Đề 6: Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

[toc:ul]

Bài mẫu số 1: Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Chiến tranh không thể tránh khỏi những mất mát, những đau thương, ngày quyết định lên đường đi bảo vệ Tổ Quốc, người lính đã sẵn sàng chấp nhận mọi kết quả có thể xảy ra. Anh hi sinh nhưng vẫn cầm chắc súng trong tay, vẫn một lòng hướng về Tổ Quốc. Câu thơ “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” còn gợi lên cảm xúc bi thảm, miêu tả hiện thực những năm tháng ấy, những người lính nằm lại nơi đất khách quê người.

Bài làm

Những năm tháng chiến tranh gian khổ mà hào hùng đã lùi xa vào quá khứ, nhưng dấu ấn mà nó để lại thì vẫn luôn còn mãi với thời gian. Đó không chỉ là những mất mát, những đau thương mà còn cả bức tượng đài bất tử về những người anh hùng dân tộc. Hình tượng người lính Tây Tiến trong bài thơ cùng tên của Quang Dũng chính là một tượng đài như thế.

Trong tác phẩm của mình, theo dòng chảy của nỗi nhớ, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình ảnh người lính Tây Tiến vừa hào hùng vừa hào hoa, can trường mà vô cùng lãng mạn. Trước hết chúng ta có thể cảm nhận được ở họ vẻ đẹp hào hùng và hào hoa. Họ đều xuất thân từ tầng lớp trí thức tiểu tư sản, rời chốn thị thành để đến vùng đất biên cương phía tây của Tổ quốc chiến đấu và bảo vệ biên giới Tổ Quốc. Trên quãng đường hành quân gian khổ, họ phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, trắc trở:

“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Hen hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Hiện thực cuộc sống khắc nghiệt, quãng đường hành quân hiểm trở khó khăn nhưng không thể làm mất đi tâm hồn lãng mạn, yêu đời của họ. Nét tài hoa lãng mạn được thể hiện trong cách cảm nhận núi rừng thiên nhiên gần gũi. Cảnh vật vốn dữ dội, và hiểm trở:“Dốc lên khúc khủy, dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời” nhưng trong cảm nhận của người lính nó lại hiện lên tuyệt đẹp và lãng mạn, thơ mộng.

Người đọc có thể tưởng tượng hình ảnh người lính vượt qua bao hiểm trở, dừng chân bên dốc núi cao và phóng tầm mắt nhìn ngang ra xa xa, thấy ngôi nhà nào đó thấp thoáng ẩn hiện trong không gian mù mịt sương mù, mây núi. Những địa danh như Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch, Pha Luông… rất xa lạ, làm tăng thêm ấn tượng về sự hoang sơ, kì vĩ, bí mật của rừng thiêng. Trên cái nền thiên nhiên hoang vu, hiểm trở, hùng vĩ đó, người lính Tây Tiến hiện lên đầy oai phong lẫm liệt và phi thường:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa,

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét,

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.”

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.”

Trong hoàn cảnh sống gian khổ cùng cực, ăn đói, bệnh tật, sốt rét đến xanh da, trọc tóc, họ vẫn hiện lên dáng vẻ phi thường. Quang Dũng đã miêu tả hình ảnh những người lính vừa chân thực lại oai hùng. Ông không né tránh hiện thực chiến tranh là những cơn sốt rét rừng khiến người lính tiều tụy, xanh xao, tóc rụng. Nhưng từ trong hiện thực ấy lại bừng sáng lên tinh thần của người lính. Họ chủ động đối mặt với những gian khổ nơi rừng thiêng, nước độc và bệnh tật để vượt lên làm chủ trong chiến đấu, chủ động đón nhận cả sự hi sinh:

 “Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời”

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

Chiến tranh không thể tránh khỏi những mất mát, những đau thương, ngày quyết định lên đường đi bảo vệ Tổ Quốc, người lính đã sẵn sàng chấp nhận mọi kết quả có thể xảy ra. Anh hi sinh nhưng vẫn cầm chắc súng trong tay, vẫn một lòng hướng về Tổ Quốc. Câu thơ “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” còn gợi lên cảm xúc bi thảm, miêu tả hiện thực những năm tháng ấy, những người lính nằm lại nơi đất khách quê người.

 “Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Người lính hi sinh, được chôn cất, đến ngay manh chiếu che thân cũng không có. Thế nhưng “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, hiện thực bi thảm nhưng tinh thần bi tráng, ngợi ca những con người đã anh dũng hi sinh chẳng tiếc bản thân mình, khi tuổi thanh xuân còn đang dang dở. Tiếng gầm của sông Mã như một khúc độc hành tiễn đưa người chiến sĩ về với lòng đất mẹ vĩnh hằng, gợi lên biết bao tiếc thương ngậm ngùi. Điều đó làm cho cái chết của người lính bi mà không lụy, bi tráng, hào hùng.

Người lính Tây Tiến không chỉ có vẻ đẹp hào hùng bi tráng mà còn mang trong mình vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa. Binh đoàn Tây Tiến hầu hết là những thanh niên chốn Hà thành tài hoa, nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc mà lên đường gia nhập đoàn quân. Chính chất tài hoa, nghệ sĩ từ sâu trong tâm hồn khiến họ rất nhạy cảm với những hình ảnh đẹp đẽ nên thơ, vẻ đẹp của cả thiên nhiên và con người.

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ.

Khèn lên man điệu nàng e ấp,

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

 

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?

