Thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống

Với đề văn mẫu lớp 11 kết nối tri thức: Thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống baivan.net tổng hợp nhiều bài viết khác nhau giúp học sinh có thêm nhiều tư liệu tham khảo viết bài. Hi vọng đây sẽ là nguồn tài liệu hữu ích để các em hoàn thiện những bài tập làm văn hay. Kéo xuống để tham khảo

[toc:ul]

Bài văn mẫu 1: Thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống

Xã hội ngày càng phát triển, hiện đại đồng nghĩa với việc con người ngày càng làm ảnh hưởng nhiều tới môi trường sinh thái tự nhiên của trái đất. Rác thải là một trong những vấn đề nhức nhối mà mỗi quốc gia đều phải đương đầu. Vì thế, hạn chế rác thải để môi trường sống ngày càng xanh sạch đẹp là trách nhiệm mỗi cá nhân phải làm.

Rác thải không còn là một điều xa lạ với mỗi con người. Trên những con phố, không khó để ta bắt gặp hình ảnh của những túi rác nằm chênh vênh trên đường phố. Thậm chí ở những nơi mà thùng rác đã được đặt, ta vẫn thấy được rác tràn lan khắp nơi: rác trên vỉa hè, rác dưới cống thoát nước, rác bay loạn xạ mỗi khi trời nổi cơn dông. Túi ni lông, cốc trà sữa bằng nhựa và hàng ngàn những loại rác khác tràn ngập trên đường phố mà chỉ cần một cơn mưa rào là sẽ thi nhau ngụp lặn dưới dòng nước đen ngòm.

Ở những khu du lịch cũng chẳng hơn! Khách du lịch vô tư ném những vỏ bánh kẹo, chai nước vào nơi mà đáng lẽ họ phải chung tay giữ gìn môi trường xanh đẹp. Những con suối, con sông xưa kia nước trong nhìn tới đáy, nay chỉ còn lại một màu đen và những váng nổi lềnh bềnh trông thật gớm ghiếc! Lợi đâu chẳng thấy, chỉ thấy những khu du lịch kia dường như lại là nơi để con người vô tư phá hủy môi trường.

Từ ngày xã hội hiện đại, cuộc sống con người trở nên dễ dàng hơn cũng là lúc rác thải ngày một nhiều lên. Nền công nghiệp phát triển làm ra những sản phẩm không những rẻ mà còn đầy tiện lợi, túi ni lông trở thành một vật liệu phổ biến trong cuộc sống. Và vì thế, rác thải công nghiệp và sinh hoạt ngày một chất đống trong khi chính phủ vẫn loay hoay không biết làm cách nào để tiêu hủy được nó. Rác thải là sản phẩm thừa của một nền công nghiệp phát triển.

Tuy nhiên xét cho cùng thì thực trạng trên cũng đều bắt nguồn từ ý thức con người. Nếu như mỗi người đều có ý thức bảo vệ môi trường và không xả rác một cách bừa bãi thì rác thải đã không có cơ hội “lộng hành” như hiện nay. Tôi đã từng ngạc nhiên tột độ khi một cậu bé vô tư vứt vỏ bim bim xuống hồ nước sau khi ăn xong. Tôi từng ngán ngẩm khi nhìn một đôi bạn trẻ vừa cười đùa vừa ném một túi rác to đùng dưới một gốc cây.

Những hành động đó lí giải nguyên nhân vì sao Việt Nam trở thành nơi chứa rác thải của thế giới theo một nghiên cứu đã chỉ ra. Ý thức yếu kém của một thành phần không nhỏ người Việt Nam đã khiến đất nước ta trở thành nơi tập kết của hàng vạn loại rác thải của thế giới.

