Soạn SBT Ngữ văn 11 Kết nối Bài 1: Đọc và thực hành tiếng Việt

Hướng dẫn giải Bài 1: Đọc và thực hành tiếng Việt, sách bài tập Ngữ văn 11 Kết nối tập 1. Đây là sách bài tập nằm trong bộ sách "Kết nối" được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết học sinh sẽ nắm bài học tốt hơn.

Bài tập 1. Đọc lại văn bản Vợ nhặt trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 12 – 21) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Nhận xét cách người kể chuyện đưa người đọc vào tình huống truyện ở câu văn sau đây: “Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa.”

Hướng dẫn trả lời:

Người kể chuyện đưa người đọc vào tình huống truyện bằng cách miêu tả lại sự hoành hành của nạn đói và thuật lại việc Tràng dắt theo một người phụ nữ về nhà. Qua câu dẫn dắt của người kể, người đọc nhanh chóng xác định được hoàn cảnh của câu chuyện, điểm sáng, trọng tâm muốn nhắc đến trong phần sau. Đồng thời qua câu dẫn dắt của người kể, người đọc có thể hiểu sâu hơn về vai trò của người kể chuyện trên phương diện: định hướng chú ý, gợi những dự đoán, suy luận và cách cảm nhận sự việc hợp lý cho người đọc.

Câu 2. Khi miêu tả thái độ của người dân xóm ngụ cư trước sự việc “Tràng về với một người đàn bà nữa”, người kể chuyện cho biết: “Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ”. Hai câu văn này có thể giúp bạn suy luận như thế nào về cảm hứng sáng tác của nhà văn và chủ đề truyện ngắn Vợ nhặt?

Hướng dẫn trả lời:

Trong hai câu văn, tác giả đã viết lên sự thúc đẩy của niềm cảm hứng về tình nhân ái và khát vọng sống của những con người cùng khổ – điều họ chưa bao giờ đánh mất dù gặp hoàn cảnh bi đát thế nào. Qua đó, khẳng định cảm hứng về tình nhân ái và khát vọng sống của những con người cùng khổ chính là chủ đề của truyện. 

Câu 3. Các chi tiết nói về sự sốt ruột của Tràng khi đợi bà cụ Tứ có ý nghĩa như thế nào trong mạch truyện?

Hướng dẫn trả lời:

Các chi tiết mang tính chất “thắt nút”, tạo sự đợi chờ, hồi hộp ở người đọc, đưa người đọc nhập vào trạng thái tâm lí của nhân vật Tràng (và của người “vợ nhặt”) để sau đó cảm nhận được thật sự sâu sắc về nét đẹp trong cách ứng xử của bà cụ Tứ trước một sự việc bất ngờ.

Câu 4. Những phương diện nào trong sự thay đổi của các nhân vật Tràng, người “vợ nhặt”, bà cụ Tứ đã được nhà văn chú ý miêu tả? Việc nhấn mạnh những thay đổi đó có ý nghĩa gì?

Hướng dẫn trả lời:

Những phương diện được thay đổi:

  • Tràng thì một người khờ khệch, sống vô lo vô nghĩ cuối cùng đã biết lo cho cuộc sống tương lai. 

  • Thị thì từ một người con gái thô kệch, đáo để cuối cùng trở thành một người vợ hiền dịu, đảm đang, tháo vát. 

  • Bà cụ Tứ thì một người ảm đạm, mặt mày xám xịt trở thành người vui vẻ, tươi tắn hẳn lên. 

=> Các nhân vật đã có thay đổi về tâm tưởng, suy nghĩ của bản thân. Trong đó, Tràng và Thị chín chắn hơn. Cả ba người họ trở lên lạc quan, khát vọng hạnh phúc với với tương lai. 

Câu 5. Chọn phân tích một đoạn văn mà ở đó người kể chuyện ngôi thứ ba đã trần thuật câu chuyện theo điểm nhìn của nhân vật. Vì sao có thể xem đoạn văn đó cũng đã thực hiện việc trần thuật theo điểm nhìn bên trong?

Hướng dẫn trả lời:

Trong đoạn văn “Giữa cái cảnh tối sầm ….ra hiệu bằng lòng”, nhà văn Kim Lân đã sử dụng ngôi kể thứ 3 để trần thuật câu chuyện theo điểm nhìn của nhân vật. Qua một tình huống độc đáo - Tràng nhặt được vợ - nhà văn phát hiện khát vọng đáng trân trọng của người nông dân ngay khi cận kề cái chết. Trong đoạn văn này, tác giả sử dụng điểm nhìn của người kể chuyện để kể lại câu chuyện theo theo điểm nhìn của nhân vật. Bằng việc kết hợp miêu tả sự vật quang cảnh bên ngoài (Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy,.... một người đàn bà nữa) và cảm nhận, ý thức của nhân vật Tràng (Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường) đã giúp đoạn văn trở lên độc đáo, có chiều sâu. Tràng dẫn người đàn bà này về làm vợ, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái để tiếp nối sự sống. Giọng văn thật dồn nén và gây cảm xúc mạnh, mộc mạc mà lôi cuốn. Qua những chi tiết Tràng cùng vợ đi về nhà, tác giả đã làm nổi bật chủ nghĩa nhân đạo trong văn học nước nhà.

