Soạn siêu ngắn kinh tế pháp luật 11 CTST bài 4 Thất nghiệp trong kinh tế thị trường

Baivan.net sẽ đưa ra lời giải nhanh, ngắn gọn chuẩn xác môn kinh tế pháp luật 11 bộ sách chân trời sáng tạo bài 4 Thất nghiệp trong kinh tế thị trường. Học sinh kéo xuống để tham khảo. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt hiệu quả cao trong học tập.

MỞ ĐẦU

Câu hỏi: Hãy chia sẻ một số trường hợp người lao động không có việc làm, không có thu nhập mà em biết và cho biết nguyên nhân của tình trạng này.

Hướng dẫn trả lời:

Trường hợp người lao động không có việc làm, không có thu nhập: 

  • Công ty may tại địa phương thu hẹp sản xuát do tác động của Covid-19, cắt giảm nhân sự, nhiều công nhân lâm vào tình trạng mất việc làm

  • Sinh viên mới ra trường không tìm được việc làm do thiếu kiến thức, kĩ năng cần thiết

Nguyên nhân của tình trạng này: Có 2 nguyên nhân

  • Do sự vận động của nền kinh tế;

  • Nền kinh tế đình trệ, suy thoái, sức mua xã hội giảm, doanh nghiệp giảm sản lượng, thu hẹp sản xuất, giảm lao động;

  • Cơ cấu nền kinh tế chuyển hướng hiện đại, người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc mới

  • Do bản thân người lao động:

  • Yếu ngoại ngữ, thiếu chuyên môn - nghiệp vụ cùng các kĩ năng hỗ trợ công việc theo nhu cầu thị trường

  • Muốn có việc làm với mức lương cao hơn mức lương hiện hành

KHÁM PHÁ

1. Khái niệm và các loại hình thất nghiệp

Câu hỏi: Em hãy đọc các trường hợp sau và thực hiện yêu cầu

      Trường hợp 1

     Bà A đang trong độ tuổi lao động và có kinh nghiệm trong nghề may. Hai năm qua, bà xin nghỉ việc để điều trị bệnh. Hiện tại, bà đã khỏi bệnh và chưa tìm được việc làm. Trong khi chờ kiếm được việc làm mới, bà giúp con cái chăm sóc các cháu và làm việc nhà.

      Trường hợp 2

     Ông M là thợ xây dựng làm việc trong một công trình lớn. Hiện nay công trình đã hoàn thành, không còn việc để làm, ông phải nghỉ việc. Ông đi tìm việc làm ở công trình nơi khác. Nhưng trong ba tháng nay, ông vẫn chưa tìm được nơi làm mới.

      Trường hợp 3

     Gia đình anh Q vừa chuyển nhà lên Hà Nội. Vợ anh đã nhờ người quen xin vào làm công nhân ở một xưởng may gần nhà, kinh tế gia đình khá ổn. Còn anh Q thì tạm thời chưa có việc vì anh cần thêm thời gian tìm hiểu các thông tin tuyển dụng lao động để tìm việc làm hợp với năng lực chuyên môn và tiện đường đưa đón các con đi học.

– Em hãy nhận xét về khả năng tìm việc làm, lí do chưa tìm được việc làm của mỗi chủ thể trong các trường hợp trên.

– Hãy xác định các yếu tố thể hiện tình trạng thất nghiệp và nêu cách hiểu của em về khái niệm thất nghiệp.

– Căn cứ vào lí do chưa tìm được việc làm trong các trường hợp trên, em hãy xác định các biểu hiện của thất nghiệp và các loại hình thất nghiệp.

Hướng dẫn trả lời:

- Khả năng tìm việc làm, lí do chưa tìm được việc làm trong các trường hợp trên:

  • Trường hợp 1: khả năng tìm việc của bà A thấp, xin nghỉ việc để điều trị bệnh

  • Trường hợp 2: khả năng tìm việc của ông M thấp, công trình đã hoàn thành, không còn việc làm.