Có thể nói rằng rác thải chính là kẻ thù của con người. Nó đã mang đến nhiều hậu quả khôn lường mà mỗi con người chúng ta đang phải gánh chịu. Trước hết, nó khiến môi trường sống của chúng ta bị phá hủy mạnh mẽ. Đâu còn những dòng sông nên thơ lững lờ trôi qua những vùng đất? Đâu còn những con phố đẹp chạy dài tít tắp như vẽ nên một bức tranh?

Ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành một vấn đề đầy nhức nhối mà ai cũng có thể cảm nhận được sự ảnh hưởng tiêu cực của nó tới cuộc sống sinh hoạt của con người. Rác thải đã làm mất đi mĩ quan đô thị mà một thành phố cần có. Tôi đã từng cảm thấy rất xấu hổ khi một vị khách tây đưa máy ảnh lên và chụp một đống rác bên cạnh một di sản văn hóa.

Chắc hẳn rác thải đã khiến hình ảnh của đất nước ta trở nên méo mó trong suy nghĩ của bạn bè thế giới và có lẽ rằng, chúng ta sẽ không có cơ hội chào mừng họ đến du lịch nước ta lần thứ 2!

Ô nhiễm môi trường còn đem đến những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của con người. Rác thải trôi dạt trên những con sông làm ô nhiễm môi trường nước, rác làm ô nhiễm bầu không khí mà chúng ta đang hít thở hằng ngày. Nó lí giải vì sao mà càng ngày con người càng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa mà đặc biệt là ung thư đang đe dọa tới tính mạng con người ngày càng nhiều. Có ai đã từng nghĩ đến một ngày trái đất ngập chìm trong rác thải và tương lai của con em chúng ta sẽ bị dập tắt bởi ô nhiễm môi trường hay không?

Vì vậy, ngay từ hôm nay, mỗi chúng ta cần chung tay để hạn chế rác thải vì một tương lai môi trường xanh đẹp. Chính phủ cần đề ra những chính sách dài hạn trong vấn đề tiêu hủy đống rác thải công nghiệp và sinh hoạt thay vì cứ vẽ ra nhiều khu công nghiệp mà không quan tâm đến hậu quả của nó.

Đề ra những giải pháp cụ thể, nâng cao khả năng tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về vấn đề môi trường là cách để con người đương đầu với rác thải. Bản thân mỗi chúng ta, mỗi công dân của đất nước cần tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động rất nhỏ. Vứt rác đúng chỗ, trồng một cây xanh là chúng ta đang bảo vệ cuộc sống của chính ta và các thế hệ tương lai sau này.

Rác thải sinh hoạt và vấn đề ô nhiễm môi trường không phải có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta cùng chung tay, góp sức, vấn đề nào cũng có thể giải quyết được và một môi trường xanh sạch đẹp sẽ được trả lại nếu ta cố gắng hết sức bảo vệ nó.

Bài văn mẫu 2: Thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống

Hằng ngày, cuộc sống vẫn tiếp diễn và trái đất vẫn quay như quy luật của nó. Và trong nhịp thở hối hả của cuộc sống, có khi nào, mỗi chúng ta nghoảnh lại nhìn hay sống chậm lại để nghĩ về những điều đang diễn ra xung quanh. Vấn đề bạo lực học đường cũng là một hiện tượng kinh khủng và cần báo động.

Bạo lực học đường nguyên nhân từ đâu, diễn ra như thế nào. Có lẽ đây cũng là một câu hỏi không hề khó mà chúng ta có thể nhìn thấy ngay trước mắt. Bạo lực học đường diễn ra khi có mẫu thuẫn giữa giáo viên với học sinh hay là do học sinh với nhau. Nhưng hầu hết các vụ bạo lực học đường đều do học sinh, xô xát nhau. Là những học sinh nên em hiểu rõ hơn ai hết về nguyên nhân của bạo lực học đường. Từ những xích mích nhỏ cũng có thể gây ra những trận đánh nhau, hay cũng do ghen ghét nhau, đố kị nhau…

