Đề 3: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình

Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình

[toc:ul]

Bài mẫu số 1: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình

Học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình là những mục đích ở mức độ cao hơn, mang giá trị thực tế hơn, yêu cầu người học đưa những kiến thức tiếp thu được áp dụng vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề thực tiễn, chung sống cùng mọi người xung quanh và thể hiển, khẳng định giá trị, năng lực của chính mình.

Bài làm

Cuộc sống ngày càng phát triển, con người càng ý thức được vai trò của tri thức và việc học tập. Học tập không chỉ để nâng cao, hoàn thiện bản thân mà còn khẳng định tài năng, vị trí của mình trong cuộc đời. Đó là mục đích của học tập, giống như UNESCO đề xướng: "Học để biết,học để làm,học để chung sông, học để tự khẳng định mình "

Trước tiên ta cần hiểu, học tập là gì? Học tập là hoạt động tiếp thu những tri thức về khoa học kĩ thuật, văn hóa xã hội mà nhân loại đúc kết được qua từng giai đoạn lịch sử. Có nhiều phương tiện và phương pháp học tập khác nhau, học thầy, học bạn, học từ sách vở và học trong thực tế. Học tập là cả quá trình, học tập phải không ngừng, ở mọi lúc mọi nơi. Mục đích học tập là động lực thúc đẩy và định hướng, đồng thời là đích đến  cho hoạt động học tập của con người.

Mục đích học tập được tác giả câu nói đề xướng như thế nào? Học để biết là mục đích cơ bản nhất của việc học tập, học để có thêm hiểu biết. Đó là những hiểu biết cơ bản về các lĩnh vực trong cuộc sống. Học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình là những mục đích ở mức độ cao hơn, mang giá trị thực tế hơn, yêu cầu người học đưa những kiến thức tiếp thu được áp dụng vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề thực tiễn, chung sống cùng mọi người xung quanh và thể hiển, khẳng định giá trị, năng lực của chính mình.

Học để làm là học tập để lao động sáng tạo, tạo ra của cải vật chất để nuôi sống bản thân, gia đình, giúp ích cho xã hội. Sinh viên Y dược học để khám chữa bệnh, sinh viên trường xây dựng học để trở thành kỹ sư,... sinh viên trường nông nghiệp học để nghiên cứu ra những giống cây trồng mới hơn... Mục đích của việc học là vận dụng lý thuyết tri thức vào kiến tạo xã hội, để làm việc, sinh sống.

Học để chung sống lầ học cách hòa nhập với cộng đồng, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Học những đạo lý, những điều hay lẽ phải để sống chan hòa hơn, để thành công trong cuộc sống. Vì chúng ta sống trong một tập thể, không phải cô độc một mình, cần học cách chung sống với người khác. Có nhiều người thành công nhưng vì không biết tạo dựng mối quan hệ mà sống lẻ loi, không hòa nhập, không cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ. Thậm chí có những người bị người thân, bạn bè xa lánh. Chính vì vậy, học tri thức chúng ta còn phải học kĩ năng sống, học ứng xử, đối đãi với người khác.

Và học để tự khẳng định mình chính là mục đích thực sự của học tập. Mỗi chúng ta sinh ra đều có giá trị của mình, học tập là để phát huy khả năng, những điểm mạnh của mình, khẳng định năng lực, ưu điểm của chính mình.  Để có thể khẳng định mình ở một hoạt động, lĩnh vực nào đó, người học phải có thành tích xuất sắc. Muốn vậy, không chỉ học tập kinh nghiệm của người khác mà còn phải sáng tạo, học cả những thất bại để tránh, như Bác Hồ từng dạy học cả cái tốt cái xấu, học cái tốt để phát huy học cái xấu để biết mà tránh. Học tập sáng tạo chính là cách để khẳng định mình.

