Giải địa lí 11 cánh diều mới Bài 20 Kinh Tế Liên Bang Nga

Giải bài 20: Kinh Tế Liên Bang Nga, sách cánh diều. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học.

MỞ ĐẦU

Liên bang Nga có ngành công nghiệp phát triển, nông nghiệp ngày càng được hiện đại hoá, ngành dịch vụ đa dạng và có nhiều vùng kinh tế khác nhau. Các ngành kinh tế của Liên bang Nga phát triển như thế nào? Liên bang Nga có những vùng kinh tế quan trọng nào và chúng có đặc điểm ra sao?

Hướng dẫn trả lời: 

- Sự phát triển các ngành kinh tế:

  • Công nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, chiếm tỉ trọng khá lớn trong GDP (20% năm 2020). Cơ cấu công nghiệp đa dạng, gồm các ngành truyền thống và các ngành công nghiệp hiện đại.
  • Ngành nông nghiệp ngày càng được phát triển và hiện đại hóa. Giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 4,0% GDP (2020).
  • Ngành có vị trí quan trọng trong nền kinh tế Nga và có cơ cấu đa dạng, đóng góp 56,3% GDP (2020).

- Hiện nay, Liên bang Nga có 12 vùng kinh tế, trong đó, các vùng kinh tế quan trọng là: vùng Trung ương, vùng Trung tâm đất đen, vùng U-ran và vùng Viễn Đông.

KIẾN THỨC MỚI

I. CÁC NGÀNH KINH TẾ

1. Công nghiệp

Câu hỏi: Đọc thông tin và quan sát các hình 20.1, 20.2, hãy trình bày tình hình phát triển của ngành công nghiệp Liên bang Nga.

Hướng dẫn trả lời: 

– Là ngành xương sống của kinh tế Liên bang Nga.
– Cơ cấu đa dạng, gồm các ngành truyền thống và hiện đại.
– Công nghiệp khai thác dầu khí là ngành mũi nhọn, mang lại nguồn tài chính lớn: đứng đầu thế giới về khai thác.
– Công nghiệp truyền thống:

  • Ngành: năng lượng, chế tạo máy, luyện kim, khai thác vàng và kim cương, giấy, gỗ,…
  • Phân bố: tập trung ở Đông Âu, Tây Xibia và dọc đường giao thông.

– Công nghiệp hiện đại:

  • Các ngành: điện tử- hàng không, vũ trụ, nguyên tử. Công nghiệp quốc phòng là thế mạnh.
  • Phân bố: vùng trung tâm, Uran,….

2. Nông nghiệp

Câu hỏi: Đọc thông tin, quan sát hình 20.3 và dựa vào bảng 20.1, hãy trình bày tình hình phát triển của ngành nông nghiệp Liên bang Nga

Hướng dẫn trả lời: 
  • Quỹ đất lớn (200 triệu ha), có khả năng trồng nhiều loại cây và phát triển chăn nuôi.
  • Sản lượng lương thực đạt 78,2 triệu tấn và xuất khẩu trên 10 triệu tấn (2005).
  • Sản lượng cây công nghiệp (hướng dương, củ cải đường), cây ăn quả, rau, chăn nuôi, đánh bắt cá đều tăng trưởng.
  • Phân bố : trồng nhiều ở đồng bằng Đông Âu và phía Nam đồng bằng Xi-bia.

3. Dịch vụ

Câu hỏi: Đọc thông tin và dựa vào bảng 20.2, hãy trình bày tình hình phát triển của ngành dịch vụ Liên bang Nga

Hướng dẫn trả lời: 

- Giao thông phát triển đủ loại hình, đang được nâng cấp.

- Kinh tế đối ngoại: Rất quan trọng.

  • Giá trị xuất khẩu tăng, là nước xuất siêu.
  • Hơn 60 % hàng xuất khẩu là nguyên liệu, năng lượng.

- Có tiềm năng du lịch lớn.

- Các ngành dịch vụ khác phát triển mạnh.