Về mặt chủ quan, ta dễ dàng nhận thấy kỉ cương trong nhà trường của chúng ta quá lỏng lẻo, chúng ta quá tôn trọng học sinh, thậm chí nhiều trường, nhiều nơi không cho đuổi học học sinh, dù học sinh đó có vi phạm kỉ luật đến mức độ nào đi nữa. Điều đó khiến cho học sinh chẳng còn coi kỉ luật của nhà trường ra gì cả, nên tha hồ đánh nhau, trấn lột lẫn nhau mà cũng không sợ bị đuổi học. Một nguyên nhân chủ quan nữa dẫn đến nạn bạo lực học đường là gia đình thiếu quan tâm đến con em mình.

Cha mẹ chỉ lo làm ăn, cung cấp tiền bạc cho con cái tiêu xài, ngoài ra chẳng biết con cái mình học hành như thế nào? Quan hệ với bạn bè tốt xấu ra sao, quan hệ với thầy cô ở trường như thế nào? Chúng có những suy nghĩ lệch lạc như thế nào về cuộc sống, về xã hội.

Tác hại của bạo lực học đường thì không ai có thể phủ nhận được, nó gây ra những tác hại rất khôn lường. Bạo lực học đường không chỉ mang lại nỗi đau về thể xác mà còn để lại những rạn nứt về tâm hồn và gây cả những tiếc nuối xót xa đối với gia đình, nhà trường, xã hội.

Một vụ bạo lực học đường có thể để lại những vết sẹo, những vết thương trên cơ thể cũng có khi phải trả giá bằng cả tính mạng con người, hàng loạt rắc rối kèm theo. Chắc hẳn các bạn cũng biết đến những clip nữ sinh đánh nhau được post lên mạng. Thật là đáng buồn. Nhưng bạo lực học đường không chỉ gây hậu quả cho bản thân mà còn trở thành vấn đề nhức nhối cho nhà trường, cho ngành giáo dục và cho toàn xã hội.

Vậy làm thế nào để ngăn chặn bạo lực học đường? Về phía nhà trường, giáo dục chúng ta phải lập lại kỷ cương trong nhà trường, dĩ nhiên chúng ta phải đặt nặng vấn đề giáo dục nhưng cũng phải mạnh tay hơn đối với những học sinh quá kém về đạo đức, cần phải mời những em học sinh đó ra khỏi nhà trường, nếu không chúng ta sẽ rơi vào chỗ ảo tưởng hóa về vấn đề giáo dục.

Bên cạnh đó, gia đình cần quan tâm sâu sắc tới con em mình và có mối quan hệ mật thiết với nhà trường, để biết con em mình hàng ngày học hành và sinh hoạt như thế nào?

Hơn nữa, nhà nước cần hạn chế những phim ảnh bạo lực, những quán bar, vũ trường, quán nhậu… và mở ra nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh cho tầng lớp thanh thiếu niên như xây dựng, mở ra nhiều sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… những câu lạc bộ của từng bộ môn trong trường học để các bạn học sinh vừa học vừa chơi, tạo nên sự thoải mái và tình bạn bè gần gũi, thân thiết thì mới mong hạn chế bớt nạn bạo lực học đường. Và đặc biệt mỗi cá nhân phải ý thức được bản thân mình trước tiên, phải biết lên tiếng trước những hành động xấu.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, thì càng phát triển nhưng có những vấn đề đáng sợ gây ra những hậu quả thương tiếc. Là những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường hãy xây dựng tình đoàn kết, yêu thương lẫn nhau đề phòng xảy ra bạo lực học đường.