Như vậy, mục đích học tập mà câu nói đề xướng thực sự đúng đắn và hoàn hảo, vừa hoàn thiện bản thân vừa đóng góp cho xã hội. Để đạt được mục đích ấy, người học cũng cần có hành động cụ thể. Trước hết cần nhận thức rõ ràng mục đích của việc học để đề xa phương hướng, đặt mục tiêu. Trong quá trình học tập, mỗi chúng ta cần nỗ lực, cố gắng không ngừng, biết kết hợp học với hành để kiểm nghiệm và vận dụng tốt nhất những điều đã học vào cuộc sống. Học tập mọi lúc mọi nơi, “học, học nữa, học mãi”. Hãy lấy đề xướng trên làm kim chỉ nan, học tập vì bản thân, vì xã hội và cống hiến, dựng xây quê hương.

“Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”thực sự là mục đích đúng đắn, phù hợp với thực tế cuộc sống. “Đứng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học”, hãy học tập để cùng chung tay kiến tạo cuộc sống tốt đẹp đồng thời thiết kế cuộc đời của chính mình.

Bài mẫu số 2: Nghị luận về mục đích của việc học

Ai ai cũng có thể khẳng định khi chúng ta có kiến thức, có hiểu biết, có năng lực, có khả năng chung sống. Từ việc học chúng ta có thể khẳng định khả năng lao động, sáng tạo và khẳng định khả năng nhân cách, phẩm chất,…

Bài làm

Con người ai cũng trải qua việc học, nhưng không phải ai cũng có ý thức học tập đúng đắn và chưa biết được mục đích đúng đắn của việc học. Học tập đang là vấn đề được quan tâm toàn xã hội. UNESCO là một tổ chức giáo dục – Khoa học – văn hóa của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”. Nhằm xác định mục đích học tập có tính toàn cầu.

Học để làm gì? Theo như mục đích về việc học tập mà UNESCO đề xướng thì mục đích đầu tiên chính là “học để biết”. Học để biết được về đời sống xã hội, tự nhiên và con người, nhờ học mà con người chúng ta mới biết được những điều thú vị trong cuộc sống, những nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Hằng ngày đi học, chúng ta nhận tri thức từ những lần nghe giảng của thầy cô hay từ sách vở nhưng đó chỉ là một phần kiến thức nhỏ mà chúng ta nhận được, muốn có kiến thức sâu rộng hơn chúng ta nên tìm hiểu, đào sâu những cuốn sách hay, đầy bổ ích. Hay tra trên mạng những điều thú vị xoay quanh chúng ta. Học là quá trình con người lĩnh hội kiến thức về Khoa học, kĩ thuật, xã hội, văn hóa và nhất là học để con người học cách chung sống với cộng đồng. “Học để biết” là quá trình con người tiếp nhận tri thức để mở mang tầm hiểu biết của mình.

Mục đích thứ hai mà UNESCO đã đề xướng đó chính là “học để làm”. Có câu “học đi đôi với hành”. Con người ta áp dụng những lí thuyết đã học vào trong cuộc sống hằng ngày, học lí thuyết chúng ta nên áp dụng để học thực hành.

“Làm” để tạo ra những giá trị vật chất cần thiết cho bản thân mình, cho đời sống xã hội. Học còn giúp chúng ta tìm được công ăn việc làm tốt sau này khi ra trường. Học mà không làm thì kiến thức mà mình đang nắm trong tay cũng như là bỏ đi.

“Học để chung sống” là mục đích thứ tiếp theo trong học tập. Đây cũng là mục đích quan trọng nhất. Học để có khả năng hòa nhập vào xã hội, có kĩ năng giao tiếp, ứng xử,… Học để thích nghi với mọi môi trường xung quanh, không để mình bị lạc hậu giữa mọi người xung quanh.

