Tải bản chuẩn giáo án chuyên đề Lịch sử 11 Cánh diều CĐ Thực hành CĐ 1 Hoạt động 3: Dự án học tập về nghệ thuật truyền thống Việt Nam

Tải bản chuẩn giáo án chuyên đề học tập Lịch sử 11 bộ sách mới cánh diều CĐ Thực hành CĐ 1 Hoạt động 3: Dự án học tập về nghệ thuật truyền thống Việt Nam. giáo án soạn ch1 t1ết, hướng dẫn học sinh hoạt động để tìm tò1, khám phá ra k1ến thức mới, vận dụng chúng vào v1ệc giải quyết các vấn đề của học tập và của thực tiễn cuộc sống. Mờ1 thầy cô kéo xuống tham khảo

Web tương tự: Kenhgiaovien.com - tech12h.com - Zalo hỗ trợ: nhấn vào đây

Rõ nét về file powerpoint trình chiếu. => Xem thêm

 

Hoạt động 3. Dự án học tập về nghệ thuật truyền thống Việt Nam

  1. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS thực hiện được dự án “Nghệ thuật truyền thống Việt Nam – Tào hoa bàn tay Việt”.
  2. Nội dung: GV tổ chức cho HS hoạt động theo 4 nhóm, hướng dẫn HS thực hiện các tiểu dự án về nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
  3. Sản phẩm: Các tiểu dự án về nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
  4. Tổ chức thực hiện:

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

- GV chia HS cả lớp thành 4 nhóm.

- GV giao nhiệm vụ cụ thể cho các nhóm: Thực hiện dự án “Nghệ thuật truyền thống Việt Nam – Tào hoa bàn tay Việt”.

+ Nhóm 1 – Tiểu dự án 1: Chùa Một Cột – dấu ấn Phật giáo thời Lý, Trần.

+ Nhóm 2 – Tiểu dự án 2: Hoàng thành Thăng Long – Di sản nghìn năm.

+ Nhóm 3 – Tiểu dự án 3: Hình tượng rồng qua các thời kì lịch sử Việt Nam.

+ Nhóm 3 – Tiểu dự án 4: Đình làng trong lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

- GV khuyến khích HS sáng tạo trong việc lựa chọn hình thức báo cáo sản phẩm dự án: áp phích, thiết kế bài trình chiếu trên máy tính, sơ đồ tư duy, tập san,…

Bước 2: HS tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS làm việc theo nhóm, vận dụng kiến thức đã học, sưu tầm thêm thông tin, tài liệu, để tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

- GV hướng dẫn, hỗ trợ HS (nếu cần thiết).

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động, thảo luận

- GV mời đại diện HS 4 nhóm lần lượt báo cáo kết quả về các tiểu dự án.

- GV tổ chức cho HS các nhóm nhận xét, góp ý chéo sản phẩm theo kĩ thuật 3 – 2 – 1.

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập

- GV nhận xét, đánh giá và cho HS tham khảo một số bài giới thiệu về nghệ thuật truyền thống Việt Nam:

+ Tiểu dự án 1: Chùa Một Cột – dấu ấn Phật giáo thời Lý, Trần:

  • Chùa Một Cột còn có tên là Diên Hựu hay Liên Hoa đài. Xưa kia, chùa nằm trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây Hoàng thành Thăng Long thời Lý, nay thuộc phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội.
  • Hiện tại, có khá nhiều nguồn sử liệu khác nhau về thời điểm khởi dựng chùa. Chính sử ghi, chùa Một Cột được Vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông tháng mười (âm lịch) năm Kỷ Sửu 1049, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ nhất. Vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen đưa tay dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua kể lại cho các quần thần nghe. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua dựng một ngôi chùa trên cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu mang dáng bông sen nở nên gọi là “Liên Hoa đài”, trong chùa tạc pho tượng Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen như nhà vua đã gặp trong mộng. Các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa tụng kinh, niệm Phật cầu chúc cho vua sống lâu nên gọi là chùa Diên Hựu.
  • Văn bia tháp “Sùng Thiện Diên Linh” chùa Long Đọi (Nam Hà) năm 1121, cung cấp hình ảnh chân thực nhất về ngôi chùa Một Cột thời Lý: “Do lòng sùng kính đức Phật và dốc lòng mộ đạo nhân quả (đạo Phật) nên hướng về vườn Tây Cấm nổi danh (ngôi vườn ở phía tây cấm thành Thăng Long đời Lý) mà xây ngôi chùa sáng Diên Hựu theo dấu vết cũ, cùng với ý mưu mới của nhà vua (ý nói: theo dấu vết lề lối xây dựng chùa đời Lý Thánh Tông, có thêm ý mới của Lý Nhân Tông mà chữa lại chùa đẹp hơn trước)”.
  • Kế tiếp triều đại nhà Lý là nhà Trần ngôi chùa vẫn mang tên Diên Hựu và chùa cũng đã qua nhiều đợt tu sửa, đợt sửa chữa lớn vào năm Thiền Ứng Chính Bình 18 (1249) gần như phải làm lại toàn bộ. Như sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi năm 1249 “mùa xuân tháng Giêng sửa lại chùa Diên Hựu xuống chiếu vẫn dựng chùa ở nền cũ”.
  • Thời Lê, triều đình nhiều lần cho tu sửa, thu nhỏ kích thước đài sen và cột đá. Năm 1838, Tổng đốc Hà Ninh Đặng Văn Hòa tổ chức quyên góp thập phương sửa chữa điện đường, hành lang tả hữu, gác chuông và tam quan. Năm 1802, bố chính Tôn Thất Giao xin đúc chuông mới. Năm 1864, Tổng đốc Tôn Thất Hàm hưng công trùng tu làm sàn gỗ hình bát giác để đỡ tòa sen, chạm trổ thêm công phu tráng lệ. Năm 1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, thực dân Pháp đã đặt mìn phá đổ chùa.
  • Sau ngày tiếp quản Thủ đô, Bộ Văn hóa đã cho phục dựng chùa theo đúng kiến trúc từ thời Nguyễn. So với quy mô và hình thức thời Lý – Trần chùa Một Cột hiện nay đã thay đổi khá nhiều, tuy nhiên, lối kiến trúc nhất trụ vẫn là kiến trúc cơ bản. Chùa Một Cột hiện nay bao gồm đài Liên Hoa hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 3m, mái cong, dựng trên cột cao 4m (không kể phần chìm dưới đất), đường kính 1,2m có cột đá là 2 khúc chồng lên nhau thành một khối. Tầng trên của cột là hệ thống những đòn gỗ làm giá đỡ cho ngôi đài ở trên. Đài Liên Hoa có mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có Lưỡng long chầu nguyệt.
  • Trong quan niệm người Việt, rồng luôn là con vật linh thiêng, biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh. Và hình ảnh “Lưỡng long chầu nguyệt” trên các mái đình đền, chùa chiền không chỉ biểu tượng cho sức mạnh thần thánh mà còn ẩn trong đó những giá trị nhân văn, phản chiếu trí tuệ, ước vọng của con người và nền văn minh cổ xưa.
  • Ngày nay không có những cánh sen trên cột đá như đã nói đến trong bia văn thời nhà Lý, nhưng ngôi chùa dựng trên cột vươn lên khỏi mặt nước vẫn là kiến trúc độc đáo, gợi hình tượng một bông sen vươn lên khỏi ao. Ao được bao bọc bởi hàng lan can làm bằng những viên gạch sành tráng men xanh. Kiến trúc chùa xây dựng gần với kiến trúc nhà Hậu Lê. Trên chùa có lối nhỏ dẫn vào chính điện bằng một cầu thang 10 bậc, gạch chỉ, hai bên có thành tường xây gạch. Nhìn tổng thể ngôi chùa như một bông sen lớn vươn thẳng lên giữa hồ nước chính là sự thanh cao thoát tục của nhà Phật.
  • Tháng 4-1962, chùa Một Cột được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đợt đầu tiên.
  • Ngày 4-5-2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa là “Kỷ lục Việt Nam” và đề cử đến Tổ chức Kỷ lục châu Á. Sau thời gian thẩm định để xác lập, ngày 10-10-2012, tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục châu Á: “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất” cho chùa Một Cột.
   
