu cực trong thi cử.

Hậu quả của tình trạng tiêu cực trong thi cử gây ra thật vô cùng nghiêm trọng, nó dẫn đến chúng ta đánh giá không đúng về kết quả của cuộc thi đó, người tài giỏi thì bị loại, trong khi người gian lận trong thi cử lại trở thành những người chiến thắng.

Tiêu cực trong thi cử sẽ gây hậu quả xấu đối với xã hội, làm cho xã hội ta ngày càng đi xuống. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần nói không với tiêu cực trong thi cử. Ngăn chặn, phê phán, lên án những hành vi tiêu cực ấy. Trong các kì thi, bạn hãy chấp hành nghiêm túc nội quy thi cử. Không sử dụng phao, không quay cóp, không chạy điểm,… Có như thế thì những người thực tại, có ý chí mới có thể có cơ hội trở thành những người cống hiến cho đất nước. Bạn hãy nghĩ mà xem, nếu đất nước của chúng ta được điều hành bởi những người lãnh đạo mà chính họ lại vươn lên bằng cách chạy chọt bằng cấp, mua điểm,… thì xã hội này sẽ ra sao, đất nước này sẽ như thế nào. Hậu quả của tình trạng tiêu cực trong thi cử không chỉ ảnh hưởng xấu trong phạm vi một lớp học, một ngôi trường, một địa phương mà nó lan rộng ra cả ngoài xã hội.

Tiêu cực trong thi cử là thế, vậy bệnh thành tích trong giáo dục là gì? “Thành tích” là kết quả của sự nỗ lực mà con người đã bỏ ra. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước. Thế nhưng “bệnh thành tích” lại là kết quả của sự “nỗ lực” giả dối, nguỵ tạo. Sự khác nhau căn bản giữa “thành tích” và “bệnh thành tích” chỉ là sự khác nhau giữa cái thật và cái giả. Và yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là tính trung thực. Chính vì thế mà nỗ lực để đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương. Còn những tiêu cực và bệnh thành tích cần phải lên án và xoá bỏ.

Hàng năm, ngay từ đầu năm học, Bộ Giáo dục rồi Sở Giáo dục thường ban chỉ tiêu xuống cho các trường. Và thế là, các trường học, bằng cách nào đó, đến cuối kỳ, cuối năm sẽ phải hoàn thành được các chỉ tiêu mà trên đã ban xuống đó. Những con số báo cáo lên trên, đôi khi là những số liệu khống mà nhà trường phải nâng thành tích của trường mình lên để không bị phê bình, kỷ luật do không đạt được chỉ tiêu đưa ra. Thậm chí, còn có nhiều trường học mắc bệnh thành tích đến nỗi mọi số liệu, con số đều khai khống để có thể được coi là có thành tích xuất sắc, được khen thưởng. Có biết đâu rằng, trong những trường học đó, có những em học sinh từ năm này sang năm khác còn ngồi nhầm lớp. Học sinh lớp 8 có khi còn đọc chưa thông, viết chưa thạo; học sinh lớp 9 có khi làm một bài toán lớp 5 còn không làm được,… Vậy nhưng, do bệnh thành tích, các em cứ thế được lên lớp, không thi lại, không ở lại. Vì nếu các em ở lại lớp thì sẽ ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường. Và cứ thế, từ năm này qua năm khác, hiện tượng ấy cứ tiếp diễn. Và hậu quả của bệnh thành tích trong giáo dục không chỉ nghiêm trọng đối với một thế hệ mà còn đối với rất nhiều thế hệ trong xã hội.

Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta, không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Với bệnh thành tích, các phương pháp đánh giá, kiểm tra kết quả học tập trở nên dày đặc, nặng nề, phức tạp nhưng lại mang tính chất rập khuôn, không có chỗ dành cho sự sáng tạo của học sinh, sinh viên. Xét từ phía ngành giáo dục, thành tích giáo dục là thước đo sự thành công trong nghề nghiệp của giáo viên nói riêng, của nhà trường và địa phương nói chung. Đáng tiếc thay, trong thời gian qua, chính ngành giáo dục lại “thiết kế” ra thước đo trên bằng các chỉ tiêu giáo dục khô cứng. “Bệnh thành tích giáo dục” chính là việc nhà trường và địa phương cố gắng đạt được các chỉ tiêu giáo dục bằng mọi giá. Chúng ta đều nhận thức rõ ràng rằng một xã hội muốn phát triển tiến bộ phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có chân tài thực học, được tiếp thu những kiến thức và các phẩm chất đạo đức tinh hoa của nhân loại và của dân tộc thông qua hệ thống giáo dục của cộng đồng. Giáo dục chính là điểm xuất phát, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thịnh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục tốt và trung thực sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích tốt và trung thực sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển.

Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” ngay từ khi mới phát động đã được xã hội quan tâm, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bởi ai cũng biết rằng, nếu cứ để ”nạn tiêu cực trong thi cử” hoành hành và ”bệnh thành tích trong giáo dục” trở thành một căn bệnh ”mãn tính” thì sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, sức lực, tuổi đời của học sinh; lãng phí tiền bạc, công sức chăm sóc con cái của phụ huynh; của thầy cô và lãng phí của cải xã hội. Điều đó sẽ là hệ quả tất yếu của những suy thoái đạo đức trong học sinh; đạo đức trong quan hệ thầy, trò và sẽ góp phần làm suy thoái những mối quan hệ xã hội khác. Cuộc vận động này là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt. Điều đáng mừng là nhân dân, xã hội đều quyết liệt tham gia chống lại những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, sẵn sàng lên tiếng phê phán những cá nhân hoặc tổ chức có thái độ không hưởng ứng. Sự khởi đầu tốt đẹp báo hiệu sự thành công của một cuộc vận động mang tính nhân văn sâu sắc.Trên tiến trình đổi mới giáo dục, bệnh thành tích phải được xóa bỏ. Đó không phải là một việc quá khó, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng. Điều trước nhất là phải thay đổi từ những sai phạm của ngành giáo dục, phải kiên quyết thực hiện cuộc vận động đã đề ra, vì đó sẽ làm gương để thế hệ trẻ ngày nay tin tưởng và noi theo. Học sinh chúng ta, ngay từ bây giờ phải hết mình phấn đấu học tập bằng chính bản thân, tuyệt đối nói không với tiêu cực trong thi cử đồng thời giúp sức với nhà trường khuyên bảo và ngăn chặn các hành vi tiêu cực ấy. 

Bài mẫu số 3: Nghị luận về cuộc vận động "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

Họ là những người đã bỏ ra tiền của thật, công sức thật, thời gian thật và những hy vọng thật về một tương lai tốt đẹp thật của con em mình khi lo cho chúng được ăn học đến thành tài. Vì thế, chẳng có lý do gì họ lại mong muốn nhận sự giả dối từ kết quả học tập của con em mình.

Bài làm

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, một số người đã quên đi những chuẩn mực đạo đức để chạy theo những tiêu cực trong xã hội mà bệnh thành tích trong học tập là một ví dụ. Trước tình hình đó, Bộ Giáo Dục nước ta đã vận động nhân dân "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"

"Tiêu cực" là những biểu hiện không lành mạnh, có tác dụng không tốt đối với xã hội, làm cho xã hội ta ngày càng đi xuống. "Thành tích" là kết quả của sự nỗ lực mà con người đã bỏ ra. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước. Thế nhưng "bệnh thành tích" lại là kết quả của sự "nỗ lực" giả dối, nguỵ tạo. Sự khác nhau căn bản giữa "thành tích" và "bệnh thành tích" chỉ là sự khác nhau giữa cái thật và cái giả. Và yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là tính trung thực. Chính vì thế mà nỗ lực để đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương .Còn những tiêu cực và bệnh thành tích cần phải lên án và xoá bỏ.

Căn bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhà trường vì muốn đạt chỉ tiêu của bộ đề ra, giáo viên muốn hoàn thành tốt thi đua của nhà trường nên đã lờ đi đạo đức nghề nghiệp mà cho điểm ảo. Phụ huynh vì muốn con em mình là học sinh giỏi, học sinh thì muốn lên lớp, có danh hiệu mà không cần phải tốn sức học bài. Vì những lý do đó mà ngày nay mới có hiện tượng chạy theo thành tích mà không cần quan tâm đến chất lượng. Đối với các vị phụ huynh, chắc chắn rằng chẳng ai muốn con mình học kém hay học mà không có chất lượng. Họ là những người đã bỏ ra tiền của thật, công sức thật, thời gian thật và những hy vọng thật về một tương lai tốt đẹp thật của con em mình khi lo cho chúng được ăn học đến thành tài. Vì thế, chẳng có lý do gì họ lại mong muốn nhận sự giả dối từ kết quả học tập của con em mình. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm thực dụng, họ sẵn sàng làm mọi cách, kể cả những cách tệ hại nhất mà chúng ta đã được biết qua báo chí, để con em họ qua được một kỳ thi, có một tấm bằng để tìm việc sau này. Có một tấm bằng đi đã, vì đó là tấm bằng được xã hội thừa nhận, rồi sau này khi có điều kiện sẽ cố mà học tiếp một cách chân thực. Như vậy, suy cho cùng, phụ huynh và học sinh chính là những người đã tiếp tay, để cho bệnh thành tích ngày càng lan rộng và nặng hơn.