Và cuối cùng là: “học để tự khẳng định mình”. Học để tạo được vị trí đứng tốt nhất cho mình, thể hiện được sự tồn tại mình trong cuộc đời. Ai ai cũng có thể khẳng định khi chúng ta có kiến thức, có hiểu biết, có năng lực, có khả năng chung sống. Từ việc học chúng ta có thể khẳng định khả năng lao động, sáng tạo và khẳng định khả năng nhân cách, phẩm chất,…

Mục đích về việc học tập do UNESCO đề xướng ra rất có ích cho mỗi chúng ta. Từ các học sinh, sinh viên đều có thể tuân thủ theo mục đích đó mà có thể học tập đúng đắn hơn.

“Cái rễ của học hành thì cay đắng

nhưng quả của nó thì ngọt ngào.”

Khi chúng ta học tất nhiên sẽ cảm thấy khổ sở, mệt mỏi hay chán nản nhưng khi học tập chăm chỉ chúng ta sẽ nhận được những kết quả học tập tốt nhờ sự chăm chỉ học tập của mình.

Nhưng cũng vì thế mà có rất nhiều không chịu lo học, lười biếng, không coi việc học ra gì, chỉ biết ăn chơi. Cũng có không ít một số người nghĩ rằng “mình chỉ học cho bố mẹ vui lòng”. Nhưng họ đâu biết rằng, học chính là học cho mình, học để sau này mình có một công việc tốt hơn. Thay vì ngồi trong văn phòng máy lạnh làm việc còn hơn là làm công nhân, trời thì năng ngóng cũng phải làm việc.

Để học tốt thì chúng ta nên xác định được rõ mục tiêu của việc học. Học là để cho bản thân mình, phát huy được khả năng của mình sẽ thành công và đạt được những ước mơ mà mình muốn. Phải xác định được mục tiêu học tập đúng đắn.

Hiện nay có nhiều không coi việc học là điều cần thiết. Học chỉ vì bằng cấp, vì thành tích, học không có khả năng làm, không biết chung sống, không biết khẳng định mình. Nguyên nhân dẫn đến là có học, có bằng cấp nhưng ứng xử thì vụng về, lối sống không văn hóa.

Hoc – Học nữa – Học mãi, học giúp chúng ta không bị lạc hậu, học để khẳng định mình, học để khẳng định sự thành công của bản thân. Là một học sinh thì em sẽ có cố gắng học tập thật chăm chỉ, học đúng cách, đúng với mục đích. Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình.

Bài mẫu số 3: Suy nghĩ về mục đích việc học qua câu nói “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”

Chỉ khi có được mục tiêu học tập đúng đắn con người mới xác định rõ phương pháp học tập để mang lại kết quả tốt nhất. Điều đó đặc biệt quan trọng đối với những thế hệ thanh, thiếu niên, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Bài làm

Nước ta là nước ngàn năm văn hiến, luôn luôn đề cao vai trò của việc học. Song mỗi người lại có những phương pháp, mục đích học tập khác nhau. Nói về cách xác định đúng đắn mục đích của việc học, UNESCO đã từng đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình". Lời nhận định trên của UNESCO đã một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của việc xác định mục đích học tập đúng đắn đối với mỗi cá nhân.

Học là quá trình con người lĩnh hội kiến thức về khoa học kĩ thuật, văn hóa xã hội và nhất là học để con người học cách chung sống cùng cộng đồng. Quá trình học của con người diễn ra một cách liên tục, người ta học ở mọi lúc và mọi nơi. Như nhà cách mạng vĩ đại nước Nga đã từng nói: "Học, học nữa, học mãi" (Lê-nin). "Học để biết" là quá trình con người tiếp nhận tri thức để mở mang hiểu biết cá nhân. "Học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình" là cách con người ta áp dụng những lí thuyết vào trong thực tế lao động và sản xuất, học cách đối nhân, xử thế trong cuộc sống thường nhật. Và từ việc học để biết, học để làm, học để chung sống sẽ tạo cho mỗi cá nhân một vị thế, một chỗ đứng riêng trong xã hội để tự khẳng định mình.

