Đề 2: Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động

Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động

[toc:ul]

Bài mẫu số 1: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”

Nhìn vào hành động của một người, người ta có thể kết luận người đó có tính cách tốt đẹp hay không. "Đừng nghe anh ta nói, hãy xem anh ta làm" Cái nhìn thấy bằng mắt vẫn chân thật hơn một lời nói và suy nghĩ.

Bài làm

Mỗi chúng ta đều có một sứ mệnh khác nhau trong cuộc đời. Không đơn giản chỉ là sống mà còn là sự khẳng định vị trí của mình trong cuộc sống. Hành động chính là bằng chứng cho sự tồn tại. Nhà triết học La Mã cổ đại M.Xi-xê-rông cũng khẳng định : “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”. Câu nói ấy gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về việc tu dưỡng và học tập của bản thân.

 “Đức hạnh” là đạo đức và tính nết tốt đẹp của con người. "phẩm chất" là giá trị mang tính bản chất bên trong, nó trái ngược hoàn toàn với "hành động" - những việc làm, cử chỉ cụ thể được biểu hiện trực tiếp ra bên ngoài. Câu nói của M.Xi-xe-rông mang ý nghĩa sâu sắc đúng đắn, nhấn mạnh giá trị thực của một con người là những hành động cụ thể.

Vì sao mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động? Có được nhân cách, phẩm giá tốt đẹp cần phải trải qua cả quá trình rèn luyện, trưởng thành. Không phải tự nhiên mà một người được biết đến là có đức hạnh, điều đó còn phụ thuộc vào những việc làm ý nghĩa mà người ấy đã làm. Bạn có nhân cách tốt, suy nghĩ tốt nhưng bạn không bao giờ thể hiện ra bên ngoài bằng hành động, việc làm. Đức hạnh, chỉ trong suy nghĩ thôi chưa đủ. Nhìn vào hành động của một người, người ta có thể kết luận người đó có tính cách tốt đẹp hay không. "Đừng nghe anh ta nói, hãy xem anh ta làm" Cái nhìn thấy bằng mắt vẫn chân thật hơn một lời nói và suy nghĩ. Trên chuyến xe buýt, bạn và một bạn khác cùng ngồi trên ghế, bạn nghĩ rằng mình nên nhường ghế cho cụ già vừa bước lên xe, nhưng bạn vẫn ngồi trên ghế, trong khi bạn kia nhanh chóng nhường lại chỗ của mình. Chắc chắn mọi người trên xe sẽ dành cho hai bạn hai ánh mắt khác nhau, ánh mắt không thiện cảm sẽ không hướng vào ai khác ngoài bạn. Bạn không phải một người ích kỷ, nhưng sự chần chừ trong hành động của bạn lại khiến người khác nghĩ bạn thật ích kỷ.

Trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, câu nói trên cũng hoàn toàn đúng đắn. Nhiệm vụ của chúng ta là "Rèn đức – luyện tài vì ngày mai lập nghiệp". Không ngừng nâng cao năng lực và hoàn thiện bản thân, giúp ích cho xã hội, đưa đất nước phát triển. Đó là những lý tưởng, phẩm chất tốt đẹp, là “đức hạnh” của việc rèn luyện, tu dưỡng đó. Nhưng nếu chí trong suy nghĩ, chỉ là lý tưởng không thì điều đó sẽ không có giá trị. Bạn đặt lịch báo thức và không ngừng tự nhủ mình nhất định phải dậy sớm học bài, tuy nhiên sáng hôm sau trời quá lạnh và bạn bỏ qua dự định tối qua của mình. Điều đó chỉ nói lên rằng bạn là người không có bản lĩnh, chỉ nghĩ thôi chứ không làm. Phải dùng hành động để chứng minh quyết tâm, đạo đức của mình, tự giác thường xuyên rèn luyện thể chất, chăm lo sức khoẻ bản thân. Không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực học tập và biết vận dụng hiệu quả những tri thức đã học vào cuộc sống…