Có nhớ dáng người trên độc mộc,

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Qua cái nhìn của tâm hồn lãng mạn, thiên nhiên Tây Tiến hiện lên thật độc đáo. Từ một làn sương chiều mờ ảo đến một dáng hoa lau núi phất phơ, đơn sơ, gợi cảm; từ một đêm hội đuốc hoa như trong truyện cổ tích đến những bông hoa “đong đưa” tình tứ bên dòng nước lũ, tất cả đều in rất đậm trong tâm hồn người lính, vẽ lên 1 bức tranh vừa thực vừa mộng. Hành trình chiến đấu đầy gian khổ, không tránh khỏi những hi sinh, nhưng những người lính vẫn mang trong mình niềm tin vào tương lai từ những chuyển biến lạc quan của hiện thực. Họ hạnh phúc, sung sướng khi ngửi thấy hương nếp hoa bừng lên, họ như được sống những ngày tháng ở quê hương. Họ trân trọng sự ấm áp của tình người nơi đây.

Đây là những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa đường hành quân. Người lính ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những người thiểu nữ nơi núi rừng, say mê hòa cùng tiếng khèn man điệu. Song, họ vẫn hướng về quê hương của mình:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Dáng kiều thơm trong nỗi nhớ của người lính gợi lên hình ảnh những người con gái Hà thành thướt tha trong tà áo dài trắng. Nó không hề thể hiện cái buồn rớt, mộng rớt của người trí thức tiểu tư sản như một số ý kiến đánh giá trước đây mà thể hiện sức mạnh tinh thần, động lực và chỗ dựa vững chắc để người lính yên tâm chiến đấu, giữ chắc tay súng bảo vệ biên giới. Họ nhớ về quê nhà với những dáng hình thân thương nhưng luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”

Có thể nói với sự kết hợp linh hoạt chất hiện thực và lãng mạn, Quang Dũng đã tạc dựng thành công hình tượng người lính Tây Tiến vừa hào hùng vừa hào hoa. Hình tượng ấy không chỉ góp phần đưa “Tây Tiến” trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học giai đoạn ấy mà còn khẳng định phong cách thơ Quang Dũng. Hình ảnh những người lính can trường, lạc quan, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước cho đến hôm nay vì lẽ đó vẫn luôn sống mãi trong lòng những người đang sống.

Bài mẫu số 2: Bài mẫu phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Chiến trường khốc liệt không thể mang lại cho người nằm xuống một nơi an nghỉ vĩnh viễn bên cạnh những người thân yêu. Ngã xuống, họ sẽ là một trong những “nấm mồ viễn xứ” trên biên cương, tiếp tục làm công việc ngày đêm canh giữ từng tấc đất thân thương. Không ai không xác định được điều ấy. Vậy mà họ vẫn ra đi, vẫn cống hiến

Bài làm

Nằm trong mảng đề tài viết về người lính Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Pháp, ‘Tây Tiến” là bài thơ thành công khi xây dựng được hình ảnh người lính không chỉ mang phẩm chất chung của tất cả những người lính Việt Nam mà còn mang những nét riêng độc đáo. Điểm nối bật trong bài thơ là hình tượng người lính với vẻ đẹp bi tráng, được khai thác thông qua bút pháp lãng mạn. Vẻ đẹp này của hình tượng người lính tập trung nhất trong khổ thơ:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc 

 

Quân xanh màu lá dữ oai hùm 

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới 

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm 

Rải rác biên cương mồ viễn xứ 

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh 

Áo bào thay chiếu anh về đất 

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

 

Bài thơ ra đời vào năm 1948 tại Phù Lưu Chanh, khi Quang Dũng nhớ đến những người đồng đội cũ của mình trong binh đoàn Tây Tiến xưa. Đây là bài thơ viết về một binh đoàn mà phần lớn là thanh niên trí thức Hà Nội. Họ ra đi chiến đấu, mang trong mình nhiệt huyết hừng hực của tuổi hai mươi nhưng tâm hồn cũng chất chứa đầy nét hào hoa lãng mạn của một chàng trai Hà thành. Ở những khổ trước, người ta bắt gặp hình ảnh người lính Tây Tiến trong cuộc hành quân vất vả nhưng vẫn đầy lãng mạn, mở rộng hồn mình ra để cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời, sửng sốt trước sự xuất hiện của một “bông hoa về trong đêm hơi”, say đắm trong bức tranh “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Và cũng chính họ thật tinh nghịch, dí dỏm khi phát hiện ra hình ảnh đầy sức gợi “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Người lính không được miêu tả trực tiếp (trừ hình ảnh “anh bạn dãi dầu không bước nữa”) mà chủ yếu hiện lên qua bức tranh thiên nhiên, trong nét vừa tương đồng vừa đối lập với thiên nhiên đó. Đến khố thơ này nhà thơ đã giành cả một đoạn thơ dài chỉ để nói về hình ảnh người chiến sĩ và sự hi sinh đầy bi tráng của họ. Người lính được miêu tả qua những hình ảnh thực, gợi cảm:

 

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc 

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

 

Hình ảnh miêu tả xuất phát từ hiện thực những khó khăn gian khổ mà người lính gặp phải. Đó là thời tiết khắc nghiệt, đói ăn, bệnh tật, sốt rét hoành hành khiến cho hình hài trở nên tiều tụy: “không mọc tóc”, “xanh màu lá”. Nói đến những gian khổ, vất vả nhưng giọng thơ Quang Dũng thật hào hùng. Ông gọi binh đoàn Tây Tiến là đoàn binh không mọc tóc. Cả một “đoàn binh” lại mang “oai” của hùm tạo cho người ta cảm giác ở đó dường như đang toát lên sức mạnh lớn lao không thế nào khuất phục được. Sức mạnh đó được bổ sung thêm bằng hình ảnh:

 

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” 

Hai hình ảnh, một thực tế, một lãng mạn được đặt cạnh nhau thậm chí còn là cầu nối cho nhau. Anh mắt trừng “gửi mộng qua biên giới” thế hiện cái uy phong lẫm liệt của họ. Ta tự hỏi tại sao lại là “mắt trừng gửi mộng” mà không phải là ánh mắt nào khác? Phải chăng khoảng cách là quá xa mà người chiến sĩ thì chỉ muốn rút ngắn nó lại trong chốc lát đế nhanh được trở về với Hà Nội thân thương? Cũng có thế, nhưng điều quan trọng là thông qua hình tượng ấy, người lính Tây Tiến hiện lên không chỉ anh dũng, hào hùng mà còn đầy chất uy nghiêm và đầy sức mạnh. Ba câu thơ đang miêu tả theo cấp độ có thể nói là tăng tiến về hình ảnh đầy ấn tượng của người lính chợt chùng lại bởi một “dáng kiều thơm” ở mảnh đất quê hương. Chi tiết này thế hiện sự tinh tế của Quang Dũng, nhà thơ miêu tả người lính trong những nét phi thường nhưng vẫn không quên đồng cảm với một giấc mơ bình thường nhất và cũng là lãng mạn nhất: giấc mơ về một dáng kiều thơm. Họ là những chàng trai mười chín, hai mươi tràn đầy nhựa sống, khát khao yêu và khát khao hạnh phúc. Họ có quyền mơ về một bóng hình giai nhân nào đó chứ! Nhiều hơn thế, hình ảnh người con gái còn gắn với mảnh đất Hà thành, nơi người lính đã sinh ra nên có lẽ giấc mơ ấy còn là giấc mơ về gia đình, về quê hương, mảnh đất nơi họ đã sinh ra và gắn bó. Sự thay đổi đột ngột của hình tượng thơ làm cho bài thơ thêm hấp dẫn đồng thời khẳng định nét lãng mạn trong tâm hồn những người lính trẻ. Người lính trẻ hiện lên trong đoạn trích anh hùng bất khuất trước gian khổ nhưng cũng ngang tàng và đầy nghịch ngợm. Thêm một nét để họ trở nên gần gũi, đáng yêu và đáng quí.

 

Trước đó chỉ bằng hình ảnh “gục lên súng mũ bỏ quên đời”, Quang Dũng đã khiến cho người đọc ngậm ngùi về sự hi sinh của người lính Tây Tiến. Nhà thơ tránh không dùng đến từ hi sinh mà khắc họa người lính Tây Tiến ngã xuống nhưng vẫn trong tư thế bước tiếp khúc quân hành cùng đồng đội. Những câu thơ tiếp theo này lại một lần nữa nhắc đến hi sinh của những người lính trong binh đoàn Tây Tiến:

 

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

 

Bốn câu thơ trước hết dựng lên một thực tế trong cuộc chiến đấu. Người chiến sĩ ra đi là đã xác định trước được những gì mình sẽ phải trải qua:

 

“Làm cách mạng từ khi tôi biết 

Dấn thân vô là chịu tù đày 

Là gươm kề cổ, súng kề tai 

Là thân sống chỉ coi còn một nửa”

 

Chiến trường khốc liệt không thể mang lại cho người nằm xuống một nơi an nghỉ vĩnh viễn bên cạnh những người thân yêu. Ngã xuống, họ sẽ là một trong những “nấm mồ viễn xứ” trên biên cương, tiếp tục làm công việc ngày đêm canh giữ từng tấc đất thân thương. Không ai không xác định được điều ấy. Vậy mà họ vẫn ra đi, vẫn cống hiến:

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

 

Bởi nói như nhà thơ Thanh Thảo:

 

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

Nhưng tuổi hai mươi làm sao không biết?

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi

Thì còn chi Tổ quốc”

 

Chính bởi xác định được lí tưởng sống cao đẹp ấy mà lớp thanh niên vẫn ngày đêm hát vang khúc quân hành, ra đi bảo vệ quê hương, đất nước. Rồi có những người ngã xuống “giản dị và bình tâm” nhưng cái chết của họ lại mang dáng dấp của một vị anh hùng sử thi. Hoàn cảnh chiến tranh thiếu thốn, người hi sinh không có lấy một mảnh chiếu trước khi đưa về với đất. Tấm áo ngày thường vương bụi trường chinh trở thành áo bào đưa các anh về với đất mẹ. Cuộc ra đi có sự chứng kiến và tiễn đưa của đất trời. Dòng sông Mã “gầm lên” khúc bi ca độc hành đầy đau đớn xót xa nhưng cũng thật hào hùng.

 

Khổ thơ sử dụng hàng loạt các biện pháp tu từ có ý nghĩa trong việc khắc họa hình tượng người lính. Hình ảnh thơ cụ thể, gần gũi như “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”, “mắt trừng”... kết hợp với sự đối lập, so sánh (quân xanh màu lá), sự chuyển đổi linh hoạt của cảm xúc:

 Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

 

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

 

Cùng biện pháp nhân hóa: 

 

Sông Mã gầm lên khúc độc hành...

 

Làm cho người lính hiện lên chân thực, gần gũi: dữ dội, can trường nhưng cũng rất đa tình, hào hoa.