UNESCO đã khẳng định vai trò to lớn của việc xác định mục tiêu học tập đúng đắn của mỗi cá nhân. Chỉ khi có được mục tiêu học tập đúng đắn con người mới xác định rõ phương pháp học tập để mang lại kết quả tốt nhất. Điều đó đặc biệt quan trọng đối với những thế hệ thanh, thiếu niên, những chủ nhân tương lai của đất nước. Hơn thế nữa điều này còn phù hợp với đất nước ta khi đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.

Mục đích đầu tiên của việc học mà UNESCO đề cập tới là "học để biết". Mục tiêu này được đặt lên hàng đầu là bởi: Kho tàng trí tuệ của nhân loại là vô tận mà con người chỉ như một hạt cát giữa sa mạc hay một giọt nước giữa đại dương mênh mông. Con người phải không ngừng học tập để tiếp nhận và bắt kịp với những tri thức đang ngày càng mở rộng của nhân loại. Học mở mang trí tuệ, hiểu biết cho ta, dẫn dắt ta vào những chỗ sâu sắc, bí ẩn của thế giới xung quanh, từ sông ngòi, rừng núi cho tới vũ trụ bao la. Học đưa ta vào những thế giới cực lớn như thiên hà, hoặc cực nhỏ, như thế giới của các hạt vật chất. Học đưa ta vượt thời gian, tìm về với những biến cố lịch sử xa xưa hoặc chắp cánh cho ta tới ngày mai, và để hiểu sâu sắc hơn về thực tại. Quan trọng hơn cả việc học để biết sẽ tạo nền tảng cho việc thực hiện và áp dụng vào công việc sau này. Vậy nên con người phải không ngừng lĩnh hội những tri thức của nhân loại để làm giàu thêm hiểu biết cá nhân.

Chỉ khi con người đã lĩnh hội tri thức và vận dụng nó một cách thuần thục vào đời sống thì việc học tập đó mới thực sự là có ý nghĩa: "học để làm". Thực hành bằng chính sức lực của mình sẽ giúp con người kiểm tra được mức độ hiểu biết của bản thân. Không phải bất kì ai học giỏi là sẽ làm tốt. Khi các đề án, dự thảo của những giáo sư, tiến sĩ không được áp dụng vào thực tế thì đó chỉ là những lí thuyết suông. Những thứ ấy trở nên vô giá trị khi chỉ được lưu giữ trong bảo tàng, trong thư viện như một kỉ niệm lịch sử. Bởi việc học và hành phải đi liền với nhau mới mang lại kết quả cao. "Học để biết" sẽ giúp cho "học để làm" được thuần thục và tránh được những sai sót không đáng có trong việc áp dụng lí thuyết vào thực tế.

Mặc dù không được học tập một cách bài bản như những giáo sư hay tiến sĩ, song những người nông dân lại biết vận dụng một cách sáng tạo những gì họ chứng kiến và họ hiểu rõ mục đích , cái mà họ thực sự cần trong đời sống sản xuất. Họ học trên chính ruộng đồng, trên những luống cày, họ học bằng chính mồ hôi và nước mắt. Họ đúc rút từ quá trình lao động và tự đi tìm kiếm những giải pháp giúp cho cuộc sống đỡ vất vả, khó khăn, để sản lượng nông nghiệp đạt hiệu quả cao mà lại ít tốn công sức hơn. Nhà khoa học Lương Định Của đã tạo ra những giống lúa mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt cho những người nông dân. Không những vậy ông còn là người biết áp dụng những gì đã nghiên cứu vào đời sống thực tại. Trong một lần đi trên đường, ông nhìn thấy bà con cấy dưới ruộng ông đã khuyên mọi người cấy ngửa tay cho nhanh và cây lúa sẽ nhanh bén rễ. Mọi người tưởng rằng đó chỉ là những lí thuyết suông nên đã mời ông xuống cấy thi. Nhà khoa học nhận lời, bước xuống ô tô rồi ông xuống ruộng và cấy. Ông cấy thi với một chị cấy nhanh nhất ở đó. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn ông đã bỏ xa chị kia, ông không chỉ cấy rất nhanh mà còn rất thẳng. Từ đó bà con đều khâm phục ông bởi ông không chỉ là nhà khoa học giỏi mà hơn thế nữa ông còn biết áp dụng những điều đó vào trong thực tế một cách thành thạo. Ông thực sự đã trở thành tấm gương cho việc "học để làm" để người khác học tập.