Có những suy nghĩ tích cực, đồng thời cũng phải có những hành động cụ thể, ý nghĩa. Dù chỉ là những điều nhỏ nhất như yêu thương gia đình của mình, hiếu thảo với ba mẹ cũng đừng ngại ngần thể hiện nó ra bằng hành động. Sự giúp đỡ nhỏ bé hay những cái ôm chắc chắn sẽ khiến ba mẹ của bạn hạnh phúc hơn rất nhiều. Trong cộng đồng, tham gia một cách tự nguyện, tự giác, nhiệt tình các hoạt động xã hội, từ thiện được tổ chức. Không chỉ tránh xa mà còn phải tích cực đấu tranh chống lại những tệ nạn xã hội có sức cám dỗ và những thói quen xấu. Để có hành động đúng đắn, bạn cũng nên suy nghĩ kỹ càng thấu đáo tránh những sai lầm không đáng. Hiểu được " Phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động" rồi, chúng ta cũng cần có cái nhìn toàn diện, đặt trong hoàn cảnh cụ thể khi nhìn nhận một sự việc, một con người. Tránh quan điểm thụ động, một chiều.

Mỗi học sinh chúng ta, khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải cố gắng rèn luyện đạo đức và trau dồi kiến thức. Yêu thương và cống hiến nhiều hơn, cư xử tốt đẹp hơn để cuộc sống thêm nhiều niềm vui.

“Ý nghĩa là nụ hoa.

Lời nói là bông hoa.

Việc làm mới là quả ngọt.”

Bài mẫu số 2: Suy nghĩ  về câu nói “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”

Giúp một bà cụ qua đường, tìm mẹ cho một em nhỏ bị lạc, hay đơn giản chỉ là một nụ cười khi ta gặp môt người quen ngoài đường, tất cả đã góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách của mỗi con người chúng ta.

Bài làm

Những phẩm chất cao quí trong tâm hồn con người luôn là một mục tiêu mà chúng ta vươn tới. Đó chính là đức hạnh. Những phẩm chất đó tô điểm cho tâm hồn chúng ta, làm chúng ta luôn hoàn thiện bản thân mình. Muốn thế, chúng ta phải thể hiện qua hành động, qua hành vi cử chỉ hằng ngày của chúng ta. Và vì vậy,"mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động".

Đức hạnh là gì? Đức hạnh là những gì cao quí nhất, trong sáng nhất trong tâm hồn của mỗi con người chúng ta. Hành động là gì? Hành động là những gì biểu hiện ra bên ngoài, qua đó thể hiện những tính cách của mỗi người. Những phẩm chất và hành động của con người là khác nhau, tạo nên sự khác biệt trong tính cách của mỗi thành phần trong xã hội.

Vậy chúng ta phải làm gì để có được những phẩm chất cao quí và trong sáng mà chúng ta gọi là đức hạnh? Thật ra, đức hạnh là một điều không khó để vươn tới. Nó không quá cao siêu, chỉ là những gì nhỏ nhất đủ để đánh giá một con người. Giúp một bà cụ qua đường, tìm mẹ cho một em nhỏ bị lạc, hay đơn giản chỉ là một nụ cười khi ta gặp môt người quen ngoài đường, tất cả đã góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách của mỗi con người chúng ta. Như thế, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn với mọi người, làm cho quan hệ giữa người với người càng trở nên tươi đẹp và góp phần biến xã hội chúng ta thành một nơi "tốt hơn cho bạn và cho tôi".

Đức hạnh chỉ đơn giản, không cầu kì, phức tạp để đạt được. Nhưng chúng ta không nên quá đơn giản nó đi. Đừng chỉ nghĩ mà không làm rồi sau đó ru ngủ bản thân rằng: "những gì mình làm đã là tốt nhất". Nghĩ phải đi đôi với hành động, và những phẩm chất đó cũng cần hành động để thể hiện chúng ta. Bây giờ, mở lòng mình ra với thế giới bên ngoài, nhìn xung quanh và hãy bắt đầu hành động. Không khó để xây dựng đức hạnh trong mỗi con người chúng ta.