Có thể xem đoạn văn đó cũng đã thực hiện việc trần thuật theo điểm nhìn bên trong vì: Khi người kể chuyện ngôi thứ ba thực hiện việc trần thuật câu chuyện theo điểm nhìn của nhân vật Tràng cũng là khi trần thuật theo điểm nhìn bên ngoài đã được thay thế bằng trần thuật theo điểm nhìn bên trong.

Câu 6. Nêu nhận xét khái quát về nét đặc sắc trong ngôn ngữ miêu tả, kể chuyện của Kim Lân ở truyện ngắn Vợ nhặt.

Hướng dẫn trả lời:

Ngôn ngữ trong văn bản mang đậm tính khẩu ngữ, giàu màu sắc bình dân của nhà văn Kim Lân. Điều này thể hiện rất rõ trong việc Kim Lân sử dụng các từ láy khi dựng bối cảnh câu chuyện cũng như miêu tả các biểu hiện bên ngoài và động thái tâm lí của từng nhân vật.

Bài tập 2. Đọc lại văn bản Chí Phèo trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 23 – 34) và trả lời các câu hỏi: 

Câu 1. Tóm tắt câu chuyện được kể trong tác phẩm bằng một sơ đồ phù hợp

Hướng dẫn trả lời:

 Hướng dẫn trả lời:

Câu 2. Phân tích sự thay đổi điểm nhìn trần thuật ở một đoạn văn mà bạn cho là nổi bật. Theo bạn, sự thay đổi điểm nhìn như vậy đem lại hiệu quả nghệ thuật gì?

Hướng dẫn trả lời:

Trong đoạn văn “Hắn vừa đi vừa chửi…Thế thì có phí rượu không?...” thoạt đầu ta cứ ngỡ chỉ có lời của tác giả đang kể và tả về tiếng chửi của Chí Phèo. Tuy nhiên, ở đây đã có sự kết hợp của các điểm nhìn: điểm nhìn của người kể chuyện, điểm nhìn của nhân vật, điểm nhìn của dân làng. Tất cả những điều này tạo lên sự sinh động trong lời văn để khắc hoạ chân dung Chí Phèo. Chân dung ấy hiện lên thật sinh động là do sự thay đổi điểm nhìn trần thuật.

Câu 3. Tìm trong tác phẩm một số ví dụ minh chứng cho sự nối kết rất đặc biệt giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật. Hãy phân tích các ví dụ đó.

Hướng dẫn trả lời:

Trong truyện, nhiều đoạn văn có sự lồng ghép giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật. Ví dụ: đoạn kể về tiếng chửi của Chí, đoạn tả tâm trạng Chí sau cuộc gặp với Thị Nở và khi bị từ chối... Đối thoại Chí với Bá Kiến, Chí với Thị Nở…

Những chi tiết đó giúp chúng ta cảm nhận được Nam Cao đang ở trong câu chuyện đó, là người quan sát cả làng Vũ Đại và rồi thi thoảng như đi sâu vào trong nội tâm nhân vật Chí Phèo. 

Câu 4. “Ai cho tao lương thiện?” – Câu nói này giúp bạn hiểu như thế nào về số phận bi kịch của Chí Phèo?

Hướng dẫn trả lời:

“Ai cho tao lương thiện?” có thể được xem là câu nói “nổi tiếng” nhất của nhân vật Chí Phèo. Sở dĩ “nổi tiếng” vì nó thâu tóm được toàn bộ số phận bi kịch của nhân vật – một người bị từ chối ngay từ lúc sinh ra, muốn sống yên ổn với những ước mơ nhỏ bé cũng không được, bị đẩy ra xa đồng loại khi trở thành công cụ của bá Kiến, bị định kiến xã hội cắt đứt đường về với cuộc sống bình thường.

Câu 5. Chỉ ra mối liên hệ giữa phần mở đầu và phần kết thúc tác phẩm. Mối liên hệ đó thể hiện cách nhà văn Nam Cao nhìn nhận về hiện tượng Chí Phèo như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

-  Tác phẩm được mở đầu khi sự việc đã xảy ra và kết thúc khi sự việc chưa được giải quyết triệt để: 

  • “Chí Phèo” của Nam Cao mở ra bằng chi tiết tiếng chửi của Chí. Đây là cách giới thiệu trực tiếp nhân vật và mở đầu không theo trình tự thời gian mà đi thẳng vào giữa truyện. Chi tiết tiếng chửi thể hiện tâm trạng bi phẫn, bất mãn, một trái tim đau đớn, vật vã, giằng xé, một tâm hồn tuyệt vọng khi bị xã hội khai trừ, bị cự tuyệt quyền làm người. Nhà văn như đã hóa thân vào nhân vật, đồng cảm và nói hộ nỗi đau của thân phận Chí Phèo. 