Khi đã học để biết và áp dụng được những điều đó vào trong thực tế cũng là lúc con người phải học cách chung sống với cộng đồng. "Học để chung sống" là cách con người điều hòa các mối quan hệ trong cuộc sống hằng ngày và điều đó chỉ thực hiện được khi mỗi cá nhân biết lắng nghe và thấu hiểu cùng mọi người. "Học để chung sống" thực sự thành công khi bạn có khả năng làm cho người khác hiểu, tôn trọng mình. Chắc hẳn bạn đọc vẫn chưa quên hình ảnh của nhân vật Giăng Van-giăng trong tiểu thuyết "Những người cùng khổ" với câu nói nổi tiếng: "Trên đời, chỉ có một điều ấy thôi, đó là yêu thương nhau". Chính tình yêu thương, sự hi sinh cao cả của Giăng Van-giăng dành cho Cô-dét và Ma-ri-úyt đã khiến cho Gia-ve - một gã thanh tra cảnh sát độc đoán, lần đầu tiên cảm thấy mất phương hướng, nhảy xuống sông Xen tự tử. Không chỉ vậy, tình cảm cao quý ấy của ông đã giúp cho Phăng-tin, một người mẹ nghèo thất lạc con, được ra đi trong sự yên bình và thanh thản. Bằng ánh sáng của tình yêu thương Giăng Van-giăng đã đẩy lùi bóng tối của cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai. Giăng Van-giăng là hiện thân cao đẹp nhất của lẽ sống tình thương, của sự chung sống hết mình vì cộng đồng, vì người khác. Chính vì vậy, tác giả Huy-gô đã tạo cho tiểu thuyết sức sống mạnh mẽ vượt qua mọi giới hạn về không gian và thời gian.

Quá trình học tập diễn ra một cách liên tục và lâu dài vì thế đòi hỏi người học phải không ngừng tích lũy kiến thức, làm mới bản thân, và đặc biệt là không bao giờ được bằng lòng với những gì mà mình đã biết. "Học để tự khẳng định mình" là cách con người khẳng định bản thân với chính mình, mới có thể khẳng định mình với mọi người. Khi con người tự khẳng định được mình thì mới được mọi người công nhận, ngưỡng mộ, tôn trọng nhân cách của mình. Năm 2010, giáo sư Ngô Bảo Châu đã mang về vinh quang cho đất nước Việt Nam khi nhận giải thưởng Field về toán học tại Ấn Độ. Đây là giải thưởng cao quý nhất dành cho toán học thế giới. Trước khi giành được giải thưởng này, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng là một trong những nhà toán học hàng đầu thế giới. Song để khẳng định chính mình với bản thân, với cộng đồng giáo sư vẫn không ngừng học tập và để mang về vinh quang cho Tổ quốc như ngày hôm nay. Mục đích là ngọn đèn chỉ đường cho những việc làm, hành động cho con người. Chỉ khi có mục đích rõ ràng mọi người mới có thể tránh được những thiếu sót, sai lầm, điều chỉnh hành vi của thân. Việc học cũng như vậy, khi con người xác định được mục tiêu học tập đúng đắn là bước đầu cho sự thành công của con đường học vấn.

