Nợ công danh mà tác giả nói tới trong hai câu thơ cuối có thể hiểu theo nghĩa sau:
Theo quan niệm của nhà Nho, “công danh” chính là sự nghiệp, tiếng thơm mà bất cứ người nào sinh ra là bậc nam nhi cũng cần để lại cho đời. Đây là “món nợ” mà họ phải mang trong đời nhưng cũng là mục tiêu, khát khao mà những người có ý chí muốn hướng tới. Như vậy trong cả cuộc đời của mình, người nam nhi ấy phải nỗ lực hết mình sao cho có thể đạt được những mục tiêu nói trên, hoàn thành nghĩa vụ với đời, với dân, với nước thì mới có thể trả được nợ công danh. Đó chính là sự nghiệp cứu dân, cứu nước. Khi làm được những điều đó chính là lúc tác giả và những người anh hùng khác như ông có thể để lại tiếng thơm cho đời, hoàn thành sự nghiệp, trả xong “món nợ” nam nhi và bất hủ cùng đất trời, non sông.
Ý nghĩa của nỗi thẹn trong hai câu thơ cuối:
Ở câu thơ cuối này, nhà thơ đã sử dụng tích truyện của Khổng Minh để nói về nỗi thẹn của người nam tử. Khổng Minh ngày xưa đã đóng góp rất nhiều công sức trong việc khôi phục nhà Hán giúp Lưu Bị nên đã trở thành tấm gương về tinh thần tận tâm tận sức báo đáp chủ tướng.
Phân tích Tỏ lòng để thấy Phạm Ngũ Lão đã đặt mình và những kẻ làm nam nhi vào trong hoàn cảnh nếu không làm nên sự nghiệp trong trời đất thì sẽ phải vô cùng hổ thẹn. Ở đây, ta thấy được sự ý thức về trách nhiệm của một nhân cách cao cả khi luôn mong góp sức gánh vác sự nghiệp chung của đất nước. Chính ý thức ấy của Phạm Ngũ Lão đã có vai trò đánh thức những trang nam tử phải biết nỗ lực hết mình hướng về phía trước để thực hiện lí tưởng của cuộc đời mình.