Soạn SBT Ngữ văn 11 Kết nối Bài 2: Đọc và thực hành tiếng Việt

Hướng dẫn giải Bài 2: Đọc và thực hành tiếng Việt, sách bài tập Ngữ văn 11 Kết nối tập 1. Đây là sách bài tập nằm trong bộ sách "Kết nối" được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết học sinh sẽ nắm bài học tốt hơn.

Bài tập 1: Đọc lại bài thơ Nhớ đồng trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr.56 – 57) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Trong nỗi nhớ của nhân vật trữ tình, “đồng” hiện lên với những đường nét, sắc thái cụ thể nào?

Hướng dẫn trả lời:

Trong ngữ cảnh của bài thơ, “đồng” là từ mang nghĩa khái quát, chỉ chung thế giới bên ngoài nhà lao, trong đó đậm nét nhất là hình ảnh đồng ruộng quê hương và những con người lao khổ gắn bó với đồng ruộng ấy.

Hai từ “đường nét” và “sắc thái” nói về “đường nét”, đó là những hình ảnh đơn lẻ hoặc tổng hợp được tác giả gợi ra ở mỗi khổ thơ. Những hình ảnh đó đã bộc lộ tính chất nào phần lớn tuỳ thuộc vào góc nhìn và trạng thái tình cảm của nhân vật trữ tình.

Câu 2. Bạn có nhận xét gì về sự biến đổi của những hình ảnh trong kí ức được tái hiện lần lượt qua các khổ thơ?

Hướng dẫn trả lời:

Các hình ảnh trong bài thơ không hiện lên đơn điệu mà luôn biến đổi (từ tươi sáng đến hiu hắt, từ kích thích các giác quan đến chìm lắng mênh mang,...), tương ứng với việc chuyển trạng thái không ngừng của dòng cảm xúc. Khi nói đến sự biến đổi của các hình ảnh, ta cảm nhận được mạch vận động cảm xúc trong bài thơ, qua đó hiểu được những biến chuyển tâm lí của nhân vật trữ tình khi buộc phải ngồi một chỗ, chỉ còn biết“mơ qua cửa khám bao ngày”.

Câu 3. Hãy chọn phân tích một hình ảnh trong bài thơ đã để lại cho bạn ấn tượng sâu đậm nhất.

Hướng dẫn trả lời:

"Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi...

Đâu những đường con bước vạn đời

Bức tranh cuộc sống sinh hoạt làng quê thân thương và rất đỗi bình dị hiện ra trước mắt người tù cộng sản, chỉ là tưởng tượng thôi nhưng nó sống động và tuyệt đẹp, giàu xúc cảm biết bao. Không chỉ là cảnh đồng lúa, khóm tre, nương rẫy hay những mái nhà tranh, ở trong tâm tưởng của nhà thơ còn có con người, những người nông dân cơ cực vất vả nhưng ấm áp tình người.

Câu 4. Xác định mối liên hệ về nội dung giữa khổ thơ thứ 3 với các khổ thơ 10, 11. 

Hướng dẫn trả lời:

Đi vào xác định mối liên hệ về nội dung giữa khổ thơ 3 với các khổ thơ 10, 11, trước hết cần hiểu rõ nội dung của từng khổ. Khổ 3 thể hiện cảm giác bức bối của nhân vật trữ tình trước tình trạng trì trệ, “âm ư” của cuộc sống muôn đời không chịu đổi thay. Các khổ 10, 11 thể hiện hồi ức của nhân vật trữ tình về những ngày anh tìm kiếm đường đi cho cuộc đời mình. Khi đã nắm được nội dung của từng khổ, HS có thể hiểu rõ nguyên nhân đã thúc giục nhân vật trữ tình “đi kiếm lẽ yêu đời” để rồi bắt gặp lí tưởng Cách mạng trong niềm vui vô bờ.

Câu 5. Nêu nhận xét khái quát của bạn về đặc điểm con người nhân vật trữ tình được thể hiện qua bài thơ.

Hướng dẫn trả lời:

Nhân vật vật trữ tình là một người chiến sĩ khao khát tự do và hành động. Trong bài thơ, nhân vật trữ tình tự biểu hiện mình vừa qua trạng thái cảm xúc được anh gọi đích danh (thương nhớ, mơ, buồn) vừa qua một chân dung tự hoạ sắc nét với những từ ngữ mang đậm tính tạo hình (vẩn vơ, quanh quẩn, nhẹ nhàng,...). Đặc biệt, con người anh còn được bộc lộ gián tiếp qua những cảnh, những người được nỗi nhớ gợi lên. Bạn cần tổng hợp được các yếu tố ấy để nêu nhận xét khái quát về đặc điểm con người nhân vật trữ tình, từ tình cảm đến nhận thức; về phẩm tính thanh niên của con người ấy khi cảm nhận về cách nhìn sự vật và giọng điệu trong bài thơ.

Câu 6. Trong bài thơ, những từ ngữ địa phương nào đã được sử dụng? Việc sử dụng những từ ngữ ấy đem lại hiệu quả nghệ thuật gì?

Hướng dẫn trả lời:

Bằng cảm quan tự nhiên, có thể dễ dàng nhận ra những từ ngữ địa phương được sử dụng trong bài thơ như thiệt thà, chừ (chưa kể những tên gọi mang tính địa phương của một đối tượng nào đó như chim cà lơi). Những từ ngữ này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên không gian sống thân thuộc với tác giả. Chúng góp phần làm nổi bật sự chân thành trong cảm xúc của nhà thơ đối với mảnh đất nguồn cội và nếu phải thay thế những từ ngữ ấy bằng một số từ ngữ khác mang tính phổ biến hơn, giọng điệu của bài thơ sẽ thay đổi, không còn cảm giác thân thuộc với tác giả nữa. 

Bài tập 2: Đọc bài bài thơ Tràng giang trong SGK Ngữ văn 11, tập 1 (tr.59) và trả lời các câu hỏi: 

Câu 1. Nêu suy nghĩ của bạn về việc tác giả đổi tên ban đầu của bài thơ là Chiều trên sông thành Tràng giang (Lưu ý: Xem lại phần giới thiệu về bài thơ ở trong SGK Ngữ văn 11, tập một, tr. 60).