Ở trên đời có nhiều người đi học, nhưng ít người biết học cho thành tài là do họ thiếu hoặc vẫn chưa xác định được mục đích học tập đúng đắn. Do không xác định được mục tiêu học tập nên những người này dễ cảm thấy mệt mỏi, chán ngán với việc học, với họ học chỉ mang tính chất chống đối. Tác hại của việc không xác định được mục tiêu học tập đã dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc đang diễn ra trong xã hội hiện nay. Đó là hành vi quay cóp, sử dụng tài liệu trong thi cử hay cách sống buông thả của một bộ phận học sinh, sinh viên gây ra những tệ nạn xã hội hiện nay. Đây thực sự là tình trạng đáng báo động, khi đất nước ta đang trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất cần đến những thanh niên tri thức, giàu hiểu biết về khoa học-kĩ thuật. Họ đang không làm đúng với bổn phận của công dân. Qua đó, ta lại càng thấy được vai trò to lớn của việc xác định mục đích học tập đúng đắn mà UNESCO đã đề xướng.

Là một học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường tôi càng thấu hiểu vai trò của cách xác định mục đích học tập đúng đắn. Chỉ khi có được điều này ta mới có thể xác định phương pháp và cách thức học tốt nhất để mang lại hiệu quả học tập cao. Những bạn chưa xác định được mục đích học tập thì thường chán nản, bỏ bê việc học điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của họ sau này.

Tục ngữ Nga có câu: "Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học". Con người được đi học sẽ mở mang thêm hiểu biết làm giàu thêm tri thức nhân loại. Nên để cho việc học có hiệu quả cao thì mỗi người cần xác định cho mình một mục đích học tập đúng đắn có thể như UNESCO đã đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".

Bài mẫu số 4: Anh (chị) hiểu như thế nào về mục đích việc học

Bởi lẽ học không bao giờ là đủ, “học, học nữa, học mãi”. Mỗi người cần xác định định hướng cụ thể của mình trong việc học, để xây dựng nhân cách và khẳng định bản thân, đồng thời giúp xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, phồn thịnh hơn.

Bài làm

Ở mỗi thời đại, giáo dục luôn đóng vị trí quan trọng trong đời sống con người. Mỗi người đều phải trải qua sự học nhưng không phải ai cũng có ý thức xác định mục đích đúng đắn về việc học. Nói về vấn đề này, UNESCO có đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình.”

Quan điểm của UNESCO có ý nghĩa gì? Học là quá trình tiếp thu tri thức từ sách vở, thầy cô, bạn bè, từ những bài học thực tế cuộc sống. “Học để biết” trước hết là mục đích đầu tiên của việc học. “Biết” là tiếp thu, mở rộng kiến thức về đa dạng lĩnh vực của đời sống xã hội… Kiến thức của nhân loại vô cùng phong phú (đời sống tự nhiên, khoa học, văn hóa xã hội…) mà mỗi người chỉ là một giọt nước bé giữa đại dương tri thức. Vì vậy chúng ta cần không ngừng học hỏi, tìm kiếm, nghiên cứu, để từ không biết thành biết, biết ít thành biết nhiều và hiểu sâu sắc các vấn đề. Chỉ có học con người mới tự làm giàu phông kiến thức của mình và không bị lạc hậu so với thế giới đang chuyển mình liên tục từng ngày.

Thế còn “học để làm” được hiểu như thế nào? Người ta hay có câu “Học phải đi đôi với hành”, đúng vậy, mọi kiến thức lĩnh hội phải được vận dụng và áp dụng vào thực tế cuộc sống. UNESCO đề xướng ý kiến này, không chỉ là một mục đích mà còn là phương pháp học tập hiệu quả. Chỉ khi nắm chắc kiến thức thì ta mới sử dụng chúng để giải quyết và lựa chọn những giải pháp tốt nhất trong mọi vấn đề. Học mà không làm thì không tạo nên những giá trị vật chất, tinh thần cho bản thân và xã hội.