Bây giờ, chúng ta là thanh niên, là thế hệ tương lai và kế cận của xã hội sau này. Hãy xây dựng một hình ảnh, một tính cách bằng những hành động của chúng ta, bắt đầu bằng những hành vi nhỏ nhất, để xã hội ngày càng tươi đẹp và tốt hơn. "Cho bạn và cho tôi, cho tất cả mọi người.". Và hãy nhớ rằng, "mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động".

Bài mẫu số 3: Nêu suy nghĩ gì về câu nói của M. Xi-xê-rông

Những hành động, việc làm tốt đẹp không chỉ đem lại niềm vui, cứu giúp những người xung quanh mà ngay chính bản thân những người thực hiện hành động đó cũng có niềm vui, sự hạnh phúc.

Bài làm

Đối với Mạnh Tử “nhân nghĩa” không chỉ dừng lại là lòng yêu thương con người mà nó cần phải được biểu hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể. Và những nhà tư tưởng lớn dù ở những không gian, thời gian khác nhau vẫn luôn có những ý tưởng chung như vậy, nhà triết học La Mã cổ đại M. Xi-xê-rông, cũng nhận xét: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.

Đức hạnh là những phẩm chất đạo đức tốt đẹp tồn tại trong mỗi con người. Đó là tình yêu thương, sự cảm thông, sẻ chia, giúp đỡ những người xung quanh,… những biểu hiện tuy bé nhỏ nhưng đó chính là đức hạnh. Đức hạnh tốt sẽ là khởi nguồn cho những hành động tốt. Hành động là những việc làm cụ thể, thiết thực với bạn bè, người thân hay ngay cả với những người xa lạ khi họ gặp phải khó khăn, bất hạnh. Câu nói của nhà triết học Hi Lạp cổ đại đã cho thấy sự thống nhất giữa những nét đẹp trong nhân cách, phẩm chất của con người luôn đi đôi với hành động của chính bản thân họ.

Quả thực phẩm giá và đức hạnh của mỗi người sẽ được biểu hiện rõ ràng và cụ thể nhất qua chính hành động của người đó. Nếu chỉ nói mà không làm thì đó chẳng phải là lời nói suông đó sao. Trong cuộc sống mỗi chúng ta sẽ có những cách riêng để bộc lộc tính cách, phẩm chất của bản thân, nhưng cách ngắn nhất và nhanh nhất chính là qua hành động của bạn với những người xung quanh. Bạn thấy một đứa trẻ lang thang đói rách, nếu yêu thương, xót xa bạn sẽ mua cho chúng chiếc bánh, cái áo. Bạn thấy một cô gái trên xe bus bị móc túi, hành động đúng đắn không phải lơ đi mà chính là ra tay giúp đỡ cô ấy, bắt lấy kẻ ăn trộm,… Những việc làm thiết thực, cụ thể mới là minh chứng rõ ràng nhất để mọi người thấy được nhân cách cao đẹp của bạn. Như vậy, ta có thể thấy rằng, hành động chính là thước đo tin cậy, xác đáng nhất để đánh giá bản chất, vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn của con người, cũng đúng như mọi người vẫn nói: “Đừng nghe anh ta nói, hãy xem anh ta làm”.

Những hành động, việc làm tốt đẹp không chỉ đem lại niềm vui, cứu giúp những người xung quanh mà ngay chính bản thân những người thực hiện hành động đó cũng có niềm vui, sự hạnh phúc. Beetoven đã từng chia sẻ rằng: “Trong cuộc sống không có cái gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác”. Như vậy, thực hiện một hành động tốt, một nghĩa cử cao đẹp sẽ đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc vô hạn cho mỗi chúng ta.