Hướng dẫn trả lời:

Nhan đề Chiều trên sông nghiêng về xác định đối tượng miêu tả cụ thể, sẽ phù hợp với bài thơ đặt trọng tâm vào việc tạo hình ngoại cảnh. Nhan đề Tràng giang lại có màu sắc trừu tượng, mơ hồ, vì vậy, sẽ thích hợp với bài thơ chứa đựng những suy tư mang tầm khái quát. Việc đổi tên bài thơ phản ánh quá trình tác giả hoàn thiện, nâng cấp bài thơ, biến các hình ảnh thơ cụ thể, cảm tính thành những hình ảnh mang tính biểu tượng, có hàm ý sâu xa. Nhan đề Tràng giang có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ góp phần hé mở nội dung bài thơ mà tràng giang còn chứa đựng được bao tâm sự, nỗi niềm thầm kín của Huy Cận về cuộc đời thế sự.

Câu 2. Theo bạn, để thể hiện một nội dung cảm xúc và triết lí như đã có ở bài Tràng giang, trong hai thể thơ lục bát và bảy chữ, việc sử dụng thể thơ nào tỏ ra phù hợp hơn? Vì sao?

Hướng dẫn trả lời:

Theo em, để thể hiện một nội dung cảm xúc và triết lí như đã có ở bài Tràng giang, việc sử dụng thể thơ lục bát Thơ lục bát phù hợp hơn. Vì thơ Lục bát thường dung dị, trôi chảy nhẹ nhàng còn thơ bảy chữ có phần trang trọng, cổ điển. Cảm xúc mang tính chất nào và được triển khai theo hướng nào thì bài thơ sẽ tìm tới thể thơ tương ứng, phù hợp với tính chất và hướng triển khai đó của cảm xúc.

Câu 3. Hãy chỉ ra những yếu tố đưa đến âm điệu buồn bao trùm bài thơ.

Hướng dẫn trả lời:

Âm điệu buồn được đưa đến từ các yếu tố hình thức của bài thơ như ngôn từ, hình ảnh. Nhưng sau xa hơn, nó bắt nguồn từ cái nhìn, cách cảm nhận về thế giới, về cuộc sống con người của nhà thơ, cũng có nghĩa là bắt nguồn từ những yếu tố thuộc về nội dung. 

Âm điệu chung của bài thơ là âm điệu buồn lặng lẽ, bâng khuâng, man mác da diết, sầu lặng. Nổi bật trong suốt bài thơ là âm điệu buồn – đều đều, dập dềnh như sông nước ở trên sông, vừa lai âm điệu trong lòng thi nhân khi đứng trước cảnh Tràng Giang lúc chiều xuống.

Chủ yếu là nhịp thơ 2/2/3 tạo ra âm điệu đều đều. Âm điệu tựa như dập dềnh trên sông và sóng  biển. Thanh điệu có sự hoán vị bằng trắc đều đặn, cấu trúc đăng đối giữa các câu thơ (buồn điệp điệp - nước song song; thuyền về - nước lại, nắng xuống - chiều lên) tạo ra cảm giác mênh mông của dòng sông,cùng với đó là vị buồn man mác của hồn thơ Huy Cận.

Câu 4. Phân tích tính tượng trưng của một số hình ảnh nổi bật trong bài thơ.

Hướng dẫn trả lời:

Các hình ảnh trong bài thơ Tràng giang đều có tính tượng trưng bên cạnh phần tạo hình cụ thể, sống động còn có phần khái quát, triết lí, gợi lên nhiều liên tưởng, phán đoán khác nhau. Câu thơ “Củi một cành khô lạc mấy dòng”cũng là một trong số đó. Nhà thơ sử dụng hình ảnh “củi khô” điểm xuyết trong cảnh sông nước ấy. Chính yếu tố này đã tạo nên sự cô đơn của con người trước sự bao la của đất trời. Những cành đào cũng bị “héo” thể hiện sự thiếu sức sống của người dân. Đặc biệt, tác giả còn sử dụng phép đảo ngữ cho cụm từ “củi khô cành khô” cùng với nhịp thơ 1/3/3 nhằm nhấn mạnh thân phận con người bị vùi dập. Đứng trước khung cảnh ấy, nhà thơ cảm thấy một nỗi buồn da diết. Ông buồn cho thân phận con người, nghĩ về dòng đời trôi nổi. Cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra. Con người luôn cô đơn, một mình chơi vơi với những thăng trầm của cuộc đời, không biết đi về đâu.

Câu 5. Nêu suy nghĩ của bạn về sự khác biệt giữa nửa đầu và nửa sau của từng khổ thơ trong bài xét theo phạm vi quan sát – suy tưởng. Hiện tượng có “quy luật” này nói lên điều gì về cấu tứ của bài thơ?

Hướng dẫn trả lời:

Xét theo phạm vi quan sát – suy tưởng, nửa đầu khó thơ thiên về ghi nhận cảnh sắc cụ thể của thế giới xung quanh, nửa sau thiên về thể hiện suy tưởng của nhà thơ – nhân vật trữ tình về những quy luật phổ biến của cuộc sống, về mối quan hệ giữa con người với đất trời, vũ trụ. Cách tổ chức từng khổ thơ như thế phản ánh cách tổ chức chung của cả bài thơ: đi từ thế giới hữu hình với những sắc màu, âm thanh có thể thấy được, nghe được tới thế giới vô hình chứa đựng vô số bí ẩn mà người ta chỉ có thể cảm nhận bằng trực giác.

Câu 6. Trong một số bản in bài thơ Tràng giang, từ dợn dợn trong câu “Lòng quê dợn dợn vời con nước” thường bị chép sai là “dờn dợn” hoặc “rờn rợn” (Điều này khiến tác giả thấy phiền lòng và đã lên tiếng đính chính). Theo bạn, từ “dợn dợn” có điểm gì đặc biệt khiến nó không thể thay thế được?