“Học để chung sống” là một mục đích của việc học. Nó chỉ khả năng hòa nhập xã hội, kĩ năng giao tiếp, ứng xử để thích nghi linh hoạt với môi trường sống và các mối quan hệ xã hội phức tập của con người. Mỗi chúng ta đều là những cá thể nhỏ trong tập thể cộng đồng lớn rộng, vì vậy để sống có ích thì những lý thuyết suông sách vở là không đủ, con người cần biết những đạo lý sống, cách đối nhân xử thế với mọi người. Từ đó hình thành ý thức rèn luyện nên nhân cách, hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ cao đẹp. Vậy chẳng phải là học để chung sống hay sao?

Và cuối cùng là “học để tự khẳng định mình”. “Tự khẳng định mình” là tạo lập được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân trong cuộc đời. Mỗi người chỉ có thể khẳng định bản thân khi có đủ hiểu biết, năng lực, kỹ năng… Để xác lập được vị trí nhất định và được xã hội công nhận, đó không phải là câu chuyện một sớm một chiều, mà phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện và tu dưỡng lâu bền. Đó chính là “học để tự khẳng định mình’’ đấy thôi.

“Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”, một tấm gương cao cả cho quan niệm trên là chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm không ngừng nghỉ học tập, trau dồi, tích lũy, Bác đã bôn ba khắp chốn và tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc. Bác không chỉ tự khẳng định mình, trở thành vị lãnh tụ vĩ đại muôn thời, mà còn khẳng định tầm vóc và vị thế của cả một đất nước trên trường quốc tế. Vậy tất cả chẳng phải là thành tích của quá trình học tập hay sao?

Như vậy, nội dung đề xướng về mục đích học tập của UNESCO hoàn toàn đúng đắn, đầy đủ, toàn diện. Quan điểm này phù hợp với yêu cầu đào tạo, giáo dục con người trong thời đại mới, nó không chỉ dành riêng cho lứa tuổi học sinh, sinh viên mà còn mang ý nghĩa với tất cả mọi người. Bởi lẽ học không bao giờ là đủ, “học, học nữa, học mãi”. Mỗi người cần xác định định hướng cụ thể của mình trong việc học, để xây dựng nhân cách và khẳng định bản thân, đồng thời giúp xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, phồn thịnh hơn.

Bài mẫu số 5: Mục đích của việc học qua câu nói “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”

Con người là tổng hòa của các mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần. Chính vì thế nên việc học không chỉ để hiểu biết để cống hiến mà còn để học cách chung sống. Học cách thích nghi với hoàn cảnh, để biết dung hòa các mối quan hệ xã hội để tạo cho xã hội một sự cân bằng nhất định.

Bài làm

Học tập là cả một quá trình dài đằng đẵng mà nhân loại ai cũng muốn tiếp thu càng nhiều kiến thức càng tốt. Nói về mục đích của việc học thì mỗi người sẽ có một ý kiến khác nhau. Người thì học để hiểu biết, người thì học để lấy vị trí, người thì lấy bằng cấp…. Bàn về mục đích học tập UNESCO đã đề xướng “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

Trước hết ta cần phải hiểu được học là gì? Học là cả một quá trình tiếp thu tri thức của nhân loại không chỉ trong sách vở mà còn là tiếp thu các kiến thức xã hội, ngoại giao, ứng xử… Học với mục đích mở rộng tầm hiểu biết, nâng cao trình độ văn hóa cũng như nhận thức của con người. Nói cách khác học là con đường ngắn nhất để con người có thể hoàn thiện chính bản thân mình.