Đầu năm 2006, tại trường trung học cơ sở Trần Phú, huyện miền núi Sông Hinh tỉnh Phú Yên đã phát hiện 26 học sinh lớp Sáu đọc chưa thông, viết chưa thạo nhưng vẫn cứ được lên lớp. Trong những kì thi tốt nghiệp phổ thông và đại học, hiện tượng mang tài liệu vào phòng thi, tài liệu vất trắng cả sân trường sau buổi thi đã từng được báo chí đề cập tới. Khi biết những thông tin này, bản thân chúng ta có suy nghĩ gì? Cả một thế hệ, cả một tương lai đất nước nay phải để những con người như thế gánh vác thì chẳng có gì kinh khủng hơn. Nếu những con người giữ những chức vụ cao trong xã hội là những người "hữu danh vô thực" thì đó là những hạt sạn của xã hội, là nguyên nhân kéo nước ta chậm lại trên con đường phát triển.

Chúng ta đều hiểu rằng, một xã hội muốn phát triển phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có năng lực thực sự, là nguyên khí của quốc gia. Giáo dục chính là điểm xuất phát, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thịnh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục thực sự tốt sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích ấy sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển. Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới đề giành lấy một vi trí xứng đáng trên hành tinh này. Cuộc đấu tranh kinh tế sắp đến rất quyết liệt và mang tính chất thắng bại sinh tử không khác gì trên chiến trường hay trên võ đài. Ở đó, một võ sĩ chỉ có thể chiến thắng đối chủ bằng tài năng thực sự của chính mình, không phải vì có một văn bằng chứng nhận đẳng cấp cao hơn. Đất nước chúng ta sau này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những nhân tài thực học hay không.

Chúng ta cần phải học tập thật tốt, ra sức học tập và tu dưỡng đạo đức để sau này có thể giúp ích cho xã hội và cho bản thân. Cần phải đẩy lùi tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Đó không phải là vịêc quá khó nếu chúng ta cùng có quyết tâm "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

Bài mẫu số 4: Bạn nghĩ gì về cuộc vận động "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

Con người phải được va chạm, phải có hiểu biết mới có thể ứng dụng kiến thức sách vở vào thực tế được. Và nếu như bạn chỉ chăm chăm vào cái bằng đẹp bằng những điểm số cao thì mãi mãi bạn sẽ không thể chắt chiu đủ hành trang để bước vào cuộc sống này.

Bài làm

Thế hệ học sinh chính là những chủ nhân tương lai của đất nước sau này. Vận mệnh dân tộc gửi gắm cả vào hành trình tri thức của các em. Thế nhưng thay vì việc đào tạo ra những người con ưu tú xuất sắc thì việc tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục lại diễn ra rất nhiều. Nó trở thành nỗi lo của tất cả toàn xã hội. Và cuộc vận động “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã và đang nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người.

Cá nhân mỗi con người sinh ra ai cũng thích được khen ngợi và ca tụng. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu thế nhưng việc chạy theo “thành tích” để rồi bóp méo sự khen thưởng lại khiến mọi thứ trở nên xấu xí đi. Hiện nay, “bệnh thành tích trong giáo dục” và “tiêu cực trong thi cử” đang diễn ra hàng ngày hàng giờ và trở thành một tâm điểm khiến cả xã hội quan tâm.

“Tiêu cực trong thi cử” là việc học sinh cố tình gian lận trong các kì thi bằng cách mang phao vào chép, quay cóp hay giám thị cố tình tạo điều kiện để hành vi gian lận xảy ra. “Bệnh thành tích trong giáo dục” chính là những kết quả vô cùng đẹp mắt mà thầy cô, nhà trường mang đến cho học sinh song nó hoàn toàn không dựa trên thực tế học lực của các em. Cả hai điều này chính là một hành động thể hiện sự suy đồi về đạo đức.