Hướng dẫn trả lời:

So với dờn dợn, từ dợn dợn đắt hơn vì có hai thanh trắc đi liền nhau mà lại là thanh có âm vực thấp, gây tình trạng “khổ độc” (khó đọc), diễn tả rất đạt cảm giác nặng nề của tâm trạng. Từ rờn rợn thiên về bộc lộ cảm giác chủ quan thuần tuý, gắn với nỗi sợ hãi trước một cái gì đó vô hình, trong khi từ dợn dợn “tích hợp” được trong đó vừa hình ảnh của“con nước” đang trải rộng trước mắt, vừa nỗi sầu muộn mênh mông trước cảnh “sông dài, trời rộng”.

Bài tập 3: Đọc lại bài thơ Con đường mùa đông trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 61 – 63) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Tìm trong khổ thơ 1 (căn cứ vào bản dịch nghĩa) những từ ngữ thể hiện ý thức vận động vượt qua trở ngại của nhân vật trữ tình.

Hướng dẫn trả lời:

Những từ ngữ”xuyên qua,“nhô ra”, “dội” có chung một sắc thái ý nghĩa (vượt qua một sức cản nào đó) tô đậm nỗ lực vượt qua khó khăn, trở ngại (nỗi buồn) ở trong lòng nhân vật trữ tình.

Câu 2. Hãy lí giải vì sao tiếng lục lạc trong khổ thơ 2 vừa thể hiện nỗi buồn, vừa thể hiện ý thức vận động không ngừng về phía trước của nhân vật trữ tình.

Hướng dẫn trả lời:

Hình tượng tiếng lục lạc trong khổ thơ 2 vừa nhấn mạnh nỗi buồn qua các từ “đơn điệu”, “mệt mỏi”, vừa điểm bước vận động không ngừng của cỗ xe với “rung lên” (cỗ xe có vận động không ngừng thì tiếng lục lạc mới “rung lên” như vậy).

Câu 3. Trong khổ thơ 3, ý thức của nhân vật trữ tình tìm đến với điểm tựa tinh thần nào? Qua việc ý thức về điểm tựa tinh thần này, nhân vật trữ tình ngộ ra được điều gì về quy luật vận động của cuộc sống?

Hướng dẫn trả lời:

Trong khổ thơ 3, việc ghi nhận các đối tượng “khúc ca ngân dài” và “bác xà ích” (con người bình dị từ nhân dân) thể hiện tâm tưởng của người lữ hành tìm đến với điểm tựa ý thức về nhân dân và cội nguồn dân tộc. Ý thức về bản chất của lời ca dân gian được khắc họa như quy luật luân chuyển niềm vui với nỗi buồn “Lúc là trẩy hội tưng bừng,/ Lúc là nỗi buồn tâm tình... củng cố dũng khí cho người lữ hành trên con đường mùa đông, cũng như trong hành trình cuộc đời.

Câu 4. Tìm trong khổ thơ 4 (căn cứ vào bản dịch nghĩa) những từ ngữ cho thấy tâm tưởng của nhân vật trữ tình không còn chìm đắm trong nỗi buồn ở hoàn cảnh hiện tại.

Hướng dẫn trả lời:

Trong khổ thơ 4 (theo bản dịch nghĩa), tập hợp từ “ngược chiều tôi” nhấn mạnh cái “tôi” tâm tưởng của nhân vật trữ tình duy trì vận động không ngừng về phía trước, bỏ lại sau lưng những cột cây số “đơn độc” cùng nỗi buồn.

Câu 5. Trong khổ thơ 5, qua lời than buồn tủi, tâm tưởng nhân vật trữ tình kết nối với ai, ở đâu trong không gian và thời gian?

Hướng dẫn trả lời:

Trong khổ thơ 5, qua lời than buồn tủi, tâm tưởng nhân vật trữ tình kết nối với Nhi-na - người yêu thương, tìm đến với ý niệm về hạnh phúc tình yêu ở đích đến của con đường. Nhi-na – người yêu thương như tỏa sáng giữa hai từ”ngày mai”, thể hiện ý niệm về hạnh phúc trong tương lai.

Câu 6. Trong khổ thơ cuối, ý thức về tình yêu, sứ mệnh, cội nguồn, quy luật vận động của cuộc sống trở thành hành trang tinh thần cho nhân vật trữ tình trên con đường mùa đông như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

Trong khổ thơ cuối, lời than “sầu lắm” và đối tượng chia sẻ “Nhi-na” không còn bị ngăn cách bởi “ngày mai” như ở khổ thơ 5. Nhi-na - người yêu thương giờ đây như đã đồng hành cùng nhân vật trữ tình, trở thành hành trang cho người lữ hành trên con đường mùa đông buồn tẻ.”Con đường” vẫn “tẻ ngắt”, song đã được ý thức thành con đường - sứ mệnh “của tôi”, gắn bó mật thiết với tôi”. Bác xà ích - con người bình dị từ nhân dân cũng trở thành thân thuộc - “của tôi” - đồng hành với “tôi” cùng lời ca dân gian dường như vẫn vang lên trong tâm tưởng, cho dù bác có “lặng yên” thôi không hát nữa. Tiếng lục lạc vẫn vang lên dù vẫn buồn,“đơn điệu”, nhưng đã được nhân vật trữ tình ý thức như điểm bước vận động không ngừng của cỗ xe tam mã - nước Nga về phía trước. Tất cả những hành trang tinh thần ấy đủ để nhân vật trữ tình ý thức rõ ràng về quy luật vận động của cuộc sống: cuộc sống luôn vận động về phía trước, xua đi những buồn tủi, khổ đau, để hạnh phúc tình yêu còn đọng lại. Bởi vậy, dù nỗi buồn có được đẩy lên tới đỉnh điểm ở câu thơ cuối với ghi nhận “khuôn trăng mờ sương”, nhưng nỗi buồn đó không còn đáng sợ nữa: sương mù che khuất ánh trăng, rồi ánh trăng lại sẽ “xuyên qua những lớp sương mù”. Trong hành trình trên con đường mùa đông, nhân vật trữ tình đã ý thức được khả năng chiến thắng nỗi buồn ngay cả khi nó đang hiện hữu.