  • Trường hợp 3: khả năng tìm việc của anh Q thấp, anh cần thêm thời gian tìm hiểu các thông tin tuyển dụng lao động để tìm việc làm phù hợp với năng lực chuyên môn và tiện đường đưa đón các con đi học.

- Các yếu tố thể hiện tình trạng thất nghiệp:

  • Chưa tìm được việc làm.

  • Tạm thời chưa có việc

Thất nghiệp là tình trạng người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, muốn làm việc nhưng không thể tìm được việc làm ở mức lương thịnh hành.

- Biểu hiện của thất nghiệp:

  • Thiếu thốn về tài chính

  • Chưa/ không có việc làm trong một khoảng thời gian nhất định

- Các loại hình thất nghiệp:

  • Căn cứ vào tính chất của thất nghiệp có: thất nghiệp tự nguyện, thất nghiệp không tự nguyện

  • Căn cứ vào nguyên nhân gây thất nghiệp: thất nghiệp tạm thời, thất nghiệp cơ cấu, thất nghiệp chu kì

2. Các nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin sau và thực hiện yêu cầu

      THÔNG TIN 1.

     Kinh tế số, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh hiện nay. Nhưng để phát triển được nền kinh tế số, Việt Nam phải vượt qua một số thách thức, trong đó có thách thức về nguồn nhân lực. Kinh tế số phát triển đòi hỏi phải có nguồn nhân lực số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nền kinh tế một cách hiệu quả. Sự phát triển của khoa học, công nghệ sẽ gây ra sự bất ổn thị trường lao động, làm gia tăng nỗi lo mất việc do tự động hoá, trình độ nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách kinh tế nói chung và chuyển đổi số nói riêng.

(Theo Tạp chí Công Thương, Giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh nền kinh tế số tại Việt Nam, Số 8, tháng 4, 2022)

      THÔNG TIN 2

     Theo kết quả khảo sát từ Báo cáo đánh giá việc làm sinh viên tốt nghiệp năm 2020 của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 80 – 90% sinh viên tuỳ từng cơ sở đào tạo sau khi tốt nghiệp từ ba tháng đến một năm đã có việc làm. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm và đang tìm việc chiếm gần 20%. Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, có đến 16% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá chương trình đào tạo Đại học hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, sinh viên không có nhiều cơ hội đạt được các kĩ năng phù hợp để cạnh tranh trên thị trường lao động, 41,6% số doanh nghiệp đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học đang thiếu kĩ năng mềm. Đây chính là hạn chế lớn nhất của sinh viên, tác động đến cơ hội có được việc làm và việc làm chất lượng. Đối với bản thân sinh viên tìm việc, 15,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học không có định hướng nghề nghiệp và do đó không có đam mê, yêu thích công việc.

(Theo Tạp chí Công Thương, Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng xin việc làm của sinh viên sau khi ra trường, Số 8, tháng 4, 2022)

– Em hãy chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp trong thông tin trên.

– Em hãy cho biết còn có những nguyên nhân nào khác dẫn đến tình trạng thất nghiệp của người lao động hiện nay.

Hướng dẫn trả lời:

Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp trong các thông tin

- Thông tin 1: Dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nền kinh tế số, nên đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao về chất lượng nguồn lao động.

- Thông tin 2: Bản thân người lao động còn thiếu chuyên môn, nghiệp vụ, cùng các kĩ năng hỗ trợ nên không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Một số nguyên nhân khác dẫn đến thất nghiệp:

- Nền kinh tế đình trệ, suy thoái, sức mua xã hội giảm, doanh nghiệp giảm sản lượng, thu hẹp sản xuất, tinh giản lao động;

- Sự mất cân đối giữa cung – cầu lao động.