  • Kết thúc truyện đã thể hiện sự bế tắc, đau khổ của nông dân trong xã hội xưa, qua đó lên án xã hội đen tối đã đẩy con người đến bước đường cùng, không lối thoát. Đó còn là sự trăn trở của nhà văn Nam Cao về số phận con người: Làm thế nào để "giải thoát" cho con người khỏi những đắng cay, đau khổ? Cách kết thúc cũng bộc lộ tinh thần nhân đạo sâu sắc của nhà văn, đó sự đồng cảm, thấu hiểu, xót thương cho số phận bất hạnh, là niềm tin, sự trân trọng vào những giá trị tốt đẹp của con người.

- Bằng việc mở đầu và kết thúc như trên, tác giả đã tạo ra kết cấu vòng tròn. Sự việc Chí Phèo ra đời, lớn lên, trưởng thành, đau khổ cho đến kết thúc là con Chí Phèo ra đời lại sẽ tiếp tục cái vòng luẩn quẩn ấy.

- Mở đầu là sự ra đời của Chí Phèo trong cái lò gạch cũ bỏ hoang và kết thúc tác phẩm là sự ra đời của con Chí Phèo cũng trong cái lò gạch cũ đã tạo ra kết cấu đầu cuối tương ứng. 

=> Nhà văn đã gợi mở cho ta thấy được bản chất tốt đẹp, khả năng lương thiện của Chí Phèo để ta trân trọng khát vọng sống, khát vọng được làm người của Chí Phèo, lên tiếng đòi quyền sống, quyền làm người cho người nông dân. Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao là một bức thông điệp của nhà văn tố cáo chế độ thực dân phong kiến, đẩy con người đến bước đường cùng đen tối, trở nên biến chất tha hóa nhưng đồng thời, cũng đòi quyền sống cho con người.

Câu 6. Nêu nhận xét của bạn về cách sử dụng các đại từ xưng hô trong tác phẩm. Cách sử dụng đó cho biết điều gì về nghệ thuật kể chuyện của Nam Cao?

Hướng dẫn trả lời:

Các từ ngữ xưng hô trong tác phẩm Chí Phèo được Nam Cao sử dụng vô cùng phong phú. Có thể nói mỗi một nhân vật lại có một kho các từ ngữ xưng hô khác nhau. Trong từng hoàn cảnh nhất định, Nam Cao gắn cho nhân vật của mình một lối xưng hô riêng, đầy dụng ý. Từ xưng hô trong tác phẩm này chính là một loại phương tiện hữu hiệu để biểu đạt ý nghĩa tình thái: thái độ của nhà văn đối với nhân vật, thái độ của các nhân vật trong tác phẩm đối với nhau.

Câu 7. Nêu nhận định khái quát về giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng của tác phẩm. 

Hướng dẫn trả lời:

  • Giá trị nghệ thuật:

  • Xây dựng nên công nhân vật điển hình mẫu mực phải đặt trong một xã hội điển hình để người xem không chỉ nhìn thấy được tính cách, số phận của nhân vật và của cả một lớp người mà nhân vật đó tiếp xúc đại diện

  • Nghệ thuật miêu tả linh hoạt, uyển chuyển mà vẫn logic, sắc sảo với giọng điệu có vẻ thờ ơ, lạnh lùng, xa cách song đằng sau đó là niềm thương xót, đồng cảm của tác giả với nhân vật.

  • Ngôn ngữ nghệ thuật sắc sảo

  • Bút pháp miêu tả tâm lí và diễn biến tâm lí tinh tế, sâu sắc. Nam Cao đã lách sâu ngòi bút của mình vào đời sống nội tâm của nhân vật để nhìn ra sự biến đổi dù là nhỏ nhất của con người

  • Giá trị tư tưởng:

Nam Cao là người có tấm lòng đôn hậu, chan chứa yêu thương. Ông gắn bó sâu nặng, giàu ân tình với quê hương và những người nghèo khổ bị áp bức, khinh miệt trong xã hội cũ. Nam Cao đến với con đường nghệ thuật hiện thực "vị nhân sinh" và tạo nên những tác phẩm thấm đượm tư tưởng nhân đạo sâu sắc.Tác phẩm Chí Phèo đã thể hiện rõ nét quan niệm này. Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao trong truyện ngắn này mới mẻ và sâu sắc. Nhà văn đã phát hiện và miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người lao động ngay khi tưởng như họ đã bị cái xã hội tàn ác cướp mất cả bộ mặt lẫn linh hồn người (Tư tưởng nhân đạo của phần lớn các cây bút hiện thực khác chủ yếu thể hiện ở sự đồng cảm với nỗi khổ của người nông dân, lên án cái xã hội thực dân nửa phong kiến đẩy họ vào đường cùng, ngợi ca phẩm chất của họ).