 

Có thể nói, hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên trong đoạn thơ mang vẻ đẹp bi tráng mà không hề bi lụy. Cái bi tráng được thế hiện ở những khó khăn, gian khố cũng như mất mát, hi sinh mà người lính phải trải qua nhưng tâm hồn và ý chí của con người thì luôn bất khuất, vượt qua và chiến thắng hoàn cảnh. Giữa cái khổ con người vẫn hiện lên thật đẹp. Trong cái chết nhưng vẫn thấm đẫm chất hùng. Nhắc đến đau thương, mất mát nhưng không làm nhụt chí mà chỉ góp phần thể hiện hình tượng người lính, tăng thêm vẻ đẹp hào hùng cho hình tượng đó. Chất bi tráng được kết hợp với cảm hứng lãng mạn và ngợi ca tạo nên hình ảnh người chiến sĩ Tây Tiến mang vẻ đẹp sử thi nhưng vẫn vô cùng gần gũi và thân thuộc.

 

Đoạn thơ đã thể hiện trọn vẹn hình tượng người lính trong bài thơ, góp phần vào sự thể hiện chủ đề chung của tác phẩm. Hình tượng người lính hiện lên mang vẻ đẹp bi tráng trong cảm hứng lãng mạn và ngợi ca hào sảng. Thành công của đoạn thơ và cả bài thơ đã diễn tả cảm động tình cảm của Quang Dũng dành cho những người đồng đội của mình ở binh đoàn cũ: Binh đoàn Tây Tiến.

Bài mẫu số 3: Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Bức tranh về hai người vệ quốc được phác thảo bằng chất liệu cuộc sống đồng quê, trên nền "nước mặn đồng chua", "đất cày lên sỏi đá" của những người có cùng cảnh ngộ; từ những vùng nông thôn khác nhau trên nhiều miền đất nước có chung cảnh nghèo. Những người nông dân đồng cảnh, đồng cảm nên đồng tâm, đồng chí trong chọn lựa mục đích cống hiến, chiến đấu.