Về mục đích học tập mà UNESCO đề xướng nó hoàn toàn đúng đắn với thời điểm hiện tại và sẽ có giá trị về sau này. Học đầu tiên với mục đích là để hiểu biết. Kiến thức của nhân loại được so sánh như biển cả mênh mông rộng lớn mà trong đó tri thức mỗi người chỉ như một giọt nước nhỏ bé giữa cái đại dương bao la ấy. Mỗi giờ phút trôi qua nhân loai chứng kiến biết bao nhiêu những công trình nghiên cứu khoa học ra đời và nếu không học thì con người chẳng bao giờ có thể tiếp cận được với nền văn minh của thế giới cả. Mãi mãi chúng ta chỉ là những người lạc hậu so với thời cuộc mà thôi. Học để biết, để am hiểu về cuộc sống về kiến thức để  biết mình biết người, biết nhìn nhận những điều tốt xấu xung quanh để đánh giá và nêu quan điểm cá nhân về nó. Đây là mục đích đầu tiên mà UNESCO muốn hướng tới.

“Học để làm”, khi đã hiểu được bản chất của vấn đề thì việc quan trọng thứ hai đó chính là áp dụng những thứ đã học được vào trong thực tiễn. Đây cũng giống như câu nói “học đi đôi với hành”. Nếu kiến thức của bạn không được áp dụng vào thực tế thì nó mãi mãi cũng chỉ là mớ lí thuyết suông vô vị mà thôi. Học với thực hành là hai việc song song tồn tại đồng nhất với nhau. Vừa để nắm vững lí thuyết đã học vừa là để thực nghiệm nó mang đến những giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, việc “học để làm” có vai trò vô cùng quan trọng. Xã hội không cần những ông tiến sĩ giấy, những người ngồi phòng lạnh để ra quyết định mà họ cần những người vừa có kiến thức lại vừa biết áp dụng nó vào thực tế.

“Học để chung sống” là mục đích thứ ba của việc học. Con người là tổng hòa của các mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần. Chính vì thế nên việc học không chỉ để hiểu biết để cống hiến mà còn để học cách chung sống. Học cách thích nghi với hoàn cảnh, để biết dung hòa các mối quan hệ xã hội để tạo cho xã hội một sự cân bằng nhất định. Đây là điều vô cùng quan trọng trong bất kì một xã hội nào. Bởi nếu bạn có bằng cấp có tri thức nhưng việc đối xử của bạn với mọi người hay nhìn nhận vấn đề xung quanh quá kém cỏi thì học cũng không có ý nghĩa gì.

Và mục đích cuối cùng mà UNESCO muốn hướng tới đó chính là “học để khẳng định mình”. Khẳng định mình ở đây là thể hiện được chỗ đứng bản thân, vị thế xã hội. Quả thực vậy con đường nhanh nhất đưa bạn đến với thành công đó chính là học thức. Nếu không có học vấn không có bằng cấp thì bạn chẳng có thể làm gì cả. Trên thực tế xã hội hiện nay họ rất cần những người có kinh nghiệm thực tế song có một hiện thực đó là để leo lên một vị trí nhất định thì bằng cấp là yêu cầu tối thiểu cần phải có. Sẽ chẳng có ai chấp nhận một ông chủ tịch mà không có nổi bằng tốt nghiệp đại học cả. Vì thế không còn cách nào khác để khẳng định được vị thế cũng như chỗ đứng bản thân trong xã hội thì bạn phải học.

Mục đích học mà UNESCO đề ra không chỉ đúng với giới trẻ hiện tại mà nó còn đúng với tất cả mọi người mọi lứa tuổi và mọi thành phần. Chúng ta sinh ra không ai có sẵn trong mình cả kho tàng kiến thức cả mà nó được chắt chiu trong cả một quá trình miệt mài học tập hàng ngày. Vì thế  dù bạn có là ai thì bạn cũng phải học, học thực sự chứ không phải việc học để lấy bằng cấp khoe khoang rằng mình học rộng

Lê nin đã từng nói “học, học nữa, học mãi” giá trị của câu nói ấy luôn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh và mọi giai đoạn. Con người chúng ta ai cũng cần phải học. Học để hiểu biết học để cống hiến và học để giúp mình đứng vững trong xã hội

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 12


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com