Bài tập 3. Đọc lại văn bản Cải ơi! trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 48 – 53) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Tóm tắt câu chuyện được kể trong truyện ngắn.

Hướng dẫn trả lời:

Câu chuyện được kể trong trong truyện ngắn là câu chuyện về hành trình đầy gian khổ đi tìm đứa con gái thất lạc tên “Cải” của người cha tên “Năm” đã 10 năm trời. Cải không phải là con ruột của ông, đó là con riêng của vợ hai ông với người chồng trước đó nhưng với tình yêu con, bảo vệ con nên ông đã chăm sóc và nuôi dưỡng con như con đẻ của mình. Một tình cảnh éo le khiến gia đình ông mâu thuẫn, Cải làm mất đôi trâu của nhà nên đã bỏ nhà đi, ông Năm bị đồn tiếng xấu là hại con đem giấu xác. Tất cả mọi người bà con láng giềng đều không tin tưởng ông. Vì quá buồn bã ông Năm quyết định đi tìm Cải.

Câu 2. Nêu nhận xét về cách tổ chức truyện kể của nhà văn dựa vào sự liên hệ với trình tự các sự kiện trong câu chuyện (đã được tóm tắt theo yêu cầu của câu 1).

Hướng dẫn trả lời:

Truyện Cải ơi! thuộc loại truyện ngắn hiện đại mà ở đó, trình tự thời gian từ nhiên của câu chuyện được thay đổi, xáo trộn ít nhiều. Cụ thể, truyện không bắt đầu từ lí do ông Năm Nhỏ đi tìm “con” Cải mà bắt đầu từ việc ông theo “thằng” Quách Phú Thàn về ăn bám Diêm Thương. Qua cách dẫn dắt chậm rãi của người kể chuyện, độc giả dần dần mới biết “con” Cải là trung tâm của mọi nỗi niềm đan dằn vặt, cấu xé trái tim ông già.

Câu 3. Người kể chuyện trong truyện ngắn là ai? Người kể chuyện đã bộc lộ thái độ gì đối với các nhân vật?

Hướng dẫn trả lời:

Người kể chuyện trong truyện ngắn là tác giả

=> Bằng cách sử dụng lời kể này, người kể tự giấu mình đi, giúp người kể có thể kể chuyện một cách linh hoạt, tự do những gì diễn ra với nhân vật.

Câu 4. Nhận xét khái quát về hệ thống điểm nhìn và phân tích sự thay đổi điểm nhìn của truyện ngắn qua một ví dụ cụ thể.

Hướng dẫn trả lời:

Trong tác phẩm, tác giả chủ yếu trần thuật theo điểm nhìn từ bên trong, tức là đứng trên lập trường của từng nhân vật để đối thoại hay giải quyết tình huống. Ví dụ khi Diễm Thương giả diễn làm cái Cải, ông Năm Nhỏ nghe vậy vừa bất ngờ, ngơ ngác rồi rưng rưng thể hiện rõ qua những câu hỏi tu từ “Thiệt con là Cải hả?”, “môi run lập bập hỏi cải phải hôn con”... Kết hợp với lời kể của tác giả là lời của chính nhân vật, dường như tác giả đã hoàn mình vào cảm xúc, cung bậc của nhân vật để thốt ra những câu hỏi nhói lòng, những câu từ mang ý nghĩ tượng trưng cao để làm nổi bật niềm vui sướng, mừng hụt của người cha già đang mong mỏi tìm thấy con gái suốt 12 năm. Đây là một nghệ thuật kể chuyện khá độc đáo, đã được nhiều tác giả sử dụng để nâng cao hiệu quả biểu đạt, xây dựng hình tượng nhân vật như trong truyện Chí Phèo của Nam Cao, Vợ nhặt của Kim Lân… điều đó càng thể hiện tầm quan trọng của việc lựa chọn điểm nhìn kể chuyện bởi nó không chỉ đơn giản phản ánh tâm lí của nhân vật mà nó còn thể hiện một thông điệp sâu xa mà tác giả muốn truyền tải.

Câu 5. Ở phần cuối của truyện ngắn, người kể chuyện có nói:“sống giữa cái rẻo đất nhân hậu nầy nhiều khi cũng hơi phiền”. Theo bạn, đây có phải là một lời nói ngẫu nhiên, thoáng qua hay không? Vì sao bạn nghĩ như vậy?