- Mong muốn về mức lương của người lao động cao hơn mức hiện hành

3. Hậu quả của nền thất nghiệp đối với nền kinh tế và xã hội

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin sau và thực hiện yêu cầu

       THÔNG TIN 1

      Năm 2020, do dịch bệnh và đứt gãy nguồn cung, tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,48% (năm 2019 là 2,17%), tỉ lệ thiếu việc làm là 2,51% (năm 2019 là 1,5%). Trong Quý II – 2021, tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm của lao động lần lượt là 2,4% và 2,6%, đều tăng so với Quý I – 2021 (2,19% và 2,2%). Những con số trên phản ánh rõ tình hình hoạt động rất khó khăn của các doanh nghiệp. Năm 2020, số doanh nghiệp đăng kí thành lập mới giảm 2,3% so với năm 2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 13,9%. Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; những doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường nhiều hơn.

(Trích Vương Đình Huệ, Một số cơ chế, chính sách cấp thiết nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, ngày 04 – 10 – 2021)

        THÔNG TIN 2 

       Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong Quý II năm 2021, khoảng 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên đã bị ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm mất việc làm, tạm nghỉ, làm việc luân phiên, giảm giờ làm, hoặc giảm thu nhập. Vào thời điểm tháng 3 năm 2021, 30% hộ gia đình có thu nhập thấp hơn so với tháng 3 năm 2020. Khoảng 12% các hộ gia đình này rơi vào tình trạng khó khăn tài chính khi họ bị mất ít nhất 50% thu nhập. Nữ giới và các hộ ở nhóm 20% có thu nhập thấp nhất trải qua quá trình phục hồi thu nhập chậm nhất.

(Theo Tổng cục Thống kê, Họp báo công bố tình hình lao động, việc làm Quý II và 6 tháng năm 2021 và kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020, ngày 06 – 7 – 2021)

– Tình trạng thất nghiệp đã gây ra hậu quả gì cho các doanh nghiệp và người lao động trong các thông tin trên?

– Theo em, thất nghiệp đem đến hậu quả gì cho nền kinh tế và xã hội?

Hướng dẫn trả lời:

- Những hậu quả thất nghiệp gây ra cho các doanh nghiệp và người lao động:

  • Thông tin 1: Đối với doanh nghiệp: tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động hoặc giải thể

  • Thông tin 2: Người lao động: mất việc làm, tạm nghỉ, làm việc luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

- Hậu quả của thất nghiệp đối với nền kinh tế và xã hội:

  • Đối với nền kinh tế:

  • Giảm tiêu dùng, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, gây lãng phí nguồn lực sản xuất

  • Sản lượng sụt giảm, ngân sách thất thu thuế; gây ảnh hưởng khả năng hỗ trợ phát triển kinh tế của Nhà nước.

  • Đối với xã hội:

  • Đời sống vật chất người lao động khó khăn, đời sống tinh thần bị ảnh hưởng tiêu cực

  • Tăng chi ngân sách giải quyết trợ cấp thất nghiệp và tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đầu tư phát triển xã hội.

4. Vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp

Câu hỏi: Em hãy đọc các trường hợp, thông tin, kết hợp quan sát biểu đồ sau và trả lời câu hỏi

       Trường hợp 1

      Tình trạng thất nghiệp làm cho cuộc sống người lao động trở nên khó khăn, đời sống tinh thần bất ổn, lo âu. Nhằm giúp người lao động vơi đi một phần khó khăn, tìm được nguồn sinh kế mới, Nhà nước thực hiện trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, hỗ trợ người bị tạm thời ngừng việc, trợ cấp cho người bị mất kế sinh nhai.

         Trường hợp 2

       Thất nghiệp gia tăng làm giảm tiêu dùng xã hội, các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất gây lãng phí nguồn lực sản xuất trong nền kinh tế. Với vai trò kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp, Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo nhiều việc làm; thu hút lao động qua các chính sách tài khoá; chính sách tiền tệ.

          Trường hợp 3

         Nền kinh tế thực hiện quá trình chuyển đổi số sẽ làm cho một bộ phận người lao động không đáp ứng được yêu cầu của công việc mới, họ không có việc làm, không có thu nhập và gia tăng tình trạng thất nghiệp trong xã hội. Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí đào tạo và tái đào tạo người lao động, khuyến khích và hỗ trợ khởi nghiệp tự tạo việc làm, cải thiện dịch vụ thị trường lao động.