   
   

+ Tiểu dự án 2: Hoàng thành Thăng Long – Di sản nghìn năm:

  • Trong tiến trình lịch sử trải dài hơn một thiên niên kỷ, di sản Hoàng thành Thăng Long có một giá trị đặc biệt mà những di sản khác ở Việt Nam không có, đó là giá trị văn hóa, lịch sử của cả một dân tộc. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời là Di sản văn hóa thế giới với những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật.
  • Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập vương triều nhà Lý. Tháng 7 năm Thuận Thiên nguyên niên (1010), Lý Thái Tổ khởi sự dời đô ra thành Đại La. Đoàn dời đô của nhà vua vừa đến đất Đại La, vua trông thấy có hình ảnh rồng vàng bay lên trời, bèn quyết định đặt tên cho vùng đất này là Thăng Long. Tên Hoàng thành Thăng Long xuất hiện như thế. Bắt đầu từ đây, Hoàng thành Thăng Long chính thức trở thành kinh đô của một nhà nước độc lập, thống nhất.
  • Cũng vì thế mà năm 1010 trở thành mốc thời gian để người Thăng Long-Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung dùng để tính tuổi cho Thủ đô thân yêu của mình. Dời đô ra Thăng Long, với đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chỉ trong thời gian ngắn, từ mùa Thu năm 1010 cho đến đầu năm 1011, một số công trình cung điện cơ bản nhất của Hoàng thành Thăng Long đã được xây dựng xong.
  • Thời kỳ này, nơi đây được thiết kế xây dựng theo mô hình “tam trùng thành quách” gồm: Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần, mỹ nữ. Tiếp đến là Hoàng thành, là nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Toàn bộ triều đình, cơ quan đầu não của nhà nước phong kiến đều tập trung làm việc ở nơi này. La Thành là vòng ngoài cùng, là nơi ở của các tầng lớp nhân dân và quan lại, đây còn được gọi là khu Kinh thành.
  • Trải qua hơn 1.000 năm, kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay đã chứng kiến biết bao đổi thay bởi các triều đại phong kiến. Các cuộc chiến tranh cũng đã phá huỷ, chôn vùi nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, nhưng dấu tích khu Hoàng thành Thăng Long vẫn còn đó. Ở khu trung tâm vẫn hiển hiện bóng dáng của toà thành cổ hình vuông được xây dựng từ thời Nhà Nguyễn vào năm 1835. Các tên gọi cổng thành xưa vẫn được dùng đặt tên cho các con phố xung quanh thành cổ như: Cửa Bắc, cửa Nam, cửa Đông… Dẫu không còn những cung điện song vẫn còn đó một số công trình di tích dọc theo trục trung tâm của khu Hoàng thành cũ như: Cửa Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu. Tại di tích Điện Kính Thiên ở trung tâm Hoàng thành vẫn còn đôi rồng đá nguyên khối có từ thời Nhà Lê (thế kỷ 15). Cổng thành cửa Bắc cùng những đoạn tường thành Hà Nội còn khá nguyên vẹn.