Hướng dẫn trả lời:

Ở phần cuối của truyện ngắn, người kể chuyện có nói:“sống giữa cái rẻo đất nhân hậu nầy nhiều khi cũng hơi phiền” không phải là một lời nói ngẫu nhiên, thoáng qua hay không, cần liên hệ với số phận của từng nhân vật và cách ứng xử của họ trong cuộc đời để xem cái sự “phiền” mà họ tự chuốc lấy hay gây ra cho người khác bắt nguồn từ cái gì. Có thể nói tùy cách ứng xử có khác nhau (đôi lúc gắn liền với sự trêu cợt tàn nhẫn), nhưng các nhân vật đều khát khao tình người, đều hướng đến sự đồng cảm. Rõ ràng, nhận xét của người kể chuyện tuy bề ngoài có vẻ bâng quơ nhưng thật ra lại tạo thêm điểm nhấn cho tư tưởng của truyện.

Câu 6. Trình bày quan điểm của bạn về việc sử dụng từ ngữ địa phương trong tác phẩm.

Hướng dẫn trả lời:

Truyện ngắn sử dụng nhiều từ ngữ địa phương (nhiều từ ngữ địa phương khác do đã khá quen với độc giả nói chung nên không được giải thích). Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn luôn biết cách xử lí hệ thống từ ngữ địa phương một cách nhuần nhuyễn, đầy tính nghệ thuật.

Bài tập 4. Đọc lại văn bản Vợ nhặt trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 18 – 19), đoạn từ “Hắn chắp hai tay sau lưng” đến “tu sửa lại căn nhà? và trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Xác định những dấu hiệu chứng tỏ câu chuyện được kể từ người kể chuyện ngôi thứ ba.

Hướng dẫn trả lời:

Người kể chuyện sẽ xuất hiện qua những lời nói, lời bình luận bày tỏ thái độ, nắm bắt được tất cả các sự việc diễn ra và nhìn nhận câu chuyện ở khía cạnh bao quát hơn.

Ở đây, không có người kể chuyện xưng “tôi” hay xưng bằng một đại từ khác tương đương chỉ ngôi thứ nhất. “Hắn” là đối tượng được kể tới.

Câu 2. Làm rõ sự chuyển đổi từ điểm nhìn của người kể chuyện sang điểm nhìn của nhân vật trong mạch trần thuật của đoạn trích.

Hướng dẫn trả lời:

Sự chuyển đổi từ điểm nhìn của người kể chuyện sang điểm nhìn của nhân vật thường rất nhẹ nhàng, tế nhị nhưng vẫn có thể phân tích được. Cụ thể: Hai câu đầu của đoạn là sự trần thuật khách quan. Đến nửa sau của câu 3, từ bỗng chợt nhận ra” sự trần thuật khách quan đã nhường chỗ cho cảm nhận chủ quân của nhân vật. Chỉ có nhân vật mới cảm thấy sâu sắc sự “mới mẻ, khác lạ của những gì xung quanh. Nếu không phải nhân vật, ai biết “mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa” đã từng được “vắt khươm mươi niên” và ở lối đi sạch sẽ, trước đó từng “tung hoành” một “đống rác mùn”. Sang đoạn tiếp, sau ba câu đầu trở lại với sự trần thuật khách quan là những câu nối mạch thể hiện cảm nhận chủ quan của nhân vật Tràng.

Câu 3. Vì sao nhân vật Tràng lại “thấm thía cảm động” trước những gì “đơn giản, bình thường” mà anh chứng kiến? Theo bạn, chuyển biến tâm lí này có chân thực không? Vì sao?

Hướng dẫn trả lời:

Tục ngữ Việt Nam có câu “Đàn ông cắp chà đàn bà làm tổ, ý chỉ việc vợ chồng chung tay xây tổ ấm gia đình theo chức năng hay theo sự phân công tự nhiên cho mỗi người. Rõ ràng, những gì Tràng chứng kiến vào buổi sáng hôm đó cho thấy cuộc đời anh đã đi tới một bước ngoặt, từ người độc thân trở thành người có mái ấm hạnh phúc, tất cả diễn ra vừa tất yếu vừa bất ngờ như trong một giấc mơ. Về cảnh sân vườn được quét tước sạch sẽ những người khác có thể thấy bình thường nhưng người trong cuộc là Tràng thì không thể không “thấm thía cảm động”. Theo lập luận này, có thể nói biến chuyển tâm lí của anh đã được miêu tả rất chân thực. Tác giả quả là tinh tế khi phát hiện ra những khao khát hạnh phúc tồn tại ngấm ngầm ở một con người đã trưởng thành, bất chấp hoàn cảnh cuộc sống lúc đó bi đát thế nào đối với anh.

Câu 4. So sánh đoạn trích này với đoạn miêu tả tâm trạng của Chí Phèo sau khi tỉnh rượu trong truyện ngắn Chí Phèo để thấy được những nét tương đồng trong cá nhìn về con người giữa hai nhà văn.