Bài làm

Hình tượng anh Vệ quốc quân - Người lính Cụ Hồ - được khắc họa đậm nét trong nhiều bài thơ của nhiều tác giả. Ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, hình tượng người lính trong mỗi bài thơ có sức hấp dẫn, cổ vũ và với vẻ đẹp riêng, nét riêng nổi bật thể hiện trong cảm hứng. "Đồng chí" của Chính Hữu, chủ yếu là cảm hứng hiện thực giữa cảnh và người; "Tây tiến" của Quang Dũng phát triển cảm hứng lãng mạn nhằm khắc họa nét phi thường, kỳ vĩ, hùng tráng của người lính.
"Tây tiến" quan niệm người anh hùng theo lý tưởng thẩm mỹ cổ điển, truyền thống; còn "Đồng chí" tô đậm nét hiện thực, bình dị, sự lam lũ, chất phác của người nông dân chân chất hiền lành, không có ý định làm anh hùng hoặc để được tôn vinh là anh hùng. Họ tìm thấy sức mạnh ở đồng chí, đồng đội, ở một tình cảm thiêng liêng, cao cả và mới mẻ trong những người nông dân được giác ngộ trở thành người lính.
Trong thơ Quang Dũng và thơ Chính Hữu nói riêng, có sự "đổi ngôi" của cái "Tôi" trữ tình. Cái "Tôi" trong thơ ca là một khái niệm "kép", bao gồm 2 bình diện: một là cái "Tôi" với tư cách là chủ thể nhận thức, hoạt động tư duy, và hai là cái "Tôi" đối tượng cảm thụ với vai trò khách thể. Trong thơ kháng chiến nói chung, cái "Tôi" cơ bản ở bình diện quan sát, nhận thức, rung cảm với cuộc sống lớn. Điều đó tạo ra nét mới trong thơ, thơ rộng mở trong hơi thở cuộc sống, tắm mình trong không khí thời đại, sự giao hòa này tạo cho thơ thêm đa dạng, phong phú.
Chân dùng tinh thần người lính trong "Tây tiến" mang nét hoành tráng, kỳ vĩ, bí hiểm nổi bật trong bối cảnh hoang sơ, dữ dội, nghiệt ngã và cũng vô cùng mơ mộng trong không gian cụ thể của vùng núi Tây Bắc:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Bằng bốn câu thơ nhưng hiện lên một bức tranh toàn cảnh với đầy đủ nét hoang vu, heo hút, dữ dằn và vô cùng hiểm trở trên chặng đường hành quân của người lính Tây tiến. Một loạt những từ giàu giá trị tạo hình mang tính hội họa, với những mảng hình khối, đường nét, màu sắc "Dốc lên khúc khuỷu" rồi lại "Dốc thăm thẳm"; các từ láy "heo hút", "thăm thẳm", "khúc khuỷu" như những nét chạm khắc đặc sắc tạo nên những ấn tượng về dốc cao, vực sâu. Cả những thanh trắc tả chiều cao khi leo lên và những thanh bằng gợi khoảng không gian khi leo xuống: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi".
Trong gian nan thử thách không đè bẹp nổi ý chí, nghị lực, sức sống của người lính Tây tiến, nét đẹp của họ một phần cũng chính là chỗ đó. Vẫn sống mãi với thời gian ấn tượng mãnh liệt không phai bạc, mờ nhòa theo năm tháng:
Tây tiến những đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Quang Dũng khéo chọn cách nói, có tóc rụng, có da xanh của anh lính ốm (ốm nhưng không yếu) nhưng không mất đi dáng vẻ kiêu bạc, anh hùng, vẫn phong thái "dữ oai hùm" giữa chốn sơn cùng thủy tận. Ngay cả sự "ra đi" cũng rất nhẹ nhàng của những anh hùng hào hoa, mã thượng: "Áo bào thay chiếu anh về đất". Ba lần nói về sự hy sinh trong những hoàn cảnh khác nhau của người lính "Tây tiến" nhưng không một lần như nhiều nhà thơ vẫn dùng từ "hy sinh" hoặc "chết". Quang Dũng bằng ngòi bút tài hoa sử dụng những cụm từ "hồn về", "bỏ quên đời", "về đất" giản dị hơn, nhằm tự nhiên hóa, bình thường hóa cái chết, đúng theo quan niệm lý tưởng của học sinh, sinh viên cầm súng thời kỳ đầu kháng chiến, còn hừng hực hào khí.
Với bút pháp lãng mạn, cốt cách tài hoa và phong độ hào hùng của chiến sĩ - thi sĩ trên cả hai bình diện tác giả và tác phẩm, Quang Dũng đã tạc bằng ngôn ngữ thi ca vào lịch sử, hình tượng người lính Vệ quốc anh hùng.
Mang nét riêng, người lính Vệ quốc trong "Đồng chí" của Chính Hữu bình dị trong nghĩ suy mà "sâu sắc đến giật mình" (Xuân Diệu). Chất liệu hiện thực cuộc sống được đưa vào thơ vừa đủ tạo men say cảm xúc và nâng tầm khái quát.
Cách mạng Tháng Tám không chỉ phục sinh một dân tộc, khai sinh một thời đại, tân tạo những bảng thang giá trị tinh thần, mà còn trả lại cho mỗi người cuộc sống mới; kiến tạo những quan hệ mới, tình cảm mới chưa hề có trong lịch sử, trong văn hóa ứng xử của cộng đồng. Đó là tình đồng chí đồng đội. Chính quan hệ mới, tình cảm mới này tạo nên những vẻ đẹp khác trong chân dung tinh thần người lính Vệ quốc.
Không kỳ dị "đoàn binh không mọc tóc", "mắt trừng gửi mộng qua biên giới" như trong thơ Quang Dũng. Người lính Vệ quốc trong thơ Chính Hữu vô cùng bình dị, hiền lành, chất phác. Bức tranh về hai người vệ quốc được phác thảo bằng chất liệu cuộc sống đồng quê, trên nền "nước mặn đồng chua", "đất cày lên sỏi đá" của những người có cùng cảnh ngộ; từ những vùng nông thôn khác nhau trên nhiều miền đất nước có chung cảnh nghèo. Những người nông dân đồng cảnh, đồng cảm nên đồng tâm, đồng chí trong chọn lựa mục đích cống hiến, chiến đấu. Mở đầu bài thơ là sự gặp gỡ của hai người đồng cảnh:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Sự tương đồng về hoàn cảnh tạo nên cộng hưởng trong tình cảm gắn bó:
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Nhưng cái khốn khó, nghèo khổ của những con người ở những vùng miền khác nhau không vì vậy mà hèn kém (nghèo nhưng không hèn), nghĩa là không bị cái cảnh nghèo bó buộc, câu thúc, người nông dân vượt lên số phận, vượt lên cảnh ngộ, ở trên tầm khốn khó bước vào cuộc chiến.
Quân đội ta từ nhân dân mà ra, người lính Vệ quốc hầu hết thoát thai từ nông dân, trong hành trang người lính mang theo có cái nghèo đeo đẳng "Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ". Cái rét trong rừng sâu, cái rét trong vùng địch hậu, cái rét được đề cập phản ánh trong nhiều bài thơ kháng chiến, không chỉ chuyển tải nét khắc nghiệt của khí hậu, mà còn đối sánh cảnh nồng ấm của nghĩa tình đồng chí - đồng đội, nghĩa tình quân - dân. Câu thơ của Chính Hữu vừa nói lên một thực tế về sự thiếu thốn của người lính Vệ quốc trong kháng chiến, nhưng cao hơn là một thực tế khác: Cái rét đã tạo nên tình tri kỷ giữa hai người chung chăn.
Thơ kháng chiến nói chung, thơ Chính Hữu nói riêng, cái "Tôi" trữ tình không đơn thuần là cái "Tôi" cá nhân, tâm trạng, cái "Tôi" phô diễn, cái "Tôi" giãi bày, mà là cái "Tôi" thế hệ, cái "Tôi" công dân, cái "Tôi" sử thi. Ở đây "Anh-Tôi" chuyển hóa trong biên độ cái "Ta" chung, cái "Ta" đa số đông đảo:
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Nhưng không vì vậy mà người lính mất đi niềm tin, niềm lạc quan, vẫn yêu đời, yêu người trong tình đồng chí - đồng đội:
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
Hai người lính Vệ quốc trong tình đồng chí, trong nhiều câu thơ có hai vế nhưng một hoàn cảnh. Do vậy, có khi chỉ một hoàn cảnh nhưng người đọc liên tưởng cho cả hai. Có lúc câu thơ nói gia cảnh một người mà như cả hai:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Điều này cho thấy thêm một bình diện trong chân dung tinh thần người lính vệ quốc, đó là sự hy sinh âm thầm không so đo, mặc cả, không toan tính thiệt - hơn cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Chính vẻ đẹp này ánh xạ rực rỡ cái tình của những người "đồng chí" trong thơ.
Đóng góp của Quang Dũng và Chính Hữu cho nền thơ kháng chiến trên nhiều lĩnh vực thi pháp. Bằng chính cuộc đời với những trải nghiệm, kiểm chứng, bằng vốn sống phong phú của đời lính, các anh đã phản ánh được nhiều nét thẩm mỹ khác nhau về chân dung tinh thần của một thế hệ cầm súng trong "ba ngàn ngày không nghỉ", góp phần quan trọng làm nên những trang sử vẻ vang nhất của lịch sử.