  • Năm 2010, đúng dịp Hà Nội kỷ niệm Đại Lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, các nhà khoa học đã phát hiện thêm dưới lòng đất nhiều công trình kiến trúc, di tích, di vật khảo cổ vô cùng quý giá về Hoàng thành Thăng Long. Đây là những bằng chứng khoa học khẳng định nơi đây liên tục là trung tâm kinh đô của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Giáo sư sử học Lê Văn Lan từng chia sẻ: “Các di tích phát hiện như một cuốn sách được mở ra, có lớp lang, trật tự. Dưới 4 mét là tầng văn hóa khảo cổ của thành Đại La, thời kỳ tiền Thăng Long. Ở độ sâu 3 mét là tầng văn hóa thời Lý thế kỷ 11-12, còn lên đến 2 mét là lớp văn hóa thời Trần (thế kỷ 13). Những di tích được phát lộ tại khu vực Hoàng thành Thăng Long vào đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long như thể cho ta một cuốn sách trong lòng đất, vô giá, có lớp lang đầy đủ, đủ nhận diện nơi này là chốn kinh đô, trung tâm đất nước suốt cả nghìn năm lịch sử”. 
  • Cùng với những di tích kiến trúc độc đáo, hàng chục ngàn hiện vật tiêu biểu cho các tầng văn hóa các thời kỳ được phát hiện đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVII, xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Mạc, Lê và Nguyễn. Khu vực trung tâm Hoàng Thành hiện có một số công trình kiến trúc thời Pháp thuộc và công trình Nhà D67 với các di tích hầm ngầm, phòng họp dưới lòng đất. Nhà D67 chính là Tổng hành dinh, nơi Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Quân ủy Trung ương đã đưa ra những quyết định lịch sử thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
  • Những công trình này cho thấy, tất cả các cơ quan quyền lực cao nhất qua nhiều thời kỳ lịch sử đều chọn nơi đây làm trung tâm chính trị, trung tâm quyền lực của đất nước. Giá trị nổi bật nhất của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội chính là "bộ lịch sử sống" chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ của Thăng Long-Hà Nội, kể từ thành Đại La thời tiền Thăng Long đến thời đại ngày nay.
  • TS Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, chia sẻ: “Tôi cho rằng, cái đặc biệt nhất chính là bề dày của truyền thống, lịch sử và văn hóa. Nhìn vào khu di tích này, chúng ta trông thấy lịch sử hơn 1000 năm và các tầng văn hóa của nó được tiếp nối một cách liên tục. Trên mặt là thời hiện đại, rồi phía dưới là thời Nguyễn, thời Lê, thời Trần, thời Lý… và dưới cùng là văn hóa Đại La. Mà tính đến nay, việc khai quật các tầng văn hóa này sâu đến 4,5m, có chỗ sâu tới 5m là “kinh khủng” lắm chứ. Phải nói đây chính là “trang sách đất” của dân tộc ta và “trang sách đất” này thậm chí dày bằng hàng chục lần “trang sách đất” của nhiều di sản văn hóa trên thế giới”.
  • Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg xếp hạng di tích Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt. Tiếp đó, 31/7/2010, tại Brasilia, thủ đô Brazil, kỳ họp lần thứ 34 Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO đã biểu quyết thông qua Nghị quyết công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí: Chiều dài lịch sử văn hóa; tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực; các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú.
  • Mang trong mình những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa trong suốt chiều dài 1010 năm, nơi đây tự bao giờ đã trở thành hiện thân của “đất và hồn thiêng Thăng Long”. Hoàng thành Thăng Long không chỉ là niềm tự hào của người dân Thủ đô mà còn là niềm tự hào của tất cả những người con đang mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.
   