Biểu hiện của một người có tấm lòng, nhân cách tốt có khi rất nhỏ bé, đơn giản là giúp đỡ một bà cụ qua đường, là dám đứng lên nói ra kẻ đang móc túi,… Nhưng cũng có khi là những hành động, việc làm phi thường. Những ngày vừa qua, chúng ta không khỏi vui mừng và biết ơn những người lính cứu trợ quả cảm đã anh dũng cứu một đội bóng đá nhí ở Thái Lan bị mắc kẹt trong hang nhiều ngày. Và một trong những số những người anh hùng ấy đã anh dũng hi sinh trong quá trình dò đường vào hang để giải cứu các em. Những nghĩa cử, hành động cao đẹp đó, cả đời này chúng ta sẽ không bao giờ quên. Nó cũng đem đến cho chúng ta một bài học về sự cống hiến và hi sinh thầm lặng trong cuộc sống.

Nhưng bên cạnh những người sống có đạo đức, luôn quan tâm, giúp đỡ người khác bằng những hành động thiết thực, lại có rất nhiều kẻ sống giả tạo, dối trá. Chỉ có lời nói đơn thuần, không có những hành động cụ thể giúp đỡ người khác. Hoặc sống vị kỉ, chỉ nghĩ cho riêng bản thân, chăm lo cho lợi ích cá nhân. Hoặc cũng có những kẻ khi thực hiện hành động của mình lại nhằm phục vụ lợi ích cá nhân, không mang tính tự nguyện đây cũng là một hành vi đáng lên án. Khi giúp đỡ những người xung quanh chúng ta phải giúp bằng một trái tim chân thành, không vụ lợi, chỉ có như vậy hành động của bạn mới trở nên ý nghĩa.

Nhà triết học Hi Lạp cổ đại đã đem đến cho chúng ta những lời khuyên chân thành, quý giá trong cuộc sống. Câu nói đã khẳng định sự gắn bó thống nhất giữa lí tưởng, nhân cách cao đẹp với hành động trong thực tiễn của mỗi con người. Là một học sinh, đang trong quá trình tu dưỡng và rèn luyện đạo đức chúng ta phải tích cực học tập, tu dưỡng nhân cách, dám nhìn nhận những sai lầm và sửa chữa, không ngừng hoàn thiện để bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Trong quá trình đó, không tránh khỏi những lúc sợ hãi khi gặp khó khăn, bị cám dỗ bởi nhiều yếu tố xung quanh. Những lúc như vậy cần mạnh mẽ, kiên định, để không bị tha hóa về nhân cách, tinh thần.

Yêu thương, không chỉ là lời nói, nó còn là hành động, là việc làm cụ thể thiết thực. Nếu mọi người luôn yêu thương, quan tâm nhau bằng những hành động thiết thực thì xã hội sẽ càng trở nên tốt đẹp hơn, các tệ nạn xã hội sẽ được đẩy lùi.

Bài mẫu số 4: Nghị luận câu nói “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”

Đừng vì lối sống ích kỉ tầng thường của cá nhân mà hãy suy nghĩ kĩ chứ đúng rồi hẵng làm. Những cái đó sẽ làm cho bạn tụt lùi trong xã hội và khiến những người xung quanh chỉ thêm xa lánh bạn, bạn sẽ thấy cuộc sống thật là chán nản và đầy bóng tối.

Bài làm

Mỗi một con người đều có những phẩm chất riêng và họ cũng thể hiện những phẩm chất của mình qua nhiều cách khác nhau không ai giống ai. Nhưng rồi chúng ta mới nhận ra rằng mọi phẩm chất và đức hạnh đều được thể hiện qua hành động. Chính vì thế nhà văn Pháp M.Xi-Xê-Rông nói : “ Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.

Vậy “phẩm chất của đức hạnh” là gì? Là những đạo đức và tính nết tốt đẹp của con người trong cuộc sống. Và trong ai cũng cũng phẩm chất này chỉ là họ có muốn thể hiện ra hay không thôi. Không phải ai sinh ra cũng biết hết được những điều này mà phải trải qua một quá trình học tập rèn luyện lâu ngày ta mới hiểu được phẩm chất đức hạnh là như thế nào.

“ Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động” có nghĩa là những đạo đức, tính nết tốt đẹp được con người thể hiện trong từng ngày động thường ngày như lời ăn tiếng nói, các mối quan hệ giữa con người với con người. Rồi dần dần ta mới thấy rõ được tầm quan trọng của những phẩm chất và các hành động mang lại cho bản thân và xã hội như thế nào.

Hành động được xem như là một cái thước đo đánh giá đức hạnh, nhân cách của một con người, một tập thể, một cộng đồng dân tộc , một đất nước tươi đẹp. Đồng thời hành động là sự chuyển hóa kết tinh của nhiều phẩm chất tốt đẹp khác.

Dân tộc ta từ xưa đến nay luôn đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người và đúc kết thành những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ và đến bây giờ vẫn còn được lưu truyền và phát huy trong dân gian như “ Trăm nghe không bằng một thấy”… Đồng thời cũng ra sức phê phán những thói quen tật xấu trong xã hội “ Nói như rồng leo, làm như mèo mửa”.

Đặc biệt khi đất nước còn bị xâm lăng những phẩm chất tốt đẹp ấy lại được thể hiện rất rõ. Đất nước ta đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến oanh liệt để có được hòa bình như hôm nay đó là nhờ những lí tưởng và hành động đẹp của những con người đã hiến dâng cuộc đời mình để bảo vệ đất nước như anh Nguyễn Văn Trỗi, chị Võ Thị Sáu, Bà Tưng, Bà Triệu, Nguyễn Huệ… Hãy những con người nông dân bình thường họ cũng xung phong ra chiến trường để cùng chiến đấu bảo vệ đất nước. Đó là những phẩm chất tốt đẹp và đều được thể hiện qua hành động mà bao năm tháng đã trôi qua chúng ta vẫn luôn cảm thấy tự hào và nhớ đến những con người cao đẹp này.

Đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương cao đẹp và sáng chói của cả dân tộc Việt Nam với những hành động cao đẹp của Người. Bác đã hiến dâng cả cuộc đời vì dân vì nước mà chấp nhận ra đi tìm đường cứu nước. Bác đã đi đến nhiều nước như Liên Xô, Pháp, Mĩ Latinh…và rồi bác đã tìm ra con đường cứu nước cho cả nhân tộc để lập nên nước Việt Nam Dân Chủ cộng Hòa. Bảy mươi chín mùa xuân của bác là những bài ca về hành động, về đức tính vì dân vì nước.

Còn hiện nay khi đất nước hòa bình những phẩm chất tốt đẹp được con người thể hiện qua những hành động trong cuộc sống hàng ngày như giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia sẻ những khó khăn vấp ngã trong cuộc sống và tạo ra niềm vui tiếng cười cho cuộc sống. Như vậy đừng ngại ngần mà không thể hiện những hành động tốt đẹp các bạn nhé. Hành động nhỏ nhưng chứa đựng một tấm lòng lớn một ý nghĩa lớn làm cho cuộc sống hòa đồng hơn giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Như vậy bạn đang mang lại hạnh phúc đến cho người khác đấy và cho cả bản thân mình nữa.

Bởi mỗi một con người đều có một hoàn cảnh riêng đừng vì thế mà xa lánh, tự kiêu hay chà đạp nhân phẩm người khác thì chẳng khác nào bạn đang bôi nhọ chính danh dự của mình. Đừng vì lối sống ích kỉ tầng thường của cá nhân mà hãy suy nghĩ kĩ chứ đúng rồi hẵng làm. Những cái đó sẽ làm cho bạn tụt lùi trong xã hội và khiến những người xung quanh chỉ thêm xa lánh bạn, bạn sẽ thấy cuộc sống thật là chán nản và đầy bóng tối.

