Soạn chi tiết Ngữ văn 9 KNTT bài 1 Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)

Hướng dẫn giải chi tiết bài 1 Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ) bộ sách mới Ngữ văn 9 tập 1 kết nối tri thức. Lời giải chi tiết, chuẩn xác, dễ hiểu sẽ giúp các em hoàn thành tốt các bài tập trong chương trình học. Baivan.net giải chi tiết tất cả các bài tập trong sgk. Hi vọng sẽ trở thành người bạn đồng hành cùng các em trong suốt quá trình học tập.

CHUẨN BỊ ĐỌC

Câu hỏi: 

Câu 1: Em biết gi về vị thế của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến?

Bài làm chi tiết: 

Trong thời kỳ phong kiến Việt Nam, vai trò của người phụ nữ thường bị hạn chế và bị rập khuôn bởi các giá trị truyền thống, tôn giáo và xã hội.

+ Trong hôn nhân và gia đình, người phụ nữ phong kiến là thành viên chăm sóc gia đình và làm vợ, làm mẹ.

+ Phụ nữ thường làm các nghề nghiệp như nông dân, dệt may, nấu ăn.

+ Họ hiếm được tiếp xúc với giáo dục, và rất ít phụ nữ biết chữ thời bấy giờ.

+ Về mặt chính trị, phụ nữ hầu như không có quyền tham gia quyết định xã hội. Tuy nhiên, đã có nhiều người phụ nữ dũng cảm đứng lên, đập tan mọi gông xiềng của chế độ phong kiến. Ta có thể kể đến như Hai Bà Trưng, Hồ Xuân Hương,..

Câu 2. Em có ấn tượng sâu sắc với tác phẩm nào viết về người phụ nữ? Hãy chia sẻ ấn tượng dó của em.

Bài làm chi tiết: 

- Em có ấn tượng sâu sắc về tác phẩm Truyện Kiều của tác giả Nguyễn Du

- Thông qua Truyện Kiều, em thấy được số phận người phụ nữ dù có tài năng, xinh đẹp nhưng bị “gió dập sóng dồi”, không thể làm chủ cuộc đời của mình. Đó là sự bất công, tàn bạo của xã hội phong kiến. 

ĐỌC VĂN BẢN

Câu 1: Những chi tiết giới thiệu nhân vật Vũ Thị Thiết và Trương Sinh.

Bài làm chi tiết: 

- Về nhân vật Vũ Thị Thiết

+ Quê ở Nam Xương

+ Tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp

- Về nhân vật Trương Sinh: Có tính đa nghi

Câu 2: Theo em, kết cục của cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương sẽ như thế nào?

Bài làm chi tiết: 

Sau khi Trương Sinh đi lính trở về, hai người cùng nhau xây dựng cơ nghiệp và sống hạnh phúc đến hết đời.

Câu 3: Trương Sinh có thái độ và hành động như thế nào sau khi nghe những lời nói của con?

Bài làm chi tiết: 

Sau khi nghe những lời nói của con, 

+ Trương Sinh có thái độ đinh ninh là vợ không chung thủy. 

+ Hành động: Chàng la um lên cho hả giận.

Câu 4: Câu chuyện sẽ như thế nào nếu không xuất hiện nhân vật Phan Lang?

Bài làm chi tiết: 

Nếu không có Phan Lang, Trương Sinh sẽ sống trong day dứt, ân hận vì đã tự tay đẩy cuộc hôn nhân của mình xuống bờ vực tan vỡ mà không thể xin lỗi hay gặp lại vợ lần cuối nữa.

Câu 5: Điều gì khiến Vũ Nương muốn tìm về gặp chồng?

Bài làm chi tiết: 

Vũ Nương muốn tìm về gặp chồng:

+ Muốn giải oan tiếng xấu cho bản thân mình. 

+ Muốn trở lại thăm nhà, thăm quê hương.

SAU KHI ĐỌC TRẢ LỜI CÂU HỎI

Câu 1: Trình bày cốt truyện và nêu bố cục của tác phẩm.