+ Tiểu dự án 3: Hình tượng rồng qua các thời kì lịch sử Việt Nam:

 

  • Rồng (long – ) là biểu tượng của sự linh thiêng, của sức mạnh thần thánh và quyền lực các quân vương. Trải qua hơn một ngàn năm tự chủ, tạo hình rồng luôn là hình tượng cao quý và tiêu biểu nhất của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Có thể nói, trong lịch sử nghệ thuật truyền thống, hình tượng rồng là công cụ nhận biết đặc trưng phong cách mỹ thuật của từng thời kỳ trong lịch sử. Cho đến ngày nay, hình tượng rồng vẫn là biểu tượng của niềm tự hào văn hóa lịch sử, tiếp tục được kế thừa, sử dụng trong nghệ thuật hiện đại.

Tạo hình rồng thời Lý:

Là sự chuẩn mực, hoàn thiện cao về trình độ mỹ thuật từ tạo hình rồng đã có trước đó thời Đinh - Tiền Lê.

Một con rồng Lý hoàn chỉnh có thân dài, uốn khúc hình sin, thân mang vảy. Đầu rồng có ngà; bờm và vòi uốn khúc; trên đầu có sừng tạo hình như sừng hươu hay đôi khi như nhánh san hô, ở một số phiên bản phù điêu sừng được tạc giống chữ ω. Móng chân rồng dài nhọn như tạo hình móng của nhiều linh thú khác thời Lý, với số móng đa dạng từ 3, 4 đến 5.

  • Trước kia có nhiều nhận định sai lầm về rồng thời Lý, như rồng thời Lý không có vảy, không có sừng, chân chỉ có 3 móng, phần vòi được gán ghép chủ quan là “mào lửa”. Những nhận định này xuất phát từ cách nghiên cứu chủ quan như bỏ qua nhiều hiện vật, so sánh không đồng đại, cùng tâm lý bài Hán muốn cho con rồng Lý phải khác con rồng Trung Hoa.
  • Thực tế, con rồng Lý vẫn nằm trong luồng phong cách tạo hình rồng của các nước Đông Á cùng thời kỳ như Tống, Cao Ly, Đại Lý,… và có thể nói, con rồng Lý là tạo hình đẹp nhất, xuất sắc nhất, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình rồng Đông Á thế kỷ XI, XII.

Rồng trên mi cửa tháp

chùa Phật Tích thời Lý

Tháp cột đá chùa Dạm

Đầu rồng khai quật

 ở Hoàng thành Thăng Long

Điêu khắc đá rồng thời Lý

 

Tạo hình rồng thời Trần:

  • Rồng thời Trần thời kỳ đầu vẫn là những phiên bản sao chép và kế thừa phong cách rồng thời Lý. Càng về sau, hình tượng rồng càng phát triển đa dạng, không còn thống nhất, khuôn vàng thước ngọc như rồng Lý, mà bắt đầu biến đổi nhiều hình vẻ, mỗi nơi một khác, thể hiện sự tiếp biến và giao thoa mới.
  • Do đó, khó có thể lựa chọn một hình tượng rồng kiểu mẫu thống nhất cho thời đại này. Một số yếu tố khác biệt xuất hiện ở rồng thời Trần có thể kể đến như: cấu trúc thân mập mạp khỏe khoắn hơn; phần vòi ngắn lại và mập hơn, các mép hình “ngọn lửa” thưa nhỏ lại hoặc tiêu biến hẳn rất giống với con rồng Tống, Nguyên đương thời; không còn phần chữ S; phổ biến sừng với kiểu dáng phong phú; bờm xuất hiện loại 2 dải ngắn không vắt lên hay duỗi ra sau mà vòng xuống gáy; vảy xuất hiện nhiều hơn kể cả ở một số phiên bản rồng nhỏ; móng vuốt ngắn và to hơn; xuất hiện nhiều tư thế mới.

Đầu rồng (Con Bồ Lao) ở quai chuông chùa Vân Bản

Rồng trên bức cốn chùa Thái Lạc

Rồng trên bức cốn chùa Thái Lạc

(tiếp theo)

Rồng trên cánh cửa chùa Phổ Minh

Tạo hình rồng thời Lê sơ:

  • Rồng thời Lê sơ là một bước ngoặt trong tạo hình rồng Việt Nam, có thể thấy sự du nhập tạo hình con rồng Minh vào con rồng thời kỳ này.
  • Những khác biệt của con rồng thời Lê sơ so với với các thời đại trước thể hiện rõ nhất ở việc thay thế cái vòi bằng mũi của loài thú ăn thịt (đến thời Mạc lại xuất hiện một số tạo tác mũi trở lại dạng vòi) cùng với cái đuôi cá. Mặt rồng trông dữ hơn, lông mày cùng bộ râu quai nón rậm, thân hình to khỏe cứng cáp kết hợp với mây lửa, thể hiện sức mạnh uy quyền của bậc đế vương với con rồng 5 móng chỉ dành cho hoàng đế.
  • Thoạt nhìn con rồng Lê sơ rất giống con rồng nhà Minh, nhưng nếu quan sát và so sánh kỹ lưỡng, có thể nhận ra nhiều khác biệt đặc trưng mà chỉ con rồng Lê sơ mới có. Rồng Lê sơ cũng như mọi con rồng Việt Nam ở các thời kỳ miệng thường ngậm châu ngọc, phần lông mày và râu quai nón có hình “dấu phẩy” đặc trưng, vây trên thân và đuôi mềm mại hơn con rồng Minh, vây được thể hiện các đường sọc dày, phần râu mép và túm lông ở khuỷu chân luôn được kéo dài bay bổng, phần bờm thường xẻ ra hai bên, xuất hiện tư thế một chân trước cầm lấy râu rất đặc trưng.
  • Hình tượng rồng Lê sơ được kế thừa dưới thời Mạc và vẫn còn được sử dụng sang thời Lê trung hưng đến tận thế kỷ 18 dù có thay đổi ít nhiều.

Rồng trên trán bia Lam Sơn Dụ Lăng

Lăng vua Lê Hiến Tông

Rồng Lê sơ trên đĩa men lam

Tượng rồng Lê sơ ở Điện Kính Thiên

Tạo hình rồng thời Lê trung hưng:

  • Con rồng thời Lê trung hưng là con rồng đa dạng về tạo hình nhất. Là thời kỳ nhiều biến động và cũng là lâu dài nhất trong các triều đại Việt Nam, với sự nở rộ của các kiến trúc đình, chùa mà cho đến nay vẫn để lại kho tàng nghệ thuật đồ sộ, hình tượng rồng cũng vì thế mà rất phong phú.
  • Sự khác biệt đó phân định ở các yếu tố thời gian, vùng miền và chất liệu. Cho đến đầu thế kỷ 18, vẫn tồn tại tạo hình rồng đuôi cá mang những đặc điểm kế thừa từ con rồng Lê sơ – Mạc, song song với đó, con rồng dần được cách điệu cao, hoa văn dáng dấp cứng hơn, nổi bật là râu bờm, mây lửa đều duỗi thẳng sắc nhọn theo kiểu “đao mác” rất đặc trưng của thời đại này.
  • Đầu rồng cũng dần biến đổi, bờm không còn bổ luống mà chia thành từng dải đều nhau, lông mày, râu cằm, lông khuỷu chân loe ra, hai sợi râu mép uốn cong lại. Sang thời Cảnh Hưng gần giữa thế kỷ 18 đã xuất hiện con rồng đuôi xoáy, thân rồng mảnh hơn, tạo hình này xuất hiện sớm nhất có lẽ là con rồng vẽ trên các sắc phong, chính là tạo hình rồng mà đến thời Nguyễn kế thừa lại.
  • Ngoài ra, có sự khác biệt phong cách giữa các vùng Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc đặc biệt ở điêu khắc kiến trúc gỗ, đây là chất liệu mà các nghệ nhân của từng vùng thể hiện sự sáng tạo riêng của mình, không chỉ đẹp về thẩm mỹ mà còn đa dạng về tạo hình, bố cục.

Rồng trên bia đá chùa Đồng Dương, niên hiệu Đức Long, thế kỉ XVII

Rồng trên sắc Cảnh Hưng, năm thứ 3 (1742)

Rồng trên án thờ Văn Miếu,

cuối thế kỉ XVIII

Rồng trên bia “Nam Giao điện bi ký”, thế kỉ XVII

Cánh cửa chạm rồng, chùa Keo

(Thái Bình)

Đầu dư chạm rồng, đình Chu Quyến, thế kỉ XVII

Tạo hình rồng thời Nguyễn:

  • Nhà Nguyễn tiếp tục kế thừa hình tượng rồng này và theo thời gian xuất hiện nhiều biến thể mới. Những thay đổi như về tạo dáng, có thể thấy ở những con rồng thềm bậc, độ uốn khúc không còn đều đặn mà chỉ vồng lên 2 khúc nhỏ dần về đuôi. Trán rồng có phần lõm hơn và bợt ra sau.
  • Đuôi con rồng không còn xoáy nữa mà duỗi ra, hoặc vẫn xoáy nhưng các dải lông thưa thớt và rời rạc chứ không gắn liền nhau, thậm chí có những con đuôi đã cứng với những sợi lông sắc nhọn đâm tua tủa mang ảnh hưởng từ hình tượng rồng Trung Hoa giai đoạn Minh hậu kỳ trở về sau.