Bài mẫu số 4: Văn mẫu phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Tiếng gầm của sông Mã như một khúc độc hành tiễn đưa người chiến sĩ đi về trong lòng đất mẹ vĩnh hằng, gợi lên biết bao tiếc thương ngậm ngùi. Điều đó làm cho cái chết của người lính có bi mà không có lụy, vẫn đẹp và hào hùng. Bài thơ "Tây Tiến" có một màu sắc bi tráng rất độc đáo.

Bài làm

Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ là một trong những tượng đài đẹp nhất, đáng tự hào nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Họ là những người sống có lí tưởng sẵn sàng lấy máu mình để tô thắm lá cờ cho Tổ quốc, đồng thời đó cũng tràn đầy tâm hồn lãng mạn hào hoa. Qua việc tìm hiểu hình ảnh anh bộ đội trong bài thơ "Tây Tiến", một bài thơ tiêu biểu nhất của Quang Dũng nói riêng, của thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung, chúng ta có thể thấy rõ.

Bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng viết về những người lính chiến đấu nơi biên cương miền Tây Tổ quốc. Bài thơ được viết theo bút pháp lãng mạn. Bút pháp này sử dụng rộng rãi thủ pháp đối lập và có khuynh hướng tô đậm những cái khác thường, phi thường để tác động mạnh vào cảm xúc của người đọc.

 

Bài thơ ra đời năm 1948, hai năm sau cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Cái hào khí của cả một dân tộc vừa giành được độc lập đã phải vùng lên cầm gươm, súng để bảo vệ nền độc lập tự do non trẻ, thiêng liêng của mình đã truyền vào người lính, tạo cho họ một vẻ đẹp lãng mạn hào hùng. Tâm hồn lãng mạn ấy luôn hướng về cái khác thường, phi thường.

Người lính Tây Tiến, qua cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng được xuất hiện trên cái bối cảnh hoang sơ, kì vĩ, dữ dội, hiểm trở mà cũng rất khỏe đep và thi vị với đủ núi cao, vực thẳm, dốc đứng, thác gầm… cùng với những cồn mây heo hút, sương lấp, mưa xa khơi, cọp trêu người:

    "Dốc lên khúc khuỷu dốc thẳm thẳm

    Heo hút cồn mây súng ngửi trời

    Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuồng

    Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"

Những chi tiết, hình ảnh thơ của tác giả đầy ấn tượng. Sương dày như lấp cả đoàn quân, mưa nhiều đến nỗi làm cho những ngôi nhà như trôi bồng bềnh giữa biển khơi… Nhiều câu thơ sử dụng hàng loạt thanh trắc: "dốc", "khúc khuỷu", "thăm thẳm"… làm hiện lên cái gập ghềnh, thăm thẳm, khúc khuỷu, cheo leo của con đường hành quân. Tiếp đó là những chữ dùng rất bạo, nhất là ba chữ "súng ngửi trời" gợi lên độ cao chóng mặt. Hai câu sau có sự phối thanh rất độc đáo. Câu trên nhiều thanh trắc, đổ xuống gần như thẳng đừng: "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống", và câu thơ sau thì toàn thanh bằng: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi", dòng thơ mở ra một khoảng không gian bát ngát, câu thơ như bay ngang trời. Ta như hình dung được người lính đang leo lên những cồn mây, một hôm nào đó, dừng chân bên dốc núi phóng tầm mắt nhìn ngang ra xa, thấy nhà ai đó thấp thoáng ẩn hiện qua một không gian mù mịt sương mù, mây núi. Những địa danh như Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch, Pha Luông… rất xa lạ, làm tăng thêm ấn tượng về sự hoang sơ, kì vĩ, bí mật của rừng thiêng. Chúng cho biết không chỉ miền đất mà người lính đã đi qua mà khi "vừa mới đọc lên thôi đã thấy mòn chân mỏi gối" (Trần Lê Văn).

Phi thường ở sự gian khổ cùng cực: ăn đói, mặc rách, bệnh tật, sốt rét đến xanh da, trọc tóc. Hình ảnh người lính được tác giả khắc họa thật độc đáo và có phần kì lạ. Sốt rét làm cho thân thể của họ tiều tụy. Tuy nhiên, họ vẫn giữ được vẻ hào hùng. Với bút pháp lãng mạn, tác giả đã nhấn mạnh sự tương phản giữa ngoại hình và nội tâm, giữa hình thức có phần xanh xao tiều tụy với sức mạnh tinh thần mãnh liệt bên trong.

Đó là những con người phi thường: tràn đầy khí phách anh hùng chẳng những dám đương đầu với mọi thử thách gian truân: đói rét, bệnh tật, rừng thiêng nước độc, thú dữ… mà còn có thái độ, tư thế, khí phách hiên ngang trước cái chết:

    "Rải rác biên cương mồ viễn xứ

    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"

Câu thơ "Rải rác… viễn xứ" còn gợi lên một cái gì đó hơi bi thảm. Những câu thơ "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" đã nâng ý thức lên thành bi tráng bởi cái phương châm sống, triết lí sống rất đẹp của tuổi trẻ thời ấy. Người lính Tây Tiến mang dáng vẻ của những người anh hùng kiểu Kinh Kha sang Tần, người chinh phu thời xưa một đi không trở về, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng:

    "Gió hiu hiu hề! Nước sông Dịch lạnh tê

    Tráng sĩ ra đi, không trở về"

Chủ nghĩa lãng mạn cũng thường hay nói về nỗi buồn, cái chết với ý nghĩa biểu hiện cái đẹp với chất bi hùng. Do phải chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng ác liệt, cực khổ, các chiến sĩ chết vì sốt rét rừng nhiều hơn là vì chiến trận, và khi chôn cất, đến ngay manh chiếu che thân cũng không có nhưng dù vậy, hình tượng người lính trong thơ vẫn phải đẹp, phải sang, phải hào hùng. Người lính ngã xuống trong tiếng nhạc bi tráng của núi sông:

    "Áo bào thay chiếu anh về đất

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

Tiếng gầm của sông Mã như một khúc độc hành tiễn đưa người chiến sĩ đi về trong lòng đất mẹ vĩnh hằng, gợi lên biết bao tiếc thương ngậm ngùi. Điều đó làm cho cái chết của người lính có bi mà không có lụy, vẫn đẹp và hào hùng. Bài thơ "Tây Tiến" có một màu sắc bi tráng rất độc đáo.