Bài tập 4: Đọc lại bài thơ Thời gian trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 74) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Bài thơ được sáng tác bằng thể thơ gì? Thể thơ ấy có phù hợp với nội dung cảm xúc mà nhà thơ muốn bộc lộ không? Vì sao bạn nhìn nhận như vậy?

Hướng dẫn trả lời:

Bài thơ được sáng tác bằng thể thơ tự do. Thể thơ ấy rất phù hợp với nội dung cảm xúc mà nhà thơ muốn bộc lộ. Bởi lẽ, qua nội dung bài thơ, ta cảm nhận được dòng cảm xúc được bộc một cách hết sức tiết chế và trong mạch vận động của nó có những điểm đứt đoạn, mơ hồ. Với phong cách kiệm lời, thích gợi mở hơn là giãi bày của tác giả thì các thể thơ truyền thống có thể không phải là lựa chọn phù hợp.

Câu 2. Qua cách cảm nhận thời gian của nhân vật trữ tình, có thể nhận ra được điều gì về sự hiện diện của yếu tố tượng trưng trong bài thơ?

Hướng dẫn trả lời:

Nhân vật trữ tình không cảm nhận thời gian thông qua những dữ kiện mang tính vật chất do các giác quan đưa lại mà thông qua suy tưởng. Chính điều đó khiến bài thơ có phần trừu tượng, khó hiểu và hình ảnh thơ trở nên đa nghĩa, giàu tính tượng trưng. Tác giả đặt nhan đề cho bài thơ là Thời gian nhưng trên thực tế, thời gian đã được nhìn như một điều kiện nhận thức, cho phép nhà thơ – nhân vật trữ tình nhận ra những giá trị cơ bản của cuộc sống.

Ví dụ, qua hai câu thơ đầu của bài thơ, ta dễ dàng nhận ra cách cảm nhận thời gian của nhân vật trữ tình. Thời gian là một đối tượng trừu tượng lại được hình dung như một đối tượng cụ thể, có thể lọt qua, chảy qua “kẽ tay” để “làm khô những chiếc lá”. Rõ ràng ở đây, điều được miêu tả không tồn tại thực và thực tế đó khiến người đọc phải chú ý tìm hiểu ý nghĩa tượng trưng của hình ảnh.

Câu 3. Việc lặp lại từ “riêng” trong đoạn thơ 2 hé lộ điều gì về mối liên hệ giữa đoạn thơ 2 và đoạn thơ 1 trên phương diện nội dung?

Hướng dẫn trả lời:

Thơ tượng trưng hay thơ giàu yếu tố tượng trưng thường gây ấn tượng về sự thiếu liền mạch giữa các câu chữ, hình ảnh. Trên thực tế, sự liền mạch đó vẫn luôn được duy trì theo cách riêng, đòi hỏi người đọc phải chú ý khám phá.

Từ“riêng” trong khổ 2 không xuất hiện đường đột. Nó báo hiệu rằng trước đó, ở khổ 1, nhà thơ đã nói đến tình trạng phôi pha có tính phổ biến của mọi sự vật, hiện tượng trước sức huỷ hoại không thể cưỡng nổi của thời gian. Rõ ràng, khổ 2 có mối liên kết rất chặt với khổ 1.

Câu 4. Xác định nghĩa ẩn dụ của từ“xanh” (được nhắc tới hai lần trong bài thơ). 

Hướng dẫn trả lời:

- Khẳng định vẻ đẹp, sức sống vĩnh cửu của những câu thơ, những bài hát.

- Thể hiện niềm tin của tác giả về sự trường tồn của những giá trị tinh thần của cuộc đời.

- Làm cho câu thơ, hình ảnh thơ thêm sinh động, ấn tượng.

Câu 5.Phân tích hiệu quả nghệ thuật của việc so sánh “đôi mắt em” với “hai giếng nước. 

Hướng dẫn trả lời:

Trước khi nói về hiệu quả nghệ thuật của việc so sánh “đôi mắt em” với “hai giếng nước”, ta cần hiểu hàm nghĩa của hình ảnh “đôi mắt em”. Hình ảnh này không nhằm nói về đôi mắt cụ thể mà nói về chính em, nói về tình yêu - điều vẫn còn lung linh trong ký ức, bất chấp dòng thời gian tàn phá, huỷ hoại bao điều khác. Trong khi đó, qua hình ảnh “giếng nước”, tác giả muốn nói đến sự thẳm sâu, huyền bí, nói đến một mạch nguồn không bao giờ vơi cạn. 

Câu 6. Bài thơ đã gợi cho bạn những suy nghĩ gì về bản chất của thời gian, nghệ thuật tình yêu và mối tương quan giữa chúng?

Hướng dẫn trả lời:

- Thời gian là một lực lượng vô tình, có thể xóa sạch dấu vết của nhiều điều trong kí ức.

- Trước thời gian, chỉ nghệ thuật (câu thơ, bài hát) và tình yêu (đôi mắt em) là đủ sức kháng cự để tồn tại mãi mãi.

- Dù thời gian là lực lượng đáng sợ nhưng chỉ khi được đặt trong tương quan đối lập với nó, nghệ thuật và tình yêu mới có cơ hội khẳng định sức sống và sự tồn tại bền vững của mình.

Bài tập 5: Đọc lại khổ thơ 5 của bài thơ Nhớ đồng trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 56) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Hãy miêu tả lại theo cách của bạn những hình ảnh đã được vẽ lên trong khổ thơ.

Hướng dẫn trả lời:

Khổ thơ thứ 5 của bài thơ miêu tả lại khung cảnh những người nông dân đang vất vả gieo hạt trên đồng. Lưng họ còng, lội trong bùn đất, gieo hạt chuẩn bị cho mùa lúa mới. 

Câu 2. Phân tích sự gắn kết giữa hình ảnh con người và hình ảnh đồng ruộng quê hương được khắc hoạ trong khổ thơ. Sự gắn kết đó đã gieo vào lòng nhân vật trữ tình ấn tượng, ý nghĩ gì?