Hiện nay vấn đề này lại càng trở nên cấp thiết nó không còn là trách nhiệm của giáo dục nữa mà mở rộng ra là trách nhiệm của toàn xã hội. Bởi nếu không được loại bỏ ngay thì nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai sau này của các em và của đất nước. Việc gian lận đầu tiên nó khiến các em trở nên thụ động vào sách vở, lâu dần sẽ hình thành tâm lí ỉ lại mặc kệ mọi thứ. Có thể ở giai đoạn đầu bạn thấy đó là sự vi phạm đạo đức thôi nhưng nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai sau này của các em. Mỗi học sinh sau khi ra trường điều họ cần không phải chỉ thuần thúy là tấm bằng tốt nghiệp THPT hay cử nhân đại học. Lúc này xã hội sẽ thực sự chỉ cần đến những người làm được việc, có cống hiến cho hoạt động thực tế mà thôi.

Có một thực tế mà ai cũng hiểu đó chính là kiến thức sách vở rất cần song nó hoàn toàn không đủ để bạn có thể xây dựng cuộc sống. Con người phải được va chạm, phải có hiểu biết mới có thể ứng dụng kiến thức sách vở vào thực tế được. Và nếu như bạn chỉ chăm chăm vào cái bằng đẹp bằng những điểm số cao thì mãi mãi bạn sẽ không thể chắt chiu đủ hành trang để bước vào cuộc sống này.

Thực tế công cuộc vận động “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã được diễn ra rất lâu. Bên cạnh những thành tích đạt được thì nó cũng còn một số tồn tại đáng lên án. Đó là việc các thầy cô, các nhà trường, hay các em học sinh còn coi nhẹ sự nguy hại của bệnh thành tích. Vẫn còn chạy theo những điểm số cao những tấm bằng đẹp, học sinh ỉ lại không chịu nỗ lực…Với những trường hợp giáo viên dám đứng lên tố cáo tiêu cực thì bị hắt hủi và vùi dập. Đây quả thực là những việc hết sức nhức nhối và để tồn tại lâu dài sẽ gây nên những hậu quả khôn lường.

Công cuộc vận động “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” cần phải có sự chung tay của toàn xã hội. Thay đổi ý thức và hành vi của các em học sinh, các bậc phụ huynh và các tổ chức. Bởi chỉ có thế cuộc vận động mới đi sâu sát và đạt được kết quả cao.

Với bản thân nhà trường cần tạo cho các em một môi trường học tập công bằng, minh bạch. Ở đó các em được thỏa sức thể hiện bản thân mình không có việc ép chỉ tiêu thành tích xuống các lớp. Khi không có áp lực thì các thầy cố sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều trong việc dạy dỗ các con.

Đối với các bậc phụ huynh cần thay đổi tư duy áp đặt điểm số lên con cái. Bởi điểm số không phản ánh quá nhiều kết quả học tập của  các con. Thậm chí nó còn gây áp lực biến những đứa trẻ vốn dĩ thật thà, ngay thẳng trở nên gian dối và thụ động.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất có lẽ đến từ các em học sinh. Các em phải tự ý thức được vai trò cũng như trách nhiệm của mình đối với cuộc đời. Việc gian lận không chỉ tạo thành thói quen vi phạm đạo đức mà còn biến các em trở thành những gánh nặng lâu dài cho xã hội.

“Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là một trong những việc làm vô cùng ý nghĩa mà chúng ta cần phải nỗ lực thực hiện. Bởi khi làm tốt nó thì chúng ta mới có quyền hi vọng vào tương lai đất nước trở nên phồn vinh và tốt đẹp được.

Bài mẫu số 5: Bài mẫu nghị luận về cuộc vận động "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

Có rất nhiều trường hợp, các trường, các lớp, các giáo viên vì muốn đạt được những tiêu chí của trên đưa xuống, đạt được chỉ tiêu của bộ đề, có được thành tích thi đua tốt, đã tìm mọi cách để lờ đi kết quả, lờ đi đạo đức nghề nghiệp. Họ cho điểm ảo, đánh giá ảo kết quả.