Hướng dẫn trả lời:

Nhân vật Tràng trong Vợ nhặt và nhân vật Chí Phèo trong Chí Phèo là hai nhân vật có số phận khác nhau. Tuy nhiên, họ đều là những người thuộc tầng lớp thấp nhất của xã hội. Viết về họ, mặc dù có thể thông cảm, người ta vẫn dễ thể hiện thái độ thiếu trọng thị, và nếu vậy, đời sống nội tâm của nhân vật có thể sẽ bị coi nhẹ hoặc bị diễn tả một cách thiên lệch. Kim Lân và Nam Cao thì không vậy. Với sự am h sâu sắc về người bình dân, với tấm lòng nhân đạo lớn, các nhà văn này luôn tìm “cơ hội” để soi tỏ bản tính đẹp đẽ của các nhân vật “dưới đáy”, giúp độc giá t rằng cuộc sống đói khổ và môi trường xã hội tồi tệ không thể dập tắt khát vọng sống của những con người này. Đây chính là điểm gặp gỡ giữa hai nhà văn, được thể hiện rõ qua hai đoạn miêu tả tâm trạng các nhân vật vào những thời khắc đặc biệt của cuộc đời họ.

Câu 5. Đoạn trích cho biết điều gì về cách nhìn cuộc sống và thái độ của nhà văn Kim Lân đối với những người nghèo khổ?

Hướng dẫn trả lời:

Nhà văn Kim Lân rất thông cảm với nỗi đau của người lao động. Ông thực sự xót xa ái ngại trước cảnh con người bị đói khổ, rẻ rúng và bị cái chết vây giăng, đồng thời hết lòng khẳng định, đề cao con người; thể hiện niềm tin mãnh liệt vào người lao động.

Như vậy, đối với con người, nhà văn Kim Lân có một cái nhìn nhân đạo sâu sắc. Ở đây, cái nhìn nhân đạo có sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng nhân đạo cổ truyền và tư tưởng nhân đạo hiện đại (tư tưởng nhân đạo cộng sản cao đẹp).

Bài tập 5. Đọc văn bản Chí Phèo trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 23), đoạn từ “Hắn vừa đi vừa chửi” đến “không ai biết..” và trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Nếu ấn tượng chung của bạn về đoạn văn.

Hướng dẫn trả lời:

Đoạn văn nằm ở phần mở đầu tác phẩm là những tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo. Tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo chính là phản ứng của Chí trước những bất hạnh của cuộc đời. Tiếng chửi của hắn đã bộc lộ tâm trạng bất mãn đến tột cùng của một con người vẫn ý thức được mình đã bị cả xã hội ruồng bỏ. Những tiếng chửi của hắn trở nên vô nghĩa, bị xã bỏ ngoài tai không được đón nhận, lắng nghe.

Câu 2. Xác định đối tượng mà lời chửi của Chí Phèo hướng đến. Việc tác giả kể chi tiết về nội dung lời chửi của Chí Phèo có ý nghĩa gì?

Hướng dẫn trả lời:

Đối tượng mà lời chửi của Chí Phèo hướng đến là “trời”, “đời”, “cả làng Vũ Đại”, “chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn”, “chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra hắn”.  

Chi tiết thể hiện sự đau đớn xót xa cho thân phận mình bị đày đọa, bị dồn đến đường cùng của sự bế tắc. Thể hiện sự ruồng rẫy chán ghét đến tột cùng đối với xã hội, con người, thế lực đen tối đã khiến Chí Phèo thành ra như vậy. Đó chính là tiếng nói đau thương của một con người ý thức được về bi kịch của chính mình "sống nhưng lại mất đi quyền làm người".

Câu 3. Dân làng Vũ Đại đã phản ứng ra sao về hành động chửi và nội dung lời chửi của Chí Phèo? Phản ứng đó cho thấy điều gì về mối quan hệ giữa Chí Phèo và dân làng Vũ Đại?

Hướng dẫn trả lời:

Họ không phản ứng Chí. Khi nghe Chí chửi cả làng, họ tự nhủ “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả.

Họ có thái độ như vậy thứ nhất là vì họ đã quá quen với cảnh ngày nào Chí cũng uống rượu, chửi bới, rạch mặt ăn vạ, làm những việc mà người bình thường không làm. Thứ hai là vì họ không coi Chí là một người dân bình thường nên họ lảng tránh, coi khinh Chí, không thèm chấp những câu chửi của Chí vì họ đã quen với cảnh như vậy rồi. Thứ ba là vì họ có phần sợ Chí, trong làng ai cũng biết Chí là người như thế nào nên chẳng ai dại mà dây vào rồi lại mang họa vào thân, họ đối với Chí là cứ kệ để được yên bình.

Câu 4. Theo bạn, nên sơ đồ hoá như thế nào về mối quan hệ giữa ba“yếu tố” chính làm nên nội dung của đoạn văn này: Chí Phèo, chửi và rượu?

Hướng dẫn trả lời:

 Hướng dẫn trả lời:

Đọc sâu văn bản, ta sẽ thấy hình tượng Chí Phèo có ý nghĩa xã hội và thảm ri rộng lớn, sâu sắc, không thể được nhìn nhận đơn giản, xem như kết quả của phép cộng giữa rượu và chửi. Trong đời sống, việc vận dụng từ Chí Phèo để định danh một tính cách hoặc một cách ứng xử của ai đó rõ ràng đã thể hiện cách hiểu chưa thấu đáo về giá trị của hình tượng nhân vật này.