Hướng dẫn trả lời:

Khổ thơ thứ năm là nỗi nhớ con người lao động - những người dân quê cần cù, chất phác, quen “dãi gió dầm mưa”,”hiền như đất”, “rất thật thà”. Khổ thơ cho thấy sự gắn kết được phát hiện “theo cái nhìn của nhà thơ và được thể hiện bằng các phương tiện nghệ thuật phù hợp, tinh tế. Đọc khổ thơ, có thể nhận ra những đường nét vận động thú vị của hình ảnh: cong xuống, toả lên, cộng hưởng - thăng hoa. Họ là những người dân cày quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đó người nông dân với luống cày vất vả, gian nan, lưng còng theo năm tháng. Thế nhưng, ở họ, toát lên một vẻ đẹp sáng ngời của phẩm chất trong sáng, dù có ở trong bùn đen nhưng vẫn nức hương. Chính họ, chính những người lao động chân chất thôn quê ấy còn là những người gieo những tia hi vọng vào tương lai.

Câu 3. Làm rõ tác dụng của biện pháp nghệ thuật đã được sử dụng trong câu: “Mà bùn hi vọng nức hương ngây”.

Hướng dẫn trả lời:

Nghệ thuật ẩn dụ. Qua cụm từ “bùn hi vọng”, nhà thơ gửi gắm niềm hi vọng vào những con người “lưng cong xuống luống cày”, những bàn tay gieo hạt”tung trời những sớm mai”.

Câu 4. Theo bạn, nếu không có khổ thơ này, bài thơ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

Theo bạn, nếu không có khổ thơ này, bài thơ sẽ mất đi cái hay của nó. Bởi lẽ, trong một bài thơ hay, thường có một vài chi tiết, hình ảnh nổi bật làm thành tín hiệu nghệ thuật sáng giá. Tín hiệu ấy chính là “con mắt thơ”. Nếu bài thơ có nhiều khổ, sẽ có một hay một số khổ được nhà thơ dụng công đặc biệt nhằm tạo nên “cú sốc” nhận thức. Khổ thơ đang được đề cập có thể thuộc loại đó. Thử tưởng tượng: Dù thể hiện nỗi nhớ, nỗi buồn nhưng nếu bài thơ chỉ thuần một giọng với các chi tiết, hình ảnh nhạt nhòa thì hiệu quả nghệ thuật sẽ như thế nào.

Câu 5. Hãy đối chiếu hình ảnh được tạo hình ở hai câu sau của khổ thơ với hình ảnh người gieo giống trong bức tranh sơn mài Bình minh trên nông trang của hoạ sĩ Nguyễn Văn Nùng. Bạn rút ra nhận xét gì qua sự đối chiếu ấy?

Hướng dẫn trả lời:

Chúng ta đều biết, giữa văn học nói chung, thơ nói riêng với các loại hình nghệ thuật khác luôn tồn tại mối quan hệ gắn bó. Có nhiều ý thơ nảy sinh từ gợi ý của hình tượng hội hoạ và ngược lại, có hình tượng hội hoạ hình thành từ những gì được“vẽ”lên bằng phương tiện ngôn ngữ trong thơ. Hình ảnh được tạo hình ở hai câu sau của khổ thơ với hình ảnh người gieo giống trong bức tranh sơn mài Bình minh trên nông trang của hoạ sĩ Nguyễn Văn Nùng cũng như vậy. Qua bức tranh của người họa sĩ ta dễ dàng nhận ra bóng dáng người nông dân trong câu thơ bài Nhớ đồng và tương tự khi đọc 2 câu thơ, ta lập tức liên tưởng đến bức họa “Bình minh trên nông trang”.

Bài tập 6: Đọc lại khổ 2 của bài thơ Tràng giang trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 59) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Hãy diễn tả lại một cách ngắn gọn về những điều được gợi lên trong khổ thơ. 

Hướng dẫn trả lời:

Bài thơ diễn tả tâm trạng, cảm xúc của thi nhân khi đứng trước cảnh sông nước bao la trong một buổi chiều đầy tâm sự.

Câu 2. Bạn hiểu như thế nào về nghĩa của câu thơ:“Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”? 

Hướng dẫn trả lời:

có người hiểu là không có Có người hiểu ngược lại, là “có”. Sự thực, đầu chỉ mang nghĩa “không có trong trường hợp đâu gắn với câu phủ định, được nói ra nhằm bác bỏ một sự khẳng định xuất hiện trước đó. Ví dụ, để bác bỏ nội dung khẳng định ở câu Nó có đến đây lúc sáng thì người ta có thể nói: Tôi đâu có thấy. Còn trong câu thơ của Huy Cận, từ đâu cho biết sự hiện diện của sự vật, đối tượng, dù đó là sự hiện diện gây nghi hoặc, băn khoăn (tương tự đâu trong các câu thơ như “Người đâu gặp gỡ làm chi” – Truyện Kiều, Nguyễn Du; “Cá đâu đớp động dưới chân bèo” – Thu vịnh, Nguyễn Khuyến). Có thể xác định: đâu trong “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều, là “đâu đây” - một đại từ xác nhận sự tồn tại của tiếng chợ chiều ở làng xa nhưng không chỉ rõ được phương vị của nó, thể hiện trạng thái thả lỏng tâm trí để cảm nhận thấu triệt khía cạnh tinh thần của không gian sông nước trong buổi chiều tà.

Câu 3. Hãy chỉ ra sự tương hợp giữa các hình ảnh xuất hiện trong khổ thơ.

Hướng dẫn trả lời:

Nếu như mở đầu bài thơ, nhà thơ Huy Cận đã sử dụng hình ảnh thơ quen thuộc: con thuyền, dòng sông để gợi nên cảm xúc. Nỗi lòng nhà thơ được gợi mở nhiều hơn qua hình ảnh quạnh vắng của không gian lạnh lẽo. Góc nhìn của nhân vật trữ tình lúc này bao quát hơn, rộng hơn khi từ cảnh sông Hồng chuyển sang không gian bao la của trời đất, bến bờ. Đó là một không gian vắng lặng, yên tĩnh. Không gian rộng lớn “trời rộng sông dài” khiến hình ảnh con người càng trở nên nhỏ bé, lẻ loi, tội nghiệp. Hình ảnh “bến cô liêu” với âm hưởng man mác của hai chữ “cô liêu” ấy, một lần nữa lại gợi ra một nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn về sự sống quá nhỏ nhoi, rất hữu hạn trong thiên nhiên, mà vũ trụ thì cứ mở ra mãi đến vô tận, vô cùng. 