Bài văn mẫu 3: Thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống

Trên những đường phố lớn của nước ta hiện nay có nhiều vấn đề khiến không ít người nặng lòng với văn hoá nước nhà sửng sốt và lo nghĩ. Không còn là chuyện của những dòng chữ in phun “Khoan cắt bê tông”, không còn là chuyện những tấm giấy A4 nhoè nhoẹt quảng cáo nhà cho thuê, cửa hàng thuốc… Mà đó là chuyện ăn mặc, trang điểm của nhiều bạn học trò tuổi mẹ tuổi sấu. Rõ ràng một trong những vấn đề đặt ra trong đời sống văn hoá giới trẻ hiện nay là việc sử dụng trang phục, cách trang điểm sao cho phù hợp với nền văn hoá xã hội.

Không đặt ra vấn đề đó sao được khi giới trẻ ngày nay có nhiều bạn đang bị cuốn vào cơn lốc thời trang như những con thiêu thân bị cuốn vào vòng xoáy của những bóng đèn. Trong khoảng năm năm trở lại đây, trào lưu thời trang của giới trẻ thay đổi như cơm ăn, nước uống. Nào là thời trang “cosplay”, nào là thời trang “unisex”,… Từ những kiểu quần bò cắt rách te tua, những kiểu tóc vuốt keo dựng đứng đến kiểu trang phục không rõ giới tính, cách trang điểm cầu kì, màu mè, khó hiểu. Đó là chưa nói đến hệ thống “phụ tùng” đi kèm như những chiếc vòng, xích, giày,.. hay các phương tiện đi lại như xe đạp, dây trang trí,… Nhiều bạn tuổi “teen” hiện nay khi ra đường có thể khiến tất cả mọi người ngước nhìn một cách khó hiểu. Nhưng đáng tiếc thay, các bạn ấy lại cho đó là cách thế hiện cá tính, cách làm bản thân nổi bật trước đám đông!

Quả là các bạn có nổi bật! Nổi bật bởi các bạn đang đi ngược lại quan niệm thẩm mĩ của người Việt cũng như tạo ra sự thiếu phù hợp giữa cách ăn mặc với đời sống văn hoá, xã hội. Người Việt Nam thường sử dụng các điều kiện vật chất rất giản dị trong khi những bộ trang phục các bạn đó mang trên mình lại khá tốn kém. Thêm nữa, điều kiện kinh tế nước ta còn hạn chế, sự phô trương trong cách ăn mặc như vậy liệu có nên chăng? Chưa hết. Đang ở lứa tuổi đi học, tiêu tốn tiền bạc của cha mẹ vào những chuyện như vậy chính là cách thế hiện sự phụ công lớn nhất của các bạn đối với những bậc phụ huynh đáng kính của mình.

Các bạn ngụy biện rằng mình sử dụng trang phục như vậy là hợp “mốt” với giới trẻ Mĩ, Nhật cũng ăn mặc như vậy đó thôi. Các bạn lại nhầm thêm lần nữa. Không kể đến việc điều kiện kinh tế – xã hội của những quốc gia đó đặc biệt phát triển (là những cường quốc đứng đầu thế giới về kinh tế) thì chúng ta cũng cần lưu ý rằng giới trẻ Mĩ và Nhật khác chúng ta ở rất nhiều điểm. Người Mĩ không có được nền văn hoá với bề dày mấy nghìn năm như dân tộc ta, tổ tiên người Mĩ là những người di cư từ nơi khác đến, truyền thống văn hoá, cách ăn mặc của họ khác ta. Họ không có những ràng buộc đạo đức về cách ăn mặc, vì vậy họ ăn mặc “tự do” hơn chúng ta. Giới trẻ Nhật thì khác. Nhật Bản cũng là một quốc gia có bề dày truyền thống văn hoá. Nhưng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã có sự chuyển mình dữ dội, đổi lấy sự khôi phục và phát triển về kinh tế, họ chấp nhận để văn hoá Mĩ du nhập một cách ồ ạt, chính khi ấy, nhiều giá trị văn hoá truyền thống của Nhật Bản đã mất đi. Giới trẻ Nhật Bản hôm nay đã mất đi ít nhiều sự định hướng về giá trị văn hoá, họ. nương mình theo cái gọi là “tự do kiểu Mĩ”. Nhìn nhận như vậy đế giới trẻ Việt Nam có sự so sánh đúng đắn với nền văn hoá Việt Nam, từ đó, có sự lựa chọn đúng đắn trong cách suy nghĩ và hành động của bản thân mình.