Bài làm

Khi xã hội ngày càng tân tiến và phát triển kéo theo rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Trong đó, có một số người hiện nay đã dần quên đi những chuẩn mực đạo đức của xã hội, chạy theo những tiêu cực và có một căn bệnh tiêu cực là bệnh thành tích trong học tập đang ngày càng lây lan. Nhìn thấy hậu quả nghiêm trọng của căn bệnh này, Bộ Giáo dục của nước ta đã kêu gọi, vận động nhân dân “Hãy nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Nhắc đến hai từ “tiêu cực” là ta có thể nghĩ ngay đến những biểu hiện không lành mạnh, nó làm ảnh hưởng không tốt đối với xã hội, khiến xã hội ngày càng đi xuống. Còn “thành tích” chính là kết quả, thành quả của sự nỗ lực không ngừng mà con người đã cố gắng làm để thực hiện. Thành tích chính là kết quả động lực mang lại những lợi ích vật chất cũng như tinh thần, mang lại lợi ích tốt cho mình, vì vậy mọi người ai ai cũng mong muốn có được thành tích tốt. Và điều đó kéo theo, có rất nhiều người vì muốn đạt được thành tích cao đã lựa chọn việc giả dối, ngụy tạo, lấp liếm,….đấy chính là bệnh thành tích. Bệnh thành tích và thành tích mang hai nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau, một bên giả một bên là thật, yếu tố để phân biệt được căn bệnh đó chính là tính trung thực. Vì thế, một người khi nỗ lực hết mình để đạt được thành tích tốt cho bản thân cho tập thể đó chính là một điều đáng tuyên dương, một phẩm chất đạo đức tốt, đáng trân trọng. Còn những điều gian dối, tiêu cực, mắc bệnh thành tích thì chúng ta phải lên án, phải xóa bỏ ngay.

Ở Việt Nam chúng ta, để đánh giá thành tích của một cá nhân, tập thể, thường đưa ra những chỉ tiêu, và tổ chức thi cử là phổ biến nhất. Có rất nhiều trường hợp, các trường, các lớp, các giáo viên vì muốn đạt được những tiêu chí của trên đưa xuống, đạt được chỉ tiêu của bộ đề, có được thành tích thi đua tốt, đã tìm mọi cách để lờ đi kết quả, lờ đi đạo đức nghề nghiệp. Họ cho điểm ảo, đánh giá ảo kết quả. Và ngay cả ở các bậc phụ huynh cũng vậy, vì mong muốn con em chúng ta có được kết quả cao, đạt được học sinh giỏi, muốn được lên lớp thẳng nhưng thay vì đôn đốc con cái học tập, họ tìm cách “chạy điểm, mua chuộc”. Bệnh thành tích trở nên lây lan nhanh chóng. Tất cả là vì lối sống chuộng vật chất, ưa thực dụng.

Chúng ta có thể thấy rõ qua phương tiện thông tin đại chúng, thấy được những tiêu cưc của bệnh thành tích, Như có trường mà học sinh khi lên lớp sáu vẫn chưa đọc viết thông thạo. Hay ở các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông đại học, sẽ rất không hiếm thấy các trường học các sĩ tử mang tài liệu vào phòng thi, tài liệu vứt trắng cả sân trường sau mỗi buổi thi. Thầy cô chưa có bằng cấp, rồi những phiếu điểm cao chót vót nhưng năng lực thì không có….Đọc những thông tin trên báo chí, chúng ta phải đặt ra câu hỏi, tương lai đất nước sẽ ra sao khi thế hệ trẻ đang ngày càng mắc bệnh thành tích? Khi những người giữ chức vụ cao trong xã hội chỉ mang hữu danh vô thực thì con đường phát triển của đất nước sẽ đi theo lối mòn.

Ai trong chúng ta cũng hiểu rằng, xã hội muốn phát triển, đổi mới thì cần phải có rất nhiều người có năng lực thật sự, cần rất nhiều nhân tài vì đất nước. Vì vậy, giáo dục điểm xuất phát đầu tiên, nơi đánh giá đào tạo ra những người năng lực của đất nước thì phải thật sự tốt và trung thực. Những con người có trong mình sự trung thực, có sự phấn đấu cố gắng nỗ lực hết mình để có được thành tích tốt, sẽ có những bước tiến mạnh mẽ trong tập thể, cộng đồng, xã hội, giúp đất nước phát triển. Việt Nam chúng ta đang từng bước đi lên với công cuộc phát triển, đổi mới, hội nhập với thể giới. Vì vậy, chúng ta cần những người khoác lên mình những chiếc áo thành tích chất lượng, trang bị những vũ khí chiến đấu vững chắc thực sự thì mới có thể tranh đua với các nước trên thế giới được. Việt Nam của chúng ta có thể cường thịnh hay không phụ thuộc rất lớn vào nền giáo dục, vì vậy hãy đấu tranh chống lại tiêu cực, chống lại bệnh thành tích đang lây lan mạnh mẽ.

Mỗi người trong chúng ta cần phải tự nhận thức được sự nghiêm trọng của căn bệnh thành tích. Chúng ta cần cố gắng học tập tốt, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trung thực để sau này có thể giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Cần lên án những trường hợp đang thực hiện những hành vì tiêu cực trong thi cử và những hành vi mắc bệnh thành tích trong xã hội

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 12


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com