Rồng trên hoàng bào thời Nguyễn

Tượng rồng cổ vật thời Nguyễn

Rồng trên cao đỉnh trong bộ Cửu đỉnh đặt tại Thế Tổ Miếu,

làm thời Minh Mạng

Rồng ở lăng Thiệu Trị

Rồng ở Hoàng cung Huế

+ Tiểu dự án 4:  Đình làng trong lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam:

  • Trong văn hóa tín ngưỡng của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, đình làng không chỉ đơn thuần là một địa điểm tâm linh mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng. Đình là ngôi nhà công cộng của cộng đồng làng xã người Việt đã xuất hiện từ rất lâu đời. Giáo sư Hà Văn Tấn. Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết rằng nếu không phải là thời tiền sử thì là thời sơ sử của dân tộc Việt Nam đình làng đã có mặt rồi.
  • Những ngôi đình làng thường được xây dựng ở trung tâm của làng, trên một thế đất cao đẹp, xung quanh cây cối xanh tươi, vút lên là cây đa nghiêng ngả cùng đất trời. Các cây cổ thụ thường được trồng phía sau và hai bên đình, bao bọc lấy cả kiến trúc ngôi đình tạo nên nền cảnh của cảnh quan đình làng, đồng thời cây cối tạo bóng mát cho sân đình và điều hòa khí hậu.
  • Ở các đình làng, cảm hứng sáng tạo chủ yếu là các linh vật, nổi bật là tứ linh và một số con vật gần gũi với đời sống của con người được linh thiêng hóa. Một đặc điểm rõ nét trong kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí ở các đình làng có một mối quan hệ hữu cơ thống nhất.
  • Ngôi đình làng Việt không chỉ là cơ sở tín ngưỡng và nhà hành chính xã thôn thông thường mà chính là linh hồn của làng. Tất cả các sự kiện xảy ra ảnh hưởng đến dân làng đều có liên quan đến ngôi đình làng. Từ tình hình đời sống hưng thịnh hay suy bại, được mùa hay thất mùa, hanh thông hay khó khăn, được tiếng tốt hay tiếng xấu… cho đến những việc sinh nhai, ăn ở, thi cử, sức khỏe, giao tiếp… của toàn thể dân làng tất thảy đều được cho là có nguyên do từ ngôi đình làng.
  • Ngày nay, vẫn còn những ngôi đình mang đậm nét cổ kính rêu phong của một ngôi đình làng cổ xứ Bắc như Đình Chèm - đình của làng Chèm tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội có niên đại cách đây hơn 2000 năm với nghệ thuật chạm khắc độc đáo và công trình kiến trúc tam quan ngoài bố trí đầy đủ tứ linh long, ly, quy, phượng quay ra bốn hướng, tam quan trong xây ba gian, bốn mái và năm cửa ra vào; Đình Tiền Lệ (Hoài Đức) với lối kiến trúc, sắc thái nghệ thuật thời Lê, mang đậm sắc thái xưa cũ bởi hơn 70 năm chưa trùng tu, những sứt sẹo của thời gian vẫn còn nguyên vẹn; Đình Tây Đằng (Ba Vì) - một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo vào loại bậc nhất ở xứ Đoài, có niên đại khởi dựng vào thời Mạc, thế kỷ XVI. Đến nay, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, và lần gần đây nhất là vào năm 2002 - 2004.
  • Đình được xây dựng theo kiểu đình trung bốn mái, hai mái trước và hai mái hồi. Trên đình, giữa mái có lưỡng long chầu nguyệt, hai góc mái là hình hai con rồng lượn đã được cách điệu thành hoa lá, đầu rồng ẩn trong lá. Bốn góc mái là hình rồng lượn, vuốt cong nâng mái đình uyển chuyển, giữa hai đường mái trước là hình khối của hai con lân. Gian giữa thông với hai gian hai bên bằng 3 cửa vòm và thông với đình hậu cũng bằng ba cửa vòm nhưng cửa lại cấu trúc rất thấp, thể hiện một sức mạnh thần bí của tâm linh. Đình Minh Lệ được xây dựng rất công phu, từ các hình khối rồng, phượng, đến các bức vẽ, chạm khắc, thể hiện màu sắc nhất là sự bố trí, cấu trúc các cửa, các cửa vòm liên tiếp nhau, từng mảng, cửa chìm vào tường, cửa thông các gian… tường dày, hơi thấp về độ cao, bố cục trong phép đối xứng, đình hậu lại làm theo kiểu mái cuốn vòm kế tiếp nhau thành hai vòm, càng vào trong càng thấp xuống. Mặt rồng hung dữ, thân rồng thô, chân rồng chắc khoẻ thể hiện thế lực đầy quyền uy của chế độ phong kiến nhà Nguyễn.
  • Tại Nam bộ, làng xã hình thành có nơi từ những nhóm lưu dân có một nguồn gốc và ngôi đình được dựng lên bằng tất cả nỗi nhớ quê hương bất tuyệt. Ngôi đình làng trở thành nơi lưu trữ truyền thống của quê cha đất tổ, là hình ảnh của nước nhà mà qua lễ hội hàng năm lặp đi lặp lại những nghi tiết cổ truyền không bao giờ nhàm chán vì nó gợi đến tình quê hương và nghĩa cử của người công dân đối với quốc gia dân tộc.
  • Tại mỗi làng Việt thờ một hay nhiều vị thần được dân làng chọn làm thần bảo hộ làng gọi là thần Thành hoàng làng. Tôn giáo ấy quá quen thuộc với ta đến nỗi ta không hề nghĩ rằng, đó là một tôn giáo có nội dung tư tưởng triết lý sâu sắc. P. Giran có nhận xét thú vị như sau:
  • “Vị thần bảo hộ làng thể hiện cái cảm nghiệm chung của ký ức và nguyện vọng cộng đồng. Ký ức và nguyện vọng ấy hóa thân vào các nguyên tắc, phong tục, luân lý của làng và cả việc thưởng phạt. Chung quy, lấy việc nhân cách hóa cái quyền lực tối thượng ấy để làm động lực tỏa ra sức mạnh tổng lực của cả cộng đồng và làm sợi dây thiêng liêng nối kết các thành viên của làng thành một khối”.