          THÔNG TIN

          Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Mục tiêu của chính sách là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 – 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

(Theo Báo Chính phủ, Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, ngày 24-1-2022)

Hình 1 bài 4 KTPL

- Nhà nước thực hiện những chính sách nào để kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp?

- Theo em, Nhà nước có vai trò gì trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp?

- Từ biểu đồ trên, em có nhận xét gì về sự biến động số người và tỉ lệ thất nghiệp? Qua đó, em đánh giá như thế nào về kết quả kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp của Nhà nước?

Hướng dẫn trả lời:

- Những chính sách nhà nước thực hiện để kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp:

  • Thực hiện trợ cấp thất nghiệp 

  • Hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo nhiều việc làm; thu hút lao động 

  • Hỗ trợ chi phí đào tạo và tái đào tạo người lao động, khuyến khích và hỗ trợ khởi nghiệp tự tạo việc làm, cải thiện dịch vụ thị trường lao động.

  • Ban chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

- Nhà nước giữ vai trò kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp qua các chính sách.

- Sự biến động số người và tỉ lệ thất nghiệp của nước ta qua các năm phần lớn đều giữ ở mức ổn định, chỉ riêng năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên số người và tỉ lệ thất nghiệp tăng, nhưng bằng mọi biện pháp, Nhà nước đã thực hiện tốt và kịp thời các chính sách hỗ trợ nên số người và tỉ lệ giảm xuống thấp nhất từ trước đến năm 2022 cho thấy sự kiểm soát của Nhà nước đem lại hiệu quả tốt.

LUYỆN TẬP

Câu 1: Em đồng tình hay không đồng tình với nhận định nào sau đây?

a. Người lao động không tìm được việc làm do cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng hiện đại là thuộc loại hình thất nghiệp chu kì.

b. Cơ cấu nền kinh tế chuyển hướng hiện đại, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, tạo nhiều việc làm nên người lao động sẽ không bị thất nghiệp.

c. Thất nghiệp trong xã hội càng gia tăng sẽ làm giảm tiêu dùng, thu hẹp sản xuất gây lãng phí nguồn lực sản xuất.

d. Nếu không giỏi ngoại ngữ, yếu về giao tiếp thì người lao động sẽ không tìm được việc làm.

e. Chính sách an sinh xã hội trợ cấp cho người bị mất kế sinh nhai là cần thiết cho người không có việc làm, không có thu nhập.

Hướng dẫn trả lời:

Em đồng tình với các nhận định:

  • c. Bởi vì đây là hậu quả của thất nghiệp đối với nền kinh tế.

  • e. Bởi vì đây là biện pháp cần thiết và hiệu quả của Nhà nước để kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp.

Em không đồng tình với nhận định:

  • a. Bởi vì loại hình thất nghiệp chu kì xảy ra khi nền kinh tế suy thoái không phải là cơ cấu thay dổi theo hướng hiện đại.

  • b. Bởi vì cơ cấu nền kinh tế chuyển hướng hiện đại, nhiều ngành nghề mới xuất hiện cũng đồng nghĩa với việc đòi hỏi trình độ chuyên môn và năng lực cao, máy móc và công cụ hiện đại sẽ thay thế con người, vậy nên nạn thất nghiệp vẫn diễn ra.

  • d. Bởi vì ngoại ngữ, giao tiếp chỉ là một trong những yếu tố tác động đến cơ hội tìm việc của người lao động, không có 2 yếu tố ấy người lao động vẫn có thể tìm được việc làm nhưng khó khăn hơn.