- Các trung tâm dịch vụ lớn: Mát-xcơ-va, Xanh-pê-téc-pua…

II. ĐẶC ĐIỂM MỘT SỐ VÙNG KINH TẾ

Câu hỏi: Dựa vào bảng thông tin, hãy trình bày đặc điểm nổi bật của một vùng kinh tế quan trọng ở Liên bang Nga.

Hướng dẫn trả lời: 

-  Vùng Trung ương

  • Vùng KT lâu đời, phát triển nhanh nhất. Sản lượng lương thực, thực phẩm lớn; tập trung nhiều ngành công nghiệp.
  • Mat-xcơ-va: Trung tâm kinh tế, chính trị, khoa học, du lịch lớn của vùng và cả nước.

- Vùng Trung tâm đất đen

  • Có dải đất đen phì nhiêu, thuận lợi phát triển nông nghiệp.
  • Công nghiệp phát triển đặc biệt là các ngành phục vụ cho nông nghiệp.

-  Vùng Uran

  • Giàu tài nguyên.
  • Công nghiệp phát triển (khai thác kim loại màu, luyện kim, cơ khí, hoá chất, chế biến gỗ, khai thác và chế biến dầu mỏ, khí tự nhiên).
  • Nông nghiệp còn hạn chế.

- Vùng Viễn Đông

  • Giàu tài nguyên.
  • Công nghiệp khai thác khoáng sản, gỗ, đóng tàu, cơ khí, đánh bắt cá, chế biến hải sản.
  • Vùng có điều kiện hội nhập vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

LUYỆN TẬP

Bài tập 1: Chứng minh rằng công nghiệp Liên bang Nga có cơ cấu ngành đa dạng

Hướng dẫn trả lời: 

Công nghiệp là ngành xương sống của nền kinh tế Nga với nhiều ngành sản xuất có sản lượng hàng đầu thế giới. Cơ cấu ngành công nghiệp Nga đa dạng bao gồm các ngành truyền thống và hiện đại:

  • Các ngành công nghiệp truyền thống nổi tiếng: năng lượng, luyện kim đen, luyện kim màu (bô-xit, ni-ken, đồng, chi), khai thác vàng và kim cương, khai thác gỗ và sản xuất giấy, bột xen-lu-lô, sản xuất thiết bị tàu biển, thiết bị mỏ. Các ngành truyền thống tập trung phần lớn ở đồng bằng Đông Âu, Tầy Xi-bia, U-ran và dọc các đường giao thông quan trọng.
  • Các ngành công nghiệp hiện đại: điện tử – tin học, hàng không, công nghiệp vũ trụ, nguyên tử, công nghiệp quốc phòng. Các ngành hiện đại phân bố ở vùng Trung tâm, Uran, Xanh-Pê-tec-bua.

Bài tập 2: Lập sơ đồ thể hiện tình hình phát triển ngoại thương của Liên bang Nga.

Hướng dẫn trả lời: 
 

VẬN DỤNG

Bài tập 3: Tìm hiểu mối quan hệ giữa Liên bang Nga và Việt Nam.

Hướng dẫn trả lời: 
Tham khảo: 

Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô (trước đây) được hình thành từ rất sớm. Người kiến tạo và đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ đó chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, tháng 6-1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân tới đất nước của V. I. Lê-nin khi tìm ra chân lý thời đại, rằng “Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người”, trong đó có dân tộc Việt Nam.

Ngày 10/3/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết quốc thư, cử ông Nguyễn Lương Bằng làm Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô. Và tháng 7/1955, sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ sang thăm Liên Xô nhằm củng cố tình đoàn kết hữu nghị, tăng cường mối quan hệ kinh tế, văn hóa giữa hai nước.

Nhân dân Liên Xô cũng luôn dành cho nhân dân Việt Nam những tình cảm nồng thắm và sự giúp đỡ hào hiệp. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Vôrôsilốp (tháng 5/1957), nhưng hình ảnh vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước Xô Viết vẫn hết sức gần gũi, thân thiết với đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam, như vừa mới diễn ra ngày hôm qua.

