Bài làm
Thời xưa, con người ta chỉ mong muốn làm sao để được ăn no, mặc ấm còn thời nay người ta nâng lên thành ăn ngon, mặc đẹp. Thế nhưng, nhu cầu ấy đang bị đe dọa nặng nề bởi vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đang tràn lan trên thị trường.
Vấn đề thực phẩm bẩn là một hiện tượng phổ biến, đang diễn ra từng ngày, từng giờ: thịt có chất tạo nạc, rau có thuốc trừ sâu; đồ ăn chứa nhiều chất bảo quản, hóa chất, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Tin về thực phẩm bẩn vẫn được đưa lên mỗi ngày trên báo chí, thời sự và mạng xã hội. Cách đây ít lâu tin về những mẻ mực được hô biến thành màu sắc tươi ngon với một loại nước không nhãn hiệu rồi chuyển đến các chợ và nhầ hàng đã khiến người tiêu dùng hoang mang. Rồi những tin thu giữ mấy tấn nội tạng không rõ nguồn gốc, tin lô hoa quả được phát hiện đang ngâm thuốc...
Nhu cầu về thực phẩm là nhu cầu cơ bản và thiết yếu, hàng ngày, ai cũng phải sử dụng rau, thịt, cá… làm thức ăn, dẫu biết có thể có “ độc”, có “ hại” nhưng vẫn phải chịu. Không phải thực phẩm nào nhà cũng có thể trồng được, nuôi được mà dùng thì vẫn phải dùng, nên bắt buộc phải mua ở ngoài, bắt buộc chấp nhận điều đó.
Để rồi thực phẩm bẩn ngày càng hoành hành, gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Theo thống kê, số người chết vì bệnh ung thư, viêm màng não hay ngộ độc thực phẩm ngày càng có dấu hiệu tăng cao, mà một trong những nguyên nhân chính là “thực phẩm bẩn” chúng ta sử dụng hàng ngày. Thực phẩm bẩn vào trong cơ thể ta: nhiễm khuẩn – gây tiêu chảy, nhiễm độc – gây ngộ độc thực cấp. Theo cục an toàn thực phẩm (Bộ y tế) thì trung bình mỗi năm có khoảng 470 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 7000 người trúng độc và 37 người chết.
Nguy hiểm nhất là vấn đề thực phẩm bẩn có khả năng gây ung thư. Songkhoe.vn đưa tin ngày 13/4/2016: mỗi năm có 33.145 người chết do ung thư gây ra bởi thực phẩm bẩn. Nghĩa là mỗi giờ sẽ có 3 người chết vì nguyên nhân này. Cứ như vậy, thực phẩm bẩn gây ra tâm lí hoang mang cho toàn xã hội, khiến cho niềm tin giữa con người với con người dần mất đi. Đi mua bất cứ thứ gì cũng nghi kị, không tin xuất xứ. Đặc biệt, nó tác động tiêu cực đến cả nền kinh tế nước nhà.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này thì sao? Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới việc thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường đến là thái độ độc ác, ích kỉ của những người sản xuất thực phẩm. Các doanh nghiệp và nhà sản xuất muốn thu lợi nhuận một cách nhanh chóng nên bất chấp các quy định về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó còn do sự thiếu hiểu biết về hậu quả nghiêm trọng mà thực phẩm bẩn gây ra đối với người tiêu dùng. Nguyên nhân khác mà ta cần nói tới chính là xuất phát từ bản thân người tiêu dùng. Sự thiếu hiểu biết, tâm lí ham rẻ dẫn tới việc tiêu thụ sản phẩm một cách tràn lan, không chọn lọc, không có tâm lí đề phòng. Hành động ấy đang từng ngày từng giờ dẫn họ đến những hậu quả khó lường hết được. Ngoài ra cũng phải kể đến sự quản lí lỏng lẻo của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, chưa có những biện pháp xử lý thích đáng đối với các trường hợp vi phạm về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước tình trạng đó, một câu hỏi được đặt ra: cần phải làm gì để ngăn chặn vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ? Trước hết, cần nâng cao ý thức, tuyên truyền về nhận thức của người sản xuất trong xã hội về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo sức khỏe của xã hội. Phổ biến kiến thức nhằm nâng cao hiểu biết cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng về hậu quả khôn lường từ việc sử dụng, tiêu thụ thực phẩm bẩn gây nên. Nhà nước tăng cường kiểm soát, ra những quy định xử phạt các cơ quan sản xuất thực phẩm bẩn nghiêm minh. Và hơn ai hết, chính mỗi cá nhân, mỗi người tiêu dùng phải cần thật tỉnh táo trong việc chọn lựa thực phẩm cho bản thân và gia đình.
Vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đang tràn lan trên thị trường là vấn đề cấp bách. Để bảo vệ cuộc sống của chính mình và những người xung quanh, hãy tỉnh táo và thông minh.