Câu 4. Phân tích dấu ấn của phép đối trong thơ Đường luật ở hai câu sau của khổ thơ. Việc tác giả vận dụng phép đối (theo một cách rất linh hoạt) trong trường hợp này đã đạt được hiệu quả nghệ thuật gì?

Hướng dẫn trả lời:

Đối ở đây không hoàn toàn theo đúng quy tắc của thơ Đường luật nhưng rõ ràng có chịu ảnh hưởng của nó. Trong thơ xưa, phép đối thường tạo nên ấn tượng về trạng thái tồn tại có phần “tĩnh” của sự vật, hiện tượng - một trạng thái dễ đưa tác giả và người đọc chìm đắm vào mạch suy tư về những điều mang tính phổ quát.

Câu 5. Bạn hiểu như thế nào về từ“cô liêu”? Hãy nêu một số từ ngữ khác gần gũi về nghĩa với từ này.

Hướng dẫn trả lời:

- Cô liêu: lẻ loi và hoang vắng

- Một số từ ngữ gần gũi với từ “cô liêu”: quạnh hiu, quạnh vắng…

Bài tập 7: Đọc bài thơ sau của Chế Lan Viên và trả lời các câu hỏi:

TÌNH CA BAN MAI

Em đi như chiều đi

Gọi chim vườn bay hết.

Em về tựa mai về

Rừng non xanh lộc biếc.

Em ở trời trưa ở

Nắng sáng màu xanh che.

Tình em như sao khuya

Rải hạt vàng chi chít.

Sợ gì chim bay đi

Mang bóng chiều bay hết.

Tình ta như lộc biếc Gọi ban mai lại về.

Dù nắng trưa không ở Ta vẫn còn sao khuya.

Hạnh phúc trên đầu ta

Mọc sao vàng chi chít.

Mai, hoa em lại về.

(Chế Lan Viên giữa chúng ta, NXB Giáo dục – Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Hà Nội, 2000, tr. 756 – 757 

Câu 1. Theo bạn, bài thơ đã được cấu tứ như thế nào? Cấu tứ đó có điểm gì độc đáo? 

Hướng dẫn trả lời:

Nhân vật trữ tình “em” là yếu tố cốt lõi đã liên kết các câu thơ, khổ thơ trong bài thành một chỉnh thể. Từ “em” ở đây không thuần tuý là một đại từ xưng hô.“Em” mang hàm nghĩa rộng và phong phú hơn.“Em” chính là ánh sáng, tình yêu, hạnh phúc. Nếu “em đi”, tất cả “đi” theo còn nếu “em về” hay “em ở” thì tất cả cùng theo về hay ở lại. Như vậy, “em” là tâm điểm của cuộc đời. Có “em”, cuộc đời tràn trề hi vọng và hạnh phúc trở thành vĩnh cửu, khiến nhân vật trữ tình có thể “chấp” tất cả: “Sợ gì chim bay đi”... Bốn khổ gồm hai câu ở phần đầu bài thơ nêu các tình huống giả định về việc “em đi”, “em về”, “em ở. Các khổ thơ sau và câu cuối bài phát triển ý thơ ở phần đầu bằng ngôn ngữ mang tính khẳng định, với sự xuất hiện của mô hình cú pháp: “Dù vẫn”... Như vậy, mặc dù hướng đến một điều không mới là tôn vinh, ca ngợi tình yêu, nhà thơ vẫn tìm được một cách thể hiện rất độc đáo, khiến bài thơ có sức hấp dẫn đặc biệt.

Câu 2. Trong cảm nhận và suy nghĩ của nhân vật trữ tình, “em” đóng vai trò gì trong đời sống, trong việc xây đắp nên hạnh phúc, nên “tình ta”?

Hướng dẫn trả lời:

Sự vận động của em: “em đi” - “em về” - “em ở” kéo theo sự vận động của thời gian: chiều - sáng - trưa. Em mang theo ánh sáng của sự sống, thổi tắt ngọn nến le lói cháy khi em đi và nhóm lên ngọn lửa niềm tin khi em về và em ở.Sức mạnh của em là thứ sức mạnh dịu dàng mà đủ mạnh để thiêu đốt trái tim anh. Em là quầng sáng chứa bao niềm tin và hy vọng của anh, để anh thấy nhớ cồn cào và mãnh liệt khi em đi, để anh tìm thấy niềm sung sướng và hạnh phúc khi em về và em ở.

Câu 3. Hai câu thơ “Sợ gì chim bay đi/ Mang bóng chiều bay hết” có mối liên hệ như thế nào về mặt nội dung với những câu trước và sau đó?

Hướng dẫn trả lời:

Hai câu thơ “Sợ gì chim bay đi/ Mang bóng chiều bay hết, chứa đựng nghĩa hàm ẩn, báo hiệu trước đó đã xảy ra tình huống có thể làm nảy sinh cảm giác e ngại. Theo logic, hai câu thơ mang sắc thái khẳng định này sẽ phải được tiếp nối bằng những câu mang tính “chốt hạ” nhằm làm nổi bật chủ đề của bài thơ.

Câu 4. Tính chất tượng trưng của bài thơ được thể hiện như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

- Các chi tiết, hình ảnh, tình huống trong bài thơ đều đòi hỏi độc giả phải suy ngẫm về một cái gì mang tính chất khái quát, trừu tượng hơn, vượt lên tất cả những điều cụ thể đã được thể hiện trong các câu chữ.

- Cần giải thích các động từ“đi”, “về”,“ở” theo hướng được chính cách tổ chức riêng của bài thơ quy định (bài thơ giàu yếu tố tượng trưng thường dựng lên một thế giới mới có quy ước riêng, không bám theo trật tự thông thường của thế giới khách quan),

- Các ý thơ đều nhấn mạnh sự giao hoà, tương thông, tương cảm giữa con người với muôn vật trong vũ trụ. Ở đó, các ghi nhận của những giác quan riêng biệt hoà lẫn vào nhau:“Nắng sáng màu xanh che

Câu 5. Nêu nhận xét về trạng thái tinh thần của nhân vật trữ tình khi đợi “em” và nghĩ về tình yêu.