Trong những năm tháng cam go nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ chí tình của nhân dân Liên Xô. Không chỉ giúp đỡ về tiền bạc, hiện vật, các chuyên gia Liên Xô còn sang tận nơi giúp Việt Nam phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều công trình do Liên Xô giúp xây dựng đã gắn bó với bao thế hệ người dân Việt Nam, đến nay vẫn phát huy hiệu quả tích cực (như trường Đại học Bách Khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô). Hàng chục ngàn cán bộ Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô đã trở thành những cán bộ chủ chốt, những chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực.

Quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng sớm được quan tâm thúc đẩy, khởi đầu bằng việc ký Hiệp định hợp tác kinh tế thương mại Việt-Xô ngày 18/6/1955. Chỉ 5 năm sau đó, kim ngạch buôn bán hai chiều đã tăng lên gấp 13 lần (năm 1955 chỉ đạt 5 tỷ rúp). Và thời kỳ 1976-1980, khối lượng trao đổi hàng hóa giữa hai nước bằng 20 năm trước cộng lại. Những năm cuối thập kỷ 1980, Liên Xô thường chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu và 60% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Tình cảm đoàn kết, gắn bó và quan hệ hợp tác tốt đẹp về nhiều mặt Việt-Xô đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ Việt-Nga sau này tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.

Sau khi Liên Xô tan rã (tháng 12/1991), quan hệ hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi giữa Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục được coi trọng và phát triển. Quan hệ hai nước dần phục hồi và ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Việc ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga ngày 16/6/1994, nhân chuyến thăm Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước. Tiếp đó, các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai bên diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới Liên bang Nga tháng 8/1998 đã tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Lần đầu tiên, Tổng thống Nga Boris Yeltsin khẳng định: Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á. Và khuôn khổ quan hệ Việt-Nga trong thế kỷ XXI đã được chính thức hóa bằng việc ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược nhân dịp Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam (28/2 đến 2/3/2001). Việt Nam và Liên bang Nga đã ký hơn 30 văn kiện cấp Nhà nước và Chính phủ, một cơ sở pháp lý đồ sộ cho sự phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước trong giai đoạn mới.

Cùng với quá trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam và cải cách kinh tế ở Liên bang Nga, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển. Kinh tế, thương mại, nhờ “lực đẩy” của hợp tác chính trị - ngoại giao, quan hệ kinh tế Việt - Nga ngày càng có những thay đổi tích cực, nhất là những năm gần đây đã ghi nhận những bước tiến về chất. Về thương mại, nếu như năm 2000, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Nga chỉ đạt hơn 363 triệu USD, năm 2010 tăng lên gần 2 tỷ USD, đến 10 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 3,77 tỷ USD (giảm 1,93% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó Việt Nam xuất khẩu 2,3 tỷ USD (tăng 12,5%), nhập khẩu 1,47 tỷ USD (giảm 18,3%).

Tháng 7/2012 trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Khuôn khổ hợp tác này đã tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam - Nga ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực.

Trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, có thể nói quan hệ Việt - Nga trên lĩnh vực này đặc biệt ấn tượng, là điểm sáng với sự tin cậy lẫn nhau rất cao và ngày càng được củng cố thông qua các chuyến thăm các cấp, nhất là cấp cao cũng như thông qua các cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược thường niên, như Đối thoại chiến lược Ngoại giao - Quốc phòng - An ninh cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đối thoại chiến lược Quốc phòng cấp Thứ trưởng... Chỉ trong ba năm 2017 - 2019, hai nước đã tiến hành 7 chuyến thăm lẫn nhau ở cấp cao nhất: Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Nga vào tháng 6/2017; Tổng thống V. Pu-tin dự Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam vào năm 2017 và có cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nga (tháng 9/2018); Thủ tướng Đ. Medvedev thăm Việt Nam (tháng 11-2018); Chủ tịch Đu-ma Quốc gia Nga V. Volodin thăm Việt Nam tháng 12-2018 (trong khuôn khổ chuyến thăm này, hai nước đã thành lập Ủy ban liên nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Đu-ma Quốc gia Nga); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nga vào tháng 5/2019; Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân lần đầu tiên thăm Nga trên cương vị Chủ tịch Quốc hội (tháng 12/2019).