Người lính Tây tiến không chỉ có vẻ đẹp lãng mạn hào hùng, mà còn có một vẻ đẹp đáng yêu khác. Đó là chất hào hoa, thanh lịch, chất mơ mộng rất lãng mạn. Đoàn quân Tây Tiến gồm hầu hết là những người thanh niên Hà thành tài hoa, trong đó tác giả Quang Dũng là một trong những con người tài hoa nhất.

Chất tài hoa ấy bắt rất nhạy với những hình ảnh đẹp đẽ, nên thơ, cái nét tinh tế của cảnh và người, đặc biệt là những cái đẹp mang màu sắc xứ lạ phương xa. Từ một làn sương chiều mờ ảo đến một dáng hoa lau núi phất phơ, đơn sơ, gợi cảm; từ một đêm hội đuốc hoa như trong truyện cổ tích đến những bông hoa "đong đưa" rất tình tứ bên dòng nước lũ, tất cả đều in rất đậm trong tâm hồn người lính để tạo nên những bức tranh vừa thực, vừa mộng:

    "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

    …Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

Những con người ấy sống vô cùng gian khổ nơi rừng núi, thường xuyên phải tiếp xúc với thần chết, nhưng đêm đêm hồn mộng của họ vẫn bay về với những cô gái Hà Nội đẹp một cách thanh lịch, dịu dàng:

    "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

   Quang Dũng đã khắc họa một cách khá đầy đủ chân dung tập thể của người lính Tây Tiến từ diện mạo đến tâm hồn, khí phách anh hùng, thái độ trước cái chết cũng như vẻ hào hoa rất Hà Nội của họ. Bài thơ xứng đáng là một tượng đài bằng ngôn ngữ đã bất tử hóa phẩm chất anh hùng của anh bộ đội cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Pháp rất đỗi gian khổ và vui tươi, hào hùng:

    "Tây Tiến biên cương mờ khói lửa

    Quân đi lớp lớp động cây rừng

    Và con người ấy, bài thơ ấy

    Vẫn sống muôn đời cùng núi sông"

          (Giang Nam)

Bài mẫu số 5: Suy nghĩ vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Họ ra đi mà vẫn nhớ, vẫn mang theo những tình riêng mơ mộng, khi họ hi sinh thì "áo bào thay chiếu anh về đất”. Bằng hai chữ "áo bào", nhà thơ đã nâng cao giá trị, đã tái tạo được vẻ đẹp cao quý. một vẻ đẹp như những người tráng sĩ xưa nơi những người Tây Tiến, vẻ đẹp ấy làm mờ đi thực trạng thiếu thốn ở chiến trường

Bài làm

Viết về Tây Tiến - Quang Dũng viết bằng dòng hồi ức. Và trong dòng hồi ức ấy nỗi nhớ đồng đội luôn xao động, gợi về những kỉ niệm, hình ảnh thân thương, tha thiết, sâu lắng. Ta bắt gặp dòng hoài niệm về đồng đội, về những tình cảm, nỗi lòng người lính Tây Tiến qua đoạn thơ:

.. Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rài rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,

Áo bào thay chiếu anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Từ bối cảnh rừng núi hoang vu, hiểm trở trong đoạn đầu bài thơ đến đây hiện lên rõ nét hình ảnh của đoàn chiến binh Tây Tiến:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Thoạt đầu, câu thơ tưởng như chỉ mang một chút ngang tàng, một chút đùa nghịch đầy chất lính, nhưng càng đọc mới càng thấy hiện thực khắc nghiệt, mới thấy hết những gieo neo, khổ ải của đoàn quân Tây Tiến. Không mọc tóc - đó là hậu quà của những cơn sốt rét rừng run người làm tiều tụy, làm rụng hết cả tóc của các chiến sĩ. Rồi nước độc, rừng thiêng, bệnh tật hành hạ... tất cả như vắt kiệt sức lực khiến cho quân xanh màu lá.... Hai câu thơ cho ta thấy được hình ảnh rất thực của các chiến sĩ Tây Tiến khi phải đối phó với bệnh tật: ốm, xanh, rụng tóc... Nhưng không phải vì thế mà họ mất đi vẻ oai phong dữ dội "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới..."

Đoàn quân mỏi, xanh tựa lá mà vẫn mang oai linh rừng thẳm. Mắt trừng lên dữ dội là để gửi mộng vượt biên cương và để "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm". Những người chiến sĩ Tây Tiến hầu hết là những chàng trai thị thành khoác áo lính dù ra đi chiến đấu, dấn thân vào gian khổ, họ vẫn luôn mang và giữ một tâm hồn hào hoa, thanh lịch, đa tình, một tâm hồn đầy thơ mộng. Mơ dáng kiều thơm là mơ dáng vẻ kiều diễm, quyến rũ, thanh lịch của những người bạn gái thủ đô ngàn năm văn hiến, có người cho rằng Quang Dũng viết câu thơ này là mộng rớt vì nó không phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến. Song thực chất đây là một tình cảm hết sức chân thật của người chiến sĩ, nó mang một ý nghĩa nhân văn chân chính bởi thể hiện ước mơ đẹp của con người về một cuộc sống hoà bình, hạnh phúc đẩy người lính ra đi chiến đâu.

