C1. Trong các câu sau đây, những câu nào SAI?
1) Máy tìm kiếm thông tin tìm giúp em thông tin trong máy tính và hiện kết quả lên màn hình để em đọc.
2) Máy tìm kiếm thông tin tìm giúp em thông tin trên Internet, kết quả tìm được là các trang web có thông tin liên quan đến từ khoa em đã nhập vào.
3) Mỗi khi nhập một từ khoá vào máy tìm kiếm, chỉ có một kết quả duy nhất tìm được hiện lên trên màn hình.
4) Trong bất cứ một máy tính nào đều có một máy tìm kiếm thông tin trên Internet.
Hướng dẫn trả lời:
1) Sai, vì máy tìm kiếm thông tin cho em tìm thông tin trên Internet chứ không phải tìm thông tin trong máy tính của em. Chỉ khi máy tính em kết nối với Internet, em mới có thể dùng máy tìm kiếm thông tin trên Internet (máy tìm kiếm có trên một trang web đặc biệt).
2) Đúng.
3) Sai, vì với mỗi một từ khoá tìm kiếm thường có một danh sách các trang web hiện ra trên màn hình, đó là các trang web chứa thông tin liên quan đến từ khoá đã nhập vào.
4) Sai, vì máy tìm kiếm thông tin trên Internet chỉ có trên một số trang web đặc biệt, không phải là phần mềm có sẵn trong máy tính của em. Muốn dùng được máy tìm kiếm thì máy tính của em phải kết nối với Internet và em phải khởi động một trình duyệt web, sau đó vào trang web có chứa máy tìm kiếm.
C2. Trong các biểu tượng dưới đây, em hãy cho biết biểu tượng nào em có thể nháy chuột vào để khởi động trình duyệt Internet và sau đó truy cập vào trang web có máy tìm kiếm thông tin.
Hướng dẫn trả lời:
Có thể chọn biểu tượng 3) của trình duyệt Google Chrome và chọn biểu tượng 4) của trình duyệt Safari (thường dùng trên điện thoại iPhone, iPad).
C3. Trong các câu sau đây, những câu nào ĐÚNG?
1) Để dùng được máy tìm kiếm thông tin, em phải mô tả được đầy đủ nội dung thông tin cần tìm.
2) Để dùng được máy tìm kiếm thông tin, em phải cung cấp cho máy tìm kiếm một cụm từ (gọi là từ khoá) thể hiện chủ đề thông tin muốn tìm.
3) Từ khoá tìm kiếm phải liên quan đến thông tin cần tìm nhưng chỉ là một từ
4) Từ khoá tìm kiếm có thể là một cụm từ liên quan đến thông tin cần tìm.
Hướng dẫn trả lời:
1) Sai, không cần mô tả đầy đủ nội dung thông tin cần tìm, chỉ cần xác định từ khoá. Nếu mô tả được đầy đủ nội dung thông tin cần tìm thì có thể không cần tìm kiếm nữa.
2) Đúng
3) Sai, từ khoá tìm kiếm có thể là một cụm từ (hơn một từ)
4) Đúng
C4. Em hãy sắp xếp lại thứ tự các bước cho dưới đây để được trình tự đúng trong việc tìm kiếm thông tin trên Internet bằng máy tìm kiếm Google.
1) Nhập từ khoá vào máy tìm kiếm.
2) Khởi động một trình duyệt Internet.
3) Gõ phím Enter để bắt đầu tìm kiếm và sau đó lựa chọn kết quả.
4) Truy cập vào trang web của máy tìm kiếm bằng cách gõ google.com vào thanh địa chỉ.
Hướng dẫn trả lời:
Thứ tự các bước: 2) - 4) - 1) - 3)
2) Khởi động một trình duyệt Internet.
4) Truy cập vào trang web của máy tìm kiếm bằng cách gõ google.com vào thanh địa chỉ.
1) Nhập từ khoá vào máy tìm kiếm.
3) Gõ phím Enter để bắt đầu tìm kiếm và sau đó lựa chọn kết quả.
C5. Nếu sử dụng máy tìm kiếm thông tin để biết một số hình dạng khác nhau của chuột máy tính, em chọn cụm từ nào trong các cụm từ dưới đây làm từ khoá tìm kiếm:
1) Hình dạng khác nhau.
2) Hình dạng con chuột.
3) Tất cả chuột máy tính.
4) Hình dạng chuột máy tính
Hướng dẫn trả lời:
1) Không nên chọn “Hình dạng khác nhau” làm từ khoá vì không xác định hình dạng của ai của cái gì
2) Không nên chọn “Hình dạng con chuột” làm từ khoá vì có thể máy tìm kiếm đưa cả kết quả con chuột (không phải là chuột máy tính).
3) Không nên chọn "Tất cả chuột máy tính" làm từ khoá vì cần biết một số hình dạng khác nhau của chuột máy tính chứ không phải mọi điều về chuột máy tính
=> 4) Nên chọn "Hình dạng chuột máy tính " làm từ khoá.
C6. Thủ đô nước ta là Hà Nội và đã từng có tên là Thăng Long. Em hãy sử dụng máy tìm kiếm để tìm biết ý nghĩa của tên gọi Thăng Long.
Hướng dẫn trả lời:
Học sinh có thể cũng thấy tìm kiếm và các từ khoá như “Ý nghĩa của tên gọi Thăng Long”, “Thăng Long có nghĩa là gì”, …
Thăng Long có nghĩa là “rồng bay lên”. Tên Thăng Long gắn liền với truyền thuyết về việc dời đô của Vua Lý Thái Tổ. Đây là một tên đẹp, hàm chứa đầy niềm tin tưởng và lòng tự hào về vùng đặt Vua chọn để đóng đô.
Thăng Long với ý nghĩa "rồng bay lên" được xem là tên văn chương nhất trong số tên gọi của Hà Nội, xuất hiện năm 1010. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010), vua (Lý Thái Tổ) từ thành Hoa Lư, dời đô ra Kinh phủ thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó mới đổi tên thành là Thăng Long”.
Đến năm 1805, vua Gia Long cũng đặt tên Hà Nội ngày nay là Thăng Long nhưng với ý nghĩa là “Thịnh vượng lên”.
Sách Lịch sử thủ đô Hà Nội viết: “Năm 1802, Gia Long quyết định đóng đô ở nơi cũ là Phú Xuân (Huế), không ra Thăng Long, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn miền Bắc và đổi kinh thành Thăng Long làm trấn thành miền Bắc. Kinh thành đã chuyển thành trấn thành thì tên Thăng Long cũng cần phải đổi. Nhưng vì tên Thăng Long đã có từ lâu đời, quen dùng trong nhân dân toàn quốc, nên Gia Long thấy không tiện bỏ đi ngay mà vẫn giữ tên Thăng Long, những đổi chữ “Long” là “rồng” thành chữ “Long” là “thịnh vượng”, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ “Long” là “rồng”.