Về đầu tư, điểm mới đáng chú ý là đầu tư của Việt Nam vào Nga trong những năm gần đây tăng nhanh. Nếu tính đến tháng 10/2019, Nga có 123 dự án đầu tư trực tiếp ở Việt Nam (trừ dầu khí) với tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD, thì tổng số vốn đầu tư của Việt Nam vào Nga lên tới gần 3 tỷ USD với 22 dự án, nổi bật là đầu tư khai thác các mỏ dầu khí của Nga, hoạt động của Trung tâm đa chức năng Hà Nội - Mát-xcơ-va. Ngoài ra có hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ với 100% vốn của người Việt Nam đang hoạt động sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả tại Nga.

Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống, được coi là hiệu quả nhất trong nhiều thập niên qua, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước, hiện được coi là lĩnh vực then chốt, có ý nghĩa chiến lược đối với cả Việt Nam và Nga, đặc biệt là dầu khí. Điều đáng nói là giờ đây hợp tác dầu khí Việt - Nga đã có sự phát triển mang tính đột phá về quy mô và lĩnh vực, địa bàn hoạt động. Bên cạnh Liên doanh Vietsovpetro, Gazprom và Rosneft đang gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam, còn có liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet đang mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí ở cả hai nước.

Lĩnh vực an ninh - quốc phòng là lĩnh vực hợp tác có bề dày truyền thống giữa hai nước, được đánh giá là ổn định, vững chắc, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và đạt hiệu quả cao. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục coi Nga là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực này. Tại Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt - Nga lần thứ tư tổ chức tại Mát-xcơ-va (tháng 12/2018), lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước thống nhất nhận định quan hệ hợp tác quốc phòng tiếp tục là trụ cột và là hướng ưu tiên phát triển vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga.

Quan hệ Việt - Nga trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục, cũng ngày càng đạt kết quả cao hơn. Hợp tác song phương trong lĩnh vực khoa học - công nghệ phát triển khá năng động, trở thành một trong những trụ cột của quan hệ Việt - Nga. Điểm sáng nổi bật của sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực này là Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga - cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ hỗn hợp đa ngành về nhiệt đới - được triển khai theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng lợi ích của cả hai nước và phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Điều làm nên sự gắn bó lâu dài của quan hệ hữu nghị Việt - Nga chính là sự đồng điệu về tâm hồn và tình cảm, là sự tương đồng về cốt cách dân tộc mạnh mẽ và bản lĩnh kiên cường, là ý chí và khả năng vượt qua những thách thức nghiệt ngã, không chịu khuất phục trước cường quyền, đặc biệt là những điểm song trùng về lợi ích quốc gia - dân tộc. Tình hữu nghị giữa hai dân tộc được xây đắp trong những năm tháng cam go đấu tranh giành độc lập, chủ quyền của Việt Nam, được thử thách qua những biến thiên, thăng trầm của bối cảnh thế giới và khu vực cũng như của hai nước. Tự hào nhìn lại chặng đường 70 năm quan hệ hợp tác hữu nghị, chúng ta tin tưởng rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga tiếp tục phát triển, vượt qua mọi thách thức và khó khăn, xứng đáng với truyền thống hữu nghị gắn bó lâu đời giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Tìm kiếm google: Giải Địa lí 11 cánh diều bài 20: Kinh Tế Liên Bang Nga , giải Địa lí 11 cánh diều bài 20, giải Địa lí 11 cánh diều, giải bài bài Kinh Tế Liên Bang Nga

Xem thêm các môn học

Giải địa lí 11 Cánh diều mới


Copyright @2024 - Designed by baivan.net