Cả đoạn thơ bốn câu thì ba câu trên toàn nói về cái khác thường, oai dữ. Câu thơ thứ tư ngược lại đầy vẻ mềm mại, trữ tình, mơ mộng. Đoạn thơ khắc họa những hiện thực hết sức nghiệt ngã, nhưng lại không chỉ sử dụng phương pháp tả thực, mà thể hiện bằng bút pháp lãng mạn cho ta thấy hình ành của người lính không xanh xao, tiều tuỵ mà oai phong, dữ dội. Chữ nghĩa và bút pháp của Quang Dũng thật tài hoa. Các chữ không mọc tóc, dữ oai hùm, mắt trừng khắc họa rất sâu tư thế chủ động, vẻ kiêu hùng, ngang tàng của những chiến binh Tây Tiến. Hoàn cảnh gian khổ, những thử thách, gian nan của một miền Tây thâm u, hiểm trờ không làm cho những người lính Tây Tiên chùn bước, họ vẫn giữ ý chí, quyết tâm. Bên cái bi của hoàn cành vẫn trỗi lên cái tráng của ngoại hình và tinh thần. Bằng thủ pháp dường như đối lập, Quang Dũng đã vừa khắc họa được vẻ đẹp hào hùng, kiêu dũng, vừa khắc họa được tâm hồn hào hoa và đa cảm của người chiến sĩ Tây Tiến. Núi rừng miền Tây hùng vĩ và hoang sơ, đi trong sự hùng vĩ ấy, sự hoang sơ ấy, những người lính Tây Tiến như được truyền thêm sức mạnh, vững bước vượt qua những gian khổ, hi sinh:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh...

Những người lính Tây Tiến không tiếc đời ra đi chiến đấu cho quê hương, không tiếc đời sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc. Họ ra đi mà vẫn nhớ, vẫn mang theo những tình riêng mơ mộng, khi họ hi sinh thì "áo bào thay chiếu anh về đất”. Bằng hai chữ "áo bào", nhà thơ đã nâng cao giá trị, đã tái tạo được vẻ đẹp cao quý. một vẻ đẹp như những người tráng sĩ xưa nơi những người Tây Tiến, vẻ đẹp ấy làm mờ đi thực trạng thiếu thốn ở chiến trường. Rồi "anh về đất', cái chết nhẹ như không, như về lại những gì thương ỵêu, thân thuộc ngày xưa. "Anh về đất là để sống mãi trong lòng quê hương, đất nước. Và sông Mã thay lời núi sông cất lên lời ai điếu bi hùng: "Sông Mã gầm lên khúc độc hành".

Nỗi đau thật dữ dội, chỉ một tiếng "gầm than trầm uất", nỗi đau như dồn nén, quặn thắt từ bên trong. Không có nước mắt của đồng đội, chỉ có con sông Mã với nỗi đau cuộn chảy trong lòng, độc hành... chảy ngược vào tim.

Cả đoạn thơ nói đến cái chất thật bi mà cũng thật hùng. Những người lính Tây Tiến đã được nhà thơ khắc họa với nỗi nhớ thương tha thiết, với vẻ đẹp hoang sơ, dữ dội như vẻ đẹp của núi rừng.

Hình ảnh những người lính, tình cảm đồng đội, đồng chí vốn xuất hiện trong thơ ca kháng chiến. Ta vẫn thường bắt gắp những người lính chân chất, giản dị, gần gũi trong thơ Chính Hữu:

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mành vá.

Miệng cười buốt giá,

Chân không giầy...

Hay trong bài thơ Hồng Nguyên:

Lũ chúng tôi,

Bọn người tứ xứ

Gặp nhau hồi chưa biết chữ,

Quen nhau từ buổi "một, hai"...

Nhưng với Tây Tiến của Quang Dũng thì khác. Bài thơ đã khắc hoạ không phải lả những người lính xuất thân từ những người nông dân cày sâu cuốc bẫm mà là những chàng trai, những học sinh, sinh viên thành thị khoác áo lính. Với Tây Tiến, Quang Dũng đã đưa người đọc ngược lên một miền Tây thăm thẳm, nơi núi rừng, thiên nhiên mang nét đẹp hoang dại, hiểm trở. Và nỗi bật lên trên nền núi rừng miền Tây ấy là hình ảnh những người lính Tây Tiến vượt lên trên mọi khổ ải, gian lao, toả sáng ý chí anh hùng.

Với tám câu thơ chan chứa niềm thương nỗi nhớ da diết, Quang Dũng đã đưa người đọc trở lại một thời Tây Tiến với biết bao đồng đội mến thương của nhà thơ... Tất cả đã giúp Quang Dũng tái tạo và khắc họa hình ảnh oai hùng về người lính Tây Tiến. Với bút pháp tài hoa và giàu tình, nhà thơ đã xây dựng hình ảnh những chiến binh Tây Tiến không chỉ mang vẻ dữ dội, mãnh liệt mà còn mang vẻ đẹp hào hoa, hào hùng thật bi tráng. Và Tây Tiến không chỉ phổ đúng hồn thơ Quang Dũng má còn sáng lên chất thẩm mĩ hiếm thấy.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 12


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com