Hiện đại là điều đáng hoan nghênh. Biết mở cửa để giao lưu văn hóa trong thời hội nhập là điều nên làm. Nhưng hiện đại không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn những điều thuộc về truyền thống. Giao lưu không có nghĩa là bắt chước, bất chấp những quan niệm truyền thống của dân tộc; không có nghĩa là đón nhận rồi hoà tan cái tôi của mình trong đó. Nếu giới trẻ Việt Nam tự lao mình vào vòng xoáy thời trang của nước ngoài như vậy thì một ngày nào đó, thật khó nhận ra những chàng trai, cô gái Việt Nam trên chính đất nước của họ. Tôi đang tự hỏi: Tại sao không thay vì bắt chước dòng thời trang nước ngoài, chúng ta tự tạo nên một dòng thời trang mang nhãn hiệu riêng “Made in Viet Nam”?.

Bài văn mẫu 4: Thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống

Hiện đại là một điều tốt đẹp đáng để mọi người hoan nghênh chào đón và đó là một điều nên làm trong quá trình mở cửa hội nhập với thế giới. Nhưng không có nghĩa có cái mới thì ta xóa bỏ những cái cũ. Bởi những cái văn hóa cũ là nền tảng vững chắc dựng lên cái văn hóa mới. Nếu ta vứt bỏ cái cũ chẳng khác nào chúng ta xây nhà mà không có móng vậy có thành ngôi nhà không hoàn toàn không. Vì thế xã hội ngày càng phát triển thì đời sống văn hóa – tinh thần của con người đang là một vấn đề lớn đặt ra cần con người phải giải quyết.

Khi đi trên những con đường phố ta sẽ bắt gặp rất nhiều phong cách thời trang mới lạ của giới trẻ. Trước kia việc ăn mặc thời trang chẳng có gì để xôn xao bàn bán nhưng hiện nay nó đã trở thành một câu chuyện mà ai cũng biết đến. Những kiểu ăn mặc hở hang không phù hợp với nhiều lứa tuổi vậy mà họ vẫn bon chen nhau đi mua để mặc. Không những vậy cách cư xử lẽ phép đúng với đại đức cũng dần bị xóa bỏ thay vào đó là một thái độ thờ ơ lạnh nhạt chỉ biết mình mà không quan tâm người khác. Và rất nhiều những kiểu văn hóa được các bạn học hỏi du nhập từ bên ngoài vào mà biến nó thành một nền văn hóa không phù hợp với đất nước mình.

Có lẽ vấn đề trang phục và phong cách trang điểm của giới giới trẻ đang là một vấn đề lớn trong xã hội. Nó như có sức mạnh kì lạ đang dần lôi cuốn lớp trẻ vào vòng mù mịt đầy những bóng tối. Con trai thì với những kiểu quần rách vá lung tung thủng thiên địa. Con gái thì thi nhau mặc những chiếc quần chiếc váy hở hang mang phong cách khiêu gợi chẳng ra một thể thống gì và nó cũng chẳng phù hợp. Những cái đó dần làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên thanh cao của một con người, một đất nước dù có thay đổi thì cũng cần nghĩ đến phong cách của dân tộc thay đổi sao cho phù hợp không nên đi quá đà.

Chẳng những thế ngay cả những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, đúng ra ăn mặc đúng phong cách của một người học sinh nhưng thay vào đó là ít mặc đồng phục đi học, biết trang điểm phấn son cho bản thân, đầu tóc thì nhuộm cho nên màu để tạo ra sự khác biệt và ấn tượng cho người khác. Như vậy phong cách truyền thống của một nền giáo dục đang dần bị mờ nhạt đi. Đây không phải là nỗi lo sợ chỉ của riêng thầy cô mà của cả gia đình và xã hội. Sợ các thế hệ tương lai của đất nước ngày càng xa vào tệ nạn và quên đi tương lai tươi đẹp phía trước.