Câu 2: Em hãy nhận biết loại hình thất nghiệp trong các trường hợp sau:

a. Ông B không đáp ứng được yêu cầu của việc làm mới khi doanh nghiệp chuyển đổi sang quy trình sản xuất hiện đại nên phải nghỉ việc.

b. Anh M sau thời gian nghỉ việc để điều trị bệnh nay đang làm hồ sơ xin việc và vẫn chưa tìm được việc làm.

c. Doanh nghiệp A tạm ngưng sản xuất do thiếu đơn hàng, chị P phải nghỉ việc và không tìm được việc làm khác trong tình hình kinh tế thành phố đang đình trệ. Chị mong chờ doanh nghiệp A hồi phục sản xuất, tuyển dụng lại lao động tạm nghỉ việc để chị lại có được việc làm như trước.

Hướng dẫn trả lời:

Loại hình thất nghiệp trong các trường hợp trên:

a. Thất nghiệp cơ cấu

b. Thất nghiệp tự nguyện

c. Thất nghiệp chu kì

Câu 3: Em hãy giải thích nguyên nhân gây ra thất nghiệp trong các thông tin thất nghiệp trong các thông tin, trường hợp sau:

a. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, nhiều ngành nghề mới ra đời, các ngành nghề cũ thiếu đơn hàng bị mai một dần. Điều này khiến cho một bộ phận người lao động rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

b. Sau khi tốt nghiệp Đại học, anh T làm hồ sơ dự tuyển vào một công ty. Anh không được nhận vào làm việc do không đáp ứng được nhiều yêu cầu của công ty.

Hướng dẫn trả lời:

Nguyên nhân gây ra thất nghiệp trong các thông tin thất nghiệp trong các thông tin, trường hợp trên:

a. Dịch chuyển cơ cấu kinh tế thoe hướng hiện đại, yêu cầu người lao động có năng lực và trình độ chuyên môn đủ để đáp ứng công việc

b. Bản thân anh T thiếu kiến thức và kĩ năng để đáp ứng yêu cầu công việc

Câu 4: Em hãy làm rõ nguyên nhân và hậu quả của thất nghiệp đối với nền kinh tế và xã hội trong các trường hợp sau:

a. Thời gian gần đây, do giá xăng dầu thế giới tăng, chi phí vận tải đường biển tăng, chi phí vận tải đường biển tăng, nguồn nhập khẩu bị đứt gãy, hàng loạt doanh nghiệp, xí nghiệp trong nước A phải tạm ngưng sản xuất, hàng vạn lao động phải nghỉ việc hoặc ngưng việc, thu nhập giảm xuống. Điều này làm giảm tiêu dùng, thu hẹp sản xuất trong nền kinh tế và càng khiến cho các doanh nghiệp lao đao, thua lỗ. Số xí nghiệp tạm ngưng sản xuất hoặc giải thể ngày càng tăng lên.

b. Nền kinh tế của nước B do chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại nên dần bị đình trệ sản xuất. Điều này khiến hàng triệu người lao động bị mất việc, đời sống khó khăn, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần; mất phương hướng trong tìm kiếm sinh kế.

Hướng dẫn trả lời:

Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp:

a. Giá cả thế giới tăng, chi phí vận tải đường biển tăng, nguồn cung nhập khẩu bị đứt gãy, khiến hàng loạt xí nghiệp trong nước A phải tạm ngưng sản xuất hoặc giải thể

b. Nền kinh tế chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại dẫn đến đình trệ sản xuất

Hậu quả của thất nghiệp đối với nền kinh tế và xã hội:

a. Giảm tiêu dùng, thu hẹp sản xuất trong nền kinh tế, khiến cho các doanh nghiệp lao đao, thua lỗ, số xí nghiệp tạm ngưng sản xuất hoặc giải thể ngày càng tăng lên.

b. Hàng triệu người lao động bị mất việc, đời sống khó khăn, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần; mất phương hướng trong tìm kiếm sinh kế.

Câu 5: Em có nhận xét gì về việc làm của các cán bộ dưới đây:

     Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động tại doanh nghiệp B, chị M tìm tới trung tâm giới thiệu việc làm ở gần nhà. cán bộ trung tâm đã tận tình hướng dẫn cho chị thủ tục và quy trình làm hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp của chị hội đủ điều kiện hưởng ba tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, hằng tháng, cán bộ cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp rất thuận lợi, nhanh chóng. Nhờ đó, chị đỡ lo một phần cuộc sống và cố gắng sớm tìm được việc làm trong thời gian ba tháng.