Hướng dẫn trả lời:

Vừa đợi em, nhân vật trữ tình càng bộc lộ nỗi nhớ của mình. Đối với anh, em là quầng sáng chứa bao niềm tin và hy vọng, để anh thấy nhớ cồn cào và mãnh liệt khi em đi, để anh tìm thấy niềm sung sướng và hạnh phúc khi em về và em ở. Nhớ em, anh cố gắng kìm nén chặt trong lòng. Nhân vật trữ tình càng cố quên em lại càng thấy nhớ em hơn, càng cố coi nhẹ tầm quan trọng của em mà thấy em càng quan trọng bao nhiêu. 

Bài tập 8: Đọc bài thơ sau của Trần Tế Xương và trả lời các câu hỏi:

SÔNG LẤP

Sông kia rày đã nên đồng,

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

(Vũ Văn Sỹ – Đoàn Ánh Dương (giới thiệu, tuyển chọn), Trần Tế Xương – Tác phẩm chọn lọc, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009, tr. 25)

Câu 1. Bài thơ đã được cấu tứ như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

Bài thơ chỉ vỏn vẹn có bốn câu thơ lục bát nhưng ta nghe như trong lời thơ, câu chữ ấy thấm đượm cả một nỗi niềm sâu lắng. Bài thơ đi từ những hoài niệm về một thời dòng sông xưa, đến hiện thực cuộc sống. Trong đó, mỗi câu thơ đều chứa đựng nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ về một thời đã qua.

Câu 2. Hãy sơ đồ hoá tổ chức của bài thơ theo cách nhìn nhận của bạn.

Hướng dẫn trả lời:

Giọng điệu trầm lắng xót xa khi nhớ về quá khứ -> Lời thơ nghẹn đắng hơn, day dứt hơn về biến chuyển hiện tại -> Trầm lắng suy tư về hiện thực cuộc sống

Câu 3. Theo bạn, trong bài thơ, dòng (câu) nào đáng được xem là dòng (cậu) then chốt? Vì sao bạn xác định như vậy?

Hướng dẫn trả lời:

Theo em, trong bài thơ, câu thơ cuối đáng được xem là câu then chốt. Sau thời gian hồi ức, về quá khứ, suy ngẫm về hiện tai, Nhà thơ đã “giật mình” thực tại cay đắng xót xa, cái thực tại mà ông muốn vứt bỏ, muốn trốn tránh nhưng ông không thể nào trốn tránh được. Tuy “giật mình” trở lại với hiện thực như dường như Trần Tế Xương còn đang muốn níu kéo lại dòng suy nghĩ ấy. Những hình ảnh về con đò, của dòng sông quê kỉ niệm những hình ảnh đó sao có thể phai mờ được trong những mảnh hồn quê của ông.

Câu 4. Vì sao "tiếng ếch” lại khiến nhân vật trữ tình giật mình, ngỡ tiếng gọi đò vang vọng?

Hướng dẫn trả lời:

“Tiếng ai” mỗi đêm gọi đò sang sông bây giờ nào còn đâu, thay vào đó là tiếng ếch bên ngoài đồng xa vọng lại mà khi giữa cơn mê trong giấc ngủ, tác giả lại ngỡ là tiếng gọi đò quen thuộc trước kia. 

Câu 5. “Tiếng gọi đò” được nhắc tới trong bài thơ mang ý nghĩa tượng trưng như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

“Tiếng gọi đò” thân quen xưa, giờ chỉ còn tìm trong ký ức, trong giấc mơ chập chờn. “Tiếng gọi đò” là một sự trăn trở, day dứt trong lòng nhà thơ. Trong khung cảnh ấy, một con người “giật mình” tỉnh giấc vì một sự nhầm lẫn mơ hồ giữa thực và mộng. “Tiếng gọi đò” là tiếng gọi của nỗi nhớ, của khát khao, của niềm thất vọng và hi vọng. Nó tích hợp được vừa âm thanh vọng đến từ bên ngoài, vừa tiếng kêu tha thiết của tâm tưởng, của hoài niệm.

Câu 6. Chỉ ra sự kết nối giữa các hình ảnh trong bài thơ.

Hướng dẫn trả lời:

Các hình ảnh trong bài thơ đều là những hình ảnh bình dị, đời thường gần gữi với cuộc sống. Tuy nhiên ẩn sau mỗi hình ảnh đó là những câu chuyện, những suy tư. Hình ảnh dòng sông là nỗi nhớ về quá khứ đã qua. Hình ảnh ngôi nhà, cánh đồng là thuộc về hiện tại, sự đối lập, của thời gian. Những hình ảnh này đã làm cho dòng cảm xúc bên trong tác giả được bộc lộ đầy tinh tế, cô đọng. Ví dụ, “Tiếng gọi đò” ở đây là tiếng gọi của nỗi nhớ, của khát khao, của niềm thất vọng và hi vọng. Nó tích hợp được vừa âm thanh vọng đến từ bên ngoài, vừa tiếng kêu tha thiết của tâm tưởng, của hoài niệm.