Có lẽ qua đó ta thấy rằng việc tu dưỡng và học tập của bản thân mình là rất hạn chế. Vì thế ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường chúng ta phải cố gắng tiếp thu, rèn luyện, chăm chỉ học tập bởi thầy cô và nhà trường không chỉ dạy cho chúng ta kiến thức mà còn dạy chúng ta cách làm người nữa.

Câu nói thật hay và rất đúng khiến ta phải suy nghĩ lại những hành động mà chúng ta đang làm là đúng với chuẩn mực của phẩm chất, đức hạnh hay chưa. Những hành động nhỏ không chỉ tôn tạo nên phẩm chất danh dự cá nhân mà còn mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người xung quanh làm cho xã hội ngày càng văn minh giàu đẹp hơn.

Bài mẫu số 5: Nêu cảm nghĩ về câu nói “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”

Một xã hội tốt đẹp là một xã hội có những con người làm nhiều việc tốt, biết tu dưỡng bản thân, hoàn thiện tâm hồn. Điều đó được xuất phát từ đức hạnh ta hay cũng chính là sự thể hiện của một con người có mọi phẩm chất tốt đẹp từ đức hạnh.

Bài làm

Khi mỗi người trong chúng ta làm một việc tốt, bất kể là việc gì, có ai biết rằng chúng ta đang thể hiện đức hạnh của chính mình. Hay nói cách khác những lời của nhà văn Pháp M. Xi-xê-rông: " Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động".

Mỗi con người khi sinh ra đều co mặt tốt và mặt xấu. Trong mặt tốt, một phần chính là đức hạnh của mỗi người. Đức hạnh là đạo đức, là phẩm chất, là những đức tính tốt đẹp của con người, có sẵn hay phải trải qua quá trình rèn luyện mới có được. Hành động có thể được định nghĩa là những việc làm có thể được bộc lộ hằng ngày, và quan trọng hơn đó là sự thể hiện của đức hạnh. Đó cũng chính là phần còn lại của mặt tốt trong mỗi người. Cả câu nói của nhà văn M. Xi-xê-rông mang ý nghĩa như chính nghĩa gốc của nó. Mọi phẩm chất tốt đẹp cần được thể hiện ở trong những hành động cụ thể.

Một người không phải tự nhiên được biết đến là có đức hạnh, mà điều đó còn phụ thuộc vào những việc làm ý nghĩa mà người ấy đã làm. Đơn giản hơn, đó chỉ là những công việc bình thường, như giúp đỡ người già qua đường nhường chỗ cho phụ nữ và trẻ em trên xe buýt hay biết quan tâm đến người khác và đối xử tốt với mọi người xung quanh. Đó chi là những công việc nhỏ hằng ngày được xuất phát từ một tâm hồn trong sáng, luôn hướng về cái dẹp, cái thiện, điều đó sẽ chính là sự thể hiện của đức hạnh.

Người ta thường nói rằng: "Ý nghĩa là nụ, Lời nói là bông hoa, Việc làm mới là quả ngọt."

Khi ta có ý nghĩa về một việc làm tốt, ta cần nói ra để xem xét. Nhưng không phải là nói suông, ta cần phải thực hiện điều đó. Chúng ta làm điều đó bằng tất cả tấm lòng, biến những điều ấy từ suy nghĩ, lời nói thành vệc làm như thế, như vậy mới tạo thành "quả ngọt". Tuy vậy, vẫn có một số trường hợp cần được xem xét trong từng hoàn cảnh. Nói dối được xem là một hành động xấu và sai. Nhưng trong trường hợp một bác sĩ phải nói dối về bệnh tình của bệnh nhân để người ấy yên tâm tiếp tục điều trị, đó lại là một hành động cao cả. Thế nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều những kẻ thiếu đức hạnh. Họ nói ra những điều lớn lao, cao cả nhưng hành động thì ngược lại, vì thực chất, họ làm vậy vì những mục đích ích kỉ riêng cho chính họ. Chúng ta không loại bỏ họ mà phải làm thay đổi được những con người ấy.