Bài làm chi tiết: 

- Trình bày cốt truyện:

Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết là người con gái thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp, quê ở Nam Xương. Chính vì lẽ đó, nàng được Trương Sinh cảm mến rồi cưới về làm vợ. Trương Sinh lại mang tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức. Trương Sinh đi lính, Vũ Nương ở nhà hết mực chờ chồng, chăm con, phụng dưỡng mẹ già cho đến khi bà mất. Ở nhà, lúc thiếu vắng hình ảnh của Trương Sinh, Vũ Nương thường nói đùa với con rằng cái bóng trên tường chính là cha của bé. Khi Trương Sinh đi lính trở về, nghe lời con trẻ cộng thêm bản tính đa nghi, mặc cho Vũ Nương giải thích hết lời nhưng Trương Sinh vẫn không tin và luôn miệng cáo buộc rằng nàng không chung thủy. Vì để chứng minh nỗi oan khuất của mình, Vũ Nương chọn cách gieo mình xuống sông. Nàng được Linh Phi cứu và sống dưới thủy cung. Sau đó, nàng gặp Phan Lang – một người cùng làng. Nàng tâm sự với Phan Lang, và có mong muốn được giải oan, gặp Trương Sinh lần cuối. Nghe lời Phan Lang, Trương Sinh theo lời lập đàn giải oan cho vợ nhưng hình bóng Vũ Nương chỉ ẩn hiện chốc lát rồi vĩnh viễn trở lại nơi thủy cung.

Bố cục tác phẩm: 

+ Phần thứ nhất (từ đầu đến lo liệu như đối với cha mẹ để mình): Giới thiệu về hai nhân vật Vũ Nương - Trương Sinh; gia cảnh nhà Trương Sinh và cuộc sống của Vũ Nương khi chồng đi lính.

+ Phần thứ hai (từ Qua năm sau, giặc ngoan cố đã chịu trói đến nhưng việc trót đã qua rồi): Nỗi oan bị chồng nghi ngờ và hành động tự trầm của Vũ Nương.

+ Phần cuối (từ Cùng làng với nàng đến hết): Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Phan Lang và Vũ Nương trong động của Linh Phi và việc Vũ Nương trở về trên sông gặp Trương Sinh để giải tỏa nỗi oan khuất.

Câu 2. Ở phần đầu tác phẩm, Nguyễn Dữ đã làm nổi bật những đặc điểm gì ở nhân vật Vũ Nương và Trương Sinh? Lời người kể chuyện có vai trò như thế nào trong việc khắc hoạ nhân vật?

Bài làm chi tiết: 

- Ở phần đầu tác phẩm, Nguyễn Dữ đã làm nổi bật những đặc điểm :

+ Vũ Nương: tính đã thuỳ mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp, giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà,

+ Còn nhân vật Trương Sinh có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức; tuy con nhà hào phú nhưng không có học, nên tên phải ghi trong sổ lính đi vào loại đầu, ...

- Qua lời của người kể chuyện,

+ Ta có thể thấy được sự khách quan của người thứ 3 khi nhìn thấy được toàn bộ những nét bản chất của nhân vật.

+ Thấy được sự yêu mến, trân trọng của tác giả đối với nhân vật Vũ Nương.

+ Đồng thời, cũng là sự phê phán, chê trách của tác giả đối với nhân vật Trương Sinh. 

Câu 3:  Phân tích lời than của nhân vật Vũ Nương trước khi gieo mình xuống sông để làm rõ các khía cạnh:

a. Nỗi đau đớn của nhân vật.

b. Đặc điểm ngôn ngữ nhân vật trong truyện truyền kì.

Bài làm chi tiết: 

a. Nỗi đau đớn của nhân vật.

Nàng nói về thân phận của mình “con kẻ khó”, và khẳng định về tình nghĩa của bản thân “ giữ gìn một tiết” và luôn khao khát được sống hạnh phúc êm ấm với chồng con: “Thiếp vốn con kẻ khó được nương tựa nhà giàu.... Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”.

Là sự tuyệt vọng, đau đớn cùng cực khi bị một mực nghi oan của Vũ Nương khi những cố gắng, vất vả mà giờ phải tìm đến cái chết mới có thể giải tỏa nỗi lòng: “Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. … đầu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”.

b. Đặc điểm ngôn ngữ nhân vật trong truyện truyền kì: sử dụng nhiều điển tích, điển cố.

Câu 4: Cho biết những nguyên nhân gây ra bi kịch của Vũ Nương. Nguyên nhân nào là chủ yếu?