Những điều đó có thể làm cho bạn nổi bật trước những đám đông những cái nổi bật đó lại đang đi ngược lại với văn hóa của dân tộc. Người Việt ta từ xưa đến nay luôn ăn mặc những trang phục giản dị không tốn kém nhưng bây giờ cứ nói đến trang phục là một vấn đề khá tốn kém trong xã hội. Đó là một điều quá lãng phí không biết tiết kiệm dần làm cho tinh thần con người chạy đua theo những thói xấu.

Và dần khi con người quá nhúng sâu vào vấn đề văn hóa xa rời truyền thống thì bản sắc văn hóa truyền thống sẽ bị mờ nhạt mà lãng quên đi thay vào đó là một nền văn hóa mới. Đó là điều không đúng bởi vì có thay đổi có hội nhập thì vẫn phải nhớ đến truyền thống của dân tộc mà ông cha ta bao đời đúc kết để lại chúng ta cần phải phát huy truyền thống mới đúng. Những điều mà được đúc kết thì sẽ chứa đựng những ý nghĩa rất lớn và những lịch sử lâu đời tốt đẹp cần được phát huy của dân tộc.

Các bạn à chúng ta hãy cùng lên tiếng về vấn đề văn hóa tinh thần trong xã hội hiện nay nhé! Cùng nhau khơi dậy những văn hóa tốt đẹp của dân tộc để cùng phát huy trong mọi thời đại và để cho mọi người luôn nhớ những văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Dù đất nước có phát triển hiện đại đến mấy có hội nhập ra sau thì ta vẫn phải giữ được một phần nào nền văn hóa của truyền thống. Có hòa nhập chứ đừng hòa tan để rồi xóa nhòa đi truyền thống của dân tộc. Đó là một điều tốt đẹp nó sẽ làm đẹp cho cả tôi và bạn. Hãy nhớ nhé vì một đất nước văn minh giàu đẹp mà có nhiều ý nghĩa cuộc sống.

Mỗi chúng ta cần phải có ý thức hơn trong việc xây dựng một đất nước giàu đẹp, xã hội công bằng xã hội văn minh, trong những điều đó con người chúng ta, những thành viên xuất phát là những hạt nhân của xã hội cần phải cố gắng phấn đấu hơn nữa để bảo vệ đất nước, ra sức học hỏi để vươn ra năm châu, học những điều hay lẽ phải về cho đất nước Việt Nam.

Văn hóa dân tộc là những điều vô cùng thiêng liêng, và rất đáng được coi trọng, đó là tất cả những gì còn sót lại, và đang được dân tộc Việt Nam lưu giữ từ đời này, qua đời khác, mỗi chúng ta cần phải đóng góp sức lực của mình trong công cuộc bảo vệ nền văn hóa của dân tộc. Hiện nay nhà nước cũng có rất nhiều chính sách để bảo vệ nền văn hóa của dân tộc, trong đó có những di sản không ngừng được phát huy và phát triển ngày càng sâu rộng, thông qua các lễ hội được tổ chức hàng năm.

Mỗi chúng ta cần phải có ý thức và trách nhiệm hơn cho cuộc sống của mình, có như vậy mới làm cho xã hội ngày càng giàu đẹp, và đất nước ngày càng tươi trẻ hơn.

Tìm kiếm google: Văn mẫu 11 kết nối tri thức đề Thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống, bài văn hay lớp 11 về Thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống, những bài văn hay Thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống văn mẫu 11 kết nối tri thức

Xem thêm các môn học

Văn mẫu 11 kết nối tri thức


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com