Một xã hội tốt đẹp là một xã hội có những con người làm nhiều việc tốt, biết tu dưỡng bản thân, hoàn thiện tâm hồn. Điều đó được xuất phát từ đức hạnh ta hay cũng chính là sự thể hiện của một con người có mọi phẩm chất tốt đẹp từ đức hạnh. Nhạc sỹ thiên tài người Đức Beettoven có nói "Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác". Ý kiến đó có còn nguyên giá trị trong cuộc sống của ngày hôm nay? "Hạnh phúc" chính là cuộc tốt đẹp; niềm vui, sự thỏa mãn về mặt tinh thần, tình cảm của con người... Còn "cao quý" và "tốt đẹp" là những cụm từ có ý tôn vinh, ca ngợi. Câu nói "Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác" của Beettoven thể hiện quan niệm sống đẹp, khẳng định, ca ngợi quan niệm sống hướng về cống hiến, vị tha... Trong cuộc sống, ai cùng tìm kiếm hạnh phúc nhưng quan niệm về hạnh phúc của mỗi người khác nhau. Có người coi sự thỏa mãn vật chất, tình cảm của riêng mình là hạnh phúc. Nhưng cũng có không ít người quan niệm hạnh phúc là cống hiến, là trao tặng. Đối với họ, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết hi sinh cho hạnh phúc nhân loại. Beethoven quan niệm như thế. Những người biết sống vì người khác, đem lại hạnh phúc cho người khác, là những người có tấm lòng nhân hậu; có cuộc sống đầy ý nghĩa cao cả, đáng trân trọng.. Thật vậy, trong cuộc sống nếu chúng ta đem lại được hạnh phúc cho người khác thì quả là tuyệt vời. Hạnh phúc đó có thể dễ dàng có được khi ta giúp đỡ một cụ già qua đường, hay nhường chỗ cho một phụ nữ có thai trên xe buýt... Tất cả những điều đó thật đơn giản nhưng đã mang lại hạnh phúc cho người khác, làm mọi người vui vẻ. Và không dừng ở đó, hạnh phúc cũng ở tại với chúng ta khi ta làm được một điều tốt đẹp, có ích cho người khác, cho xã hội. Hành động cao cả và tốt đẹp hơn, to lớn hơn chính là hạnh phúc của sự bình yên mà các anh bộ đội, các chiến sỹ Cách mạng đã đem lại cho chúng ta. Tất cả những hy sinh của các anh chỉ để đem lại hạnh phúc cho chúng ta, cho dân tộc. Hạnh phúc ở đây là sự độc lập, tự do cho cả dân tộc. Thật cao quý và tốt đẹp đáng tôn vinh nhường nào!

Việc đem hạnh phúc cho người khác thật đơn giản nhưng cũng rất cao quý. Tuy nhiên trong xã hội vẫn còn nhiều người ngay cả việc nhỏ nhất họ cũng không làm. Một số họ chỉ biết có bản thân, toàn đem lại bất hạnh cho người khác. Trong gia đình, chúng ta cần lên án những người chồng vũ phu, đánh đập vợ con hoặc những đứa con bất hiếu chỉ ăn chơi, thoả mãn nhu cầu cá nhân, làm cha mẹ đau lòng. Tại sao những con người ấy lại nhẫn tâm đem lại bất hạnh cho chính những người thân yêu nhất của mình?... Ngoài xã hội, hiện có một lóp thanh niên, thay vì giúp đỡ người già yếu, họ lại lợi dụng để cướp giật, móc túi... Những kẻ lấy sự bất hạnh của người khác làm hạnh phúc của mình cần đáng bị trừng trị!. "Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác". Đó là một quan điểm sống mang tính nhân văn. Nêu có một điều ước thì tôi sẽ ước cho tất cả mọi người trên thế giới này đều được hạnh phúc. Muốn vậy, ngay từ bây giờ mỗi người chúng  hãy cố gắng làm thật nhiều điều, dù lớn, dù nhỏ, để đem lại hạnh phúc cho mọi người, cho gia đình và cũng là cho bản thân chúng ta..

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 12


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com