Bài làm chi tiết: 

- Nguyên nhân trực tiếp:

+ Câu nói đùa của Vũ Nương với con thơ: Trỏ chiếc bóng trên tường và bảo bé Đản đó là cha nó

+ Câu nói ngây thơ của đứa trẻ: "Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chi nin thin thít”

+ Tính cách đa nghi, ghen tuông, hồ đồ, gia trưởng, sẵn sàng thô bạo với vợ của của Trương Sinh.

- Nguyên nhân gián tiếp:

+ Lễ giáo phong kiến cùng chế độ trọng nam khinh nữ.

+ Cuộc hôn nhân không bình đẳng.

+ Những cuộc chiến tranh phi nghĩa gây nên cảnh sinh li tử biệt; vợ chồng xa cách.

Câu 5: Trong tác phẩm, nhân vật Phan Lang được khắc hoạ ở những không gian, thời gian nào? Nhân vật này có vai trò gì trong truyện?

Bài làm chi tiết: 

- Nhân vật được khắc họa: 

+ Không gian: Động rùa của Linh Phi, được đãi tiệc và gặp Vũ Nương

+ Thời gian: Quá khứ trước làm đầu mục ở bến đỏ Hoàng Giang. Hiện tại đang ở tẩm cung của Linh Phi

- Vai trò của nhân vật: Là cầu nối Vũ Nương với Trương Sinh, giúp Vũ Nương minh oan được với chồng.

Câu 6: Hình ảnh Vũ Nương hiện về khi Trương Sinh lập đàn giải oan trên bến Hoàng Giang được tác giả miêu tả qua những chi tiết nào? Theo em, đoạn kết có màu sắc kì ảo này có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm?

Bài làm chi tiết: 

- Chi tiết miêu tả hình ảnh Vũ Nương hiện về khi Trương Sinh lập đàn giải oan : Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện; nàng vẫn ở giữa dòng mà nói vọng vào: ... đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa; bóng nàng loang loáng mở nhạt dần mà biến đi mất.

- Tác dụng của những chi tiết kỳ ảo: làm cho câu chuyện trở nên lung linh, kỳ ảo, có sức lôi cuốn người đọc. Cái kết cũng thể hiện khát vọng công bằng, hạnh phúc của nhân dân, người trong sạch cuối cùng sẽ được minh oan. Tuy vậy, vẫn để lại trong lòng người đọc những âm ỉ xót xa về một cái kết không trọn vẹn: Vũ Nương vẫn không thể quay lại nhân gian.

Câu 7: Nêu chủ đề của tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và trình bày suy nghĩ của em về chủ đề đó.

Bài làm chi tiết: 

- Chủ đề của tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương: Nói về số phận bất hạnh của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến đồng thời lên án gay gắt chế độ nam quyền gây ra tấn bi kịch cho người phụ nữ phong kiến.

- Suy nghĩ của em về chủ đề: Đây là tư tưởng nhân văn và tiến bộ hơn thời bấy giờ.

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Viết đoạn văn (khoảng 7 - 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về chi tiết “cái bóng" trong truyện.

Bài làm chi tiết: 

Cái bóng là nút thắt cao trào của câu chuyện, tạo nên bi kịch thê thảm đối với nhân vật Vũ Nương và đối với cái gia đình bé nhỏ của. Đối với bé Đản, cậu bé ngây thơ thực sự tin rằng cái bóng chính là cha của mình. Đối với Vũ Nương, cái bóng là câu nói đùa giỡn hàng ngày với con và cũng là nỗi nhớ nhung người chồng nơi tiền tuyến. Còn Trương Sinh, cái bóng là bằng chứng của việc vợ không chung thủy. Cái bóng là nguyên nhân Trương Sinh nghi ngờ vợ và cũng chính nó đã giúp chàng ta hiểu ra nỗi oan ức của vợ mình. Hình ảnh chiếc bóng thể hiện tư tưởng, tình cảm và quan niệm của tác giả đối với con người: sự thấu hiểu, cảm thương sâu sắc số phận những con người bất hạnh, nhất là người phụ nữ.

Tìm kiếm google:

Soạn văn 9 kết nối bài 1 Chuyện người con gái Nam Xương,  soạn ngữ văn 9 KNTT tập 1, soạn bài 1 Chuyện người con gái Nam Xương ngữ văn 9 Kết nối tri thức

Xem thêm các môn học

Soạn ngữ văn 9 tập 1 KNTT mới


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com