 

 

Đình làng Chu Quyến (Hà Nội)

Đình Tây Đằng (Hà Nội)

- GV kết thúc tiết học.

HƯỚNG DẪN VỀ NHÀ

- Ôn lại kiến thức đã học trong Chuyên đề 1.

- Hoàn chỉnh các nội dung trong phần thực hành chuyên đề 1.

- Đọc và tìm hiểu trước nội dung Chuyên đề 2 – Chiến tranh và hòa bình trong thế kỉ XX.

 

Tải bản chuẩn giáo án chuyên đề Lịch sử 11 Cánh diều CĐ Thực hành CĐ 1 Hoạt động 3: Dự án học tập về nghệ thuật truyền thống Việt Nam

Nâng cấp lên tài khoản VIP để tải tài liệu và dùng thêm được nhiều tiện ích khác


Từ khóa tìm kiếm:

Tải bản chuẩn giáo án chuyên đề Lịch sử 11 Cánh diều, giáo án chuyên đề học tập Lịch sử 11 Cánh diều CĐ Thực hành CĐ 1 Hoạt động 3:, soạn giáo án chuyên đề Lịch sử 11 cánh diều CĐ Thực hành CĐ 1 Hoạt động 3:

Bản chuẩn giáo án Chuyên đề học tập Lịch sử 11 cánh diều


Copyright @2024 - Designed by baivan.net

Chat hỗ trợ
Chat ngay