Bài tập 9: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Tứ thơ chính là hạt nhân kết cấu hình tượng thơ trữ tình. Nó đứng ở vị trí trung tâm của quá trình sáng tạo thơ ca, chi phối sự liên kết tất cả các yếu tố của bài thơ lại thành một chỉnh thể thống nhất. Nó cấp cho cái “hỗn mang” của những rung động hay những “nỗi niềm tinh vân” (chữ dùng của Huy Cận) một trật tự, khiến chúng hoàn toàn có thể được phô bày bằng các phương tiện ngôn từ diễn ra trong thời gian, để thực sự trở thành những rung động thơ, nỗi niềm thơ. Tứ thơ quy định tính sáng tạo của hình tượng thơ, phân biệt hình tượng thơ mang tính cô đọng, khái quát, thẩm đẫm cảm xúc và dồn nén suy nghĩ với những hình ảnh rời rạc, cá biệt của hiện thực khách quan. Trong sáng tác, người ta thường nói đến sự “loé sáng” của tứ thơ. Đúng hơn phải nói là sự “loé sáng” của tư duy nghệ thuật khi tứ thơ vụt đến. Quả là xét trên tổng thể, tứ thơ mang tính chất “khải thị”, giúp cho nhà thơ ngay lập tức trong một giây lát ngắn ngủi nào đó, nhận ra tính chất toàn vẹn của vấn đề, của sự vật, hiện tượng đang đối diện với mình và thách thức cảm xúc, suy nghĩ của mình. Sự “loé sáng” của tứ cũng đồng nghĩa với việc nhà thơ trong phút chốc tìm được con đường giải phóng những ý niệm của mình thoát khỏi tính trừu tượng để nó được hoá thân vào những hình ảnh tươi mới của hiện thực, và chính sự giải phóng này cũng tạo ra tiền đề quan trọng cho phép nhà thơ thực sự khám phá được mình – một sự khám phá được đặt ở trung tâm của mối liên hệ, tương tác giữa chủ quan và khách quan. Nói khái quát lại, tứ thơ chính là một sự phát hiện – phát hiện của nhà thơ về bản thân và về thế giới.

(Phan Huy Dũng, Tứ thơ như là hạt nhân kết cấu của hình tượng thơ trữ tình, tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 10/1999, tr. 21 – 22)

Câu 1. Tóm tắt nội dung chính của đoạn trích.

Hướng dẫn trả lời:

Tứ thơ chính là hạt nhân kết cấu hình tượng thơ trữ tình. Tứ thơ quy định tính sáng tạo của hình tượng thơ, phân biệt hình tượng thơ mang tính cô đọng, khái quát, thẩm đẫm cảm xúc và dồn nén suy nghĩ với những hình ảnh rời rạc, cá biệt của hiện thực khách quan. Tứ thơ mang tính chất “khải thị”, giúp cho nhà thơ ngay lập tức trong một giây lát ngắn ngủi nào đó, nhận ra tính chất toàn vẹn của vấn đề, của sự vật, hiện tượng đang đối diện với mình và thách thức cảm xúc, suy nghĩ của mình. Nói khái quát lại, tứ thơ chính là một sự phát hiện – phát hiện của nhà thơ về bản thân và về thế giới.

Câu 2. Dựa vào ngữ cảnh của đoạn trích, hãy giải thích ý được biểu đạt trong câu: “Nó cấp cho cái “hỗn mang” của những rung động hay những “nỗi niềm tinh vân” (chữ dùng của Huy Cận) một trật tự, khiến chúng hoàn toàn có thể được phô bày bằng các phương tiện ngôn từ diễn ra trong thời gian, để thực sự trở thành những rung động thơ, nỗi niềm thơ”.

Hướng dẫn trả lời:

Câu này đã gợi ý về cách giải thích: “dựa vào ngữ cảnh của đoạn trích”. Theo ngữ cảnh, tứ thơ “lóe sáng” trên nền những thao thức, trăn trở của nhà thơ. Trạng thái tinh thần đó là một khối “hỗn mang”, trong đó, các ý nghĩ chưa hình thành rõ ràng, các cảm xúc đan bện vào nhau thành một khối khó tách bạch, tương tự như những đám “tinh vân” vần vũ ở bước hình thành một thiên thể trong vũ trụ.

Câu 3. Đoạn trích giúp bạn hiểu thêm gì về những thách thức mà nhà thơ phải cụ thể? vượt qua khi sáng tác một bài thơ

Hướng dẫn trả lời:

“Quả là xét trên tổng thể, tứ thơ mang tính chất “khải thị”, giúp cho nhà thơ ngay lập tức trong một giây lát ngắn ngủi nào đó, nhận ra tính chất toàn vẹn của vấn đề, của sự vật, hiện tượng đang đối diện với mình và thách thức cảm xúc, suy nghĩ của mình”. Theo nội dung của câu, có thể hiểu rằng khi làm thơ, tác giả phải chịu một sự thôi thúc tinh thần rất mạnh từ bên trong, tuy nhiên, tác giả chưa thể hình dung được mình sẽ nói cái gì và nói như thế nào. Vì vậy, tác giả phải nung nấu để tìm ra được điều cốt lõi trong “nỗi niềm tinh vân” đang “giày vò” mình.

Câu 4. Trình bày quan điểm của bạn trước những diễn giải về tứ thơ trong đoạn trích.

Hướng dẫn trả lời:

Những diễn giải về tứ thơ trong đoạn trích rất chi tiết và rõ ràng. Đọc đoạn trích, ta dễ dàng nắm được khái quát một số vấn đề liên quan đến tứ thơ: Từ khái niệm đến đặc điểm, vai trò… Những diễn giải trên giúp chúng ta rất nhiều trong quá trình học tập thơ ca.

Câu 5. Phân tích liên kết trong đoạn trích.

Hướng dẫn trả lời:

Gợi ý:

Tác giả đã làm tốt vấn đề liên kết câu trong đoạn trích. Điều này giúp cho bài viết trở lên mạch lạc, rõ ràng, tạo sự thống nhất trong nội dung và hình thức. Về liên kết nội dung, đoạn trích có các câu văn đi liền với nhau, thống nhất về mặt nội dung, các vấn đề đều liên quan, xoay quanh diễn giải tứ thơ. Về liên kết hình thức, sử dụng nhiều cách liên kết khác nhau như: lặp lại từ ngữ giữa các câu (lặp lại từ “tứ thơ” trong câu 2, câu 3), thay thế từ ngữ (thay thế từ “tứ thơ” trong câu 1 bằng từ “nó” trong câu 2), sử dụng từ nối. 

Tìm kiếm google: Soạn sách bài tập Ngữ văn 11 Kết nối , Giải SBT Ngữ văn 11 Kết nối tập 1, Soạn sách bài tập Ngữ văn 11 KNTT Bài 2: Đọc và thực hành tiếng Việt

Xem thêm các môn học


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com