Hướng dẫn trả lời:

Việc làm của cán bộ tại trung tâm giới thiệu việc làm ở gần nhà đã được thực hiện rất tốt. Họ đã hỗ trợ chị một cách tận tâm, hướng dẫn về các thủ tục và quy trình để nộp hồ sơ và nhận trợ cấp thất nghiệp. Hồ sơ của chị đã đủ điều kiện để nhận trợ cấp thất nghiệp trong ba tháng. Bên cạnh đó, cán bộ tại cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp một cách thuận lợi và nhanh chóng. Điều này đã giúp giảm bớt khó khăn mà chị phải đối mặt trong khoảng thời gian ba tháng khi tìm kiếm việc làm mới.

VẬN DỤNG

Câu hỏi: Hãy sưu tầm về tấm gương một người đã vượt khó vươn lên trong học tập, tự đào tạo để không rơi vào tình trạng thất nghiệp và chia sẻ những điều em học hỏi từ tấm gương đó.

Hướng dẫn trả lời:

Chris Gardner là một ví dụ rất đáng ngưỡng mộ của người đã vượt qua khó khăn, tự đào tạo và không rơi vào tình trạng thất nghiệp. Câu chuyện của anh đã được chuyển thể thành cuốn sách và bộ phim nổi tiếng "The Pursuit of Happyness," nơi Will Smith đóng vai chính và Chris Gardner tự mình xuất hiện ở cuối bộ phim.

Câu chuyện bắt đầu khi Chris Gardner, một người đàn ông Mỹ gốc Phi, đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Anh là một người đàn ông đầy nghị lực nhưng phải đối mặt với tình trạng vô gia cư, không có nơi ở cố định và một công việc không ổn định. Tuy nhiên, anh có một ước mơ lớn: trở thành một chuyên viên tư vấn tài chính.

Chris Gardner đã bắt đầu tự học về tài chính và đầu tư trong những khoảnh khắc thưa thớt của cuộc sống. Anh đã tham gia vào một khóa học tại trường đại học và làm việc bán sách đầu tư. Mặc dù cuộc sống vẫn còn khó khăn và căng thẳng, anh không bao giờ từ bỏ mục tiêu của mình.

Một phần của câu chuyện nổi tiếng của Chris Gardner là việc anh phải chăm sóc cậu con trai nhỏ của mình trong thời gian khó khăn này. Anh đưa cậu con trai theo mình trong các cuộc phỏng vấn việc làm, thậm chí phải sống trong các căn phòng trọ ở các cơ sở dành cho người vô gia cư. 

Cuối cùng, sự kiên nhẫn và sự kiên trì của Chris Gardner đã được đền đáp khi anh trở thành một chuyên viên tư vấn tài chính thành công. Sau đó, anh thành lập công ty tư vấn tài chính của riêng mình và trở thành một doanh nhân nổi tiếng.

Câu chuyện của Chris Gardner chứng minh rằng với quyết tâm, học hỏi, và tinh thần không bao giờ từ bỏ, bạn có thể vượt qua khó khăn và đạt được mục tiêu của mình, cho dù cuộc đời bắt đầu từ đâu.

Tìm kiếm google: soạn kinh tế pháp luật 11, giải kinh tế pháp luật 11 CTST, soạn kinh tế pháp luật 11 CTST

Xem thêm các môn học

Giải kinh tế pháp luật 11 CTST mới

PHẦN MỘT: GIÁO DỤC KINH TẾ

CHỦ ĐỀ 1: CẠNH TRANH, CUNG, CẦU TRONG KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

CHỦ ĐỀ 5: ĐẠO ĐỨC KINH DOANH

PHẦN HAI: GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

CHỦ ĐỀ 7: QUYỀN BÌNH ĐẲNG CỦA CÔNG DÂN


Copyright @2024 - Designed by baivan.net