Câu 5. Qua việc kết nối câu đầu với ba câu cuối của đoạn văn, bạn rút ra được nhận xét gì về cách giới thiệu nhân vật, rộng ra là cách tổ chức câu chuyện thành truyện kể của nhà văn Nam Cao?

Hướng dẫn trả lời:

Câu đầu của đoạn văn xuất hiện một cách đường đột, không gợi bối cảnh mà “bắt ngay” vào kể phần chính của sự việc – một sự việc có thể gây chú ý, tò mò cao độ. Nhà văn dường như đã giới thiệu nhân vật theo một quy trình ngược. Người đọc thấy hành động trước khi thấy người và chỉ biết người qua một từ “hắn” hết sức mơ hồ. Tò mò ở người đọc tưởng dịu đi khi tên nhân vật được hé lộ, nhưng một lần nữa, nó được đẩy lên mức cao hơn khi nhà văn viết: “Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết..”. Qua phân tích theo hướng nêu trên, có thể nhận thấy rằng trần thuật của nhà văn không đi theo mạch tuyến tính của câu chuyện. Tuy vậy, ông vẫn không làm độc giả bị sốc khi chú ý viết kĩ những câu chuyển tiếp giữa các đoạn. Nhìn chung, cách kể chuyện của Nam Cao mới mẻ, hiện đại, thể hiện được một cách tư duy mới về nghệ thuật tự sự.

Bài tập 6. Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

“Vợ nhặt” đã sáng tạo một tình huống độc đáo để bộc lộ đời sống tinh thần của những người cùng đinh ở thời điểm trước Cách mạng tháng Tám. [..] Người ta nói ở vào bước đường cùng, con người dễ sinh liều lĩnh. Hành động nhân chuyện đùa mà làm thật của cô gái để xin ăn và theo không anh Tràng là một việc liều lĩnh. Khi chấp nhận cho cô gái theo về, thoạt đầu Tràng cũng chợn, nhưng anh chậc lưỡi, đánh liều. Bởi đúng như bà cụ Tứ nghĩ: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được... Hai cái liều gặp nhau, tạo thành một gia đình thời bạo loạn. Cái liều còn đẩy họ đi xa hơn. Ở đoạn cuối tác phẩm, khi nghe tiếng trống thúc thuế, người con dâu nói: “Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy. Còn Tràng nghe nói vậy thì vụt nhớ “cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp..”. Nghĩ đến xe thóc của Liên đoàn, Tràng tự dưng “thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu. [...] Tác giả đã khắc hoạ sắc nét trạng thái tâm lí người lao động bị dồn ép đến chân tường và sẵn sàng tham gia vào biến cố xã hội. Đó là không khí chân thực trước cuộc khởi nghĩa.

(Theo Trần Đình Sử, Đọc văn học văn, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 303 – 304)

Câu 1. Nội dung trọng tâm của đoạn trích là gì?

Hướng dẫn trả lời:

Phân tích đời sống tinh thần của những người lao động được tác giả đưa ra trong tác phẩm.

Câu 2. Đoạn trích có phát hiện gì đáng chú ý về giá trị của tác phẩm Vợ nhặt? Bạn nhận xét thế nào về phát hiện đó.

Hướng dẫn trả lời:

Đoạn trích có phát hiện gì đáng chú ý về giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo ẩn sau những con người lao động đang bị dồn ép đến đường cùng. Qua phân tích của tác giả, người đọc dễ dàng nhận ra những điểm mới, điểm thú vị về nhận thức của người lao động xưa. Khi đói nghèo, cùng cực, bị dồn ép, họ sẽ nảy sinh suy nghĩ đấu tranh đề tìm đến một cuộc sống mới tốt đẹp hơn và họ sẵn sàng đứng lên để làm điều đó.

Câu 3. Việc nêu bằng chứng của tác giả có đặc điểm gì đáng chú ý?

Hướng dẫn trả lời:

Tác giả đã bám sát tác phẩm để khai thác bằng chứng. Có bằng chứng gắn với lời thuật lại tinh thần của sự việc trong tác phẩm, có bằng chứng là những trích dẫn, nhất là trích dẫn các câu diễn tả nội tâm nhân vật (ở đó, việc kể chuyện được thực hiện theo điểm nhìn bên trong).

Câu 4. Nhận xét về cách mở và kết đoạn của tác giả.

Hướng dẫn trả lời:

Đoạn trích, câu mở cũng là câu nêu chủ đề và câu kết là câu khẳng định lại ý đã triển khai trong cả đoạn với mức độ khái quát cao hơn. Có thể xem đoạn trích là một đoạn văn được thực hiện rất bài bản.

Bài tập 7. Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Đối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa. Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời... Thế rồi, khi đã ghép đời Từ vào cuộc đời của hắn, hắn có cả một gia đình phải chăm lo. Hắn hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền; hắn hiểu những nỗi đau của một kẻ đàn ông khi thấy vợ con mình đói rách. Những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lí, nhưng không thể không nghĩ tới, ngốn một phần lớn thì giờ của hắn. Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách hay một đoạn văn kí tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng, vò nát sách mà mắng mình như một thằng khốn nạn... Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì chính hắn là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt phèo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có... Hắn nghĩ thế và buồn lắm, buồn lắm! Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình? Còn gì đau đớn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì mà nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?

(Hà Minh Đức sưu tầm và giới thiệu, Nam Cao – Tác phẩm, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1977, tr. 68 – 69)

Câu 1. Tóm tắt nội dung đoạn trích. Đối với bạn, việc tóm tắt này dễ hay khó? Vì sao? 

Hướng dẫn trả lời:

- Tóm tắt: Đối với nhân vật “hắn”, nghệ thuật là tất cả những gì hắn quan tâm. Thế nhưng, vì cuộc sống, hắn phải in nhiều cuốn văn viết vội vàng,  phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Mỗi lần đọc lại những tác phẩm đó, hắn lại căm ghét chính mình. xấu hổ vì đã viết ra những thứ đó. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Hắn cảm thấy đau đớn cho chính mình, cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì mà nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt.

- Việc tóm tắt đoạn trích này là khó. Bởi lẽ, đoạn trích này là suy nghĩ, tâm tưởng của nhân vật “hắn”. Đó là những xung đột nội tâm và thể hiện chiều sâu tâm lí nhân vật. Nó khiến việc tóm tắt đoạn văn trở nên khó khăn.

Câu 2. Qua đoạn trích, bạn nhận thấy điều gì về việc lựa chọn điểm nhìn của người kể chuyện?

Hướng dẫn trả lời:

Điểm nhìn ở đây là từ tác giả. Thông qua điểm nhìn của tác giả, người đọc có cái nhìn rõ ràng hơn về chiều sâu tâm lí nhân vật. Qua đó, có cái nhìn sâu hơn, khái quát hơn về nội tâm nhân vật “hắn”, về tâm tưởng của một người sáng tạo nghệ thuật.

Câu 3. Nỗi buồn của nhân vật “hắn” có lí do từ đâu? Qua nỗi buồn ấy, bạn đánh giá nhân vật này là người như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

- Lí do:

  • Ước mong sáng tác được những tác phẩm hoàn hảo, tử tế nhưng lại chỉ viết ra những trang viết nhạt nhẽo, “bất lương” (bất lương khi đối chiếu với lí tưởng nghề nghiệp mà mình theo đuổi).

  • Mong được chuyên tâm sáng tác nhưng thực tế lại phải dành phần lớn thời gian cho chuyện áo cơm, cho những việc “tẹp nhẹp, vô nghĩa lí” của đời sống thường nhật.

- Nỗi buồn của nhân vật phản ánh rõ nhân cách con người anh. Có thể nói nhân vật“hắn”là người có lương tâm nghề nghiệp (nghề văn), có lòng tự trọng, có trách nhiệm với cuộc sống và đặc biệt là luôn tự vấn bản thân. Cho dù anh có thể thất bại nhưng anh vẫn là một con người hết sức đáng trọng.

Câu 4. Phân tích điều tâm niệm sau đây của nhân vật “hắn” về văn chương: “Văn” chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…”.

Hướng dẫn trả lời:

Đoạn được dẫn trong câu hỏi có thể xem là một danh ngôn nói về yêu cầu tối cao của hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Câu thứ nhất của đoạn có nội dung phủ định lối “sáng tạo” văn chương theo đơn đặt hàng, không có đóng góp mới, thiếu sự thúc đẩy từ nội tâm và thiếu khát vọng. Văn chương được làm ra theo kiểu ấy không thể gọi là văn chương đích thực. Câu thứ hai có nội dung khẳng định cách thực hành sáng tác với niềm đam mê tìm tòi, với mong muốn tạo ra những sản phẩm thực sự độc đáo, có những phát hiện giá trị về cuộc sống,

Câu 5. Nhận xét khái quát về hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng nhiều kiểu câu trong đoạn trích.

Hướng dẫn trả lời:

Các kiểu câu đã góp phần làm nổi rồi chân dung tinh thần của nhân vật như thế nào, đã giúp nhịp điệu và giọng điệu của lời kể tránh được sự đơn điệu, buồn tẻ ra sao. 

Tìm kiếm google: Soạn sách bài tập Ngữ văn 11 Kết nối , Giải SBT Ngữ văn 11 Kết nối tập 1, Soạn sách bài tập Ngữ văn 11 KNTT Bài 1: Đọc và thực hành tiếng Việt

Xem thêm các môn học


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com